CD tạo ấn tượng cho tôi ngay từ vẻ ngoài của mình. Mặt trước của CD là sự kết hợp hài hòa của những gam màu sẫm mà ưa nhìn nhất có lẽ là những mảng màu nâu-cam-vàng xen kẽ. Không biết có phải trí tưởng tượng của mình thường đi quá xa nhưng ngay từ lần đầu tiên nhìn vào bìa của chiếc CD này, tâm trí mình cứ tự nhiên cho phép tưởng tượng đến một buổi chiều tà xa xứ. Nơi ấy, tôi thẩn thờ bên bến cảng xa lạ, thả ánh nhìn tít tắp vào từng giọt hoàng hôn rực rỡ. Ở nơi xa tít ấy, hoàng hôn vẫn háo hức len lỏi khám phá mọi ngõ ngách của Thế Giới với chút tàn hơi của cuối ngày. Mãi mê rong chơi, rồi hoàng hôn cũng tìm được nơi dừng chân cho riêng mình, hoàng hôn vô tình bị thu hút bởi màu trắng tinh khôi của cánh cò bên bờ lau sậy âm u. Hoàng hôn e thẹn nhạt màu vì những bước chân rong chơi của mình với vô ưu làm sao khi những cánh cò vẫn lầm lũi kiếm ăn bất kể đêm ngày. Rồi hoàng hôn sẫm nâu làm nền tôn vinh cánh cò muốt trắng ấy, tôn vinh tình mẹ bao la như biển trời. Mà có lẽ, cho dù hoàng hôn có giữ mãi vẻ ửng hồng lộng lẫy như thưở ban sơ của mình thì cánh có ấy vẫn thật đẹp, vẫn luôn nổi bật, vì trên đời này còn gì quý hơn tình mẹ thương con, còn gì cao cả hơn lòng hi sinh của mẹ... Không chỉ có phần hình ảnh bắt mắt, CD còn cuốn hút người nghe ngay từ những giai điệu đầu tiên của mình. Ca khúc chủ đề, cúng là ca khúc mở đầu cho CD, Cánh Chim Cô Đơn, không chỉ nhanh chóng dựng lên một không gian nhạc Trịnh đặc trưng, mà đoạn intro với tiếng guitar mượt mà êm ả còn lẹ làng dâng lên trong hồn người biết bao cảm xúc. Vốn là một người khá "kị" giọng hát của Thái Hòa nhưng cũng phải tự thừa nhận rằng anh đã rất thành công trong ca khúc này khi gợi lên 2 mạch cảm xúc song song trong lòng người nghe: mạch cảm xúc bâng khuâng thương nhớ quê hương của người xa xứ trộn lẫn mạch cảm xúc đơn côi của người mẹ nơi quê nhà. Đoạn ending trong trẻo với âm thanh harmonica trung hòa giữa những nốt trung và nốt cao tạo nên một sự lưng chừng bất định không những là cảm hứng cho ta miệt mài day dứt mà còn là một khởi đầu tuyệt vời cho những dòng tâm sự tiếp theo tuôn trào. Phôi Pha tiếp nối ca khúc mở đầu với tiếng sóng biển dạt dào lại càng khiến cho hoàng hôn nơi một bến cảng xa lạ in hằn lên tâm trí. Rồi piano nhẹ nhàng mở đường cho violon vào cuộc cho những tâm sự ào ạt tuôn đổ. Không thực sự ấn tượng hay có thể nói là sẽ rất nhạt nhòa nếu Phôi Pha của Thái Hòa phải đứng cạnh bên Phôi Pha của Tuấn Ngọc, nhưng bản này cũng truyền tải được những cảm xúc rất riêng. Cách hát chậm, trầm và đều của Thái Hòa vô tình tạo nên một nỗi buồn nghe chừng rất dịu dàng nhưng lại xót xa vì sự lê thê của mình. Tôi không rõ ở bài hát này, anh hát về bản thân mình hay hát về người mẹ, nhưng bài hát đã thực sự khiến tôi cảm động khi nghĩ suy về đức hi sinh của những người mẹ. Ở người mẹ, đâu phải không có những nỗi buồn, mà thậm chí còn có rất nhiều nỗi đau. Nhưng vì đàn con, mẹ sẵn sàng kìm nén tất cả, sẵng sàng chịu đựng những nỗi buồn dài thê lương. Tôi thầm ước mong, những người con sẽ luôn biết cách xóa đi những nỗi buồn trên vầng trán mẹ. Hay chí ít, cũng xin sóng gió cuộc đời cuốn trôi đi những buồn đau ấy như tiếng sóng biển êm ái nhạt dần trong đoạn ending của bài hát này. Liền với mạch cảm xúc bâng khuâng của tiếng sóng biển là sự vang lên bất chợt của tiếng đàn bầu, rồi âm vang à ơi thân thương bất chợt từ đâu dội về đưa ta đến với Lời Mẹ Ru của những ngày xa xưa. Đây có lẽ là một trong những bài hát "chất" nhất của CD, cái chất được tạo nên chính từ sự sáng tạo trong cách hòa âm phối khí. Tôi thực sự rất thích âm thanh vui tươi thanh thoát của tiếng guitar trong bài hát này, bởi khi nghe tiếng guitar ấy, ta lại thấy tình mẹ thật cao cả. Dù bao nhọc nhằn chồng chất, dù bao mêt mỏi trong đêm khuya, lời mẹ ru vẫn thật thanh thoát, vui tươi, vẫn luôn tràn đầy tình yêu thương, tràn đầy niềm hạnh phúc vô biên khi lặng lẽ ngắm nhìn giấc ngủ nồng của đàn con thơ. Cái dở của bài hát này là ở sự kết thúc hơi vội vã mà ngay cả tiếng đàn bầu cũng không kìm nén lại được sự vội vã ấy, khiến cho những chiếc lá cũng vội vã rơi, nói cho trần trụi, lá đang rơi ào ào ngoài sân kia. Có thể đây cũng là một ngụ ý về cuộc sống tất bật của mẹ, nhưng dù sao, mình cũng ko quen được với cái ngụ ý ấy. Bài hát kế tiếp lại liên tục tạo nên một ngụ ý khiến tôi không thể quen được. "Và hãy để con được hát cho Mẹ nghe những âm thanh ngọng nghịu khi Em Là Hoa Hồng Nhỏ cho đến lúc nên người." Vẫn biết là thế những sự ngọng nghịu trong bài hát này không có chút tự nhiên nào, thậm chí còn phá hỏng ca từ của nhạc Trịnh, một sự phản cảm khó chấp nhận. Ngoài sự phản cảm ấy ra, thì ca khúc lại một lần nữa khẳng định phần phối khí tuyệt vời của CD này với những âm thanh điện tử thánh thót hòa quyện với tiếng mandoline dịu ngọt cùng sự xen kẽ của tiếng khóc trẻ thơ gợi về cả một khung trời bé thơ yêu dấu. "Tình Mẹ dành cho con dù vượt qua bao nhiêu gian khó, bao nhiêu tuổi đời cũng sẽ mãi là giòng nước chứa chan trôi đi giùm con những phiền muộn đời thường, để Huyền Thoại Mẹ dù có mong manh nhưng vẫn đẹp rạng ngời, và luôn sẵn lòng tha thứ cho những sám hối muộn màng của bao đứa con đã lỡ quên Mẹ trong sung túc thanh bình. Mẹ cũng chính là nguồn cội quê hương, là quê quán tôi xưa, là giọng nói nhu mì của Bên Đời Hiu Quạnh, là đất nước nghìn năm luôn đang rộng lòng tay đón các con về, mong xóa bỏ hận thù và nối liền một vòng tay lớn." Với nội dung ấy, liên tục CD là các bài hát Nối Vòng Tay Lớn, Huyền Thoại Mẹ và Bên Đời Hiu Quạnh. Tất cả, đều là những track nhạc nghe được nhưng do chỉ dừng lại ở phần hòa âm phối khí độc đáo mà thiếu đi sự đủ đầy trong giọng hát của ca sĩ khiến những track nhạc này không thật sự tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe. Và tất cả những dấu ấn ấy được chuyển hết vào sự day dứt trong bài thơ Nhớ Mẹ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài thơ vang vang trên nền piano tưởng chừng thanh thản mà chứa chan tâm trạng thật sự khiến tôi bàng hoàng với những câu thơ "Con sẽ không đợi một ngày kia / có người cài cho con lên áo một bông hồng / mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ..." Như để nhân đôi sự thảng thốt ấy, Đường Xa Vạn Dặm được xếp ngay sau những phím piano cuối cùng của Nhớ Mẹ. Tiếng nhạc điện tử vồn vã vang lên rồi piano và violin lại một lần nữa thủng thẳng kéo trùng mọi cung bậc cảm xúc, thủng thẳng gieo sầu trong tâm trí ai. Thật tiếc là đến đây, Bích Hồng lại không thể đấy những mạch cảm xúc ấy lên đến tột đỉnh, giọng hát của cô không thật trầm mà cũng không thật trong khiến mọi cảm xúc đều bị bỏ rơi dang dở. Nhưng thật may, ending của bài hát đã thay cô thực hiện nhiệm vụ ấy khi với phần bè Amen tha thiết mà nhức nhối, tưởng chừng êm ái mà làm sống dậy bao nỗi bàng hoàng xót xa. Với Nhớ Mẹ và Đường Xa Vạn Dặm, thông điệp cảnh tỉnh những người con hãy thôi thờ ơ với mẹ mình có lẽ đã thật sự đủ đầy. Chính vì thế, CD được tiếp tục bằng một lời dạy của mẹ, một lời dạy ý nghĩa cho cả cuộc đời này, lời dạy Hãy Yêu Nhau Đi. Âm thanh harmonica phóng khoáng vang lên đã, một cách hết sức dễ thương, ép buộc người nghe vô tư yêu đời, yêu người. Phần bè của bài hát này cũng được dàn dựng rất kỹ càng, tuy rất rất chỉnh chu mà vẫn tạo được sự tự nhiên thoải mái cho cảm xúc của người nghe dâng tràn, vẫn giúp cho từng câu từng chữ của bài hát tưởng chừng vội qua nhưng lại thấm thía diệu kỳ. Và cuối cùng, cái kết accapella đã hoàn thành xuất sắc track nhạc tuyệt vời nhất của toàn album, một track nhạc có lẽ sẽ in sâu trong lòng người yêu nhạc Trịnh một thời gian dài. Đi từ những đơn côi trong đời sống, người ta bất chợt nhớ về quê hương, nhớ về người mẹ, bất chợt tực cảnh tỉnh bản thân trước sự thờ ờ của chính mình, để rồi càng thấm thía, càng yêu hơn những lời dạy của mẹ. Nối tiếp, và cũng là bài hát cuối cùng của CD, Ca Dao Mẹ thực sự là một cái kết hoàn mỹ với chất thiền phảng phất đâu đó và giọng hát truyển cảm xuất thần của Thải Hòa. Cho dù phần hát bè của tốp ca MPU không hoàn thành ngụ ý tiếng kinh cầu vọng vang dọc chiều dài của bài hát, nhưng sự ấn tượng của tiếng mõ rải đều ngay từ những nốt nhạc đầu tiên đến những nốt nhạc cuối cùng của bài hát cũng đã tạo được chất thiền rất đặc trưng cho bản nhạc. Chất thiền và cái kết chìm ngập trong tiếng mỏ văng vẳng vang xa đã đã giúp Ca Dao Mẹ nói riêng và CD Mẹ - Cánh Chim Cô Đơn vọng mãi trong lòng người nghe, như tình yêu mẹ cao vời mãi dõi theo đàn con, như ánh mắt thức tỉnh của người con mãi nhớ thương người mẹ... DOWNLOAD HERE
Ðề: Mẹ - Cánh chim cô đơn... Nhớ hồi nẳm (chừng năm 1983, 1984 gì đó) mình có được dịp phỏng vấn cố Ns 1 câu về mẹ và các bài hát của Ns nhưng không được Ns trả lời trọn vẹn, đành tự hiểu thôi tuy câu mình hỏi được chọn là câu hỏi hay nhất.
Ðề: Mẹ - Cánh chim cô đơn... anh có thể up lên lại trang khac dùm em nha. em vào blog không được anh ạh