Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

Thảo luận trong 'Phim tài liệu - Documentaries' bắt đầu bởi co1972nguyen, 1/5/11.

  1. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Theo báo Tiền Phong hãng phim NatGeo có làm bộ phim này Bác nào có up lên để anh em cùng tham khảo và hiểu rõ sự việc.... tốt nhất bằng Mediafire và có Sub Việt càng tốt........ nghe nhiều nhưng chi tiết mâu thuẫn nhau may ra xem phim sẽ hiểu rõ

    Vụ rơi máy bay C-5A ở Sài Gòn 36 năm trước:

    Chuyến bay định mệnh

    TP - Ngày 4-4- 1975, một chiếc máy bay vận tải C-5A Galaxy của Không quân Mỹ mang theo hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến dịch Babylift đâm xuống đất. 155 người với 98 trẻ em, trong số 328 người trên máy bay, thiệt mạng.

    Về sự kiện này, kênh truyền hình NatGeo của Hiệp hội Địa lý quốc gia (Mỹ) đã thực hiện một phóng sự tư liệu ghi lại lời kể của các nhân chứng và diễn biến của chuyến bay định mệnh.

    Tháng 4 – 1975, chính quyền Sài Gòn rơi vào hỗn loạn. Quan quân Sài Gòn tranh giành, tìm mọi cách chạy ra nước ngoài. Giữa lúc ấy, chính phủ Mỹ thông báo sẽ điều máy bay qua Việt Nam di tản hàng ngàn trẻ mồ côi, con lai Việt- Mỹ mất cha mẹ trong chiến tranh. Tổng thống Gerald Ford, người “bấm nút” chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975 dự kiến sẽ đón chào chiếc máy bay khi nó đến San Francisco.


    Ký ức kinh hoàng

    “Hôm ấy là ngày 4-4-1975”, cơ trưởng, đại úy Dennis "Bud" Traynor nhớ lại. Chiếc vận tải cơ C-5A, lớn nhất thế giới thời bấy giờ (và hiện vẫn là máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới) đậu sừng sững trên sân của phi trường Tân Sơn Nhất.

    Nhiệm vụ của Traynor là vận chuyển trẻ em mất cả cha lẫn mẹ trong bom đạn, con ngoài giá thú của lính Mỹ và trẻ bị bỏ rơi. Về chiến dịch Babylift, tác giả Danny Schechter nhận định trong cuốn sách Giải phẫu tin tức: “Có vẻ những người thiết kế chiến dịch mong muốn giảm nhẹ phần nào những khổ đau mà người Mỹ đã gây ra trong một cuộc chiến thất bại”.

    Chiếc C-5A, vừa hạ tải một số khẩu pháo tăng viện cho ngụy quân Sài Gòn, trước đó xuất phát từ căn cứ không quân Clark (Philippines) cùng ngày 4-4. Nó là một vận tải cơ, do vậy có rất ít ghế ngồi được lắp đặt và đương nhiên là có rất ít mặt nạ dưỡng khí trên khoang, cũng không có nhà vệ sinh cho hành khách. Ngoài 150 trẻ em, từ mới sinh đến 3-4 tuổi, trên chuyến bay này còn có một số nhân viên đại sứ quán Mỹ được di tản một cách bí mật. Thậm chí nếu diễn ra suôn sẻ, chuyến bay vẫn hứa hẹn một hành trình kéo dài 20 giờ chẳng mấy dễ chịu tới Philippines, rồi bay tiếp tới San Francisco, Mỹ.

    Với kinh nghiệm của mình, cơ trưởng Traynor hiểu rằng sẽ rất nghiêm trọng nếu có vấn đề gì xảy ra trên không. Sau này, khi giải mã hộp đen, các chuyên gia nghe thấy một giọng nói trong buồng lái trước khi cất cánh: “Nếu chúng ta ở độ cao 37.000 feet (khoảng 12km) và sự giảm áp suất xảy ra nhanh chóng, chắc chắn sẽ có người chết”.

    12 phút sau khi cất cánh, lúc phi cơ đang ở độ cao gần 29.000 feet (gần 10km, nơi không khí rất loãng, không đủ để con người hô hấp), việc không ngờ tới đã xảy ra. Cánh cửa hậu, nằm ở bụng dưới, nơi chất hàng của máy bay C-5A bung ra và bị thổi bay. Ngay lập tức, tình trạng giảm áp suất diễn ra nhanh chóng. Hành khách bị xô ngã, rất nhiều người bị thương. Một vài nhân viên phi hành đoàn ngồi gần cửa bị hút bay ra ngoài phi cơ. Những người còn lại đều bất tỉnh do thiếu dưỡng khí. Các phi công đeo mặt nạ dưỡng khí ngay lập tức và nhận thấy họ đang mất kiểm soát đối với chiếc phi cơ khổng lồ. Ray Snedegar, phụ trách việc lên hàng của chiếc C-5A Galaxy, tìm cách tiếp cận lỗ hổng cuối phi cơ và nhận ra vấn đề chết người: một vài mảnh vỡ của máy bay đã cắt phăng đống dây nhợ của máy bay, trong đó có dây dẫn khí giúp điều khiển phi cơ. “Tôi lặng người trong tiếng gió ù ù, nhìn trân trân vào đám dây cáp lòng thòng, phất phơ như những sợi mỳ Spaghetti”, Snedegar nhớ lại.

    Traynor và lái phụ quyết định quay về sân bay Tân Sơn Nhất ngay lập tức. Lúc này họ đang ở không phận của Vũng Tàu. Hai phi công tìm cách vật lộn để đưa chiếc máy bay to lớn quay lại Sài Gòn.

    Trong lúc ấy, tại khoang hành khách, một số người đã tỉnh, nhờ máy bay hạ độ cao đáng kể. Họ giúp trẻ em đeo mặt nạ dưỡng khí, chiếc C-5A không phải là một máy bay hành khách nên các mặt nạ không được thiết kế cho trẻ em. “Chúng tôi phải bế các em lên cao, gắn mặt nạ dưỡng khí vào”, Linda Adam, một y tá quân y nhớ lại.

    Tuy nhiên, việc điều khiển chiếc máy bay bị thương là vấn đề rất khó khăn đối với Traynor và đồng đội. “Có lúc chiếc máy bay vọt lên cao không cách nào can thiệp, có lúc nó lại lao xuống với tốc độ kinh hoàng”, Traynor kể. “Phải một lúc sau tôi mới nhận thấy, chỉ cần lái là còn hoạt động, các bộ phận hỗ trợ lái đã bị vô hiệu hóa. Vật lộn một lúc, tôi mới dần quen với việc điều khiển để máy bay bay ở một độ cao nhất định. Và tôi mở hết tốc lực để quay lại Tân Sơn Nhất”

    "Một sỹ quan Không lực sau này đã thừa nhận ông đã đốt bỏ hầu như toàn bộ các bức ảnh chụp hiện trường, trừ những bức ảnh chụp phần thân phi cơ nơi có nhiều người sống sót nhất.

    Gần tới Sài Gòn, Traynor quyết định hạ độ cao để hạ cánh. Tân Sơn Nhất hiện ra phía chân trời. Khi còn cách sân bay 5km, Traynor quyết định hạ càng, cua vòng để đưa chiếc C-5A hướng về phi đạo. Nhưng thật không may, máy bay bắt đầu mất độ cao nhanh chóng. Nó lao xuống đất ầm ầm với tốc độ 500km/giờ, gấp đôi tốc độ hạ cánh thông thường. “Tôi cố điều khiển chiếc máy bay ngóc lên nhưng không thể”, Traynor nhớ lại, mắt đỏ hoe. “Lúc ấy tôi đã nói lời tạm biệt vợ”. Chiếc C-5A khổng lồ quết bụng xuống một cánh đồng, bật lên không trung lần nữa rồi rơi xuống đồng lúa ở khu vực Cát Lái (nay là quận 2, TPHCM), trước khi đâm vào một cái mương thủy lợi và vỡ làm bốn mảnh. Bộ phận buồng lái rời khỏi thân, văng ra xa gần 100m. “Sau một tiếng ầm, mọi vật trở nên yên tĩnh”, Traynor nhớ lại.

    Một đội phóng viên truyền hình, khoảng 20 phút trước còn quay những cảnh vẫy tay cười nói khi người ta lên chiếc C-5A ở sân bay thì nay lại có mặt để ghi lại cảnh tang tóc với những xác chết nằm vương vãi trên bùn đất.

    Tuy nhiên, tổng thống Ford vẫn không mất cơ hội chụp hình với những người di tản. Một chiếc máy bay khác đã tới được San Francisco và một nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng đã có mặt ở đó.

    Điều tra

    Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nhà điều tra của Không lực Mỹ cho rằng có bàn tay của những kẻ phá hoại. Hãng sản xuất Lockheed thì đổ cho không quân không bảo dưỡng máy bay đúng cách, còn các luật sư thì bóng gió rằng Lockheed có sơ suất trong thiết kế.

    Trong cuốn Giải phẫu tin tức, Danny Schechter viết: Ngày 5-4, ngay sau khi tổng giám đốc Lockheed Larry Kitchen, người sau này trở thành chủ tịch của hãng chế tạo vũ khí khổng lồ này, đến gặp tướng Carlson của Không lực Mỹ, tướng Warner Newby, người có quan hệ mật thiết với hãng Lockheed và cũng chính là chủ dự án C-5A của Không lực Mỹ, được giao chủ trì cuộc điều tra cho tới nay vẫn trong vòng bí mật. Một sỹ quan Không lực sau này đã thừa nhận ông đã đốt bỏ hầu như toàn bộ các bức ảnh chụp hiện trường, trừ những bức ảnh chụp phần thân phi cơ nơi có nhiều người sống sót nhất. Ông này nói đã nhận được lệnh hủy những tài liệu “không thích hợp”. Khi vụ việc được đưa ra tòa án, đã có thẩm phán gọi vụ này là “sự phá hoại có chủ ý” và “rất đáng đặt câu hỏi”.

    Sau này, người ta tiết lộ rằng không phải tất cả trẻ em trên máy bay là trẻ mồ côi. Một số là con em những người bị cho là “đồng cảm” với Cộng sản miền Bắc bị bắt cóc. Việc điều tra vụ rơi máy bay C-5A còn kéo dài mãi tới những năm 1990.

    Dù có vụ rơi máy bay thảm khốc, chiến dịch Babylift diễn ra trong tháng 4 và 5-1975 đã đưa 2.678 trẻ em Việt Nam và Campuchia qua Mỹ. Trong số này, không ít đã có dịp thăm lại quê hương và đến viếng những người đồng hành kém may mắn hơn mình.

    Xuân Thủy
    [​IMG]
     
  2. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Sau 36 năm mới biết thật sự thông tin này chứ trước đây toàn đổ lỗi do "Việt Cộng" bắn rơi máy bay...... thật ra Mỹ hại Mỹ và giết dân Việt Nam. Bác nào có phim này chia sẻ cho anh em ngâm cứu
     
    hongha123456789 and truongsonvu like this.
  3. anhcos

    anhcos Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    25/6/09
    Bài viết:
    1,410
    Đã được cảm ơn:
    1,949
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Đây là tập SE07E05 của series phim Air Crash Investigation (NGC).

    Xem thêm thông tin series ở đây":
    List of Mayday episodes - Wikipedia, the free encyclopedia


    Rảnh qua lễ tôi sẽ up trọn 8/9 season của NGC (chừng 64 tập).
     
    robotinternet and truongsonvu like this.
  4. leanquan1

    leanquan1 New Member

    Tham gia ngày:
    21/12/09
    Bài viết:
    10
    Đã được cảm ơn:
    1
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    bác anhcos post trước chỉ phim liên quan TSN-VN được không, rất mong !
     
  5. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Tôi đã down toàn bộ hết về rồi nhưng không có tập phim này và season 6 bị trùng lắp link, hy vọng tương lai sẽ có vì đã chiếu trên HD TV rồi
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/11/11
  6. duytran54

    duytran54 Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    10/8/10
    Bài viết:
    2,124
    Đã được cảm ơn:
    1,191
    Nghề nghiệp:
    Tự do
    Nơi ở:
    Việt Nam
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Của các bác đây, cái này nằm trong bộ NGC - Air Air Crash Investigation, nếu không nhầm thì là S06E05 thì phải
    Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/11/11
  7. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Nếu đúng vậy thì quá hay...cám ơn Bác....để minh chứng lịch sử nó là gì
     
  8. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Nhìn lại vụ tai nạn máy bay khủng khiếp ở Việt Nam
    Ngày 4/4/1975, một chiếc C-5A của Mỹ chở hơn 300 người đã rơi gần sân bay Tân Sơn Nhất làm hơn một nửa hành khách thiệt mạng.

    Đầu tháng 4/1975, chính quyền Mỹ khi đó quyết định thực hiện chiến dịch mang tên Babylift đưa hàng nghìn trẻ em mồ côi Việt Nam sang Mỹ. Không ít trong số đó là con của những người lính Mỹ tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

    Chiều ngày 4/4/1975, chiến dịch Babylift bắt đầu, một chiếc vận tải cơ hạng nặng C-5A Galaxy (số hiệu 68-0218) của Không quân Mỹ được điều động để chở khoảng 300 trẻ em tới căn cứ Clark (Philippines) rồi từ đó sẽ được đưa tới thành phố San Diego (bang California, Mỹ).

    Sau khi cất cánh, khi chiếc C-5A đang ở ngoài khơi biển Vũng Tàu, cách đất liền 24km, đang lên độ cao 7.000m thì cửa đuôi bị bung ra. Ngay lập tức, tình trạng giảm áp suất xảy ra. Nhiều hành khách ngất đi vì thiếu oxy, do là máy bay chở hàng nên không có đủ mặt nạ oxy cần thiết. Phi hành đoàn nhanh chóng cố điều khiển máy bay vòng 180 độ quay chở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này chiếc máy bay đã mất ổn định do hỏng một số bộ phận điều khiển đuôi, cánh lái. Nhưng phi hành đoàn nỗ lực duy trì tốc độ 463-481km/h, họ cố gắng đưa máy bay tiếp cận đường băng 25L, sân bay Tân Sơn Nhất..

