[Fshare] 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam (xin cảm ơn bác teafortwo52 rất nhiều)

Thảo luận trong 'Nhạc Việt Nam' bắt đầu bởi nguyenlb1977, 4/4/17.

  1. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Sỡ dĩ em cảm ơn bác Tuấn - teafortwo52 là bởi vì toàn bộ nội dung trong chủ đề này đều do bác teafortwo52 tạo ra, em chỉ là người tổng hợp lại, gom chúng lại thành một để mọi người có thể tiện theo dõi, download (cái này thì em đã xin phép bác Tuấn - teafortwo52 và đã được bác đồng ý).

    Chủ đề 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam là một chủ đề rất lớn, trong đó nó không chỉ gói gọn ở những bài tình ca mà còn giúp chúng ta hiểu thêm về sự hình thành của chúng và một phần cuộc đời sáng tác của các nhạc sĩ, qua giọng đọc của Hoài Nam từ cách đây rất lâu. Cũng chính vì chủ đề này được tạo ra từ rất lâu và được phát trên đài truyền thanh nên bản gốc chỉ có chất lượng mp3, sẽ là một trở ngại cho nhiều bác vốn dĩ rất yêu nhạc nhưng quen nghe qua CD hoặc chí ít cũng là lossless chất lượng cao. Vì thế bác teafortwo52 đã cố gắng tổng hợp chúng lại, biên tập để tách phần dẫn chuyện và phần nhạc ra, thay những bằng những source nhạc có chất lượng cao hơn để qua đó giúp mọi người vừa hiểu được nội dung, hoàn cảnh từng bài hát, phản ánh một phần cuộc sống âm nhạc của từng nhạc sĩ, vừa có thể lim dim thưởng thức toàn vẹn hơn những giai điệu một cách tốt nhất.

    Xin dài dòng thêm chút xíu, số là trước đây bác langthangvn33 đã từng đăng một bài viết có tên Tư liệu âm nhạc - 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam (1930-2000), trong đó thể hiện rất rõ nội dung của chủ đề này cũng như liệt kê đầy đủ toàn bộ những phần, mục của chủ đề. Em cũng rất muốn sẽ đưa link đó vào trong bài viết này để mọi người tiện theo dõi, rất mong nếu bác langthangvn33 nếu có đi ngang và đọc thì cho em ý kiến, em xin cảm ơn bác nhiều.

    Em sẽ tập hợp dần theo những bài viết của bác teafortwo52, phía dưới mỗi tác giả sẽ có link download. Rất mong mọi người cùng thưởng thức. Xin lưu ý là phần nội dung dưới đây, em copy của bác teafortwo52 để mọi người cùng đọc mà theo em thì tốt nhất là nên đọc trước rồi download sau, như thế mọi người sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn với những bản nhạc mà mình sắp nghe.

    Đầu tiên là NS Trịnh Công Sơn


    Giới thiệu đến các bạn: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Trịnh Công Sơn in acoustic


    A.- Tiểu sử và nguồn gốc phong trào du ca & cà phê Văn, một thời danh chấn giang hồ.

    ...., Sài Gòn những ngày đầy bất ổn và biến động trong những tháng hè của năm 1963 và nền đệ nhất cộng hòa của miển Nam đang nằm trên bờ vực thẳm.

    Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tứ bề thọ địch. Từ ngoại nhân, người Mỹ đang dùng tất cả áp lực để tìm cách đem quân vào Việt Nam và, khi gặp sự quyết liệt phản đối của tổng thống Diệm, CIA bắt đầu mua chuộc các tướng lãnh để lập kế hoạch đảo chính. Mặt khác, họ xách động tầng lớp lãnh đạo Phật giáo để tổ chức biểu tình, phản đối chính sách .... kỳ thị tôn giáo. Tín hữu phải đươc tự do đem bàn thờ ra ... giữa đường. tăng ni phải đươc tự do ... biểu tình. Cờ tôn giáo phải được tự do treo ngoài khuôn viên cơ sở vả phải to hơn cờ ... ba que vì tôn giáo lớn và đông người hơn quốc gia. Không khí đấu tranh cho chính nghĩa và .. tự do chống Mỹ Diệm sôi sục. Chợ Lớn cũng sôi sục, cũng tất bật. Các chú Hỏa cũng chuẩn bị tích trữ gạo, vàng để ... đầu cơ. Mặc dầu cụ Diệm nhà ta im thin thít. Mặc dầu Mờ y my ngã Mỹ thì ,ngoại trừ nhân viên tòa lãnh sự, chưa ai thấy mặt mũi méo tròn ra sao (hai năm sau, thằng lính Mỹ ác ôn đầu tiên mới đặt chân đến Việt Nam, từ ....bờ biển Đà Nẵng). Mà sự bất ổn này đâu phải chỉ có bàn tay của ngoại nhân, hệ thống nằm vùng của anh em phía bên kia cũng đã thâm nhập từ lâu.

    ......Miền Nam bắt đầu .. nát như tương tàu.

    Rồi một ngày tháng 8-1963, với lựu đạn cay và tiếng súng thị oai của một ông trưởng đồn cảnh sát, trước nay chỉ giỏi đi bắt ... gái mãi dâm, cô nữ sinh 16 tuổi Quách Thị Trang, nữ sinh trường Bồ Đề (Cầu Muối), ngã xuống do lạc đạn tại bồn binh chợ Bến Thành. Dẫu rằng ông này sau bị "hy sinh thí chốt" ra tòa và bị kết án cố sát nhưng tranh đấu, biểu tình, đình công, bãi thị bắt đầu mọc lên như nấm với sự .. tiếp sức cả về nhân lực lẫn tiền bạc của ngoại thù và nội địch. Kết quả, chế độ đệ nhất cộng hòa của miền Nam cáo chung vào ngày đầu tháng 11-1963 sau khi được CIA bật đèn xanh cho cuộc đảo chính. Người chỉ huy cuộc đảo chính, cũng là người ra chỉ thị sát hại một cách tàn nhẫn tổng thống Diệm, cố vấn Nhu và gia đình sau đó, là tướng Dương Văn Minh. Oái oăm thay, chính tướng Minh cũng là người ra lệnh quân đội miền nam đầu hàng, bức tử nền đệ nhị cộng hòa của miền Nam Việt Nam, một ngày cuối tháng 4, 1975. Cổ nhân đã có dạy là nếu dân tộc nào không "rút kinh nghiệm" được từ những bài học lịch sử đau thương đã trải qua thì sẽ phải tiếp tục học lại.

    Từ 1964, hệ thống chính trị miền Nam lại như cái mền rách với tranh dành, chỉnh lý. Chính quyền dân sự hôm nay, chính quyền quân sự ngày mai. Ông tướng nào nắm được một ít đơn vị là ngang nhiên tiến vào dinh Độc Lập, cứ như loạn sứ quân ngày xưa tái diễn ở thế kỷ thứ 20. Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh, nhìn với một lăng kính mới.!

    Những cái chỗ để .. ngồi tội nghiệp của sinh viên, học sinh lại được những ống đu đủ bơm đầy, lại "xuống đường" ra tay ... cứu nước. !!!. Ngày nào SVHS cũng xuống đường đòi xé Hiến chương Vũng Tàu của Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ thứ 20, tướng Nguyễn Khánh.

    Khánh râu bèn phải ... chơi đẹp, cho giới trẻ uống nước đường bằng cách cấp cho SVHS một mảnh đất làm trụ sở Tổng Hội Sinh Viên (do Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho đang lãnh đạo phong trào xuống đường lúc đó), để đổi lấy sự yên tĩnh để ông có thời giờ tiếp tục .... chỉnh lý.

    Quán cà phê Văn ra đời và, bây giờ các trự nhỏ mặc tình ... nhi nhô, đàn ca hát xướng, phản đối trong tinh thần ... văn nghệ nếu không muốn xuống đường ăn dùi cui, ngửi lựu đạn cay.

    Cà phê Văn nằm sau trường Đại Học ... Văn Khoa, dĩ nhiên, lúc đó được đông đảo SVHS ủng hộ, hàng đêm cả ngàn người lô nhô, lúc nhúc, đứng ngồi trên bãi cỏ, mở đầu phong trào hát du ca.

    B - Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.

    Cặp Trịnh Công Sơn & Khánh Ly, từ Đà Lạt xuống, chỉ xuất hiện sau này và nếu Khánh Ly lúc đó trông bình thường như những cô con gái Bắc kỳ khác, cọng giá cũng cắn làm đôi, thì chắc cặp này cũng chưa đình đám lắm đâu. Khổ một nỗi là cô có một phong cách rất ... ngược đời. Đi chân đất, miệng phì phà thuốc Salem và hát loại nhạc chưa ai nghe bao giờ. Bởi thế cái tên “ca sĩ cần sa”, “tiếng hát ma túy” v.v… được đồn thổi mười thành trăm. trăm thành ngàn. Nguới ta chen chân nhau để xem một hiện tượng lạ chứ thật ra nhạc Trịnh không phải là nguyên nhân chính.

    Nhưng ca sĩ đầu tiên hát nhạc Trịnh không phải là "nữ hoàng chân đất" Khánh Ly.! Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên hát nhạc của ông với bản "Thương Một Người" mà họ Trịnh viết riêng cho cô.

    Người sau đó được họ Trịnh giới thiệu và mời hát nhạc của ông cũng lại không phải là Khánh Ly, là Nguyễn Thị Hoàng, một văn sĩ, kiêm cô giáo trung học, đã gây cơn bão đầu tiên với giới sinh viên Sài Gòn thời bấy giờ với tác phẩm "Vòng Tay Học Trò". Không biết bởi .. vòng tay học trò nào đó hay không, chỉ biết cô ...giáo này trình làng tác phẩm thứ hai, một cu tí, nên từ chối lời mời của họ Trịnh.

    Ngưối kế tiếp được mời cũng .. không phải Khánh Ly, là Lệ Thu. Nhưng lần này họ Trịnh cũng vụng chèo mà không khéo ... chống. Lệ Thu lúc đó là "nữ hoàng phòng trà" nên cũng không dại gì mà đánh cược cả cái tương lai .. vàng khối của mình đề hát nhạc của một ông nhạc sĩ vô danh. Mà nhất là loại nhạc, dẫu là tình ca, không làm ...xế lào cho nam thanh nữ tú xập xình ở phòng trà Tự Do bằng nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Văn Phụng, Lê Dinh, Anh Bằng, Y Vân, Lan Đài. Mặc dầu các bạn nhớ cho rằng thời gian này những sáng tác của Trịnh Công Sơn là "Ướt Mi", "Lời Buồn Thánh" "Xin Mặt Trời Ngủ Yên", vv...

    Sau khi thất vọng về chiều hướng ... khai phá văn nghệ của các vũ trường Sài Gòn, Trịnh Công Sơn lên Đà Lạt và ở đây, định mệnh kết hợp ông với Khánh Ly, cũng một ca sĩ vô danh tiểu tốt ở giới phòng trà trên này.

    Xuống lại Sài Gòn, được giới SVHS chào đón trên bãi đất Văn, bấy giờ Trịnh Công Sơn & Khánh Ly được mọi người để ý, bởi lời nhạc và cung cách biểu diễn của cả hai đang khác hẳn truyền thống cũ. Nhưng chỉ được một ít lâu vì sau đó, bị lấn sân bởi cặp Vũ Thành An & Thanh Lan rồi Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, thừa thắng xông lên, Trịnh Công Sơn & Khánh Ly chuyển bại thành .. xụi.

    Các nhạc sĩ này, tuy đi sau nhưng cũng nổi đình nổi đám cũng từ phong trào hát du ca, soạn nhạc cũng dành cho giới trẻ, cho tầng lớp người mới có kiến thức... mới. Lời nhạc không có tiếng bom đạn, không than khóc "ngàn năm nô lệ giặc tàu" và, ở chốn thị tứ chẳng ai thấy cảnh "người chết hai lần" mà rất du dương tình tứ, lãng mạn, đem đến tâm hồn người nghe những làn gió lạ, nhất là trong lứa tuổi mới lớn, đi nghe nhạc với cô bé lớp bên. Nếu cần phải chứng tỏ đẳng cấp "trí thức phản kháng" kiểu phong trảo hippy ở Mỹ thì lâu lâu ta cùng nhau đi biểu tình cho ... vui và, khi bắt đầu ngửi thấy mùi lựu đạn cay cách đó vài cây số thì ta lại rã đám, tụ tập ở quán Văn nghe nhạc tình, phản đối ... chính phủ.

    Văn bắt đầu hát bản "tình hờ" với Trịnh Công Sơn & Khánh Ly. Giới SVHS bắt đầu thấm đòn “Những Bài Không Tên”, “Bây Giờ Tháng Mấy”, “Áo Lụa Hà Đông” hơn là “Gia Tài Của Mẹ”, “Tình Ca Người Mất Trí”," Đại Bác Ru Đêm], v.v…Mật dụ khị ruồi lúc nào cũng hơn dấm xủ. Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Thanh Lan lại còn có lợi thế hơn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly vì họ là sinh viên nên gà nhà thường ủng hộ .. gà nhà.

    Trịnh Công Sơn & Khánh Ly bắt đầu chuyển theo .. phong trào, không hát nhạc phản chiến nữa mà chuyển đề tài qua tình ca. Những "Diễm Xưa", " Nắng Thủy Tinh", tiếp tục chào làng với "Lời Buồn Thánh", "Mưa Hồng", "Biển Nhớ", "Tình Xa", "Một Ngày Như Mọi Ngày".

    Nhưng quá muộn.! Chiến sự bùng nổ, sinh viên học sinh phải chú tâm vào việc học vì chỉ cần rớt một năm thì các "trung tâm nhập ngũ" sẽ mở rộng vòng tay để vui vẻ chào đón các bạn. Phong trào du ca cũng đành "gửi gió cho mây ngàn bay". Chỉ còn nhóm “Hát cho đồng bào tôi nghe” của Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập còn hát trên xe máy được .. nổ máy sẵn, ở đâu đó, ở những bộ phận .. không lớn .

    Trịnh Công Sơn xách gói ra đi, lúc thì đi dạy ở Quy Nhơn, lúc thì hùng hục xe đạp mỗi sáng đi dạy ở một bản Thượng ở Lâm Đồng. Chán thì về Sài Gòn nhậu hay quá giang .. máy bay về thăm nhà ở Huế.

    Răng dị hợm rứa hỉ.? Nếu các bạn lớn lên ở giai đoạn này thì không lấy làm lạ cả. Sài Gòn lúc đó được cầm đầu bởi các ông tướng quân đội. Nào tướng không quân, tướng cảnh sát, tướng hải quân, tướng nhảy dù, tướng thủy quân lục chiến, tướng .. chuyên gia đảo chính, tướng .. hoa lan, tướng nhiều còn hơn tướng của .... gánh hát bội Quảng Lạc. Các ông này gặp thời nên lúc nào cũng tưởng mình đẹp giai, sát gái như Kennedy; hào hoa, dũng cảm như John Wayne; hay văn nghệ, văn gừng như tướng Nguyễn Sơn miền Bắc. Che chở cho họ Trịnh khỏi bị bắt quân dịch thì không những được họ Trịnh lâu lâu vào tư dinh hát vài bài tình ca hay phản chiến cho đúng danh nghĩa "quân tử", không thèm đánh kẻ dưới tay, thắm thía gì vài bài phản chiến ca mà còn có cơ hội .... thể hiện đẳng cấp. Bởi vậy họ Trịnh nhà mình chả bao giờ phải đi lính. Còn nhạc phản chiến của họ Trịnh hồi đó cũng bị gắt gao kiểm duyệt và cấm đoán như Sài Gòn bây giờ .. cấm hát những bản nhạc vàng .. chưa được phép phổ biến ấy.!!!

    Khổ nạn của Trịnh công Sơn chỉ bắt đầu sau 30-4, 1975

    Trước đó, Khánh Ly đã mồ yên, mả đẹp. Cô mở vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ, với một quan to,vừa là bảo kê, vừa là chồng: đại úy biệt kích Mai Bá Trác, trông rất phong trần và là một tay chơi lẫy lừng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Ông này nếu không đang sát cánh với đồng đội ở ngã ba biên giới thì "100 anh ơi, cắm trại một trăm phần trăm" (bác nào là quân nhân chế độ cũ chắc nhớ Hùng Cường với từ này hỉ.), ở vũ trường của ... vợ.

    Sau 30-4, 1975, ông đại úy này chung thân ở trại cải tạo. Khánh Ly một mình qua Mỹ và lập tức thành hôn với một ký gỉả, Nguyễn Hoàng Đoan.

    "Cố nhân ơi, giận hờn chi nhau.?".

    Số của anh ... bắt phanh trần, phải phanh trần. Còn em đô la mới được phần đô la.

    Nhớ lại ngày nào cô hát câu ".. khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm cầu gẫy vì mìn", bây giờ thì "tôi sẽ đi thăm cầu .. khủng nhiều vài" (cầu Golden Gate ở California).

    Còn Trịnh Công Sơn.?

    Sẽ tiếp tục. Chữ nghĩa chứ đâu phải .. phong bì, lấy đâu ra mà lắm thế. Để dành cho những phần tới.

    Chú thích:

    1.- Như thường lệ, cám ơn đại ca Hoài Nam về lời bình luận dùng trong tiêu đề này.

    2.- Tiêu đề "Trịnh Công Sơn" này tốn rất nhiều thời gian để sưu tập nhạc vì hầu hết là acoustic, ngoại trừ hai bài tìm đỏ mắt không ra . Điều này đồng nghĩa với việc nên nghe vào ban đêm khi chỉ ..mình ta với ta. Nếu nghe ban ngày thì thể loại acoustic sẽ bị trộn lẫn với tiếng động chung quanh và tôi bảo đảm là nhạc sẽ "như cánh vạc bay".

    Khi muốn thưởng thức một bản nhạc đến tận cùng, ta phải nghe phiên bản acoustic. Theo định nghĩa, acoustic music là loại nhạc mà lúc trình diễn không có phần can dự của electronic mà chỉ được khuếch âm, nếu cần. Bởi vậy khi nghe acoustic, ta sẽ nghe được chính chất giọng của người hát, không echo, không reverb. Bạn nào thường đi hát-cho-nhau-nghe hay karaoke, một ngày nào đó thử bảo người chỉnh mixer tắt echo và reverb thì tôi bảo đảm phần lớn các bạn sẽ không bao giờ cầm micro mà mắt không liếc xem echo và reverb đã được ... bật hay chưa. Đó là chưa kể việc phải để cho các nhạc sĩ đang ôm đàn có cơ hội diễn tả cảm nhận về bài hát nữa chứ. Người ta cũng là nghệ sĩ mà.

    Chỉ có khi nghe acoustic version, ta mới thấy được là ca sĩ nâng niu từng chữ, nhạc sĩ nắn nót từng nốt nhạc như thế nào. Ca sĩ phải tự tin và có gan .. cóc tía mới sờ đến .. acoustic. Thật ra thì cũng chưa cần phải đụng đến acoustic, cứ nghe ca sĩ hát điệu boston thì sẽ biết ngay vàng SJC hay vàng .. Trung quốc.!

    Nhạc sĩ cũng vậy, phải có tài, phải có tâm chứ không phải ai ôm đàn từng tứng tưng trong ban nhạc mà cũng đấm ngực, xưng tên là ...chơi acoustic. Đó là chưa kể phải tự mình soạn hòa âm trước, tập cho đến khi nhuần nhuyễn và còn phải tập trước với ca sĩ. Không phải chuyện dễ đâu,!

    Chỉ cần ca sĩ lấy hơi chưa đủ hay không đúng lúc là người nghe nhận ra ngay. Chỉ cần người nhạc sĩ đánh chậm nửa nốt nhạc hay bấm phím chưa tròn hay ngón tay nào yếu hơn những ngón kia một tẹo là lòi ra ngay. Không dấu đi đâu được.

    3.- Riêng thưa cùng các bạn chỉ muốn nghe Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn. Thứ nhất, nếu các bạn nghe "ca khúc da vàng" trong tiêu đề này một cách kỹ càng và không có tiên kiến, thành kiến, thiên kiến, các bạn sẽ nhận thấy Khánh Ly hát "ca khúc da vàng" không ra hồn, so với chính Trịnh Công Sơn hát. Còn nếu các bạn sống "vì" quá khứ chứ không phải "với" quá khứ thì tôi chịu thua. Còn các bản khác thì, theo tôi, hơn nửa thế kỷ qua rồi, chắc chắn phải có những ai đó hát một hai bản nhạc Trịnh hay hơn Khánh Ly chứ.?

    Phần 1.

    Tracks Listing:

    01.- Cánh Chim Cô Đơn................Thái Hòa
    02 - Ru Đời Đã Mất.......................Hiền Thục
    03 - Ướt Mi .................................Cẩm Vân
    04 - Nắng Thủy Tinh.....................Phạm Thu Hà
    05 - Nhìn Những Mùa Thu Đi..........Hồng Hạnh
    06 - Diễm Xưa.............................Thái Hòa
    07 - Tình Nhớ..............................Thiên Kim
    08 - Hạ Trắng..............................Lô Thủy
    09 - Lời Buồn Thánh.....................Giang Trang
    10 - Như Một Vết Thương..............Khánh Ly
    11 - Gọi Tên Bốn Mùa...................Phạm Thu Hà

    Phần 2 & 3

    Tracks List:

    Phần 2

    12.- Phôi Pha...............................Thái Hòa
    13.- Vuờn Xưa.............................Thái Hòa
    14.- Cũng Sẽ Chìm Trôi................Hồng Nhung
    15.- Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.......Mỹ Tâm
    16.- Ở Trọ..................................Lô Thủy
    17.- Chuyện Đóa Quỳnh Hương....Thái Hòa
    18.- Như Cánh Vạc Bay................Thanh Lam
    19.- Nghe Tiếng Muôn Trùng........Thái Hòa
    20.- Lời Ở Phố Về....................... Giang Trang
    21.- Tình Xa................................Nguyễn Toàn
    22.- Tình Nhớ.............................Trần Thu Hà
    23.- Tình Sầu..............................Hiền Thục

    Phần 3:

    24.- Rồi Như Đá Ngây Ngô.....................Thu Phương
    25.- Vết Lăn Trầm.................................Trần Thu Hà
    26.- Người Con Gái Việt Nam Da Vàng....Trịnh Công Sơn
    27.- Đại Bác Ru Đêm.............................Trịnh Công Sơn
    28.- Tình Ca Người Mất Trí.....................Khánh Ly
    29.- Cát Bụi...........................................Thái Hòa
    30,- Tình Khúc Ơ Bai.............................Thái Hòa
    31,- Xin Cho Tôi....................................Thủy Tiên
    32.- Hát Cho Người Nằm Xuống.............Nguyễn Toàn
    33.- Giọt Lệ Thiên Thu..........................Phạm Thu Hà
    34.- Bay Đi Thầm Lặng.........................Thái Hòa
    35.- Sóng Về Đâu.................................Quỳnh Lan
    36.- Rừng Xưa Đã Khép........................Lê Dung
    37.- Còn Tuổi Nào Cho Em....................Hiền Thục

    Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ dùng chữ không có đối thủ trong dòng nhạc Việt.

    Thứ nhất, ông chỉ dùng chữ Nôm. Họa hoằn lắm, ông mới cắn răng dùng từ Hán Việt, khi lục hết túi quần đến túi áo mà vẫn tìm không ra chữ Nôm nào để diễn tả ý tường của ông. Họa hoằn lắm, vì TCS mà tìm không ra thì kể như "xong phim"

    Xin các bạn nhớ cho là chỉ có "chữ Nôm" chứ không có "tiếng Nôm".

    Điều dễ hiểu là, tiếng Nôm chính là tiếng Việt ta đang nói ngày hôm nay, thứ tiếng mẹ đẻ mà dân tộc ta đã khai phóng, tích tụ bao ngàn năm nay. Chữ "ngôn" trong từ "ngôn ngữ". Vâng, chúng ta đã làm giàu thêm bằng những từ vay mượn từ chữ Hán, chữ Tây nhưng nhưng điều này không làm giảm đi giá trị của thứ tiếng mà Phạm Duy đã dùng để bắt đầu bản "Tình Ca":

    "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời". Thuần nôm.!

    Như trong "Ôi, tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã xanh rêu" của Trịnh Công Sơn, dấu tích Hán Việt được xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng Phạm Duy thua Trịnh Công Sơn ở chỗ họ Trịnh đã dùng hết sức mình để tận dụng chữ Nôm trong thi ca và âm nhạc của ông. Phạm Duy là phù thủy của "âm pháp" nhưng Trịnh Công Sơn là phù thủy của "ngữ pháp".

    Thứ hai, các nhạc sĩ khác có thể xử dụng ca từ mỹ miều, lãng mạn, du dương hơn họ Trịnh nhưng, không ai có thể "thâm" hơn Trịnh Công Sơn về tài này.

    Muốn hiểu rõ những thâm ý của ông, ta cần "đọc" kỹ ca từ của ông trong những bản nhạc viết "sau" 1975 vì, chỉ chính trong giai đoạn này TCS mới viết nhạc cho .. chính ông.

    "Đọc" lời nhạc của họ Trịnh vừa khó mà cũng vừa dễ như đọc sách sử. Ngày xưa, các quan ngự sử là những nhà viết sử trong triều đình .. theo lệnh vua. Các quan này đều là những học giả uyên thâm. Khổ một nỗi là, nếu viết đúng theo những gì đã xảy ra thì e mạng sống mình và cả gia tộc không giữ nổi thêm một giây đồng hồ. Nhưng nếu viết theo kiểu nhà vua muốn thì có tội với hậu thế. Thành ra, khi đọc sử, nếu ta để ý vào những gì các ông ấy "không muốn viết ra" bằng cách cố ý viết sai, thật vô lý, thật rõ ràng một cách ... mông lung rồi ta tra cứu thêm một ít các tài liệu khác thì sự thật sẽ hiện ra.

    Giống như chuyện để cây tăm ngay trước mắt, ta sẽ không thấy nhưng thấy được cánh rừng ở đằng sau.! Nhưng nếu chỉ chú tâm vào cây tăm, ta sẽ không bao giờ nhận ra vẻ đẹp của cánh rừng. Người đọc sử hay nghe nhạc cần nhận thức rõ ràng để biết lúc nào nên chú tâm vào đâu.

    Nhạc TCS cũng như sách sử, mỗi bản, ông chỉ lồng vài câu nhưng, nếu nhận ra, ta sẽ hiểu được ông muốn nói gì.

    Muốn hiểu rõ những thâm ý của ông, ta cần "đọc" kỹ ca từ của ông trong những bản nhạc viết sau 1975 vì, chỉ chính trong giai đoạn này họ Trịnh mới thấm thía, mới cần phải bộc bạch tâm sự mình một cách khéo léo để bảo toàn an nguy.

    Ngoài ra, cần phải tìm hiểu bản nhạc mình đang "đọc" được họ Trịnh viết trong hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, thì cây tăm của Trịnh Công Sơn sẽ hiện ra lồ lộ trước mắt. Các bạn nhớ kỹ là tôi viết "đọc" chứ không phải "nghe" nhá. Còn "nghe" thì tôi sẽ đề cập đến trong một kỳ tới. Vì thế, khi đã không đủ trình độ văn hóa, không tôn trọng tác giả bằng cách nghiên cứu ca từ trước khi hát, cộng thêm "nếu quên thì cương", nhiều ca sĩ hát lung tung, thay lời đổi chữ vô tội vạ, trong lúc ra điệu bộ, nhắm mắt nhắm mũi, khoa tay khoa chân trong một cố gắng để diễn tả điều mà chính cả người hát có khi... chẳng hiểu gì.!!! “Hát thì hát vậy...”, nói theo lối TCS, thì làm sao mà lôi cuốn, mà truyền được cảm xúc cho người nghe. Chuyện hát đúng hát sai kể ra không hết, có khi chỉ thay đổi, thêm hay bớt một chữ thôi cũng làm thay đổi hẳn ý nghĩa câu hát, làm mất đi ít nhiều “chất” TCS, chẳng hạn:

    - Chữ “miệng” trong “miệng cười khúc khích trên lưng” (Quỳnh Hương) được nhiều ca sĩ đổi thành “nụ” (nụ cười khúc khích...). Hát như vậy thì ai mà hình dung được chiếc cằm xinh xắn của cô bé tựa trên lưng chàng trai. TCS không diễn tả tiếng động mà ông đang truyền đạt một hình ảnh, các cô, các chú ca sĩ à.!

    - Chữ “em” trong “em qua công viên mắt em ngây tròn” (Còn Tuổi Nào Cho Em) được ca sĩ .. chuyên viên hát nhạc Trịnh, KL, đổi thành “nai” (... mắt nai ngây tròn). Mắt nai, mắt phượng, mắt bồ câu không thuộc về ngôn ngữ TCS. Nhớ đấy. TSC đã không là TCS khi tả về đôi mắt nai mà cần nói đến “mắt nai”.!

    - Chữ “vầng” trong “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” (Một Cõi Đi Về) được ca sĩ DT đổi thành “vòng” (... đôi vòng nhật nguyệt). Ở đây là vầng thái dương, vầng trăng, chứ không phải vòng trời đất, vòng càn khôn... Hơn nữa, vầng thì còn “rọi suốt trăm năm...” được chứ vòng thì... chịu. Hay là ... người hát đang bận nghĩ đến đôi "vòng" đeo tai mới mua không biết chừng ? Nếu các bạn chịu khó tìm hiểu TCS viết bản này vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào và viết cho ai, quý bạn sẽ .. tá hỏa tam tinh vì nhận ra bản này không phải là tình ca, nhưng là ... bi ca lẫn tụng ca.

    - Trong nhiều trường hợp, chữ hay nhất, “đắt giá” nhất trong câu bị tráo đổi không thương tiếc, làm hỏng một câu hát và, có khi làm hỏng luôn bài hát, khiến người nghe bị khựng lại như ngồi phải gai:

    - Chữ “phút” trong “vội vàng thêm những phút yêu người” (Chiếc Lá Thu Phai) được ca sĩ TVT (em gái TCS) và nhiều ca sĩ đổi thành “lúc” (... những lúc yêu người) làm giảm mất cái hay, không diễn được cái ý yêu vội yêu vàng, yêu đếm từng phút, từng giây, yêu như muốn chạy đua với chiếc kim đồng hồ. Mà thật vậy, TCS giỏi lắm thì chỉ "yêu" được .. một phút là hết cỡ thợ mộc rồi. Tương tự, chữ “phút” trong “có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau” (Bay Đi Thầm Lặng) cũng không thể đổi thành “lúc” được. “Phút” chứ không phải “lúc”, đó mới là TCS. Ấy, em của ông giết nhạc của ông như thế đấy, đừng trách những ngưới khác nhá.!

    - Chữ “suốt” trong “rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Một Cõi Đi Về) được các ca sĩ TN, DT... đổi thành “xuống” (rọi xuống trăm năm...), cứ làm như rọi là phải rọi xuống chứ không rọi... lên được. “Suốt” chứ không phải “xuống”, đó mới là cách TCS dùng ngôn từ. Phần phụ lục sẽ có link riêng và, khi nghe, các bạn sẽ thấy khi TCS hát chữ này, ông truyền đạt được sự đau đớn, thất vọng như thế nào. Theo tôi, không ai hát bản này hay .. gần bằng được TCS. Nếu có gần được đi nữa thì cũng phải .. xa chừng chục bậc thang. Chấm hết. (Đoạn này tặng cho cô Châu, người đã nỡ lòng nào viết "suốt" thành "xuốt").

    Chữ "con tim" yêu thương trong bài này bị hầu hết các ca sĩ đổi thành "con tinh" yêu thương" Ai nghi ngờ thì cứ việc download link phụ lục để nghe chính TCS hát chữ "con tim". Đúng ra thì trong tiếng Huế có chữ "con tinh" chứ không phải là không có. Chữ này được dùng trong giới trẻ, ngày xưa. "Con tinh" được dùng trong những trường hợp đại để như "con tinh (hay thằng tinh) ni, mi đi mô mà tau nó không ra rứa". Vâng, câu này tôi kiểm lại kỹ rồi, không có chữ nào sai cả đâu, kể cả chữ "nó" vì "nó" ở đây không phải là ... nó. Nếu nó là .. nó thì ngưới Huế đã dùng chữ "hắn" rồi. "Con tinh" được dùng với một sự yêu thương, phảng phất chút giận hờn, nhớ nhung. Ai tò mò về chữ "nó" ... này thì phải tự tìm hiểu lấy, lúc đó mới nhận ra sự thú vị của .. hắn. Người Bắc thì dùng chữ "con yêu, thằng yêu" cũng theo ý nghĩa này, cùng trích ra từ chữ "yêu tinh". "Em yêu, anh yêu" là khác đấy nha.

    Trong bài "Một Cõi Đi Về" , TCS không có ý nhắc đến con tinh, con yêu nào cả. Xin download link phụ lục, nghe xong thì sẽ biết.

    - Nhiều trường hợp khá buồn cười: một ca sĩ hát sai vì quên lời rồi những ca sĩ khác hát sai theo, mãi rồi không ai thèm sửa lại cho đúng. Ví dụ như khi một diva hát đến câu “thành phố hoang vu như...” (Tình Xa) thì quên béng mất “hoang vu như...” ... xế lào, hay chỉ nhớ mang máng là đọc lời đâu đó trên internet, đành choang bừa là “hoang vu như... một lần qua cuộc tình”. Thế là từ đó các ca sĩ khác cũng hát theo như vậy cho giống thần tượng ... diva của mình.!

    Ca sĩ KL còn tiến thêm một bước cho "vẹn đường trần", bèn... đảo ngược lại, thành ra “... như... cuộc tình qua một lần”. Sửa qua sửa lại, sai vẫn cứ sai (câu này bây giờ nghe có vẻ quen tai nhỉ). Cuộc tình chỉ qua một lần mà đã làm cả thành phố .. hoang vu thì chắc TSC đã đoán trước được chuyện .. "nhà nước hồi giáo" mới đây. Câu đúng là “thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”, chứ không có đi qua, đi lại, một lần, hai lần gì cả, các diva ạ!

    - Hoặc một số ca sĩ thích thêm chữ “vùi” vào cuối câu hát “không có ai đời đời ru anh ngủ...” (Hát Cho Người Nằm Xuống) để trám một nốt nhạc bỏ trống, mà không rõ dụng ý của người nhạc sĩ cố ý chừa một khoảnh khắc yên lặng ở cuối câu nhạc để làm đọng lại cảm xúc, rồi mới chuyển sang ý tiếp, ... "mùa mưa tới, trong nghĩa trang này có loài chim thôi”. Hơn nữa, ta nói “ru em ngủ”, “ru anh ngủ”, hoặc “em ngủ vùi”, “anh ngủ say”..., chứ không nói “ru anh ngủ vùi”, “ru em ngủ say”, “ru anh ngủ ngon”... Người kia đã ngủ say, ngủ ngon, ngủ vùi như rứa thì còn cần ai "ru" nữa hỉ.?

    - Có trường hợp ca sĩ thay lời đổi chữ trong câu hát vì muốn làm tốt hơn, nhưng vẫn... không tốt hơn được. Vả lại TCS phải nhờ đến quý vị hay sao.?Chẳng hạn ca sĩ TN hát đến câu “có khi nắng khuya chưa lên” (Chiều Một Mình Qua Phố), thấy... không ổn vì làm gì có “nắng khuya” bao giờ) bèn, đổi thành “... nắng mưa chưa lên”, nhưng nghe... vẫn không ổn tí nào cả.

    "Nắng khuya" là đèn đường đấy, khổ lắm, chữ với nghĩa.! Vả lại,... “nắng lên” chứ chả ai thấy “mưa... lên”. “Mưa xuống” thì còn nghe được.

    - Như trong bài "Giọt Lệ Thiên Thu", ca sĩ nào cũng hát là "... sống chết như thân cỏ hèn mọc đầy núi .. non". Nhờ các bác tí nha, câu đúng là "sống chết như thân cỏ hèn mọc đầy núi .. sông". " Nhớ cho, câu trước là "sống chết bao năm, vui vui, buồn buồn, người người, ngậm ngậm". Núi sông là đất nước là quê hương, núi non khác với núi sông." Cả thế giới này chỉ có Việt Nam ta mới diễn tả quốc gia, quê hương bằng chữ "núi sông". Khi TSC dùng chữ này, ông có thâm ý một cách cùng cực. Sai chữ này là hỏng nguyên cả bản nhạc. Còn nếu muốn hiểu tại sao ông bà mình dùng chữ "núi sông" thì cần nhiều thời giờ hơn nữa mới giải thích ổn thỏa được. Bốn ngàn năm lịch sử được gói trọn trong hai từ này đấy, các bạn ạ. Link phụ lục có bài này do chính TCS hát và nhớ để ý chữ "sông". Ông hát đúng theo cách phát âm: "shông" để nhấn mạnh sự quan trong của chữ "núi sông". Không non, không niếc ở đâu nhá, mấy anh, mấy chị ca ... sỡi à.! Cả làng nghe nhạc chúng tớ không phải ai óc cũng đầy .. bùn mà phải nhờ đến quý vị sửa lời cho ... dễ hiểu.

    - Lại có những bài nhạc mà ca từ được thay đổi tùy hứng, tùy tiện, đến... vô nghĩa:

    “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em...” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng), câu hát ấy được ca sĩ TL đổi thành “... anh ơi đừng tuyệt vọng. Anh là tôi, và tôi cũng là... ai” ?????. Câu hát vốn khó hiểu lại được làm cho thêm khó ... chịu.! Câu dưới may mà cô chưa đổi thành “anh hồn nhiên, rồi anh sẽ ... bình minh...”) như với một số ca sĩ khác. Câu đúng phải là"em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên", Các trự để ý vần điệu trong thi ca cho chúng cháu nhờ.!Đã thế tiết tấu bài nhạc lại rộn ràng, sôi nổi, đánh mất hồn của bài hát là bức tranh ảm đạm của buổi tàn thu. Nội dung bài hát, như tác giả TCS cho biết, là “nỗi lòng của kẻ tuyệt vọng”.

    “Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng” không phải dễ hát đâu. Thử nghe kỹ, để ý những “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”...

    "....có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ.

    Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên..."

    Không phải giọng Trung, đố ai hát cho đạt được những chỗ này. Chỉ giọng Trung mới nghe ra “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”. Lại còn phải hát thế nào để diễn tả cho được nỗi niềm của kẻ đang mấp mé bên bờ tuyệt vọng. Chữ "sầu" nếu muốn truyền đạt sự buồn nản phải được xướng âm như "shầu" của người Trung chứ không nhẹ nhàng kiểu Thái Thanh được. Các bạn nghe Thái Hòa, không phải Trần Thái Hòa, hát bản "Vườn Xưa" thì sẽ phát hiện những thanh âm đặc sắc này vì TCS làm bản này để nhắc tới mảnh vườn xưa ở Huế.

    Xướng âm, nhả chữ cho đúng, cho tròn thì các bạn phải nghe Lê Dung khi hát "Rừng Xưa Đã Khép." Lê Dung hát chữ nào ra chữ ấy. Lê Dung "nhả" chữ nào tròn chữ ấy. Khi nhả đúng chữ, ta phải nghe được chữ đầu và chữ cuối của một từ thì mới hiểu được thế nào là "nhả" chữ. Đơn cử, khi nghe chữ "rừng", ta phải nghe được chữ "r" lúc bắt đầu và chữ "g" lúc cuối. Không chuẩn bị thì "r" bị nghẹn ở cần cổ, lưỡi còn ướt thì dính vào lợi, chữ "r" sẽ bị đớt. Hát không rõ, không sách vở, trường lớp, hay lười biếng thì không nghe được âm "g" ở cuối từ "rừng". Lê Dung đã làm được và làm đúng. Trình diễn nơi công cộng hay thâu vào CD không phải là hát-cho-nhau-nghe hay karaoke. Đó là chưa kể đến những "tử âm" trong xướng âm pháp. Tử âm đây không phải là âm chết mà là, chữ giết ca sĩ nếu không biết "thủ thuật", kinh nghiệm hay, kỹ thuật để chinh phục. Sẽ bàn về "tử âm" trong một bài tới.

    Chuyện ca sĩ hát sai lời là chuyện thường tình, ngu mỗ ở đây không có ý bình phẩm công việc “đời ca hát ngày tháng cho người mua vui” của người nghệ sĩ mà chỉ cốt, qua ít ví dụ kể trên, nêu lên một trong những biểu hiện của lầm lạc nhận thức, thiếu thốn văn hóa và nhất là, vô lễ với tiếng mẹ đẻ, do không hiểu, không cần hiểu hoặc không hiểu đúng. Thực tế, người hát muốn hát sao cũng được, hát thế nào cũng xong, vì người nghe vốn dễ dãi, ít có để ý chuyện đúng, sai. Cũng vì ít có để ý, cứ hát là hát, cứ nghe là nghe thôi, nên có những chỗ dễ hiểu mà ít ai chịu hiểu. Một người bạn hỏi tôi: "Một cõi đi về" là đi về... đâu?”. May mà ông này chỉ là "bè" chứ nếu là "bạn" thì tôi đã cạch mặt ngay.

    Ơ hay! Nghĩa hai chữ “đi về” ở đây không phải như là “đi về đâu hỡi em, khi lòng không chút nắng...” (Đời Gọi Em Biết Bao Lần). “Một Cõi Đi Về” phải được hiểu và có thể viết lại là “một cõi đi, về”, có dấu phẩy [,] giữa hai chữ “đi” và “về”. Nghĩa là “một cõi đi và về ”.

    Tương tự, phải hiểu rằng: “có hai mùa vẫn đi, về” (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên), hoặc “lặng nghe gió đi, về” (Lời Buồn Thánh), hoặc “đi, về một mình tôi” (Một Ngày Như Mọi Ngày). Cũng như trong “về đây đứng, ngồi” (Chiếc Lá Thu Phai), có nghĩa là “về đây hết đứng lại ngồi”.

    “Xe, ngựa về ngủ say” (Một Ngày Như Mọi Ngày), có nghĩa là “xe và ngựa...” (ngựa về ngủ say chứ xe làm sao biết .... ngủ). Hoặc “mười năm tắm, gội” (Chiếc Lá Thu Phai), có nghĩa “... tắm và gội”. / Hoặc “có con đường nằm nghe nắng, mưa”, và “có con đò chở nắng, mưa đi” (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên) đều có nghĩa “nắng và mưa”. Nếu quý vị biết "hát", làm ơn dừng lại một tí, rồi bắt cho kịp ở những chữ sau để đúng thời gian cho khuông nhạc thì hay biết nhiêu. "Khuông" chứ không phải "khuôn" đâu nhá. Hai chữ khác nhau về ý nghĩa.

    Ca từ TCS, như chính tác giả phát biểu, “thực sự không dễ hiểu”, vì thế, cũng chẳng biết như thế nào gọi là hiểu. Có hiểu được mà hát cho ra lại là một vấn đề. Thôi thì hiểu tới đâu hay tới đó, hiểu sao cũng được, không hiểu được cũng... không sao. Bây giờ thiên hạ đi "xem" ca sĩ chứ không đi để "nghe". Mà có đi nghe chăng nữa thì ồn ào, gào thét như một cái chợ. Cặp nào im lặng thì chém chết cũng anh đang thủ Iphone, em đang ôm Ipad, lâu lâu lại khoe nhau cái hình selfie.

    Nhưng cổ nhân, mặc dầu chưa bao giờ đươc nghe TCS, cũng đã đoán trước rồi. Bởi vậy mới có từ "hát hỏng". "hát" có lúc sẽ "hỏng".! "Ca" như vậy thì nên vứt chữ " sĩ " đi vì, nếu có "sĩ" (diện) thì không "ca" như thế.!

    Phần 4 & 5 (phần cuối).

    Tracks List:

    Phần 4.

    38.- Tôi Ru Em Ngủ .............................Lê Hiếu
    39.- Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng ........Nguyễn Hồng Nhung
    40.- Im Lặng Thở Dài ..........................Khánh Ly
    41.- Cho Đời Chút Ơn ..........................Mai Trang
    42.- Phúc Âm Buồn..............................Thái Hòa
    43.- Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói .....Giang Trang
    44.- Này Em Có Nhớ ...........................Thu Phương
    45.- Xin Trả Nợ Người .........................Trần Thu Hà
    46.- Hoa Vàng Mấy Độ ........................Thái Hòa
    47.- Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui ...Khánh Ly
    48.- Như Tiếng Thở Dài .......................Giang Trang
    49.- Một Lần Thoáng Có ......................Thủy Tiên

    Phần 5.

    50.- Em Đi Bỏ lại Con Đường................. KhánhLy
    51.- Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên .......Thái Hòa
    52.- Tô iƠi Đừng Tuyệt Vọng ................Thái Trân
    53.- Góp Lá Mùa Xuân .........................Giang Trang
    54.- Bốn Mùa Thay Lá .........................Thái Hòa
    55.- Đời Cho Ta Thế ............................Thủy Tiên
    56.- Như Một Lời Chia Tay ...................Chính Duật
    57.- Môi Hồng Đào .............................Hiền Thục
    58.- Về Nơi Cuối Trời ..........................Kim Lan & Đỗ Trung Quân
    59.- Vẫn Có Em Bên Đời .....................Giang Trang
    60.- Vẫn Nợ Cuộc Đời .........................Lô Thủy
    61.- Yêu Dấu Tan Theo....................... Trịnh Vĩnh Trinh

    Chuyện kể rằng trên con đường dẫn vào một làng nọ, có một ông đạo sĩ ngồi ngay giữa, từ ngày này qua ngày nọ. Thoạt đầu thì không ai thắc mắc nhưng rồi thì mọi người tò mò và khi hỏi tại sao thì ông cho biết rằng ngồi đây để đám voi, mà lâu lâu lại tràn vào làng phá phách, sợ mà không dám xuất hiện. Dân làng thắc mắc là lâu nay đâu thấy đám voi này nữa thì ông nói là chính vì ông. Khi đám hương chức của làng họp để quyết định xem có nên mời ông ta đi chỗ khác để khỏi án ngữ đường vào làng thì, không ai dám khẳng định là vì có ông mà đám voi không dám đến, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kết quả là ông vẫn tiếp tục ngồi vì người ta sợ rằng nếu, quả thật nếu ông đi mà đám voi tràn tới thì dân làng có còn sống cũng .. khó nuôi.

    Ngày 30-4-1975, bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Cũng trong lúc đó, bao nghìn quân nhân chế độ cũ cũng đang còn lẩn quẩn đâu đó trong thành phố sau khi nghe lệnh của một ông tổng thống có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử thế giới và, một quyết định duy nhất, cũng không kém phần bi hài là, lệnh buông súng. Lang thang trên đường, một số người vừa giác ngộ ý chí cách mạng từ .. đêm hôm qua cũng đang ... tình nguyện đeo trên trên tay mảnh vải đỏ và tay kia, những khẩu súng nhặt được mà chủ yếu là để .. hôi của trong cảnh hỗn quân, hỗn quan và bước tiến đầu tiên là con đường dẫn đến .. tòa đại sứ Mỹ, vừa được bỏ ngỏ tối hôm qua.!

    Bầu không khí sôi sục với quyết tâm của đội quân đang trên đà chiến thắng, sẵn sàng đi tiếp bước cuối cùng với bất cứ giá nào. Sau những gốc cây, trong từng góc khuất, đám bại binh vừa miễn cưỡng tự ... giải giáp cũng hoang mang, không biết là mọi việc sẽ ổn thoả hay, mình đang bị dồn đến chân tường. Ngoài đường thì lớp người mới .. giác ngộ cũng lăm le chờ một cơ hội để lập công trong giờ thứ ..25 mặc dầu nếu có bóp cò thì, khả năng bắn ... chính mình, đang ...ba chân còn hai, là rất cao.!

    Người Sài Gòn nín thở và, đạo sĩ ... Trịnh Công Sơn bước vào đài phát thanh hát bản "Nối Vòng Tay Lớn".!

    Chắc chắn rằng chỉ ông Trời mới có thể biết là vì vậy, hay không, mà bạo động đã không xẩy ra nhưng nếu bạn là người Sài Gòn lúc ấy, chính lúc ấy, thì bạn sẽ nghĩ sao.?

    Chỉ cần một tiếng súng, một thây người ngã xuống thì Sài Gòn ngày ấy đã có thể trở thành một biển máu.!

    Cần Trịnh Công Sơn hát bản này hay không cần.?

    Không ai có câu trả lời.!

    Trớ trêu thay, như Nguyễn Du đã viết, "chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau" vì, vài ngày sau, người ta bắt đầu lên án Trịnh Công Sơn và tất cả những tác phẩm của ông, nhạc tình, nhạc phản chiến hay thân phận ca cũng rứa.

    Hồi xưa, trên thế giới, khi một phi công phe kia bị bắn rơi và tử trận thì phe này sẽ bay ngang để thả một vòng hoa với quan niệm rằng, dẫu thua hay thắng, bên nào cũng có những anh hùng.

    Động thái "chào" của quân lính sau này cũng bắt nguồn từ thời trung cổ. Chào là động tác nâng miếng che mặt lên để bên kia nhìn thấy mặt, tỏ lòng tôn trọng đối phương, người giết hay sẽ bị giết.

    Nhưng bây giờ, Trịnh Công Sơn bị lên án vì đã sáng tác bài " Hát Cho Một Người Nằm Xuống", khi tỏ sự tiếc thương, dẫu chỉ từ một người bạn với một người bạn, một phi công của quân đội miền Nam cũ đã bị bắn rơi. Theo quan niệm của những người trong Liên Hiệp Sinh Viên Học Sinh thì, phe địch không có quyền được thương tiếc, đừng nói dến chuyện anh hùng.

    Và nhất là, cũng theo họ, Trịnh Công Sơn đã phản bội mục đích của cuộc chiến thần thánh chống chủ nghĩa tư bản bằng câu "hai mươi năm nội chiến từng ngày" trong bản "Gia Tài Của Mẹ".

    Trong những năm trước đó, ông được dung túng, khỏi bị đi lính. Nhạc của ông được hát hàng ngày từ những người thích hoặc không thích ông. Nhạc phản chiến của ông cũng chỉ bị cấm đoán lấy lệ chứ chưa ai bị bắt hay bị làm khó dễ khi hát.

    Nhưng bây giờ, thảm kịch của cuộc đời ông mới thực sự bắt đầu và, phải trốn ra Huế sau khi được đánh tiếng là sẽ bị thủ tiêu, từ những người từng chén chú, chén anh, từng ôm đàn hát, với ông cho đến .. ngày hôm qua. Trịnh Công Sơn và họ giống như hai mặt của một đồng xu, ngồi cạnh nhau nhưng không bao giờ gặp được nhau trên quan điểm chính trị.

    Trịnh Công Sơn phải trốn về Huế để tìm nơi nương tựa vì ở đó ông có nhiều anh em. Hy vọng là họ sẽ giúp đỡ mình nhưng, ông tránh vỏ dưa lại đạp vỏ .. mít vì, ở đây ông còn bị lãnh đạn nặng hơn nữa. Bị tố cáo tại các trường học, các biểu ngữ nêu đích danh giăng lên, Trịnh Công Sơn phải lên đài truyền hình Huế nhận lỗi của mình với bài "thu hoạch". Tuy rất khéo léo trong bài nhận lỗi đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường không đồng ý bài đó, đòi phải viết lại vì chưa thành thật.

    Người ta quyết tâm ghê gớm lắm trong sự kiểm soát nên ông đã đóng cửa nhà mình, không dám tiếp ai trong nhiều năm. Sau đó, ông phải đi thực tế, tức là đi để biết người nông dân cày bừa cực khổ như thế nào, đi trên những cánh đồng còn rải rác những chông mìn. Ông đã thoát chết ít nhất là trong một lần; một con trâu đã cứu ông khi nó đạp quả mìn mà đáng lẽ ông sẽ đạp.

    Ba năm sau, một vị lãnh đạo đã tìm cách đưa ông về Sài Gòn, trả lại hộ khẩu và, tạo điều kiện để cho ông yên tâm sống. Nhưng, nhạc của ông vẫn bị cấm trong một thời gian dài, bất kể là tình ca, thân phận ca hay phản chiến ca. Nhạc Trịnh Công Sơn đã lỗi thời và hơn thế nữa, đi ngược với hiện trạng đất nước,

    Lúc đó, tuy còn nhiều người vẫn nghe lén nhạc TCS, nhất là từ miền Bắc nhưng, không ai dám công khai thừa nhận.

    Phải đợi một thời gian đổi mới và cải tổ, khi nhạc miền Nam trước 1975 vẫn còn bị cấm và nhạc từ hải ngoại dĩ nhiên đồng nghĩa với phản động, thì nhạc của ông mới đưọc bắt đầu hát lại. Hát lại không phải vì người ta thấy nó hay, không phải vì người ta cảm nhận được chất tình mà đơn giản vì, nó dễ hát và trên hết, người ta không có gì để hát. Và rồi, các ca sĩ mới ra ràng bắt đầu "theo đóm ăn tàn", bắt đầu tuyên dương ông như một nhân tài, nhạc của ông là di sản, của đất nước.

    Đúng ra "di sản" chỉ là cái từ "nhạc Trịnh" vì trước 75, không ai gọi nhạc của ông một cách vắn tắt và, vô lễ, là "nhạc Trịnh". Người ta gọi rõ ràng, đủ tên là "nhạc Trịnh Công Sơn". "Nhạc Trịnh" là Trịnh nào.? Trịnh Công Sơn, Trịnh Lâm Ngân, Trịnh Hưng, Trịnh Văn Ngân, Trịnh Bách hay Trịnh Nam Sơn.???

    Trước hay sau 1975, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ sáng tác theo thời thế. Điều này cũng chẳng có gì là sai trái vì nghệ sĩ là những kẻ đa cảm, dễ xúc động nên thời nào thì sáng tác có âm hưởng thời ấy là chuyện thường tình. Nửa thập kỷ đầu của 1960, nhạc ông thuần túy là nhạc tình. Từ nửa sau của những năm 60 đến những năm giữa của thập kỷ 70, nhạc ông là "phản chiến ca", loại nhạc mà cả bên này lẫn bên kia, không bên nào lấy làm hài lòng. Sau 1975, nhạc ông viết thuần túy là cho thân phận chính ông, lồng trong những ca từ .. lửng lơ. Tuy nhiên, lâu lâu cũng xuất hiện vài bản nhạc phim để kiếm sống hoặc để "che mắt".

    Nhưng thôi, bàn về Trịnh Công Sơn thì dễ bị ném đá một cách rất dễ dàng và vô tội vạ.

    Kẻ binh thì ném đá vì tội binh chưa ...đủ, hành vì tội văn dốt, vũ nát, dám phát ngôn bừa bãi là các bài "Bống Bồng Ơi", "Thưở Bống Là Người" hay "Bống Không Là Bống" không viết cho .... Hồng Nhung. Em đã "đọc" rất kỹ lời ba bản này mà lại còn in ra, để ngay trước mặt, để cạnh nhau, so sánh những tương quan và dị biệt của ba bản. Theo em, những "ẩn ý" và "ẩn ngữ" của Trịnh Công Sơn chả .. ẩn tí nào, chả liên quan gì đến cô này, dầu chỉ một mi li mét. "Bống" là ai đã lồ lộ ra trước mắt như khi so sánh ảnh của một cô chân dài trước và sau khi đi ... Hàn quốc về, chỉ là ta không muốn thấy, không muốn hiểu hay, không muốn đề cập tới thôi.

    Kẻ ghét sẽ ghép vào tội ghét chưa tròn.

    Người ghét ở phía Đông Thái Bình Dương sẽ phàn nàn là tại sao đất nước đã thay da đổi thịt mà lại viết là "em ra đi nơi này vẫn thế".? Sài Gòn vẫn còn nguyên à.?

    Đã ba chìm, bẩy nổi, mười bốn cái lênh đênh, hai mươi tám cái gập ghềnh, năm mươi sáu cái khúc mắc, một trăm mười hai cái thương đau mà còn chưa mở mắt.?

    Người chê ở phía Tây thì phản đối là "từng con đường nhỏ sẽ trả lời cho ta" hay, "đi giữa mùa Thu Hà Nội để nhớ một người và nhớ mọi người" là sao.? Tại sao từng con đường nhỏ của Hà Nội lại phải trả lời cho những câu hỏi của tên này.? Tên này công trạng gì mà dám ngang nhiên "đi giữa mùa thu Hà nội", mùa thu Cách Mạng.?

    Còn "nhớ một người" là nhớ ai.? À há, nhớ Khánh Ly đấy hả,? nhớ Khánh Ly để hy vọng ả này mang đám "phục quốc" về đấy nhỉ.? Nhớ mọi người là nhớ những ai.? Nhớ cái đám lâu ngày không gặp vì đang nằm trong trại cải tạo, phải thế không.?

    Kết quả là, trong những năm đầu, phía đông Thái Bình Dương, ai dại dột hát bản "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên" mà không nhìn trước, trông sau thì nguy cơ .. vỡ gáo dừa là cái chắc. Còn phía tây biển Thái Bình, trong vài năm đầu, ai ngu xuẩn mà ư ử bài " Nhớ Mùa Thu Hà Nội" thì tương lai cũng rất ... đen tối.

    Đúng ra thì Trịnh Công Sơn là một con người rất đỗi khôn ngoan, rất mực thông minh.

    Ông không phải là một trí thức lầm đường, một nghệ sĩ dại khờ hay một trái tim dễ rung động vì nếu thế thì ông đã lâm vào cảnh chán cơm, thèm đất từ lâu, lâu lắm rồi.

    Ông sống một cuộc sống theo cách ông muốn, viết những gì theo ý ông thích.

    Ông sống được trong cả hai chế độ đối nghịch nhau, nhưng lại đồng ý với nhau là ông làm ơn ... biến mất đi càng sớm càng tốt.

    Ông biết viết thế nào để bộc bạch tâm sự nhưng dẫu bầy ra trước mắt những kẻ có quyền lấy mạng ông, vẫn không thấy, hay không cần phải làm gì..

    Ông biết dùng ca từ và âm pháp thế nào để quảng đại quần chúng yêu thương nhạc của ông mà không cần hiểu ông thật sự muốn nói gì.

    Ông biết cách ăn ở, biết phải quen những ai, phải giữ khoảng cách với ai để lúc nào cũng có bạn bè vây quanh yêu thương, bảo vệ.

    Ông dùng con tim để viết nhạc nhưng dùng đầu óc để tận dụng thuyết "cùng tắc biến, biến tắc thông."

    Không biết vô tình hay cố ý, may mà Trịnh Công Sơn không làm chính trị, bằng không, có khối kẻ sẽ than trời không thấu. Cái kiểu than trách "trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng".!

    Tuy nhiên, câu "họa tự khẩu xuất, bệnh tự khẩu nhập" thì ông học được chỉ nửa đầu nên cuối cùng, ông qua đời vì ....rượu.

    Việt Nam mất đi một "nhân tài" hiếm hoi trong khi "nhân tai" thì dư để chia cho cả thế giới.!

    Ốt dột như rứa hỉ.?

    Thôi, ở rộng người chê, ở hẹp người cười nên em đây xin hai chữ "bình yên" và, mời các bạn nghe tiếp phần 4 & 5, phần cuối cùng.

    Chú thích:
    1.- Như thường lệ, trân trọng cám ơn về lời bình luận được ghép vào, của Hoài Nam, SBS Radio, Australia.

    2.- Phần 5, cuối, không có lời bình luận nhiều vì tằm Hoài Nam chỉ nhả đến chừng ấy tơ thôi.

    Link download toàn bộ 5 phần:

    https://www.fshare.vn/folder/9CP7L7UHIUHJ


    Link gốc:

    Phần 1: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...rinh-cong-son-in-acoustic-phan-1-wav.1135565/
    Phần 2-3: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...nh-cong-son-in-acoustic-phan-2-3-wav.1137174/
    Phần 4-5: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...nh-cong-son-in-acoustic-phan-4-5-wav.1141635/



     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  2. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Thứ hai là NS Anh Bằng (Nội dung bài viết dưới đây cũng hoàn toàn thuộc về bác teafortwo52)

    Với một ngọn nến, thắp để tiếc thương về sự ra đi của Anh Bằng.

    Giới thiệu đến các bạn "70 năm tình ca trong tình ca Việt Nam : Anh Bằng."

    Tracks List;
    01. Dù Nắng Có Mong Manh ....... Don Hồ.
    02. Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không... Như Quỳnh & Lâm Nhật Tiến
    03. Mai Tôi Đi ............................Nguyễn Hồng Nhung
    04, Nỗi Lòng Người Đi..................Ngọc Quy
    05. Anh Còn Yêu Em....................Lâm Thúy Vân
    06. Bướm Trắng..........................Vũ Khanh.
    07. Ai Bảo Em Là Giai Nhân...........Gia Huy
    08. Anh Cứ Hẹn...........................Hà Thu Hiền
    09. Từ Độ Ánh Trăng Tan..............Nguyên Khang
    10. Khúc Thụy Du........................Hồ Hoàng Yến
    11. Nếu Vắng Anh........................Mỹ Linh
    12. Nét Son Buồn........................Tuấn Anh
    13. Lời Tình Băng Giá...................Lâm Thúy Vân
    14. Nước Mắt Một Tâm Hồn...........Elvis Phương
    15. Sầu Lẻ Bóng..........................Lệ Quyên
    16. Tango Dĩ Vãng.......................Ý Lan
    17. Tango Tím............................Hà Thanh Xuân
    18. Tình Lẻ Loi...........................Như Quỳnh
    19. Hạnh Phúc Lang Thang..........Hồ Hoàng Yến
    20. Kỳ Diệu...............................Nguyên Khang
    21. Trúc Đào.............................Lệ Quyên
    22. Anh Còn Nợ Em....................Đức Thịnh
    23. Anh Có Nghe Mưa Rơi............Thiên Kim

    Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Như thế, ông là một trong những nhạc sĩ cao tuổi lác đác còn lại với chúng ta cho đến gần đây. Dẫu vậy, đã "cổ lai hy" từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chúng ta vẫn còn nghe được những sáng tác mới của ông. nếu ta xem tất cả những gì ông viết sau 1975 là, "sáng tác mới".

    Trước 1975, Anh Bằng được xem là tác giả " ăn khách" nhất miền Nam. Các nhà xuất bản lũ lượt đặt hàng" để dành quyền xuất bản các ca khúc của ông, kể cả cho những bài ông ... chưa viết.!
    Anh Bằng có sức sáng tác rất phong phú. Ngoài những tác phẩm riêng dưới tên ông hoặc dưới những tên khác như Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh, ông còn viết chung với Lê Dinh và Minh Kỳ, dưới tên Lê Minh Bằng.

    Ca khúc nổi tiếng nhất của ông có lẽ là "Nguyện Cầu". Bài này được viết vào những năm cuộc chiến trên đất nước chúng ta trở nên thảm khốc nhất. Ca từ của bàn này đã trở thành một cái gì đó, không diễn tả được nhưng giống một dấu tích của một thời đen tối, hằn sâu trong ký ức của rất nhiều người.
    Hùng Cường là ca sĩ trình bày bản này đạt nhất.
    " Hãy lắng tiếng nói
    vang trong tâm hồn mình, người ơi....
    ... tôi đi chinh chiến bao nhiêu năm trường miệt mài
    Và hồn tôi mang vết thương
    vết thương trần ai...
    .. Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vang vọng từ rừng sâu
    Rưng rưng tôi chắp tay nghe, hồn khóc đến rướm máu....
    .. Buồn gục đầu,
    Nghẹn ngào cho non nước tôi trăm ngàn u sầu..."


    Không như Trịnh Công Sơn, đứng ngoài lề cuộc chiến, đây là ca từ của nột kẻ dấn thân trong cuộc chiến.

    Nhà văn Nguyễn Thụy Long có kể lại trường hợp một người tử tù trong trại cải tạo sau biến cố 1975 đã hát bản này trong đêm trước ngày bị hành quyết. Những nguời khác cũng nói rằng họ cũng đã hát bản này trong những đêm chờ chuyển trại.

    Một bài hát được người ta chọn để hát vào những lúc này, hẳn không phải chỉ là sự tình cờ. Không biết người ta nghĩ gì khi hát.?

    Chú thích:

    1- Như thường lệ, xin cám ơn tiên sinh Hoài Nam và Nguyễn Đình Toàn về những trích lục dùng trong phiên bản này.

    2.- Phiên bản này dài hơn 2 giờ nên được chia ra 2 phần cho những bạn nào muốn thâu vào CD

    3.- Thường thì nhạc "thời trang", chạy theo thị hiếu quần chúng được xem là nhạc rẻ tiền đối với giới kén chọn. Điều đó không phải là vô căn cứ vì có quá nhiều ca sĩ rẻ tiền với giọng ca rẻ tiền, trình diễn một cách rẻ tiền, hướng đến những đôi tai rẻ tiền nên âm nhạc mới rẻ tiền. Với sự chọn lọc kỹ càng, tôi không nghĩ là các bạn sẽ tìm ra sự rẻ tiền trong phiên bản này.

    4.- Vì phải cắt xén vài đoạn bình luận có tí mùi ...chính chị, chính em nên có vài chỗ Hoài Nam sẽ phải ... lúng ba, lúng búng, các bạn bỏ qua nha.

    5.- Links cho các bạn:

    https://www.fshare.vn/folder/3EGTIUE5BTWS

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-a-70-nam-tinh-ca-trong-tan-nhac-viet-nam-anh-bang-wav.1112738/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  3. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Tiếp theo là nội dung của bác teafortwo52 về NS Phạm Duy, xin mọi người cùng xem qua

    "Việt Nam, câu nói sau cùng khi lìa đời".

    Để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, một tự hào của ăm nhạc Việt Nam và cũng với đề tài "phân biệt giữa tác giả và tác phẩm", giới thiệu đến các bạn: 70 năm trong tình ca Việt Nam - Phạm Duy, phần 2.

    Tracks List
    Phạm Duy phần 2A
    01. Những Gì Tôi Sẽ Đem Theo Vào Cõi Chết................... Phạm Duy & Khánh Ly
    02. Cành Hoa Trắng .......................................................Khánh Linh
    03. Nghìn Trùng Xa Cách.................................................Mỹ Linh
    04. Đố Ai........................................................................Như Quỳnh
    05. Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời......................................Nguyên Thảo
    06. Còn Gì Nữa Đâu.......................................................Tấn Minh
    07. Hẹn Hò....................................................................Lệ Thu
    08. Nha Trang Ngày Về..................................................Tấn Minh
    09. Cỏ Hồng..................................................................Mỹ Linh
    10. Con Đường Tình Ta Đi.............................................. Phương Anh & Tấn Minh

    Phạm Duy phần 2B
    01. Quán Bên Đường.....................................................Ý Lan
    02. Nước Mắt Mùa Thu..................................................Lệ Thu
    03. Qua Cầu Gió Bay.....................................................Nguyễn Lê
    04. Giọt Mưa Trên Lá / Rain on the Leaves.....................Dalena
    05. Ngày Đó Chúng Mình...............................................Ý Lan
    06. Con Đường Tình Ta Đi........................................... Trần Thái Hòa
    07. Bài Ngợi Ca Tình Yêu..............................................Thanh Hà
    08. Bao Giờ Biết Tương Tư......................................... Hồ Hoàng Yến
    09. Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang..............................Nguyễn Hưng
    10. Kỷ Vật Cho Em.......................................................Elvis Phương
    11. Tưởng Như Còn Người Yêu.....................................Lê Uyên
    12. Khi Tôi Về.............................................................Khánh Ly

    Phạm Duy phần 2C

    01. Tình Khúc Trên Chiến Trường................................Sĩ Phú
    02. Mùa Thu Chết......................................................Ngọc Anh
    03. Dòng Sông Xanh.................................................Thái Thanh
    04. Sóng Nước Biếc..................................................Phạm Thu Hà
    05. Dạ Khúc.............................................................Nguyễn Hồng Nhung
    06. Chủ Nhật Buồn...................................................Khánh Ly
    07. Trở Về Mái Nhà Xưa......................................... Trần Thái Hòa và Ngọc Hạ
    08. Mối Tình Xa Xưa.................................................Mai Hương
    09. Phượng Yêu.......................................................Phương Anh
    10. Ngày Tháng Hạ..................................................Khánh Hà
    11. Tình Hờ............................................................Đức Tuấn
    12. Chỉ Chừng Đó Thôi........................................... Nguyên Thảo

    Tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội; lớn lên học tại trường trung học Thăng Long, nơi mà một trong những người có công uốn nắn cây măng Phạm Duy là thầy Võ Nguyên Giáp.

    Xuất thân là thợ sửa máy radio, công nhân nhà máy điện, làm ruộng, phó quản lý và ca sĩ trong một gánh hát ....... cải lương lưu động, khi còn trẻ.

    Chắc không đủ kiên nhẫn để đợi, năm 24 tuổi, chàng "thanh niên tiền phong" Phạm Duy xuôi Nam để gia nhập kháng chiến tại .... Đất Đỏ, Bà Rịa.!

    Các bạn nên nhớ là cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp bắt đầu năm 1945 tại Nam Bộ. Một năm sau, cuộc tổng khởi nghĩa bắt đầu ở đất Bắc và Phạm Duy lại lục tục lên đường.

    Đến 29 tuổi, với chức vụ cán bộ chính trị văn nghệ trung đoàn 304, chiến khu 4, phân khu Bình Trị Thiên, ông đã sáng tác những bàn nhạc hùng như: Khởi Hành, Về Đồng Quê (Về Đồng Hoang), Ðường Về Quê, Nhạc Tuổi Xanh, Thiếu Sinh Quân, Việt Bắc, Dân Quân Du Kích, Thanh Niên Ca, Quân Y Ca, Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu, Ðường Lạng Sơn, Nương Chiều, Ngọn Trào Quay Súng, Ðàn Nhịp Trầm Hùng (Ðoàn Quân Văn Hoá), Lập Chiến Công, Một Viên Ðạn Là Một Quân Thù, Rèn Cán Chỉnh Quân, Thi Nhau Chăm Học (Thi Ðua Ái Quốc), Văn Nghệ Sĩ Ra Tiền Tuyến (Đường Ra Biên Ải)...

    Đến khi ông tiếp tục với Tâm Tình Ca theo phong cách dân ca kháng chiến như : Nhớ Người Thương Binh, Dặn Dò, Mùa Ðông Chiến Sĩ, Ru Con, Nhớ Người Ra Ði, Tiếng Hát Trên Sông Lô, Bên Ni Bên Tê (Người Lính Bên Kia), Mười Hai Lời Ru, Bà Mẹ Gio Linh, Bao Giờ Anh Lấy Ðược Đồn Tây (Quê Nghèo), Về Miền Trung, Gánh Lúa ..., thì tình hình sự nghiệp ... cách mạng của Phạm Duy bắt đẩu ... tình hình.

    Và sau một cuộc họp với các lãnh đạo trung ương, ông rời bỏ kháng chiến một cách rất ... khẩn trương.

    Năm 1951, Phạm Duy "dinh tê", đem cả gia đình vào Nam nhưng gian truân lại lẽo đẽo .. vướng chân người. Cuối năm 1951, với quá khứ Việt Minh, cùng với Lê Thương và Trần văn Trạch, Phạm Duy nằm .... sưởi rận ở bót Catinat (Tự Do trước 75, Đồng Khởi sau 75) thêm 4 tháng.

    Là một nhạc sĩ với nhiều tài và ....tư duy, ông sáng tác không thiếu một thể nhạc nào mà con người có thể .. tưởng tượng ra. Từ Tiến Quân ca hùng tráng đến Tâm Tình ca sặc mùi "tạch tạch sè", tiếng hồi đó ám chỉ "tiểu tư sản".

    Bởi vậy, đàn anh Nguyễn Xuân Phát đã nhắc nhở Phạm Duy về tư tưởng bất lợi cho cách mạng trong Tâm Tình Ca, và khuyên ông nên noi gương Hoàng Cầm treo kịch bản lên xà nhà để nhắc nhở mình về phương diện này.

    Ấy thế mà ngoài nớ, bây giờ, đang có phong trào chứng minh dòng dõi "tiểu tư sản" của mình đấy. Nhà cụ nội hồi ấy có đến .. nửa sào ruộng cơ.!!!

    Giầu đến thế này vì giầu từ trong trứng giầu ra chứ không phải giầu từ... tối hôm qua đâu đấy nhá

    Và từ Thanh Niên ca đến ... Bé ca. Từ Nhân Bản ca đến ... Nữ ca, