[Tội phạm] The Shawshank Redemption 1994 1080p BluRay DTS x264-EbP | Internal HDBits, AweSome-HD ~ N

Thảo luận trong 'Fshare.vn' bắt đầu bởi v0minh, 13/5/15.

  1. v0minh

    v0minh Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/12/14
    Bài viết:
    19,418
    Đã được cảm ơn:
    212,069
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Blogger
    Nơi ở:
    Hải Phòng
    [TABLE=align: center][TR][TD=bgcolor: Crimson, align:center]

    The Shawshank Redemption 1994 1080p BluRay DTS x264-EbP


    [​IMG]
    [/TD][/TR][TR][TD=align: center, bgcolor: #FFFFCC]
    Nhà Tù Shawshank

    {Phụ đề tiếng Việt}


    (Tim Robbins, Morgan Freeman, Bob Gunton)

    [​IMG] Ratings: 9.3/10 from 1,444,875 users


    [/TD][/TR][/TABLE]

    [​IMG]

    Thông tin phim. Click HERE:
    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Nội dung phim[/TD][/TR]
    [TR][TD=bgcolor: #FFFFCC]
    Top 250 #1 | Nominated for 7 Oscars. Another 16 wins & 16 nominations
    Từng suýt bị chối bỏ khi mới ra mắt nhưng sau gần 20 năm, bộ phim đầu tay của đạo diễn Frank Darabont đã trở thành một tác phẩm điện ảnh yêu thích nhất của hàng triệu người. Từng có không ít người tự đặt câu hỏi: “Bộ phim nào là hay nhất trong lịch sử điện ảnh?” và dùng nhiều công cụ để tìm kiếm câu trả lời. Nhiều tạp chí điện ảnh, những cuộc bầu chọn khác nhau đem tới nhiều đáp án nhưng trên trang web nổi tiếng nhất về môn nghệ thuật thứ bẩy là IMDB, bộ phim The Shawshank Redemption (tạm dịch là Nhà tù Shawshank) đang đứng sừng sững ở vị trí đáng mơ ước ấy.


    Một kiệt tác suýt bị chối bỏ
    Ra đời năm 1994 và nhận được những đánh giá tương đối tích cực từ giới phê bình nhưng The Shawshank Redemption vẫn ra về trắng tay tại các giải thưởng, đặc biệt là Oscar dù được đề cử ở tận bẩy hạng mục. Lý do đơn giản là bởi năm ấy, làng điện ảnh thế giới chào đón hai bộ phim khác đình đám hơn là Pulp Fiction và Forrest Gump. Không chỉ bị các giải thưởng ngó lơ, đến cả khán giả cũng ngoảnh mặt lại với tác phẩm này khi doanh thu của phim chỉ đạt con số khiêm tốn 28 triệu USD.

    Với thế hệ hiện nay, đây là một bộ phim kinh điển nhưng vào thời điểm The Shawshank Redemption mới ra mắt, thật khó để hút khách tới rạp với một tiêu đề chẳng có chút gì hấp dẫn. Đề tài nhà tù vốn đã kén người xem, chưa kể đa phần thời lượng phim đều là thoại. Các đấng mày râu không mấy hào hứng trước viễn cảnh xem cuộc đời của những phạm nhân nam, trong khi phái nữ chẳng hề thoải mái trước một tác phẩm mà chỉ có đúng hai nhân vật nữ có lời thoại và cả hai đều xuất hiện rất chớp nhoáng.

    [​IMG]

    Nhưng chính những điểm yếu ấy sau này lại khiến bộ phim trở nên nổi tiếng với khán giả bởi họ nhận ra chính trong nơi tối tăm ấy, một khúc ca bất hủ về tình bạn và hy vọng được vang lên. Shawshank là tên nhà tù nơi Andy Dufresne (Tim Robbins) thụ án chung thân do là nghi phạm duy nhất trong vụ án bắn chết vợ và tình nhân của ả.

    Khi bị kết án năm 1947, Andy đang là nhân viên ngân hàng thành đạt và bản án ấy có lẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời anh, bởi làm sao một “ma mới” vốn quen chăn ấm đệm êm như anh có thể sống mãi trong một xà lim tồi tàn, vây quanh bởi những kẻ tù tội? Nhưng không, người đàn ông có dáng vẻ trầm tư ấy vẫn bền bỉ, tìm cách thích ứng với cuộc sống trong Shawshank mà không kêu ca lấy một lời.

    Trong cái nhà tù mà “ai cũng đều vô tội” ấy, Andy làm bạn với những tù nhân khác, như ông già đưa sách Brooks (James Whitmore), tay Heywood (William Sadler) lắm mồm và cũng có không ít kẻ thù như nhóm của tên Bogs (Mark Rolston) bởi sự kiên nghị của mình. Nhưng nổi bật nhất vẫn là tình bạn của anh với Red (Morgan Freeman), một người tù chung thân có khả năng móc ngoặc và tuồn những món đồ hiếm ở ngoài vào cho phạm nhân. Là hai kẻ xa lạ lúc đầu nhưng tình bạn của cả hai càng thêm bền chặt theo năm tháng với bao sự kiện xảy ra, để lại những ấn tượng khó phai cho những ai từng xem phim.

    Sự “cứu rỗi” của Hollywood
    Vào thời điểm Hollywood bắt đầu phát triển mạnh về kỹ xảo và các phim hành động bom tấn, sự xuất hiện của những tác phẩm như The Shawshank Redemption quả thực là sự cứu rỗi cho môn nghệ thuật thứ bẩy (Redemption trong tiếng Anh có nghĩa là “Sự cứu rỗi”). Trong bộ phim điện ảnh đầu tay của mình, đạo diễn Frank Darabont kể một câu chuyện diệu kỳ về tình bạn theo một cách đơn giản nhất nhưng cũng đẹp nhất.

    Cơ duyên để Darabont được làm bộ phim này cũng tới từ tình bạn với một người mà ông chưa từng được gặp cho tới khi chuẩn bị làm phim về Shawshank - cây bút viết truyện kinh dị nổi tiếng Stephen King. Bị ấn tượng mạnh bởi phim ngắn The Woman in the Room (1983) của Darabont, King chủ động liên hệ và trao đổi thư từ với đạo diễn này và quyết định bán bản quyền tiểu thuyết ngắn Rita Hayworth and The Shawshank Redemption với giá rẻ như cho không. Chính Darabont sau này cũng là người chuyển thể lên màn ảnh cuốn tiểu thuyết cùng lấy đề tài nhà tù The Green Mile của Stephen King, một kiệt tác điện ảnh đầy xúc động khác.

    Từ khi còn nằm trên bàn giấy, những cái tên hút khách như Tom Cruise, Brad Pitt, Charlie Sheen hay Harrison Ford được gợi ý để tham gia The Shawshank Redemption, như một sự đảm bảo thành công phòng vé. Nhưng Darabont từ chối bởi ông không muốn những siêu sao điển trai ấy vào vai tù nhân mà cần những diễn viên ít tên tuổi, “bình dân” hơn để đem cho khán giả cảm giác như đang chứng kiến một nhà tù thực sự.

    [​IMG]

    Lựa chọn để Tim Robbins cùng Morgan Freeman đảm nhiệm hai vai chính của Darabont thực sự là những quyết định sáng suốt. Nhân vật Andy khiến người xem bị cuốn theo từ những khung hình đầu tiên với thắc mắc liệu anh có phải một người vô tội. Càng xem, khán giả càng thấy cảm phục người đàn ông này bởi dù có bị đánh đập tàn tệ, dù có nở nụ cười cay đắng khi bị đối xử bất công nhưng không lúc nào ánh mắt anh không sáng lên ngọn lửa hy vọng. Còn Morgan Freeman thì đơn giản là được sinh ra để dẫn dắt câu chuyện với chất giọng hào sảng, ấm áp mang đầy tính chiêm nghiệm cuộc đời của một người đàn ông từng trải.

    Không sử dụng kỹ xảo, các cảnh quay trong phim đều tạo cảm giác chân thực và hướng về ánh sáng, như một dụng ý của Darabont. Nhà tù Shawshank như một xã hội thu nhỏ, với đủ thành phần tốt xấu khác nhau, trong đó có những người hướng thiện như Andy hay Red, có kẻ quen dùng bạo lực để nói chuyện như cai ngục Hadley (Clancy Brown) và cả mưu mô xảo quyệt như giám đốc trại giam Norton (Bob Gunton).

    Chính sự đa dạng này cùng diễn xuất tự nhiên, lôi cuốn của dàn diễn viên đã khiến The Shawshank Redemption không bị lãng quên mà trái lại, ngày càng có sức hút theo thời gian. Năm 1995, một năm sau khi được phát hành, tác phẩm này trở thành bộ phim được thuê băng video nhiều nhất tại Mỹ. Sau này, số lượng video, DVD hay lượt được phát trên truyền hình của The Shawshank Redemption đều đạt mức kỷ lục.

    Nhà phê bình quá cố Roger Ebert đánh giá đây là một trong những phim hay nhất ông từng xem, còn Viện Điện ảnh Mỹ AFI vào năm 2007 xếp tác phẩm ở vị trí thứ 72 trong danh sách phim hay nhất lịch sử Mỹ, vượt qua cả hai đối thủ năm xưa là Pulp Fiction (thứ 76) hay Forrest Gump (94). Còn kể từ năm 2008 tới nay, The hawshank Redemption đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng của IMDB, như một sự ghi nhận của cộng đồng yêu phim trên khắp thế giới.

    Bài ca của tình bạn, sự tự do và hy vọng
    Stephen King là một bậc thầy về viết truyện kinh dị và những tinh hoa trong ngòi bút ấy vẫn được giữ nguyên, nếu không muốn nói là có phần xuất sắc hơn, khi viết nên câu chuyện về Shawshank giàu tính nhân văn. Những câu chuyện trong phim đa phần được diễn ra qua thoại cùng lời bình của Red nhưng vẫn buộc người xem phải dán mắt vào màn hình và khiến họ trải qua đủ cung bậc cảm xúc.

    Trong những lát cắt của cuộc sống nhà tù, Andy hiện lên như một Đấng cứu thế, một biểu tượng của niềm tin. Anh miệt mài viết thư hàng tuần đề nghị được cấp kinh phí xây thư viện trong tù cho tới khi chính phủ “phát ngấy” và buộc phải hỗ trợ Shawshank. Anh giúp tên cai ngục Hadley về công việc tài chính chỉ để đổi lấy một chầu bia cho các người bạn tù và chứng kiến nụ cười trên môi họ. Anh chấp nhận ngồi biệt giam cả tháng liền chỉ để bật một bản nhạc opera qua loa phát thanh của nhà tù, khiến “mọi người đàn ông tại Shawshank đều cảm thấy được tự do, dù chỉ trong tích tắc”. Anh kiên nhẫn xóa mù chữ cho tù nhân trẻ Tommy (Gil Bellows) dù chàng trai này có những lúc tưởng như bỏ cuộc.

    Phim có một sự đối đầu thiện - ác giữa Andy với giám đốc Norton với kết cục đầy bất ngờ. Nhưng giống như một cuốn sách hay, The Shawshank Redemption còn làm được nhiều điều hơn chỉ là giải trí. Xem phim, khán giả cảm thấy trân trọng hơn sự tự do, tình bạn và những điều bình dị nhưng đẹp đẽ trong cuộc sống. Andy là nhân vật tạo nên cảm hứng, hy vọng. Cái kết tác phẩm chính là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời, với màu xanh của bầu trời, biển Thái Bình Dương như đại diện cho một giấc mơ về tình yêu cuộc sống.The Shawshank Redemption gây xúc động không chỉ bởi Andy mà còn ở những mảnh đời khác. Dù đều là phạm nhân và gây ra lỗi lầm trong quá khứ nhưng khi xem phim, khán giả lại dễ dàng yêu mến những Brooks, Red... bởi sự chân thành trong cảm xúc từ họ. Các câu chuyện về những ông già này lại đem tới một góc nhìn khác với sự cô quạnh của tuổi già và nỗ lực tái hòa nhập với xã hội có thể khiến ngay cả phái mạnh cũng rơi nước mắt.

    “Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả” - những từ mà Andy nói với Red cũng ứng nghiệm với The Shawshank Redemption, khi kiệt tác về tình bạn, cuộc sống và hy vọng này sẽ trường tồn mãi trong lịch sử điện ảnh.

    ----------------------------------------------

    The Shawshank Redemption- Niềm tin chiến thắng tất cả
    The Shawshank Redemption- Nhà tù Shawshank là một tác phẩm suýt bị bỏ quên lúc ra mắt sau đó đã được hàng triệu khán giả yêu mến. Tác phẩm không có những yếu tố câu khách,mà chinh phục người xem bằng nội dung đầy nhân văn. The Shawshank Redemption liên tục được đánh giá là bộ phim hay nhất mọi thời đại.

    Ưu điểm :
    - Diễn biến phim tự nhiên, lôi cuốn
    - Lời thoại đắt giá, hài hước nhưng nhiều ẩn ý
    - Xây dựng nhân vật đa dạng, đại diện cho nhiều lớp người trong xã hội
    - Diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên
    - Phim truyền tải nhiều thông điệp đầy ý nghĩa về tình bạn, giá trị của niềm tin

    Nhược điểm :
    Phim gần như không có một nhược điểm nào đáng kể, ngoại trừ việc đề tài và dàn diễn viên không gây được chú ý ngay từ đầu, dễ làm khán giả ngớ lơ.

    Diễn viên, diễn xuất
    Ngay từ ngày đầu ra mắt, sở dĩ The Shawshank Redemption không được chú ý bởi phim quy tụ nhiều cái tên lạ hoắc, gần như chưa có dấu ấn đáng kể nào trong sự nghiệp phim ảnh. Lựa chọn những diễn viên mới toanh sau khi đã bỏ qua hàng loạt những cái tên đình đám là một sự mạo hiểm của các nhà làm phim, và sự mạo hiểm này đã mang lại thành công vang dội.

    [​IMG]
    Vai diễn để đời của Tim Robbins

    Vai nam chính được giao cho một ngôi sao “bình dân” tại thời điểm đó, Tim Robbins, chứ không phải là Tom Cruise, hay Brad Pitt như nhiều người kì vọng, và đây là một lựa chọn rất sáng suốt của đạo diễn. Từng ánh mắt. cử chỉ, cách thể hiện lời thoại của Tim Robbins đều trông có vẻ đơn giản, bình thản nhưng lại xoáy sâu vào tâm lý nhân vật và có sức lay động cảm xúc người xem dữ dội. Đây thực sự là vai diễn để đời trong sự nghiệp của Tim Robbins, và sau vai diễn này, anh cũng không có tác phẩm nào ấn tượng.

    Morgan Freeman cũng là một nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem, và ông chính là người diễn tốt nhất phim, nhiều đoạn lấn lướt cả nam chính. Vẻ ngoài thâm trầm, từng trải, chất giọng nghe có vẻ bất cần, nhưng lại ẩn chứa sự ấm áp, ánh mắt sâu hút như mang hết tất cả những đau đớn trong cuộc đời…Morgan Freeman đem đến lối diễn xuất tự nhiên, mộc mạc và đầy cảm xúc.

    Hình ảnh, âm nhạc
    The Shawshank Redemption không có những cảnh quay hoành tráng, không hành động, cháy nổ, không kỹ xảo hiện đại….Bối cảnh phim đến 90% xảy ra nơi không gian tù túng, chật hẹp của nhà tù. Và thật tuyệt vời, chính trong bối cảnh bức bối đó, tất cả những thông điệp và nhà làm phim muốn truyền tải đã được thể hiện đầy đủ nhất. Phim mang tông màu tối, nhưng không hề u ám, ngược lại rất ấm áp và đem đến ánh sáng hi vọng. Bối cảnh phim tái hiện chân thực cuộc sống tại nhà tù, với những câu chuyện thường nhật, hoạt động của những con người làm việc tại đây……

    [​IMG]
    Bối cảnh phim gói gọn trong không gian nhà tù

    Âm nhạc trong phim không được sử dụng nhiều. Nhà làm phim khá quan tâm đến việc khai thác hiệu quả từ những khoảng lặng, do đó không ôm đồm chèn quá nhiều âm thanh. Nhạc nền rất nhẹ nhàng, chậm rãi, nhưng vẫn có những cao trào khi mạch phim chuyển biến. Nhìn chung, phần âm thanh trong phim ở mức khá.

    Nội dung
    The Shawshank Redemption- Nhà tù Shawshank là câu chuyện về hành trình tìm đến tự do của Andy, một phó giám đốc ngân hàng, bị buộc tội giết vợ và kết án chung thân. Có thể thấy, ngay từ đề tài, The Shawshank Redemption trông đã không hấp dẫn bằng nhiều tác phẩm khác bởi đề tài nhà tù vốn rất kén người xem. Bên cạnh đó, phim cũng không có diễn viên đình đám, không kỹ xảo hoành tráng, ra mắt một cách thầm lặng…Thế nhưng, một tác phẩm không được để tâm từ ngày đầu ra mắt, đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

    [​IMG]
    Bộ phim như một xã hội thu nhỏ

    Thời lượng phim khá dài, nhưng không hề nhàm chán, nhờ vào cách xây dựng các tình huống chắc tay, mạch phim được dẫn dắt mạch lạc, logic và hầu như không có một chi tiết nào thừa thãi. Sức hấp dẫn của phim, đến từ từng câu thoại đắt giá, hài hước và vô cùng sâu sắc. Phim không có cao trào nào quá mãnh liệt, mạch phim khá đều nhưng cái kết của nó đã khiến mọi thứ dường như vỡ òa.

    The Shawshank Redemption xây dựng các nhân vật rất hay, biến nhà tù Shawshank trở thành một xã hội thu nhỏ. Ở đó, kiểu người nào cũng tồn tại, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, ai cũng có lý do để sống và chết theo lý lẽ của riêng mình. Câu chuyện xã hội, với những bức bách, những góc khuất đã được tái hiện hoàn chỉnh trong không gian bức bối của một nhà tù.

    [​IMG]
    Tình bạn vượt qua mọi ranh giới

    Điều luôn tồn tại trong The Shawshank Redemption đó là tình người, và hi vọng. Andy sống trong cảnh ngục tù, nhưng luôn quan tâm đến mọi người, có được người tri kỉ, và không bao giờ tắt hi vọng. Bộ phim, ca ngợi tình bạn, và những giá trị tốt đẹp của ý chí và niềm tin sắt đá. Chỉ cần có niềm tin mãnh liệt, điều không thể cũng biến thành có thể, đó chính là thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải.

    Phim có đáng xem không?
    [​IMG]
    Một cảnh quay ấn tượng trong phim

    The Shawshank Redemption là một bộ phim hay, cực kì hay. Bộ phim, chắc chắn phải nằm trong danh sách nhưngc tác phẩm mà bạn không nên bỏ qua. Đặc biệt, nếu bạn đang cảm thấy mất phương hướng và thiếu niềm tin vào cuộc đời, hãy xem phim, bởi nó sẽ là động lực để bạn bước tiếp cuộc đời này.

    -----------------------------------------------------------------------

    Nhà tù ShawshankBy Hexe
    “Tôi đã phải tự nhủ rằng có những con chim không chịu ở trong lồng. Chúng muốn nhanh nhẹn và hoạt bát. Và khi chúng bay đi, một phần tâm hồn bạn vốn hiểu rằng nhốt chúng lại là một tội lỗi sẽ được thoải mái. Thế nhưng nơi bạn ở sẽ trở nên tẻ nhạt và trống trải khi chúng ra đi. Tôi chắc rằng tôi đang nhớ người bạn của mình.”

    Đó là những suy ngẫm của người tù da đen Red (Morgan Freeman) sau sự ra đi của người bạn mình – Andy Dufresne (Tim Robbin thủ vai). Nhẹ nhàng, dung dị nhưng sâu sắc, những lời lẽ đẹp đẽ ấy khiến cho thế hệ khán giả yêu mến bộ phim “Nhà tù Shawshank” mãi mãi ám ảnh về tình bạn của những người tù Mỹ hồi thập kỷ 30-60.

    Cách đây vài ngày những người có trách nhiệm ở Ohio tuyên bố rằng họ sẽ mở cửa nhà tù Shawshank cả năm để khách du lịch có thể thoải mái đến tham quan. Hành trình trải nghiệm của người thăm quan có thể bắt đầu từ việc xem xét các buồng giam, ra tới khu nhà ăn, phòng giặt đồ, thư viện rồi thậm chí cả đường ống cống. Trước khi cây sồi trong phim bị sét phá hủy vào năm 2011, những người dân sinh sống ở khu vực này nói rằng ngày nào họ cũng phải trả lời và chỉ dẫn cho người qua đường vị trí của cái cây ấy. Sức ảnh hưởng của “Nhà tù Shawshank” – bộ phim của đạo diễn Frank Darabont với tên gốc “The Shawshank Redemption” lớn và kéo dài suốt hai thập kỷ qua. Bởi thế dù lúc ra mắt gặp khó khăn với việc bán vé nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi 20 năm sau, tác phẩm điện ảnh này đến bây giờ vẫn nhận được sự yêu mến cuồng nhiệt đến vậy..

    Bộ phim không có phụ nữ. Đến các nam diễn viên cũng chẳng hề đẹp. Phần lớn bối cảnh trong phim đều diễn ra trong một nhà tù u ám, chật hẹp. Phục trang thì toàn đồ của tù nhân, hoặc những bộ đồng phục tẻ nhạt của đám quản giáo hay những bộ suit chẳng đẹp đẽ, kiểu cách gì của những người tù khi được tha bổng. Không có hiệu ứng hình ảnh của các pha hành động bắt mắt. Không có những siêu anh hùng. Nhưng nó khiến cho gần như tất cả những ai từng xem nó phải thốt lên rằng đó là bộ phim tuyệt vời và xúc động nhất họ từng xem. Bởi nó là một trong những thông điệp mạnh mẽ, bất hủ nhất về tình bạn, tình người, niềm tin vào hy vọng và cuộc sống.

    Shawshank là nơi mà Andy bị kết án chung thân khi là nghi phạm duy nhất trong vụ án bắn chết vợ và tình nhân của cô ta. Đó là năm 1947 và Andy lúc bấy giờ đang là một phó giám đốc ngân hàng thành đạt, tài năng. Bị bắt phải rời bỏ cuộc sống sung sướng và đầy đủ để đến với địa ngục trần gian, nhiều người đã nghĩ rằng Andy sẽ chẳng thể chịu nổi trong ngày đầu tiên ở tù, trong đó có Red. Ông thậm chí đặt cược vài bao thuốc với một người tù khác về điều này. Nhưng Andy câm như hến. Nhiều người nói rằng anh lạnh lùng, khó hiểu, khó gần. Dù đã luôn cố gắng thích ứng và can trường với cuộc sống tồi tệ trong tù nhưng Andy vẫn bị bọn “đại ca” ở đó hành hạ trong suốt hai năm đầu tiên. Trong khoảng thời gian ấy cuộc nói chuyện dài nhất của Andy là với Red khi nhờ ông tìm hộ vài món đồ phục vụ cho sở thích của anh. Red là người tù cũng lĩnh án chung thân có khả năng đem từ bên ngoài những món hàng hiếm cho các phạm nhân khác.

    [​IMG]

    Mọi chuyện chỉ thay đổi sau một lần Andy giúp một tên quản giáo những giấy tờ, sổ sách để hắn lĩnh được trọn vẹn món tiền thừa kế. Anh không còn bị “đầu gấu” đánh nữa và mọi người bắt đầu yêu mến, mộ điệu anh. Trong một dịp tình cờ, Andy đã biết rằng mình bị oan như thế nào khi khám phá ra được kẻ thực sự đã giết hại vợ anh. Nhưng đó lại là lúc bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm. Khi Andy nói với Red về hy vọng, ông bảo rằng đó là một thứ nguy hiểm. Và đúng là Andy đã mạo hiểm cả cuộc đời mình với thứ hy vọng ấy suốt mấy chục năm ngồi tù oan.

    Cứ mười năm một lần, Red lại bị bác đơn xin phóng thích. Khi người ta hỏi rằng liệu ông đã cải tạo tốt hay chưa, Red đều khẳng định và thề có Chúa là ông đã làm được thế. Cho đến một lần, khi đã cảm thấy mệt mỏi bởi việc xin ân xá, khi đã quá quen với nhà tù và cảm thấy an toàn với cuộc sống trong đó, Red trả lời rằng: “Với tôi, ‘cải tạo’ chỉ là từ ngữ hoa mỹ, một từ chỉ mang tính chính trị giống như một bộ comple, một cái cà-vạt và một nghề nghiệp. Ông thực sự muốn hiểu điều gì? Rằng tôi có hối tiếc vì những gì tôi đã làm không ư? Thế ông có tiếc không? Chẳng có ngày nào trôi qua mà tôi không thấy hối tiếc. Không phải vì tôi phải ở đây hay vì ông nghĩ là tôi nên như vậy. Tôi nhìn lại con đường của mình, một đứa trẻ ngốc nghếch đã phạm phải tội lỗi kinh khủng đó. Tôi muốn nói chuyện với nó, nói với nó về nhiều điều nhưng tôi không thể. Đứa trẻ đó đã đi xa, và tất cả những gì còn lại là người đàn ông già nua này. Tôi sẽ sống như thế. Phục hồi nhân phẩm ư? Nó chỉ là một từ nhảm nhí. Thế nên ông tiếp tục đi. Hãy đóng dấu vào giấy tờ và đừng làm phí thời gian của tôi nữa. Bởi vì nói thật, tôi không nói ra những điều nhảm nhí đâu.”

    [​IMG]

    Bộ phim là một sự chiêm nghiệm, cứu rỗi cho tất cả những ai đang loay hoay, xoay sở với những bất hạnh của cuộc đời mình. Nó không chỉ khiến người xem cảm động trước số phận của Andy mà còn cả của những người tù lĩnh án chung thân khác như ông già Brooks (James Whitmore đảm nhiệm) hay Red. Họ đã gây ra tội lỗi, họ đã từng là những ác nhân của xã hội. Red và Brooks đã quá quen với cuộc sống trong tù. Ông già đưa sách thì không thể thích ứng được với cuộc sống ở ngoài tấm song sắt, cô đơn và thực sự lạc lõng, không chịu nổi thế giới thật, nhớ nhà tù lay lắt. Red thì cũng đã từng nghĩ tới cái chết để giải thoát ông khỏi kiếp sống nhàm chán, vô vị sau khi ra tù. Vậy thì tự do lúc ấy có thực sự là việc họ được phóng thích và trở lại cuộc sống bình thường hay không?

    Không. Tự do là ở trong tim, là khi những người đàn ông ấy cảm thấy thanh thản với đời, có bạn bè, có tình cảm, có những trải nghiệm, dù quanh họ là bốn bức tường của nhà tù. Bộ phim có thể khiến đàn ông cũng phải rơi lệ từ bức thư mà Brooks gửi cho các phạm nhân hay dáng vẻ xiêu vẹo, cô quạnh của ông cho đến cái kết đầy bất ngờ và chan chứa hy vọng như màu xanh của biển Thái Bình Dương. Sau những tột cùng của đau đớn, đen tối trong nhà tù Shawshank là hy vọng, như những gì mà Andy đã nói với Red: “Hy vọng là một thứ tốt đẹp, và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả.”

    ---------------------------------------------------------

    The Shawshank Redemption – Định nghĩa lại khái niệm tự do
    Là một phim miêu tả lại nhà tù giả tưởng tại Mỹ, The Shawshank Redemption lại tả lại đỉnh điểm của tự do với ước mơ căng tràn về khát khao được làm chủ tự do của riêng mình.

    Andy, nam nhân vật chính, vào tù bằng một án chung thân oan khi bị buộc tội giết vợ và nhân tình. Và tự do bị phong tỏa bằng những bức tường với cuộc đời của một vị phó giám đốc ngân hàng đang lên. Andy thích nghi với nhà tù như một cách phản kháng duy nhất mà người tù có thể sử dụng khi đã bị nhốt vào củi. Không một lời ca thán, sự im lặng như nung nấu lấy ý chí quyết tâm giữ vững niềm hy vọng nhen nhóm qua thời gian.

    20 năm tù với tất cả những oan ức, với sự tình cờ run rủi, với tình bạn cùng cảnh ngộ thử lửa bền gan, Andy khám phá được sự thật anh ta đã bị người khác gài như thế nào, đã cay đắng trước sự nghiệt ngã của số phận ra sao. Và khi đó anh hiểu ra, những quản ngục, những giám đốc nhà tù đã lợi dụng anh không thương tiếc như thế nào. Cái án chung thân khiến họ ỷ y rằng Andy chẳng thể nào thoát khỏi sự quản thúc của họ, nên họ bằng mọi thủ đoạn tìm cách giữ nguyên hiện trạng tù túng mặc cho số phận Andy có ra sao, dù cho có phải giết đi một tính mạng của một con người có thể minh chứng cho sự vô tội của kẻ giết vợ.

    Và chính đó là giọt nước tràn ly, hình thành nên ngọn sóng phản kháng để Andy chịu đựng hằng đêm trong ngục tối, chịu đựng hơn nửa km để tìm kiếm lại tự do. Andy ra đi và trả thù những con người đã lợi dụng anh, đã muốn nhấn anh mãi mãi vào vũng bùn đen tối nhơ nhớp dưới án chung thân để phải cun cút tự nguyện phục vụ họ. Tất cả đã tạo nên một ý chí bức phá cần phải tìm lấy một nền tự do cho riêng mình của Andy. Một niềm tự do khiến anh được tự do vẫy vùng, được thênh thang bước đi, được ngập ngụa vào tận hưởng trong sự mênh mông của biển cả. Một nền tự do thoát ly, một nền tự do hoan hỷ được là chính mình, được chinh phục chính sự tự do ấy. Một nền tự do không bị ràng buộc bằng cách thức gì nữa, một nền tự do không bị ai khác cầm quyền lợi dụng nữa.

    Andy ra đi, chỉ để lại một mối liên hệ duy nhất với Red, người bạn tù vong niên bằng một địa điểm Zihuatanejo vu vơ. Tình bạn để họ đủ thân để lại dấu vết cho nhau. Một tình bạn đã bắt đầu trong cảnh ngộ giống nhau để rồi hiểu nhau bất ngờ. Để hiểu rằng họ cần tự do, cũng như cần nhau vui vầy bên bàn cờ vua quá vãng, bên những kỷ niệm ẩm thấp vấn vương ám ảnh. Tình bạn của những con người đã lạc vào ngục tù để rồi khó có thể hòa nhập với sự tự do được định nghĩa bằng số đông. Chính vì thế, với cái cách mà Andy đã đi tìm tự do trong tăm tối, trong hoang mang chính là cách mà một người tù đã định nghĩa lại tự do cho số đông hiểu, sự tự do nằm sau trong cảm nhận của từng người, với sự từng trãi của họ, với những thói quen, với những hoàn cảnh, với những bó buộc, cũng như với những nỗi sợ hãi chính sự tự do đó.

    Những năm tháng ngục tù nói cho cùng lại là những tháng ngày bình yên, khi những người thụ án chung thân dường như hiểu, gắn bó với điểm dừng cuộc đời của họ. Họ ở đó, trong sự quản thúc, trong sự sợ hãi nho nhỏ, trong sự bí bách của bốn bức tường nhưng họ được bao bọc bởi chính nó, bởi chính nỗi sợ hãi nho nhỏ trước đất trời và lòng người bao la trong xã hội ngoài kia. Nhà tù, mặt khác, đối với họ chính là ngôi nhà của chính họ, chính là nơi nương nấu đối với những kẻ đã bị xã hội truất quyền, đã bị xã hội từ bỏ. Và chính vì thế, với chính họ, nền tự do mà họ mong muốn sau những năm dài trong tù không phải là được ra tù, mà là tìm được một nền tảng bình yên thu mình lại và hòa mình vào nền tảng bình yên đấy. Một nền tảng bình yên cưu mang họ trước bấp bênh của cuộc đời, những người đã đứng yên với sự chuyển động xã hội ngoài kia, những con người đã lạc bước vào quá khứ khi người khác trôi chảy vào tương lai. Họ là những con người đã lỡ bước trên cuộc đời, đã dang dở cả số phận. Thế nên nền bình yên mà họ đầm lại chỉ có thể là nền bình yên do chính họ xây dựng bằng khao khát, bằng cái tâm bình yên trước sóng dữ đời to.

    Và chính nền bình yên đó mà The Shawshank Redemption đã miêu tả lại thành công ý tưởng của Stephen King, một ý tưởng bạo liệt khi đặt con người vào lòng bình yên do chính họ dựng nên, với sự tự do và bình yên tan vào đại dương mênh mông, một nền bình yên phù hợp nhất đối với những con người cô độc trong thời gian. Một ý tưởng đã bắt đầu và kết thúc bằng tất cả quyết tâm, ý chí và sự kiên nhẫn cùng cực để thỏa nguyện bình yên.

    ohanamivn

    -----------------------------------------------------------------

    Phim cho những ai muốn tìm hiểu về Ma Kết
    Review phim: (lấy nguồn từ tinhte.vn)

    Năm 1947, Andy Dufresne (Tim Robbins) phải chấp hành hai án tù chung thân tại trại giam Shawshank vì tội giết vợ và nhân tình của vợ, mặc dù anh luôn miệng kêu oan. Vụ án gây xôn xao dư luận, bởi Andy là phó chủ tịch ngân hàng Portland, một nhà băng nổi tiếng. Động cơ giết người đã rõ ràng (vì ghen tuông), khẩu súng gây án cũng thuộc về Andy. Những chứng cứ trên hiện trường cũng chống lại anh. Chỉ có mỗi điều người ta bỏ sót: khẩu súng gây án đã bị ném xuống sông và cảnh sát chịu không thể nào vớt được. Người ta chỉ biết đến sự xuất hiện của nó trong vụ án nhờ thái độ thành khẩn của Andy.

    Dáng vẻ trí thức, tác phong đĩnh đạc của một người từng sống trong giàu sang biến Andy thành người lạc lõng trong nhà tù Shawshank. Ngay cả những cảnh sát trong trại cũng thấy “ngứa mắt” khi nhìn thấy anh. Người duy nhất không giễu cợt Andy là Ellis Boyd Redding (Morgan Freeman), thường được gọi là Red, một tù nhân da đen đã bóc được gần 20 cuốn lịch. Ban đầu, Red coi anh là đối tượng lý tưởng cho những trò cá cược, đổi chác của ông ta.

    Trái ngược với nhận định của đám tù nhân thô lỗ, Andy tỏ ra lì lợm ngay từ ngày đầu vào trại. Anh không hề than vãn và cũng chẳng thèm nói chuyện với ai suốt mấy tuần. Red vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người quen sống sung sướng như Andy lại có thể chịu đựng cảnh kham khổ tài tình đến thế. Ông thường lân la trò chuyện với anh và dần dần họ trở thành đôi bạn thân thiết.

    Đầu năm 1949, ban quản lý trại quyết định sửa lại mái nhà tù. Họ chọn ra 10 tù nhân để làm việc đó, trong đó có Andy và Red. Trong lúc làm việc, Andy vô tình nghe thấy một viên đại úy tên là Hadley phàn nàn với mấy cảnh sát dưới quyền về khoản tiền thuế lớn mà anh ta có thể sẽ phải nộp do được thừa kế một gia tài lớn từ ông bác. Vốn là một chuyên gia về tài chính, Andy tỏ ý muốn giúp đỡ Hadley. Nhờ chuyện này mà nhiều tù nhân cũng được hưởng lợi cùng với Andy, còn Hadley thì không phải mất khoản tiền đóng thuế.

    Các cai ngục liên tục tìm Andy để nhờ anh giải quyết các vấn đề tài chính. Đám tù nhân ngày càng tỏ ra tôn trọng anh. Để trả ơn, họ tạo điều kiện để anh chuyển sang làm việc ở thư viện nhà tù. Cứ đến cuối năm tài khóa, cai ngục ở Shawshank và những nhà tù khác trong tiểu bang đổ xô đến nhờ anh khai báo thuế sao cho số tiền phải đóng là ít nhất. Ngoài ra, anh còn làm “cố vấn không lương” cho họ về cách chi tiêu, đầu tư sao cho hiệu quả. Giám đốc trại giam Warden Norton tin tưởng Andy đến nỗi chẳng hề suy nghĩ gì khi giao cho anh quản lý quỹ đen của ông ta.

    Năm 1959, giám đốc trại Norton cho thực hiện chương trình mang tên “Trở lại cuộc sống” nhằm đưa tù nhân ra làm việc ngoài xã hội để giúp họ dễ hòa đồng với xã hội bên ngoài hơn khi được trả tự do. Được khoa trương ầm ĩ với cái mác “nhân đạo”, nhưng thực chất thì đây là chương trình bóc lột sức lao động của tù nhân. Toàn bộ tiền công của họ đều bị Norton đưa vào quỹ đen của lão để rồi sau đó chúng được gửi vào nhiều ngân hàng dưới một tên giả. Người giúp Norton thực hiện kế hoạch này chính là Andy. Nhưng Norton không hề biết rằng anh cũng tranh thủ lòng tin của lão để thực hiện ý đồ riêng.

    Năm 1965, trại giam tiếp nhận một tù nhân mới tên là Tommy Williams, một tay trộm cắp nổi tiếng từng “thăm viếng” nhiều nhà tù trong bang. Tommy rất được lòng mọi người nhờ bản tính hòa đồng, khiếu hài hước và hay chuyện trò. Một lần, gã kể cho mọi người nghe câu chuyện đau lòng, trong đó một tên trộm đã giết chết một đôi trai gái chỉ vì họ phát hiện ra hắn. Qua lời miêu tả của Tommy, Andy phát hiện ra người phụ nữ chính là vợ anh, còn người đàn ông là tình nhân của cô. Andy gặp Norton xin kháng án. Việc làm đó hóa ra lại là sai lầm lớn nhất của anh, bởi Norton chỉ muốn anh làm “thủ quỹ không công” trọn đời cho lão. Mấy ngày sau, Tommy bị bắn chết với tội danh vượt ngục. Andy mất đi người duy nhất có thể minh oan cho anh.

    Nhưng Andy không bỏ cuộc. Trong một đêm mưa bão, anh đã đào thoát thành công sau 19 năm ngồi tù. Ngay buổi sáng hôm sau, toàn bộ số tiền của Norton nằm trong các ngân hàng bị một người đàn ông rút sạch. Sau đó, người này còn gửi một đống hồ sơ liên quan tới những hành động phi pháp của Norton tới một tờ báo nổi tiếng. Hành trình đòi lại công lý của Andy giờ đây mới thực sự bắt đầu …

    Xin hãy chú ý những chỗ in nghiêng bôi đậm phía trên, vì đó là tất cả các đặc trưng CƠ BẢN và dễ nhận thấy của một Dê Biển: bình thản, kiên cường, thực tế và nguy hiểm. Phân tích tiếp những chi tiết đó chẳng khác gì vẽ rắn thêm chân – chúng đã quá đủ rõ ràng rồi. Thế nên, sau đây sẽ là những ấn tượng thị giác còn lưu lại trong não một người xem hết sức bình thường như tôi đây.

    Thứ nhất, đó là hình ảnh của nhân vật Andy. Đó là một anh chàng trầm tính với tia nhìn đăm chiêu (được bổ sung hiệu ứng bằng cặp lông mày châu vào nhau). Rất kiệm lời. Hơi hơi tách biệt nữa. Nói chung Thiên Bình Tim Robbins thể hiện vai này khá đạt (cùng là Thống lĩnh với nhau, chắc thế).

    Thứ hai, như tôi đã nói ở trên, trong tù không thiếu những màn bạo lực. Cảnh sát phang tù nhân như chủ đánh chó, tàn nhẫn kinh khủng. Tù cũ bắt nạt tù mới sau lưng cảnh sát. Không hoành tráng kiểu phim chưởng đâu. Thực tế đến phũ phàng ấy. Andy không phải thánh thần bất khả xâm phạm, thế nên nhân vật này cũng đã phải trải qua không ít lần bầm tím. Nhưng đỉnh điểm là sau một lần Andy bị úp sọt đến mức phải vào viện, những kẻ gây rối đã bị cảnh sát lần ra và cho ăn đập. Tất nhiên là không có nhẹ nhàng gì rồi. Thế đấy, bắt nạt Ma Kết chưa chắc đã ngon ăn đâu.

    Thứ ba, ấn tượng nhất cả phim đó là màn vượt ngục của Andy. “Người ta bảo rằng một tù nhân cần ít nhất 600 năm để đào thoát khỏi nhà tù Shawshank, nhưng Andy đã rút thời hạn đó xuống còn hai mươi năm.” Kỷ lục của lòng kiên nhẫn (đặc trưng của dân mệnh Thổ)! Mấy tấm poster xinh đẹp dán vào tường che đi đường hầm đào trong tỉ mẩn; chiếc búa nhỏ giấu trong chính cuốn Thánh kinh (đã bị đục ruột thành đúng hình cái búa), cuốn sách mà thằng cha giám đốc nhà tù Norton “say mê nhất”, cuốn sách đã được khéo léo đánh tráo với đống giấy tờ sổ sách quỹ đen của Norton, đôi giày da và chiếc áo sơ mi mới cứng lẽ-ra-không-thuộc-về-tù-nhân … tất cả thể hiện sự tính toán khôn khéo hết sức (và cũng nguy hiểm hết mức) của một quý ngài Dê Biển. Hảo đáng sợ a ~

    Tôi vẫn chưa xem trọn 20′ cuối phim, bởi giờ tan học đã đến và ông thầy quý hóa của chúng tôi cũng đã đói bụng rồi. Nhưng có lẽ, như một kẻ mơ mộng chính hiệu vẫn thường tin, cái kết của phim này là happy ending thì phải. VÀ phim này thực sự rất đáng xem … cho những ai muốn hình dung về Ma Kết một cách cụ thể.

    MER

    --------------------------------------------------

    [Movie review] – The Shawshank Redemption
    Một vài khái niệm về hy vọng và tự do ở chốn ngục tù.

    [​IMG]

    Một lần nữa, mình lại chọn một bộ phim về đề tài nhà tù này. Vì vốn dĩ lương tâm và tâm hồn của con người sẽ mãi là một khái niệm trừu tượng mà không bao giờ có một thước đo cụ thể. Mình chẳng bao giờ hiểu hết được, chỉ có thể biết thôi.

    The Shawshank Redemption mất hết bảy giải thưởng Oscar về tay Forrest Gump vào năm 1994. Bộ phim cũng không bao gồm pha hành động rượt đuổi gay cấn nào, không có hình ảnh bắt mắt đa dạng, nó chỉ đơn giản là nhẹ nhàng, ấm áp đi vào lòng người xem. Và cho đến bây giờ, bộ phim vẫn được mọi người chào đón bởi những giá trị nhân đạo mà nó mang lại.

    Andy Dufresne, một nhân viên ngân hàng gương mẫu bị kết tội tù chung thân vì giết vợ và nhân tình. Nhận được án tù chung thân cho hai mạng người, có nghĩa là cả cuộc đời còn lại của anh sẽ không bao giờ có thể bước ra thế giới bên ngoài song sắt được nữa. Anh được đưa tới nhà tù Shawshank, và ở đó, anh gặp gỡ với những người bạn tù và tạo nên những mối quan hệ thân thiết.

    Đầu tiên, bộ phim hấp dẫn mình ở thái độ của Andy. Đa số các loạt phim về người tử tù, ta luôn thấy những dáng vẻ suy sụp, những tâm hồn rã rời. Nếu không phải là một nhà tù toàn những kẻ côn đồ máu lạnh hung bạo thì sẽ là những góc tối đầy sự vô vọng mong muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng ở đây, Andy một mực từ chối đã giết vợ và xuyên suốt cả bộ phim luôn giữ một tâm thế trầm tư, ít nói. Ta không thấy bất cứ sự hối lối nào ở gương mặt, đôi mắt của anh mà luôn tồn tại một sự thanh thản, mơ hồ đến lạ kì. Bộ phim không thể hiện ra suy nghĩ, ý muốn của Andy mà để cho khán giả tự hỏi bản thân, tự suy đoán, tạo cho Andy một vẻ ngoài ký bí khó hiểu. Tất cả những gì khán giả thấy đều được kể qua góc nhìn của Red, người sau này trở thành bạn thân của Andy. Điều đó khiến mình bị cuốn vào bộ phim không rời, vì Andy luôn có thể đột ngột hành động không thể suy đoán trước. (Để rồi sau đó thăng hoa trong đủ các loại cảm xúc) Bộ phim không phải chỉ về Andy, mà còn về các mối quan hệ, những người tử tù xung quanh. Có lẽ đây cũng chính là chìa khóa khiến bộ phim thành công hơn cả.

    [​IMG]
    Và ở anh có một thứ gọi là hy vọng.

    Nghe hơi trớ trêu và nực cười. Một tên tử tù án chung thân với hy vọng được tự do.

    Nhưng tự do có nhiều loại. Andy Dufresne cần thứ tự do ở chính tâm hồn mình. Cuộc sống trước kia của Andy tưởng chúng là hạnh phúc nhưng cuối cũng không mang lại cho anh niềm vui. (Hay đúng hơn nó chỉ mang lại cho anh một cô vợ từ bỏ mình để đến với một thằng con trai khác!) Andy cần thoát khỏi điều đó. Liều lĩnh giúp đỡ tên cai ngục, để đổi lấy vài chai bia cho bạn bè, chịu ngồi phòng tối chỉ để cho mọi người nghe bản một bản nhạc, dạy cho một tù nhân trẻ học chữ, miệt mài viết thư xin cấp kinh phí xây thư viện trong tù. Chậm rãi, Andy thay đổi mọi người mà anh gặp. Qua đó, mình cũng có thể thấy một xã hội thu nhỏ rất thú vị ở trong tù. Bỏ qua những tội ác mà những kẻ tù tội đã gặp trong quá khứ, bộ phim đồng thời cũng nêu lên chua chát những thối nát trong công lý, những kẻ cầm quyền chỉ biết giương mặt thể hiện uy quyền, những sai lầm của những kẻ đại diện cho cái đúng. Ta bắt gặp sự chông chênh của lương tâm, một vài khao khát thỏa mãn tình dục, vài trận đánh nhau tan nát. Nhưng những hình ảnh ấy không phải để khiến cho ta thêm mất niềm tin vào cuộc sống, hay để khinh thường chán ghét họ, mà là để ta hiểu hơn về cuộc sống, về con người. Sau này ta cũng sẽ biết rằng tội ác của Andy không phải như những gì tòa đã phán xét.

    Những người như Red và ông Brook, thì tự do chính là được tha thứ, được thoát khỏi song sắt quay trở về với cộng đồng. Cả hai đều đã gắn bó với nhà tù quá lâu, với họ đây chính là ngôi nhà duy nhất. Thoát khỏi đây cũng như tự rời bỏ mái ấm của chính mình, sẽ cảm thấy chao đảo và sợ hãi. Chi tiết ông Brook đe dọa giết người khác để được ở lại khi ông nhận được lệch ân xá sẽ mãi còn ở trong tâm trí mình.

    [​IMG]

    Ta có thể thấy bốn bức tường đóng kín có thể ảnh hưởng tới một con người như thế nào. Đối với Brook, “tự do” lúc này cuối cùng chỉ lại là một nhà tù khác. Tái hòa nhập với một cộng đồng đã thay đổi quá nhiều, cô đơn khi phải trơ trọi một mình, tất cả những điều đó đã giết chết tâm hồn và con người Brook.

    Red, vì có Andy làm bạn, đã không vướng phải tình trạng như Brook. Mình vẫn nhớ chi tiết mỗi khi Red được hỏi rằng ông có hối hận về những gì đã làm không ở ba phiên tòa ân xá. Từ ban đầu, Red vẫn luôn tự dày vò bản thân về tội ác của mình, ông liên tục nói hối hận và không bao giờ có ý định tha thứ chính mình. Nhưng dần dần, khi tiếp xúc với Andy, Red nhận ra được giá trị của cuộc sống và tự giải thoát cho tâm hồn để trở lạ thành người tốt, xóa bỏ mọi tội trạng, đó cũng chính là khi ở phiên tòa thứ ba, ông bác bỏ mọi thứ về sự hối hận và được cho phép ra tù. Tình bạn của Red và Andy là cứu rỗi lẫn nhau, họ thật sự quan tâm đến nhau. Và mình nghĩ đây chính là tình bạn đẹp nhất mà mình từng biết.

    Cả bộ phim là nhiều sự trái ngược đối lập nhau đến mâu thuẫn. Nhưng nó mang một cái kết mĩ mãn làm vừa lòng người xem. Nó miêu tả những sự thật trần trụi về con người, nhưng lại hướng về một tương lại sáng sủa, đẹp đẽ và bình yên.

    [​IMG]

    Sau khi xem phim thì mình có cái nhìn khác hơn về những con người này. Lạ kì là bạn sẽ yêu mến sự chân thật và mộc mạc của họ. Bạn sẽ học được cách bỏ qua lỗi lầm của người khác. Và hơn hết, bạn sẽ có được vài bài học về hy vọng.

    “Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả”.

    Đây là bộ phim mà mình tin là bạn sẽ xem đi xem lại nhiều lần. Mỗi lần xem bạn sẽ lại có thể nhận ra vài điều mới. Có thể nó sẽ không đem lại cho bạn bất kì giọt nước mắt nào, nhưng dư âm của nó vẫn sẽ vang vọng mãi. :”D

    Thêm nữa là nó nằm trong top 250 phim hay nhất của IMDb. (Mà thật luôn, rating của nó cao ngất ngưỡng – 9.3/10) :”D Cho các bạn thêm yên tâm với sự lựa chọn này.

    Mong là các bạn sẽ thích bộ phim. Chúc ngủ ngon.

    – Nghé –

    --------------------------------------

    The Shawshank Redemption: chuyện về một đôi cánh lấp lánh
    Trong biên niên sử của thế giới điện ảnh, chưa có bộ phim nào được người ta gọi là “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất mọi thời đại” như The Shawshank Redemption. Năm 1994, bộ phim này được hãng Columbia phát hành và trở thành một dự án phim lỗ nặng ở phòng vé, một ứng cử viên quá xui xẻo khi được đề cử ở 7 hạng mục quan trọng nhất ở Oscars nhưng lại hoàn toàn mất trắng 7 giải về tay Forrest Gump cũng ứng cử cùng năm đó.

    Ấy vậy mà sau ngần ấy năm, người ta lại nhìn nhận lại The Shawshank Redemption và trân trọng đưa nó vào hàng kiệt tác, ngất ngưỡng ở hạng 1 trong danh sách 250 bộ phim vĩ đại nhất trên trang IMDb nổi tiếng. Có lẽ rằng, chỉ những bộ phim đặc sắc hiếm có, dữ dội và cũng sâu lắng hiếm có mới có thể tạo nên một sự mâu thuẫn giữa một sức sống bền bỉ với thời gian đi ngược lại thị hiếu của người xem và những khuôn khổ đánh giá của giới phê bình. Cuộc sống này thú vị cũng chính nhờ vào những mâu thuẫn như thế!

    -Hắn chết rồi. Hadley đánh vào đầu hắn khá nặng, quá khuya và bác sĩ không còn ở đó. Tội nghiệp, hắn nằm đó đến tận sáng.
    -Tên anh ta là gì?

    Xen vào giữa câu chuyện của hai tù nhân về một kẻ mới vào nhà tù Shawshank đã bị quản ngục đánh chết đêm qua là giọng nói của một tên tù nhân mới vào khác. Đó là Andy Dufresne, tên phó giám đốc ngân hàng lãnh 2 án tù chung thân, kẻ duy nhất còn cảm thấy chút day dứt, còn thấy xót thương cho một người chết đi mà chẳng ai biết tên, kẻ duy nhất còn biết kinh ngạc trước một cái chết trong khi những người khác đã thấy quá quen thuộc đến mức lạnh lùng, vô cảm rồi. Đó là Andy với ánh mắt có gì cay đắng những lúc nào cũng rực sáng, kẻ luôn giữ im lặng, ưa trầm ngâm “như thể anh ta có một cái áo khoác tàng hình bảo vệ anh ta trong thế giới này”.

    [​IMG][​IMG]

    Thật nực cười rằng ở nơi mà công lý biểu hiện sức mạnh của mình như nhà tù Shawshank, nơi mà những kẻ phạm tội phải trả giá lại là nơi mà cái thiện – cái ác, cái vô lý và hữu lý trở nên nhập nhằng, khó phân biệt nhất. Ở đó, những kẻ đại diện cho pháp luật để cải tạo, giáo dục tù nhân lại là những kẻ có quyền đánh người, giết người vô cớ. Còn tù nhân, những kẻ bị cướp đi tự do, vô hình chung cũng bị cướp đi quyền làm người. Tưởng như cả thế giới đang vận động hướng về tương lai còn những con người này thì vẫn đang bì bõm, trôi ngược để trả giá cho những lỗi lầm trong quá khứ. Niềm vui lớn nhất của họ có lẽ là không bị quản ngục đánh đập, mục đích sống mỗi ngày có khi cũng chỉ là những bao thuốc, bánh xà phòng cá cược với nhau mà Red – kẻ khéo sắp xếp tuồn được từ bên ngoài vào. Trong cái nền phim sáng sủa, nhà tù Shawshank hiện ra những con người sống như những cái bóng, những con người “tồn tại” chứ không thực sự “sống”,…

    “Ở đây, ai cũng tự tìm đến một cách riêng để làm tâm trí mình bận rộn”

    [​IMG][​IMG]

    Ấy vậy mà lần đầu tiên, trong một ngày mặt trời oi ả, tên cai ngục tàn nhẫn nhất khét tiếng đã nhất đồng ý thết đãi những tù nhân làm nhiệm vụ trải nhựa lại nóc nhà máy một chầu bia. Lần đầu người ta thấy những tù nhân quen khúm núm, sợ sệt ngồi bình thản uống những chai bia mát lạnh mà họ đã quên mất mùi vị từ hàng chục năm trước, nghỉ ngơi và mỉm cười như những người tự do. Tất cả là nhờ có Andy Dufresne – kẻ đang ngồi trong bóng râm, không đụng đến một giọt bia và nhìn những người khác với một nụ cười rất lạ.

    Bằng sự am hiểu về ngành tiền tệ của mình, Andy vô tình giúp được một tên quản ngục bảo vệ món tiền thừa kế của hắn để đổi lấy một chầu bia cho những tù nhân khác mà anh gọi là “co-worker” với mình. Rồi từ sự ưu ái đó, Andy trở thành cố vấn tài chính cho những quản ngục và giám đốc nhà tù Shawshank, đổi lại, người ta tưởng anh sẽ xin lấy một bữa ăn thịnh soạn hay một bàn bi-da nhưng không, Andy xin được mở một thư viện trong nhà tù. Và cũng là một điều chưa bao giờ có trong nơi tối tăm, tù ngục ấy, một khoảnh khắc khi những tù nhân đang làm việc đều buông cuốc đứng lại, những tù nhân trong bệnh xá đồng loại tung chăn mền hướng ra cửa sổ, hết thảy bất động. Đó là khi trong căn phòng phát thanh của nhà tù đang được khóa trái, bên ngoài những cai ngục điên tiết đập cửa, bên trong là Andy Dufresne đang duỗi chân, nhắm mắt thưởng thức một bài hát Opera phát chung cho cả nhà tù thưởng thức. Hóa ra, bốn bức tường kiên cố của nhà tù Shawshank vẫn chưa đủ cao để ngăn một giọng ca vang vọng, hóa ra hết thảy mọi sự tàn nhẫn vẫn chưa đủ sức giam cầm một tâm hồn hào sảng hướng về tự do.

    [​IMG][​IMG]

    “Những bức tường này có sức ảnh hưởng lạ lùng. Ban đầu anh căm ghét chúng, rồi dần quen với chúng, thời gian qua đi, anh lại dần phụ thuộc vào chúng.”

    Những tù nhân ở nhà tù Shawshank gọi “hy vọng” là một thứ nguy hiểm, có khi lại là một thứ xa xỉ, một thứ làm người ta đau đớn. Không biết từ bao giờ, cái khao khát bước ra khỏi tù của những con người này dần bị bỏ quên bởi họ đã dần thích nghi, thấy thoải mái với cuộc sống tù ngục, thấy mình là một con người có chỗ đứng, có giá trị khi ở trong tù còn thế giới ngoài kia thì quá đỗi xa lạ, đáng sợ. Sự thoải mái, bằng lòng quá dễ dãi đó giống như một thứ axit, ăn mòn hết thảy mọi nhu cầu được công nhận, được đối xử cho xứng với quyền làm người, mọi khát khao, ước muốn tốt đẹp cho cuộc đời của chính họ. Điển hình của cái cơ chế tàn bạo đó chính là cuộc đời của ông già Brooks. 50 cô đơn trong tù chỉ có con chim nhỏ trong túi áo làm bạn, khi vào tù chỉ là một thằng nhóc, đến khi được ân xá đã trở thành một ông già vô dụng, hai tay bị viêm khớp run run cầm dao dí vào cổ một bạn tù khác để được tiếp tục ở lại nhà tù.

    Và chính Andy Dufresne, người bước vào nhà tù Shawshank và sống 20 năm ở đó để trở thành huyền thoại chính là người đã đem đến cho những tù nhân ở đó những thứ nhắc nhớ họ về cảm giác của một người bình thường: một chai bia mát lạnh hay cảm giác được hưởng thụ cuộc sống hơn là chịu đựng nó, tri thức, âm nhạc hay là những thứ đẹp đẽ nhất, xúc động nhất, cao xa và cũng sâu lắng nhất mà không có nhà tù nào có thể giam cầm được.

    Thật khó mà lý giải hết kế hoạch vượt ngục được chuẩn bị suốt hơn 20 năm của Andy Dufresne nhưng tự do có lẽ vốn đã luôn chờ đợi anh như một lẽ tất yếu, giống như những cánh chim chỉ có ý nghĩa khi nó sải rộng giữa bầu trời. Chính cánh chim tự do ấy, trong nơi lao tù tối tăm và khổ đau cùng cực, đã hát lên khúc ca về tình người, về hy vọng một cách thống thiết và hào sảng nhất.

    -------------------------------------------------

    The Shawshank Redemption - Kẻ thua cuộc vĩ đại nhất lịch sử
    Dù không chiến thắng tại Lễ trao giải Oscar, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải công nhận The Shawshank Redemption là một kiệt tác ngay sau khi xem xong.

    Một mùa Oscar đang về và theo lẽ thường thì sẽ có những dự đoán về người chiến thắng. Song có những kẻ thua cuộc vĩ đại, mà việc để tuột mất tượng vàng của họ mãi mãi là sự tiếc nuối của những người yêu điện ảnh. Kẻ thua cuộc vĩ đại nhất trong số ấy là The Shawshank Redemption.

    Đi ngược với mọi chuẩn mực phim ăn khách
    Nước Mỹ luôn đi tiên phong trong việc đưa ra mọi chuẩn mực và công thức làm phim nhằm hướng đến khán giả. Nhưng ở The Shawshank Redemption lại “hội tụ” gần như đầy đủ những yếu tố… nhằm đẩy khán giả ra xa phòng vé!

    [​IMG]

    Phim dài (142 phút), hầu như toàn là đối thoại. Tiết tấu trung bình, không kỹ xảo, không hành động. Thủ pháp dàn dựng không có gì đột phá, đã vậy dẫn dắt bộ phim còn có người dẫn chuyện. Bối cảnh thì chật hẹp bức bối, bởi 80% câu chuyện xảy ra… trong nhà tù! Không những vắng bóng các diễn viên ngôi sao trẻ đẹp ăn khách, mà 99% diễn viên trong phim lại toàn là đàn ông! Chỉ có một bóng hồng duy nhất (vợ của nhân vật chính) xuất hiện khoảng 3 phút ở đầu phim… rồi bị giết chết không kịp nói một lời thoại! Còn từ đầu đến cuối phim toàn tù với tù: nhà tù, bạn tù, cai tù, quản giáo, vượt ngục…

    [​IMG]

    Nhưng sẽ là may mắn cho những ai thử “liều” với phim này, bởi sau đó họ sẽ được biết thế nào là thưởng thức một tác phẩm điện ảnh thực thụ.

    Đạo diễn Frank Darabont và định mệnh với Stephen King
    Thập niên 1980 và 1990 là thời của “ông vua truyện kinh dị” Stephen King - tất cả những gì nhà văn này viết ra đều được các hãng phim tranh nhau chuyển thể lên màn ảnh. Lúc ấy Frank Darabont bắt đầu được biết tới với vai trò viết kịch bản.

    Đến năm 1983, Darabont kịp gây ấn tượng với Stephen King bằng bộ phim ngắn chuyển thể từ truyện ngắn The Woman in the Room của ông. Hai người trở thành bạn bè và khiến Stephen King tin tưởng đồng ý cho Darabont quyền chuyển thể truyện ngắn Rita Hayworth and Shawshank Redemption lên màn ảnh vào năm 1987.

    Đạo diễn Rob Reiner, người trước đó từng đạo diễn và chuyển thể thành công tiểu thuyết The Body của Stephen King thành bộ phim nổi tiếng Stand By Me, đã được hãng phim đề nghị trả 25 triệu đô-la để viết và đạo diễn The Shawshank Redemption là Rob Reiner định mời hai ngôi sao nặng ký Tom Cruise thủ vai Andy Dufresne và Harrison Ford vai Red Redding.

    [​IMG]

    Darabont đã nghiêm túc xem xét và thích tầm nhìn của Rob Reiner, nhưng với sự ủng hộ tuyệt đối của Stephen King, Darabont linh cảm The Shawshank Redemption là "cơ hội để làm điều gì đó thật sự vĩ đại" và ông quyết định chính mình sẽ đạo diễn bộ phim này. Darabont sau này tiếp tục chuyển thể và đạo diễn phim The Green Mile (1999) - một tác phẩm khác về nhà tù, và The Mist (2007) cũng của Stephen King.

    Một kịch bản và dàn diễn viên “trong mơ”

    Bộ phim miêu tả nhân vật Andy Dufresne một chủ ngân hàng bị án oan phải sống gần hai thập kỷ trong nhà tù cấp tiểu bang Shawshank (một nhà lao hư cấu tại Maine) và tình bạn của anh với Red Redding, một người bạn tù bị án chung thân. Sự chính trực của Andy Dufresne là chủ đề quan trọng trong suốt chiều dài câu chuyện, đặc biệt là khi ở tù, nơi luôn thiếu sự chính trực.

    Rất nhiều ngôi sao lúc đó “mê tít” kịch bản này. Tom Hanks rất muốn được thủ vai Andy Dufresne nhưng cuối cùng đành phải từ chối để chuyên tâm vào phim Forrest Gump (và thật trớ trêu khi mà sau này, Forrest Gump chính là bộ phim đánh bại hoàn toàn The Shawshank Redemption tại giải Oscar 1994).

    [​IMG]

    Kevin Costner cũng rất thích vai này nhưng đành phải bỏ cuộc vì kẹt bộ phim nổi đình đám Waterworld vẫn còn đang làm dang dở. Trong khi ấy Tom Cruise, Nicolas Cage và Charlie Sheen… lúc ấy đều là những ngôi sao được các hãng phim sủng ái, nhưng lại bị Darabont lơ đi vì ông cho rằng họ không hợp vai. Cuối cùng Darabont đã chọn Tim Robbins - một diễn viên đến giờ vẫn ít ai biết - gây sửng sốt chmọi người.



    [​IMG]

    Vai Ellis Boyd "Red" Redding - một nhân vật chính khác của phim và là người dẫn chuyện - trong kịch bản là một người Ireland trung niên có mái tóc đỏ xám (giống như trong nguyên tác tiểu thuyết). Những tên tuổi lớn như Clint Eastwood, Harrison Ford, Paul Newman và Robert Redford đã được hãng phim đề nghị, nhưng Darabont lại gây bất ngờ khi chọn diễn viên da màu Morgan Freeman vì vẻ ngoài phù hợp và cách diễn đầy uy quyền, và ông khẳng định rằng không tìm thấy ai khác phù hợp hơn với vai Red bằng Morgan Freeman!

    Với tiêu chí hợp vai là trên hết, Darabont đã khước từ rất nhiều tên tuổi (trong đó có cả Brad Pitt) sẽ là một đảm bảo cho bộ phim khi ra rạp. Những vai diễn quan trọng còn lại trong phim như những người bạn tù của Andy Dufresne, cai ngục, quản giáo… Darabont đều chọn những cái tên rất xa lạ với khán giả, nhằm tạo ra cảm giác đây là một nhà tù thật sự, chứ không phải những gương mặt đã quá quen thuộc với mọi người đóng vai tù nhân…

    Ra đời trong bất công và đoạn kết có hậu
    Với kinh phí sản xuất khiêm tốn là 25 triệu USD, The Shawshank Redemption hầu như chỉ dựa vào kịch bản và diễn xuất chân thật của các diễn viên để lôi cuốn khán giả. Mặc dù phần lớn câu chuyện diễn ra ở nhà tù và nhân vật chỉ toàn là đàn ông, nhưng đường dây câu chuyện rất mạch lạc hấp dẫn, và được khai thác đến tận cùng.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, hãng Columbia phát hành phim này đã lỗ nặng, khi phim chỉ thu về 28.341.469 USD. Khán giả đón nhận The Shawshank Redemption rất lạnh nhạt, mặc dù bộ phim được các nhà phê bình đánh giá và xếp hạng 5 sao! Bộ phim chỉ bắt đầu được khán giả lưu ý chút ít khi bất ngờ nhận được đến 7 đề cử Oscar năm 1994: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Morgan Freeman), Kịch bản chuyển thể, Quay phim, Dựng phim, Nhạc phim và Âm thanh.

    The Shawshank Redemption quá xui xẻo khi được đề cử cùng với 2 ứng cử viên rất nặng ký năm đó là Forrest Gump và Pulp Fiction. Trong đó hào quang của Forrest Gump đã hoàn toàn làm lu mờ tất cả những bộ phim khác trong năm 1994, khi bộ phim này thắng lớn tại các quầy vé và chiếm trọn vẹn tình cảm của khán giả The Shawshank Redemption ra về tay trắng khi thất bại trong cả 7 đề cử!

    [​IMG]

    Vẫn chưa hết bất công, năm 1998, The Shawshank Redemption thậm chí còn không có tên trong danh sách 100 phim hay nhất thế kỷ của Viện phim Mỹ. Nhưng 9 năm sau (2007), The Shawshank Redemption đã được xếp ở vị trí thứ 72 trong danh sách được chỉnh sửa, vượt lên trên cả Forrest Gump (thứ 76) và Pulp Fiction (thứ 94), hai bộ phim đã từng lấy hết những lời tán thưởng và vinh quang trong năm The Shawshank Redemption được phát hành (1994).

    Năm 1999, nhà phê bình điện ảnh danh tiếng Roger Ebert đã đưa The Shawshank Redemption vào danh sách "Những bộ phim vĩ đại" của ông. Và trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả của tạp chí điện ảnh Empire (Anh), bộ phim đứng thứ năm vào năm 2004, thứ nhất vào năm 2006, và thứ tư năm 2008 trong các danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Fan điện ảnh của Yahoo!, và thính giả của đài Capital FM ở London đã bình chọn phim này đứng số 1 trong danh sách những phim phải xem của mọi thời đại.

    Sau này, những nhà viết biên niên sử của giải Oscar đã thu thập ý kiến của các thành viên Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ, và độc giả của các tạp chí điện ảnh danh tiếng thế giới, để chọn ra danh sách những bộ phim trượt giải Oscar đáng tiếc nhất trong lịch sử 80 năm. Kết quả The Shawshank Redemption đứng đầu, trước cả kiệt tác bất hủ Citizen Kane của thiên tài Orson Welles.

    Gần đây nhất, năm 2008, trang web điện ảnh lớn nhất thế giới IMDB.com (Internet Movie Database) đã chọn ra danh sách những bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời đại. Có hai phim được xếp đồng hạng với điểm số trung bình 9.0: đó là The Shawshank Redemption và The Godfather!

    Nhờ sự “sáng suốt” của công luận và sự lớn mạnh của internet toàn cầu mà The Shawshank Redemption đã được trả lại đúng vị trí mà lẽ ra nó phải xứng đáng được hưởng từ 15 năm trước đây. Đến giờ này, bộ phim vẫn thu hút người xem trên truyền hình cáp, và các định dạng video gia đình phổ biến như DVD và Blu-ray.
    [/TD][/TR][/TABLE]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Media Info[/TD][/TR]
    [TR][TD=bgcolor: #FFFFCC]

    RELEASE NAME..: The.Shawshank.Redemption.1994.1080p.BluRay.x264-EbP
    RELEASE DATE..: 20/11/2011
    RELEASE SIZE..: 14.1 GB
    RUNTIME.......: 02:22:33
    VIDEO CODEC...: x264, 2pass, L4.1
    FRAMERATE.....: 23.976 fps
    BITRATE.......: 13.5 Mbps
    RESOLUTION....: 1920x1080
    AUDIO ........: Eng AC3 5.1 @ 640 Kbps
    AUDIO 2.......: Commentary AAC 2.0 @ 64 Kbps
    SUBTITLES.....: eng, eng (sdh), dan, fin, por, spa, swe, vie
    CHAPTER.......: Inluded and named
    SOURCE........: The Shawshank Redemption 1994 Blu-Ray 1080p VC1 DTS-HD MA 5.1-Softfeng@CHDBits

    Reasons for New Encode:

    1. Better Source
    2. Commentary not included in PerfectionHD
    3. PerfectionHD is not L4.1 (Ref frames are 5, should be 4)
    4. I felt like it.


    [/TD][/TR][/TABLE]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Screenshots[/TD][/TR][/TABLE]

    Source vs EbP vs PerfectionHD

    [​IMG] [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG] [​IMG]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Trailer[/TD][/TR]
    [TR][TD=bgcolor: #FFFFCC]

    [video=youtube;NmzuHjWmXOc]http://www.youtube.com/watch?v=NmzuHjWmXOc[/video]​


    [/TD][/TR][/TABLE]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Phụ Đề[/TD][/TR][TR][TD=align: center, bgcolor: #FFFFCC]

    đã có bản tiếng Việt
    http://subscene.com/subtitles/the-shawshank-redemption


    [/TD][/TR][/TABLE]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Download[/TD][/TR]
    [TR][TD=align: center, bgcolor: #FFFFCC]

    Dung lượng: 14.1 GiB
    Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!

    [/TD][/TR][/TABLE]

    [TABLE=align: center, width: 700][TR][TD=bgcolor: RoyalBlue, align:center]Các bản KHÁC[/TD][/TR][TR][TD=bgcolor: #FFFFCC]

    1080p:
    The Shawshank Redemption 1994 1080p BluRay DTS x264-EbP - {14.1 GiB} Fshare | Phụ Đề [​IMG]

    720p:
    The Shawshank Redemption 1994 720p BluRay DTS x264-EbP - {8.01 GiB} Fshare TenLua | Phụ Đề [​IMG]

    Blu-ray:
    The Shawshank Redemption 1994 ViE 1080p Blu-ray VC-1 Dolby TrueHD 5.1-NetBD (ISO) - {33.9 GiB} Fshare | Phụ Đề | Thuyết Minh [​IMG] [​IMG]
    The Shawshank Redemption 1994 1080p Blu-Ray Ger VC-1 DTS-HD MA 5.1 (ISO) - {38.2 GiB} Fshare | Phụ Đề [​IMG]

    mHD:
    The Shawshank Redemption 1994 ViE REPACK mHD BluRay x264-EPiK - {3.5 GiB} Fshare TenLua | Phụ Đề | Thuyết Minh


    [/TD][/TR][/TABLE]
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/2/16
  2. Phú Hộ

    Phú Hộ New Member

    Tham gia ngày:
    16/6/13
    Bài viết:
    14
    Đã được cảm ơn:
    5
    Nghề nghiệp:
    Forest Ranger
    Nơi ở:
    ★★★ Việt Nam ★★★
    bản này so với D-ZON3 vẫn thua bitrate nên chắc lưu D-ZON3 là ổn nhất :3 cảm ơn bác nhé
     
  3. v0minh

    v0minh Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    23/12/14
    Bài viết:
    19,418
    Đã được cảm ơn:
    212,069
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Blogger
    Nơi ở:
    Hải Phòng
    Ðề: Re: [Tội phạm] The Shawshank Redemption 1994 1080p BluRay DTS x264-EbP | Internal HDBits, AweSome-HD ~ Nhà Tù Shawshank | Tim Robbins, Morgan Freeman, Bob Gunton (All 1080p BluRay)

    Khà khà, bitrate chỉ là điều kiện cần, trong nhiều kỹ thuật khác nữa.

    Đầu tiên nên xét đên source dùng encode là bản nào, nó quyết định rất lớn đến chất lượng. Nếu 2 source khác nhau thì chả so sánh làm gì vị khập khiễng.

    Nhiều source xấu khiến cho các bản encode, dù chỉ 720p, có bitrate quá khổ, dẫn đến dung lượng cao, nhưng chất lượng hình ảnh thì... Rất nhiều phim chỉ có bản remux, hoặc cùng lắm 720p, ko ai làm 1080p vì làm ra dung lượng còn cao hơn cả... gốc.

    Tốt nhất nên soi screenshot kèm theo. Còn về cảm tính thì không cần bàn, thích gì lưu đấy :)

    PS: đây là bản làm lại với source mới, tốt hơn source cũ nhiều (trong media Info có ghi chú), Ko biết D-ZON3 dùng source nào nhỉ?
     
  4. Logitech_vn

    Logitech_vn Active Member

    Tham gia ngày:
    12/3/11
    Bài viết:
    91
    Đã được cảm ơn:
    58
    Ðề: [Tội phạm] The Shawshank Redemption 1994 1080p BluRay DTS x264-EbP | Internal HDBits, AweSome-HD ~ Nhà Tù Shawshank | Tim Robbins, Morgan Freeman, Bob Gunton (All 1080p BluRay)

    D-Z0N3 Proudly Presents

    The Shawshank Redemption (1994)

    General Info

    FileSize: 15.2 GB
    Runtime: 02:22:33 min
    Encode Date: 01.02.2011
    Release Date: 01.02.2011

    Technical Specs

    Video Container: Matroska
    Video Encoder: x264
    Encoding Type: 2 Pass - [email protected]
    DXVA Compliancy: Yes
    Header Compression: None
    Video Aspect Ratio: 16/9 [1920x1080 pxls]
    Video Bitrate: 13.8 Mbit
    Frame Rate: 23.976 FPS
    Audio : 1510 Kbps DTS 6 Chnls English Core DTSHD-MA
    Subtitles: Eng, Eng SDH
    Chapters Menu: Included, Titled
    Source: The.Shawshank.Redemption.1994.Blu-Ray.1080p.VC1.DTSHD-MA.5.1-Softfeng@CHDBits
     
    Huy Vu and hoangcuong_0525 like this.
  5. hoangcuong_0525

    hoangcuong_0525 Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    22/9/11
    Bài viết:
    1,251
    Đã được cảm ơn:
    3,665
    Nghề nghiệp:
    Sinh viên
    Nơi ở:
    Hà Nội
    Mình vẫn thấy ưu ái bản của EbP chất lượng nhẹ hơn mà âm thanh và hình ảnh vẫn tốt
     
  6. hoangcuong_0525

    hoangcuong_0525 Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    22/9/11
    Bài viết:
    1,251
    Đã được cảm ơn:
    3,665
    Nghề nghiệp:
    Sinh viên
    Nơi ở:
    Hà Nội
    thêm link khác chia sẻ cùng mọi người nhé
    Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!
     
    Huy Vu, romvemot, Bryzn and 3 others like this.

Chia sẻ trang này