    Tuy nhiên, do hư hỏng quá nặng, khi còn cách Tân Sơn Nhất vài km, chiếc máy bay khổng lồ quệt bụng xuống cánh đồng rồi bật lên không trung lần nữa trượt dài trên cánh đồng, vỡ làm 4 phần.

    Ngay sau đó, các nỗ lực cứu hộ đã được triển khai. Vụ tai nạn khủng khiếp làm 153 người thiệt mạng (trong đó có 76 trẻ em, 11 thành viên phi hành đoàn…).

    Vụ tai nạn đã gây chấn động cả nước Mỹ khi đó, cuộc điều tra quy mô đã được tiến hành. Các trực thăng Hải quân Mỹ đã tìm thấy được mảnh vỡ cửa đuôi máy bay trên biển từ đó khám phá những lỗi kỹ thuật khóa cửa đuôi là nguyên nhân chính gây ra tai nạn.

    Chiến dịch Babylift vẫn được thực hiện tới ngày 19/4/1975 với 30 chuyến bay mang 2.000 trẻ em đến Mĩ, 1.300 trẻ tới Canada, các nước Châu Âu và Châu Úc. Trong số này có cả những em sống sót sau vụ tai nạn C-5A.

    Phần lớn trẻ em được các gia đình Mỹ và nhiều người nước khác nhận nuôi. Không ít em sau khi trưởng thành đã trở lại Việt Nam gặp lại người thân.

    Dưới đây là một vài hình ảnh vụ tai nạn khủng khiếp ngày 4/4/1975:

    [​IMG]
    C-5A Galaxy là máy bay vận tải hạng nặng của Mỹ, nó được xếp vào là một trong những loại máy bay lớn nhất thế giới. Trong ảnh, chiếc C-5A cất cánh từ Tân Sơn Nhất. C-5A có tải trọng khoảng 122 tấn, nó có chiều dài tới 75,31m, cao hơn 19m, sải cánh 67,89m. C-5A trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy TF39-GE-1C, đạt tốc độ 932km/h, tầm bay hơn 4.000km.

    [​IMG]
    Trẻ em và nhân viên tình nguyện nước ngoài trong khoang chiếc C-5A, đây là máy bay vận tải chở hàng nên không có ghế ngồi.

    [​IMG]
    Trẻ em mồ côi Việt Nam trong khoang chiếc C-5A trước chuyến bay định mệnh.

    [​IMG]
    Gần 1 tiếng sau khi cất cánh, trước C-5A rơi gần Tân Sơn Nhất, trong ảnh là những mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trên cánh đồng.

    [​IMG]
    Cú va đập khi máy bay ở tốc độ 500km/h đã làm buồng lái văng khỏi thân cách gần 100m.

    [​IMG]
    Lính Mỹ tìm kiếm nạn nhân vụ tai nạn

    [​IMG]
    Những em bé may mắn sống sót sau vụ tai nạn.
     
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  9. nguyenvandung0809

    nguyenvandung0809 New Member

    Tham gia ngày:
    15/2/12
    Bài viết:
    80
    Đã được cảm ơn:
    1
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  10. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Chiến dịch Không vận trẻ em VN 1975: Những mảnh đời bị đánh cắpLần đầu tiên một cuốn sách về “Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975” của nhà văn, nhà báo người Mỹ Dana Sachs xuất hiện với những tài liệu, bằng chứng khách quan.Cuốn sách có tên “Những mảnh đời được ban tặng”.

    Tháng Tư năm 1975, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ, Chính phủ Mỹ phát động “Chiến dịch Không vận Trẻ em”, một kế hoạch được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, nhằm di tản và cho đi làm con nuôi nước ngoài gần 3.000 trẻ em Việt Nam. Thường được diễn tả là một nỗ lực nhân đạo vĩ đại, nhưng giờ đây, gần 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Dana Sachs - nhà văn, nhà báo Mỹ - đã tiến hành nghiên cứu lại sự kiện chưa có tiền lệ này một cách kỹ lưỡng hơn. Tác giả cho thấy một chính sách riêng lẻ đã làm thay đổi cuộc đời của hàng nghìn con người, và không phải lúc nào cũng là tốt hơn.

    Trong số 3.000 trẻ em, 80% đã được đưa đến Mỹ, số còn lại được đưa đến Canada, Australia và châu Âu. Mặc dù phần lớn số trẻ này là trẻ mồ côi, vẫn có những em không phải vậy. Thế nhưng những người cứu giúp chúng đã không tạo cơ hội cho các gia đình nhận lại con cái của mình. Với một sự nhạy cảm và cân bằng, Sachs đã làm cho bản miêu tả của mình thêm sâu sắc bằng cách tính đến vô số các góc cạnh của vấn đề: Những bà mẹ đẻ đưa ra quyết định đau đớn là từ bỏ con cái của mình; các nhân viên ở các trại mồ côi, nhân viên quân sự, các bác sĩ cố gắng “cứu giúp” trẻ; các chính trị gia và các quan tòa nỗ lực gỡ rối các vụ tranh cãi; các gia đình nhận nuôi chờ đợi trẻ đến trong lo âu; và chính lũ trẻ, những sinh linh còn non nớt đã phải gắng sức để hiểu điều gì đang diễn ra.

    [​IMG]
    Trang bìa cuốn sách.

    Nội dung cuốn sách đi theo Anh Hansen, người đã rời khỏi Việt Nam trong Chiến dịch Không vận và quay về đoàn tụ với mẹ đẻ của mình sau ba thập kỷ. Thông qua câu chuyện của cô bé Anh và của nhiều đứa trẻ khác, Những mảnh đời được ban tặng sẽ truyền cảm hứng và khích lệ các cuộc đối thoại về cái giá mà con người phải gánh chịu trong chiến tranh, về vấn đề con nuôi quốc tế, các nỗ lực cứu trợ và về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam.

    Trong lời tựa cuốn sách có đoạn: “Và, trẻ cần một 'mái nhà đẹp' hay một 'gia đình ấm' hơn? Nếu như vậy, việc đưa trẻ đi khỏi quê hương mình từ khi còn rất nhỏ, có là sự giúp đỡ thực sự tốt, để rồi những đứa trẻ lớn lên nhận thức về sự thiếu hụt khi được nuôi dưỡng ở nơi không phải là đất mẹ, trong một xã hội ít người giống mình, mãi trăn trở một câu hỏi, tôi là ai, tôi từ đâu tới?”. Đó cũng là vấn đề mà hầu hết những đứa trẻ bị bứng đi khỏi gốc rễ quê hương gặp phải và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của họ.

    Về quá trình tiếp cận với sự kiện này, Dana Sachs kể rằng, trong một lần tìm tài liệu về Việt Nam trên Internet, bà đã tình cờ nhìn thấy một tấm ảnh các trẻ em quấn pijama đặt trong những chiếc hộp nằm trên ghế trong cabin máy bay. Dana Sachs đã bị ám ảnh mạnh bởi bức ảnh này. “Những đứa trẻ này trông giống như những con búp bê mà những đứa trẻ ba tuổi sau khi chơi chán thường vứt ở ghế sofa. Một số đứa đang ngủ. Một đứa nhìn thẳng vào máy ảnh với ánh mắt vừa tò mò vừa xa vắng”, Dana Sachs viết. Từ đó bà bắt đầu tìm kiếm thông tin liên quan đến bức ảnh. Đó chính là dây dẫn để tác giả tiếp cận với cái gọi là “Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975”, tra cứu, tìm hiểu, sưu tầm những thông tin và nhân chứng của sự kiện này.

    Số phận của gần 3.000 đứa trẻ là điều mà chắc hẳn không chỉ tác giả cuốn sách quan tâm. “Sau khi chiến tranh kết thúc, trẻ em trong Chiến dịch định cư ở những ngôi nhà mới và câu chuyện về chúng cũng lùi dần vào lịch sử. Đối với những người theo dõi Chiến dịch, những người vẫn còn có thể nhớ được các sự kiện đó, cụm từ 'Chiến dịch Không vận Trẻ em' gợi lại những hồi ức mơ hồ về lũ trẻ trên máy bay và chẳng có gì hơn nữa. Nhưng có nhiều người, ở Mỹ, châu Âu, Canada, Australia và tất nhiên, ở Việt Nam nữa, vẫn tiếp tục suy tư về những gì đã xảy ra trong quá khứ ấy. Bởi vì, Chiến dịch Không vận đã thay đổi cuộc đời của họ mãi mãi”, Dana Sachs viết trong cuốn sách. Nhiều câu chuyện cảm động về các cuộc gặp gỡ những nhân chứng - nạn nhân của Chiến dịch nói trên đã được bà kể lại trong “Những cuộc đời được ban tặng”. Những đứa trẻ còn rất nhỏ với vùng ký ức mờ nhòe luôn cố gắng để tìm lại lai lịch nhưng gần như là không thể. Mặc dù nhiều người trong số đó được tạo những điều kiện vật chất tốt để sinh trưởng, hiện có công việc ổn định, thành đạt, nhưng trong họ luôn day dứt câu hỏi về nguồn gốc và những người ruột thịt. Ngay cả cái tên thể hiện nguồn gốc Việt cũng rất ít người giữ được.

    [​IMG]
    Tác giả Dana Sachs.

    Chẳng hạn như cuộc tiếp xúc của tác giả với David, một nhân chứng may mắn vì khi bị/ được mang đến Mỹ, anh lớn tuổi hơn những người khác nên còn lưu giữ được chút ký ức: “Anh ấy không biết tên bố mẹ đẻ. Anh ấy không biết tên khai sinh đầu tiên của mình, mặc dù anh nhớ người ta đã gọi anh là “Hen Ly”. Anh cũng không biết nơi mình sinh ra, thậm chí là tuổi của mình (Anh sinh vào một thời điểm nào đó giữa năm 1967 và 1969. Chính điều này đã khiến mọi người xác định anh khoảng 6 đến 8 tuổi khi đặt chân đến Mỹ). Anh tin rằng mình đã sống ở Sài Gòn nhưng không biết một cách chắc chắn. Khi đến Mỹ, David hầu như không có thông tin nhận dạng đi kèm, do đó anh phải trông cậy nhiều vào những ký ức về quãng thời gian cách đây 30 năm. Những ký ức này rất thưa thớt, mỏng manh, gần giống như những giấc mơ siêu nhiên”.

    Không thiếu những cảnh cảm động đậm tính văn học từ những câu chuyện có thật được tái hiện trong cuốn sách. Chẳng hạn như đoạn trích này, vẫn về David, qua lời kể của tác giả: “Một trong những ký ức của David mách bảo anh rằng một lần vô tình anh bị cái bấm móng tay cắt vào tay gây chảy máu. Một cô bé lớn tuổi hơn - có lẽ là chị anh? - hình như đã giúp anh băng bó vết thương. 'Tôi có thể nhìn thấy vết sẹo đó', anh nói với tôi và duỗi tay trên bàn để tôi nhìn. Tôi không chắc rằng anh ấy đang cố chứng tỏ điều anh kể hay anh ấy muốn chia sẻ với tôi mẩu bằng chứng duy nhất này, thứ kết nối anh với cuộc sống anh đã trải qua trước kia ở Việt Nam. Mặc dù tôi nhìn vào làn da nhẵn nhụi trên tay anh một cách kỹ lưỡng, song tôi không thể nhận ra một vết sẹo nào trên đó. David rụt tay lại và nói, nửa như xin lỗi: “Nó rất mờ, vì thế chị không thể nhìn thấy nó lúc này”. Nhưng đối với tôi, rõ ràng là anh ấy nhìn thấy vết sẹo đó.”.

    Dana Sachs được gợi ý nhan đề của cuốn sách từ cuộc trò chuyện với một nhân chứng có tên Bert Ballard. Khi được di tản đến Mỹ, anh là một đứa trẻ còn ẵm ngửa bé xíu. Bert Ballard cho biết anh khuyến khích những người con nuôi đồng cảnh ngộ với mình hãy chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, thay vì ôm lấy mối giận dữ về những gì đã xảy ra. Bert Ballard nói với những người cùng cảnh rằng “đây là cuộc đời mà chúng ta được người ta trao cho” và đưa ra lời khuyên: “Chiến dịch Không vận ấy đã gây ra sự giận dữ ở khắp nơi. Bạn không thể lại gần tất cả những người có trách nhiệm để nói rằng: “Xin chào, ông đã đánh cắp cuộc đời tôi. Ông phải xin lỗi tôi”. Đúng như lời của Bert Ballard, khi đọc những gì được tác giả Dana Sachs tái hiện trong cuốn sách, người ta đã thấy, hàng nghìn mảnh đời đã bị đánh cắp, để rồi nó đã thay đổi mãi mãi, không hẳn là tốt hơn hay xấu hơn, nhưng nhất định, đã không theo cách mà nó (lẽ ra) sẽ diễn ra.

    Trong lời giới thiệu “Những mảnh đời được ban tặng”, nói về cuốn sách của mình, Dana Sachs cũng thừa nhận rằng, “tôi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được công việc này một cách trọn vẹn, thấu đáo và công bằng tuyệt đối” và bà bày tỏ mong muốn: “Tôi chỉ mong rằng, những gì tôi kể lại có thể truyền cảm hứng cho những ai bị tác động bởi Chiến dịch này…”.

    Dana Sachs đã viết về Việt Nam trong 20 năm. Bà là tác giả của Ngôi nhà trên con phố mơ ước: Hồi ký của một phụ nữ Mỹ ở Việt Nam và tiểu thuyết Nếu bạn từng sống ở đây, và đồng tác giả của Hai chiếc bánh thích hợp cho một ông vua: Truyện ngụ ngôn Việt Nam. Sachs là giảng viên Đại học Bắc Carolina-Wilmington; hiện sinh sống tại Bắc Carolina. Cuốn sách “Những mảnh đời được ban tặng” về Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975 của bà do dịch giả Hoàng Nhương chuyển ngữ, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

    Về cơ duyên với Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam Dana Sachs chia sẻ: “Tôi bị Việt Nam cuốn hút ngay từ lần đầu đặt chân đến đây năm 1990. Khi đó, tôi hầu như chưa biết gì về đất nước này, ngoài việc nước Mỹ của tôi từng phát động một cuộc chiến tồi tệ tại đây. Cái cảm giác chuộc lỗi cứ thôi thúc tôi”.

    Dương Tử
     
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  11. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Up lại lên fshare cho các Bác..... Có ai làm sub việt thì hay quá
    Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!
     
  12. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  13. phunn

    phunn New Member

    Tham gia ngày:
    26/8/10
    Bài viết:
    3
    Đã được cảm ơn:
    2
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Tôi là người sống ở thời đó, lúc đó báo chí có nói rõ về vấn đề này là do cửa máy bay bị hở (có lẻ do những người không chuyên nghiệp đóng), không ai đổ lổi cho VC bạn à. Miền Nam và Miền Bắc thời đó tình trạng cũng giống như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên bây giờ, không biết NTT và BTT ai giết dân mình nhiều hơn, khi chiến tranh xảy ra không biết bên nào sẽ cưu mang đồng bào của mình nhiều hơn?
     
  14. phunn

    phunn New Member

    Tham gia ngày:
    26/8/10
    Bài viết:
    3
    Đã được cảm ơn:
    2
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Tôi là người sống ở thời đó, lúc đó báo chí có nói rõ về vấn đề này là do cửa máy bay bị hở (có lẻ do những người không chuyên nghiệp đóng), không ai đổ lổi cho VC bạn à. Miền Nam và Miền Bắc thời đó tình trạng cũng giống như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên bây giờ, không biết NTT và BTT ai giết dân mình nhiều hơn, khi chiến tranh xảy ra không biết bên nào sẽ cưu mang đồng bào của mình nhiều hơn?
     
    truongsonvu and nhtphong like this.
  15. lamuyenhni

    lamuyenhni Member

    Tham gia ngày:
    26/9/12
    Bài viết:
    13
    Đã được cảm ơn:
    4
    Re: Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Ký ức lịch sử đau buồn,người Việt Nam giết hại lẫn nhau.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/4/15
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  16. quangtuan1427

    quangtuan1427 Member

    Tham gia ngày:
    3/2/10
    Bài viết:
    195
    Đã được cảm ơn:
    16
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Chào các bác. Em có serie Mayday - Air crash investigation HD từ season 7 -> ss14. Các bác có thích thì em reup fshare cho ah :D
    Đặc biệt Operation babylifter là s7e4 ạ :)
     
    truongsonvu, bsvhien and cuccu073 like this.
  17. sunny77

    sunny77 Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    6/11/11
    Bài viết:
    893
    Đã được cảm ơn:
    2,084
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    [​IMG]

    Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!


    Up lên cho bác nào nấu sup :)
     
  18. tonthatduc

    tonthatduc Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    19/7/12
    Bài viết:
    252
    Đã được cảm ơn:
    2,255
    Có phụ đề Việt cho phim này rồi.
    Cảm ơn bạn Anabas.
    Các bạn có thể down tại đây.
     
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  19. chimkhongcanh

    chimkhongcanh Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    13/4/10
    Bài viết:
    519
    Đã được cảm ơn:
    484
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Báo chí
    Nơi ở:
    Viet Nam
    Ðề: Phim về chiến dịch Babylift ngày 2-4-1975

    Up đê bạn ới. :)
     
    truongsonvu cảm ơn bài này.
  20. co1972nguyen

    co1972nguyen Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/2/09
    Bài viết:
    752
    Đã được cảm ơn:
    792
    Ngày 4/4, Michael Sơn Phạm, nhà sáng lập tổ chức Trẻ em không biên giới từ Mỹ về thăm Việt Nam. Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), việc đầu tiên ông làm là đi thăm nơi máy bay vận tải quân sự C-5 Galaxy của Mỹ chở hơn 300 người (trong đó có 229 trẻ em Babylift và 85 nhân viên y tế cùng tổ bay) vừa cất cánh đã rơi ở vùng ngoại ô Sài Gòn vào chiều ngày 4/4/1975.
    Ngồi ở ghế sau chiếc taxi, ông tranh thủ chợp mắt sau chuyến bay dài nhưng tiếng khóc ré lên vì sợ của các em nhỏ, hình ảnh người cứu hộ mặt mũi, chân tay lấm lem tất tả thu dọn hiện trường, tìm kiếm các em bé còn sống cứ hiện ra trước mắt ông. ‘Chiến tranh đã đi qua bao năm, nhưng những hình ảnh đó, tôi không thể nào quên. Nó quá đau thương và mất mát’, ông Sơn nói như tự sự.
    16h30 phút, chiếc taxi chở ông đến đường Vườn Lài, P.An Phú Đông, Q.12 - vị trí chiếc máy bay rơi năm xưa. Bước xuống xe, lòng ông trĩu nặng vì cảnh tượng khác lạ quá. Con đê, những thửa ruộng của 44 năm trước đã được phân lô bán nền. Những căn nhà cao tầng nối đuôi nhau mọc lên.

    Ông Sơn vội đi tìm chiếc bàn thờ mà người dân địa phương đã lập cho các bé Babylift. Những năm trước, mỗi lần trở về, việc đầu tiên ông làm là đến đây thắp hương với hi vọng các bé sẽ thấy ấm áp hơn, dù ông biết, hài cốt của các em đã được chôn cất ở nơi khác.
    ‘Tôi chui qua hàng rào tìm kiếm, chỉ thu được mấy mảnh ván vụn. Lư hương không còn nữa’, giọng ông Sơn chùng xuống.
    Lặng người một lúc, ông cùng mấy học trò và người dân địa phương dựng lại bàn thờ, mua trái cây, hoa và hương về thắp. ‘Nơi đây là kỷ niệm, là dấu tích, cũng là nơi các bé Babylift nằm xuống và được sinh ra lần nữa. Tôi muốn, dù đô thị hóa đang phát triển nhưng chiếc bàn thờ phải được giữ lại, để các bé còn sống có dịp về nước sẽ đến’, người đàn ông Mỹ gốc Việt nói.
    Quay ngược thời gian trở về 44 năm trước. Khi đó, ông Sơn Phạm 20 tuổi. Sài Gòn những ngày đầu tháng Tư, nắng nóng, ồn ào…
    Lúc đó, Mỹ đang gấp rút thực hiện chiến dịch Babylift (Chiến dịch Không vận đưa trẻ em Việt qua Mỹ và các nước châu Âu làm con nuôi), từ ngày 2-26/4. Trên 3.000 trẻ em, đa số là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và con của lính Mỹ được sơ tán khỏi Việt Nam. Khoảng 2.000 trẻ em được đưa đến Mỹ trong khi số khác đến Úc, Canada và châu Âu.

    4 giờ 30 phút chiều ngày 4/4/1975, chuyến bay đầu tiên được khởi hành. Máy bay vừa cất cánh thì gặp sự cố. Anh phi công nhanh chóng đưa chuyến bay quay trở lại Tân Sơn Nhất nhưng không kịp nữa. Tiếng nổ lớn làm vị cơ trưởng phải hạ cánh ngay cánh đồng lúa đang đơm bông của quận 12.

    ‘Đang ở nhà, nghe tiếng nổ lớn, tôi nghĩ do pháo đạn. Mãi đến tối, mở đài phát thanh, nghe cô phát thanh viên thông báo, chiếc máy bay chở trẻ em bị rơi, người tôi lạnh toát. Sáng hôm sau, hình ảnh về chuyến bay ngập các trang báo’, ông Sơn hồi niệm về quá khứ.

    Vụ va chạm làm 138 người, trong đó 76 trẻ em Việt Nam thiệt mạng. 176 người trong đó có 150 trẻ em mồ côi, may mắn sống sót. Toàn bộ giấy tờ, vật dụng đã bị ngọn lửa thiêu đốt, 150 bé còn sống được người ta tạo cho một tiểu sử mới, một cuộc đời mới.
    Anh Landon Carnie và chị gái song sinh Lorie Carnie là hai trong số các em may mắn sống sót.
    Ban đầu, người ta cho rằng, hai chị em anh đã thiệt mạng.Thế nhưng sáng hôm sau, người ta thấy hai đứa trẻ khoảng 17 tháng tuổi nằm bên nhau ngay cánh đồng vắng. Xung quanh họ là nhiều thi thể đã qua đời.
    Một người đàn ông Mỹ biết tin máy bay rơi qua truyền hình đã lo lắng cho số phận các em nhỏ, xúc động trước hình ảnh nhìn thấy qua màn hình tivi, ông đã thuê máy bay thương mại của hãng Pan Am Airlines đến đón những đứa trẻ sống sót trong chuyến bay định mệnh ấy về Mỹ an toàn, trong đó có chị em Landon.
    Hai chị em Landon được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi. Ba nuôi Landon làm nông nghiệp ở làng quê nước Mỹ. Mẹ nuôi anh làm việc trong cơ quan nhà nước.
    Trước đó, có hai bé châu Á được ông bà nhận nuôi, vì thế, hai chị em Landon hòa nhập với cuộc sống mới nhanh. Thế nhưng, tuổi đi học với anh lại là một cực hình.
    Chiều cao khiêm tốn, da ngăm, mũi tẹt, tóc đen, Landon thường bị nhóm bạn trong lớp trêu chọc. ‘Các bạn cứ chọc tôi là đứa trẻ đột biến rồi tránh xa. Có lúc, các bạn pha trò để chế giễu tôi. Khi không có giáo viên bên cạnh, tôi bị đánh, vứt cặp sách và sai vặt’, Landon nói với phóng viên.
    Suốt những năm tiểu học, trung học, Landon luôn thấy lạc lõng, tự ti và xấu hổ dù được ba mẹ nuôi yêu thương, dỗ dành. Cậu chỉ thay đổi khi bước vào năm học cuối bậc trung học.
    ‘Ba nuôi nói với tôi: ‘Làm đàn ông phải mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách. Bước qua được mặc cảm con sẽ bản lĩnh’. Tôi bắt tay với ba, hứa sẽ không yếu mềm nữa’, người con trai Việt, có quốc tịch Mỹ nhớ lại.
    Những ngày sau đó, anh tập trung vào việc học và chơi thể thao. ‘Chơi thể thao đã giúp tôi tự tin, mạnh mẽ hơn’ Landon nói.
    Sau giờ học, cậu phụ ba làm rẫy, nhổ cây, trồng cỏ và thu hoạch sản phẩm. Ngày cuối tuần, cậu bé Landon mạnh dạn đi cùng cả nhà đến các trung tâm thương mại, khu vui chơi, cửa hàng ăn uống.
    Năm 20 tuổi, cậu bắt đầu tò mò về nguồn gốc của mình. Được ba mẹ nuôi kể về tuổi thơ cũng như vụ tai nạn máy bay, Landon thấy cuộc đời mình may mắn.
    ‘Tôi chưa bao giờ được biết ngày sinh thật của mình. Với tôi, ngày 4/4/1975 là ngày sinh nhật, ngày sinh ra tôi lần nữa’, Landon khẳng định.
    Anh nghiên cứu kỹ các tài liệu về Chiến dịch Không vận, về vụ máy bay rơi, thông tin các gia đình cho con, những đứa bé Babylift đang sống ở nước ngoài và bày tỏ khát khao được về thăm quê hương với ba mẹ.
    Ban đầu, ba mẹ nuôi Landon không ủng hộ quyết định của con trai. Họ sợ Landon gặp rắc rối. Tuy nhiên, ông bà không thể thắng được cậu con trai đang nuôi khát khao tìm về nguồn cội.
    Năm 1995, Landon cùng mẹ nuôi về Việt Nam. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn sau bao năm xa cách, Landon thấy nơi đây thật gần gũi. Từng dòng xe qua lại giữa ngã tư đèn đỏ, thức ăn đường phố, các di tích lịch sử… nhanh chóng thu hút anh.
    Trở lại Mỹ, anh mang theo những câu hỏi: Mình sinh ra lần đầu ở đâu? Ba mẹ đẻ là ai? Tại sao ông bà lại bỏ mình?…
    Khi trò chuyện với một nữ phóng viên từng là một đứa trẻ Babylift ở Australia đang về Việt Nam tìm cha mẹ đẻ, Landon được cô cho biết về địa điểm xảy ra vụ thảm kịch máy bay năm xưa.
    ‘Nhất định phải về Việt Nam lần nữa. Nhất định phải đến thăm nơi tôi và chị gái được sinh ra lần hai. Nhất định thế’, chàng thanh niên tự sự.
    Năm 2002, Landon đang là thầy giáo tại Mỹ nhưng anh quyết định bỏ ngang. Tạm chia tay ba mẹ nuôi, vợ chồng chị gái, các cháu, Landon mang hành lý về TP.HCM định cư và trở thành giảng viên tại một trường đại học danh tiếng trong thành phố.
    Lần đầu tiên đến nơi chiếc máy bay rơi, chàng thanh niên trẻ như thấy mình đã từng sống ở đó. ‘Đứng ở đó, tôi thấy thật ấm áp’, Landon nói. Anh cho biết, từ đó đến nay, cứ đến ngày 4/4 anh lại đến thắp hương, nghe người ta kể lại câu chuyện của mình và thầm cảm ơn thần may mắn đã ban tặng sự sống cho mình và chị gái.
    Hiện Landon sống ở Quảng Nam và làm kinh doanh tự do. ‘Sống ở Sài Gòn kẹt xe, tắc đường quá, tôi về thôn quê sống cho thoải mái’, Landon nói vui.
    Với những thông tin ít ỏi từ ba mẹ nuôi như: Hai chị em sinh ở Bạc Liêu, được nuôi dưỡng trong một trại trẻ mồ côi tại Sóc Trăng. Vì nghèo, ba mẹ anh phải bỏ con. Landon quyết định lên đường đi tìm.
    Hơn 17 năm qua, anh đến khắp nơi của hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng hỏi thông tin về ba mẹ nhưng không một người nào biết người sinh ra anh và chị gái là ai. Anh cũng đăng thông tin lên các chương trình tìm kiếm, nhờ bạn bè, cộng đồng mạng giúp đỡ nhưng câu hỏi 'Ba mẹ đẻ đang ở đâu? Tại sao lại bỏ mình?', Landon vẫn chưa có câu trả lời.
    ‘Có lẽ mẹ đang ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam này. Tôi sẽ tìm được mẹ. Tôi nhất định sẽ đưa chị gái, các cháu về thăm quê hương’, Landon khẳng định.
    Bà Lưu Thị Long (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, Trảng Bom, Đồng Nai) năm nay bước qua tuổi 84. Hơn 40 năm qua, cứ nhắm mắt bà lại mơ thấy chị Lê Thị Tâm, sinh năm 1970, người con bà đã mang đi gửi tại một cô nhi viện ở Đà Nẵng khi mới 8 tháng tuổi. Mở mắt ra, không thấy con đâu bà chỉ biết ngồi khóc, gọi tên con trong vô vọng.
    Những ngày cuối tháng Tư, ký ức xưa cứ ùa về trước mặt cụ bà quê gốc Quảng Nam.
    Năm 1970, bà Long vừa cấn thai chị Tâm thì người chồng thứ nhất qua đời khi đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ. Một mình sinh đẻ, nuôi hai con thơ, cuộc sống của người mẹ trẻ vất vả đủ đường.
    Chị Tâm được 8 tháng tuổi, một người đàn ông trong làng góa vợ yêu thương bà Long nên bà chấp nhận.
    Ngày bước chân về nhà chồng, bà Long chỉ mang theo hai con lớn còn chị Tâm thì gửi ở cô nhi viện Đà Nẵng.
    ‘Ở đó, con bé được nằm cũi, có nệm, gối ôm, chăn đắp, sữa uống, đồ ăn cả ngày. Ở với mẹ, tôi đi làm cả ngày, không ai chăm’, bà Long nói về lý do gửi con và đinh ninh, mỗi tháng sẽ mang quà bánh, quần áo và tiền đến thăm con.
    Sống với người chồng thứ hai, bà Long sinh thêm 4 người con nữa. Con đông, công việc ở quê không có, vợ chồng bà đưa nhau vào Đồng Nai lập nghiệp.
    Lúc đó, bé Tâm đang tuổi lên 3. Ngày đi, bà đến gặp con rồi đưa cho các sơ ít tiền, mua bánh kẹo, quần áo cho Tâm và xin cho Tâm ở thêm vài năm nữa.
    Được gặp mẹ, Tâm đưa đôi tay nhỏ xíu ôm cổ mẹ, hai má áp vào vai mẹ như không muốn rời. Mẹ về, em khóc, nước mắt nước mũi hòa nhau, đòi đi cùng mẹ. ‘Tôi nói dối con bé, con ở đây mẹ đi mua kẹo, lát nữa mẹ quay lại. Nghe mẹ nói đi mua kẹo, con bé mới ngưng khóc và sà xuống chơi với bạn, đợi mẹ’, bà Long kể, giọng như lạc đi.
    Ngày cùng chồng con bước lên chuyến xe khách tha phương, lòng bà Long nặng trĩu. ‘Cả cuộc đời này mẹ có lỗi với con. Tâm ơi! Nhất định mẹ sẽ làm việc chăm chỉ, kiếm nhiều tiền để bù đắp cho con’, khi đó, bà Long tự hứa.
    Năm 1976, kinh tế khá hơn bà Long về đón bé Tâm vào đoàn tụ thì hay tin con đã dược chuyển qua Mỹ theo chiến dịch Không vận. Nghe tin, bà Long đứng trân trân, hai mắt nhìn vô định.
    ‘Sao người ta đưa nó đi mà không báo cho tôi một tiếng. Tôi chỉ gửi chứ đâu có làm giấy cho’, bà Long kể, nước mắt không ngừng rơi.
    Suốt những năm tháng qua bà Long sống trong hối hận, dằn vặt, nhớ con khôn nguôi. ‘Tôi là một người mẹ tồi. Tôi là người mẹ sinh con ra mà để nó khổ’, bà tự trách mình.
    Ngày sinh của con không nhớ, giấy khai sinh của con chưa làm, hình ảnh của bé Tâm không có, trong ký ức của bà Long, chị Tâm có đôi mắt đẹp, sống mũi cao, làn da trắng và giống mẹ nhất nhà.
    Nhớ thương con, bà Long chỉ biết vùi mình vào làm việc lo cho 6 người con còn lại, một phần như để vơi đi nỗi nhớ bé Tâm. ‘Bây giờ mẹ lớn tuổi nên đỡ rồi. Thời còn trẻ, cứ rảnh là mẹ khóc, tự dằn vặt mình.
    Nghe trên tivi, loa phát thanh có tin một đứa trẻ bị bỏ mẹ lại nghĩ đến chị Tâm rồi khóc, đày đọa mình bằng cách nhịn ăn’, chị Thuỷ, con gái út bà Long nói và cho biết, suốt những năm qua gia đình tìm chị Tâm bằng nhiều cách khác nhau mà chẳng được.
    Năm 1999, nhận được tin báo có người phụ nữ tên Tâm về Đà Nẵng tìm mẹ. Các thông tin nói rằng người đó về tìm bà Long. Đinh ninh sẽ được gặp con gái sau bao năm xa cách, bà bắt xe ra ngay.
    Đến nơi, người ta báo, do không xác minh được người cần tìm nên cô gái kia trở về Mỹ. ‘Nghe người ta nói, chị Tâm xinh đẹp, học giỏi và đang làm tiếp viên hàng không bên Mỹ, mẹ rất tin, đi đâu cũng khoe’, chị Thuỷ nói.
    Cũng vì mong được tìm thấy con gái mà bà Long đã bốn lần bị lừa tiền. Có người đọc được thông tin tìm con của bà đã gọi đến nói chị Tâm đang sống ở chỗ này chỗ kia, kêu bà đưa tiền sẽ dẫn đi gặp. Tiền đưa xong, chờ mãi không thấy người ta gọi, bà biết mình bị lừa.
    ‘Vừa rồi cũng có người nói chị ấy đang ở bên Singapore, kêu chuyển tiền để dẫn đi nhưng gia đình tôi rút được kinh nghiệm rồi’, chị Thủy cho biết.
    Giờ đây, tuổi bà Long đã cao, nghe không rõ, 6 người con của bà ai cũng thành đạt, có của ăn của để. Họ tích cực đi tìm chị Tâm cho mẹ thông qua bạn bè, người thân ở nước ngoài và các chương trình tìm kiếm nhưng đến nay vẫn là con số không’.
    Trong ký ức của cụ bà năm nay bước qua tuổi 84, chị Tâm giờ mới chỉ 3 tuổi. ‘Tôi già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu. Điều tôi mong nhất bây giờ là được gặp nó một lần, để nói: ‘Con ơi! Mẹ xin lỗi’. Người ta nói, nó giỏi làm, đẹp và đang làm tiếp viên hàng không’, hai mắt bà Long ướt nhòe, nói như tự sự.
    Năm 2015, con cháu bà Lê Thị Loan, sinh năm 1937 (thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng, Quảng Ngãi) đọc được bài báo viết về hai chị em anh Landon. Họ đã đưa ngay cho mẹ xem.
    Vừa nhìn thấy bức ảnh khi lớn và lúc nhỏ của chị em anh Landon, cụ bà khi đó 78 tuổi giật mình vì thấy giống hai người con bà đã ký giấy cho đi hơn 44 năm trước. Đưa tấm ảnh áp vào ngực, mắt bà ướt nhoè, tim như thắt lại. Từng ký ức xưa ùa về, hiện ra trước mắt người mẹ nghèo.
    Năm 1974, bà sinh được cặp song sinh, một trai một gái. Con trai đặt tên Tâm, con gái đặt tên Tình. Căng thẳng khi vừa ngược xuôi kiếm cái ăn, vừa chăm đàn con thơ, người mẹ trẻ không đủ sữa cho con bú.
    Đói sữa, cả Tâm và Tình ốm yếu, hay quấy khóc. Những người hàng xóm biết chuyện khuyên bà mang Tâm và Tình đến cô nhi viện gần nhà cho.
    Chồng bà Loan tuyệt đối không nghe nhưng trằn trọc nhiều đêm liền, bà quyết định. ‘Hai con sẽ được ăn no, mặc ấm, cô nhi viện lại gần nhà, nhớ con thì vào thăm’, bà nghĩ.
    Hôm người mẹ trẻ mang con đi cho, thời tiết Quảng Ngãi se se lạnh. Tranh thủ lúc chồng đi làm đồng, bà Loan cho hai con bú thật no, mặc ấm cho con rồi nhờ người hàng xóm đi cùng.
    Rời vòng tay mẹ, hai đứa trẻ khóc không ngớt, mắt nhìn như cầu cứu, nhưng bà Loan vẫn ký giấy rồi quay đi.
    Đoạn đường từ cô nhi viện về nhà, bà Loan nghĩ ra cách nói dối chồng, đã có người nhận nuôi cả Tâm và Tình. ‘Gia đình đó giàu có, các con sẽ có một tương lai tốt’, Loan nói với chồng.
    Ông Nguyễn Văn Giỏ ban đầu tin lời vợ. Nhưng khi xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, ông thấy có gì đó không ổn.
    ‘Ông ngoại bắt bà ngoại phải đi đón cậu và dì về. Ông nói, dù có đói nghèo, vất vả nhưng cha mẹ sinh con ra phải có tránh nhiệm với con’, chị Nguyễn Thị Diễm Tuyết, cháu bà Loan thuật lại lời bà ngoại kể.
    Cuối tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà Loan cùng chồng đi đón hai con út về nhưng không còn kịp nữa. Cả Tâm và Tình đã được đưa đến Đà Nẵng theo chiến dịch Babylift.

    Nghe các sơ trong cô nhi viện nói, bà Loan ngất lịm. Ông Giỏ đứng như pho tượng vô hồn. Trở về nhà, người mẹ ấy sống trong dằn vặt, đau khổ, nhớ con khôn nguôi.
    Ba năm sau, ông Giỏ qua đời, một mình bà Loan nuôi đàn con thơ nên không thể tìm con. Bà đi xem bói, nghe thầy nói, cả Tâm và Tình vẫn còn sống, bà chỉ biết cầu mong, ở đâu đó hai con sẽ khỏe mạnh, được người ta yêu thương.
    ‘Ăn ngủ bà cũng nhắc tên cậu và dì. Hơn 70 tuổi bà vẫn mang vác nặng. Bà nói, chỉ có làm việc mới quên đi nỗi nhớ cậu và dì’, chị Tuyết rơi nước mắt kể về bà ngoại.
    Lúc nhìn thấy tấm ảnh của chị em anh Landon, bà Loan đang bị bệnh nhưng bà vẫn khẳng định với con cháu, hai người trong ảnh là Tâm và Tình. ‘Ảnh chú Landon giống các cậu trong nhà. Còn cô Lorie thì giống mẹ tôi và các dì nhà ngoại. Giống từ làn da, nét mặt, mái tóc hói, dáng người thấp’, chị Tuyết nói.
    Những ngày sức khỏe suy kiệt dần, bà Loan chỉ muốn gặp lại hai người con đã cho năm xưa. Chị Tuyết cùng gia đình liên hệ với người viết bài về chị em anh Landon để xin thông tin nhưng tiếc thay, cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa thể gặp nhau.
    ‘Ước nguyện cuối cùng của ngoại tôi là được gặp cậu út và dì út mà không được. Lúc chuẩn bị ra đi, ngoại nhắn với con cháu bằng giọng yếu ớt, là làm sao tìm cho được dì út và cậu út.
    Nghe lời ngoại, mấy năm qua, cả nhà tôi tích cực liên lạc nhưng dì và cậu vẫn như bóng chim tăm cá’, chị Tuyết nói và cho biết, do hình ảnh, ngày sinh của anh Tâm, chị Tình không có nên gia đình có liên hệ với các tổ chức tìm kiếm mà hồ sơ không được duyệt..
    Từng tiếp nhận nhiều hồ sơ tìm kiếm gia đình của các bé Babylift, ông Sơn Phạm cho biết, hầu hết các trường hợp đều khó tìm vì mọi thứ đã thay đổi, thông tin về nhân thân rất ít. Giấy khai sinh, địa chỉ, tên nhân vật hầu hết mọi người đều không nhớ hoặc không biết.
    Những ông bố bà mẹ cho con đi thì hoặc là đã mất, hoặc lớn tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn.
    Với các bé và người thân trong chuyến bay xấu số, bị rơi sau khi cất cánh thì việc tìm người thân lại càng khó khăn, vì các giấy tờ, hình ảnh, vật làm kỷ niệm đều đã bị cháy hoặc thất lạc.
    Ông kể, trước đây ông về Việt Nam tìm gia đình cho một bé Babylift. Người này có địa chỉ, họ tên, nơi ở của người thân nhưng khi đến nơi mọi thứ đã thay đổi.
    ‘Cha mẹ cậu ấy đã mất. Chỉ còn một người dì là thân nhân duy nhất, nhưng bà tuổi đã cao, không nhớ gì cả. Căn nhà cậu ấy ở trước đây giờ là một ngôi chùa’, ông Sơn nói.
    Nhà sáng lập tổ chức Trẻ em không biên giới cho biết, hầu hết các trường hợp đều không tìm thấy nhau. Những trường hợp tìm thấy là do người đi tìm có hình ảnh, địa chỉ rõ về gia đình hay vẫn còn sống ở địa chỉ cũ.
    Chính vì thế, những cuộc hội ngộ, những giây phút được sum vầy bên máu mủ tình thân vẫn chỉ là giấc mơ của mẹ và những đứa trẻ Babylift năm nào…
     
    truongsonvu cảm ơn bài này.

Chia sẻ trang này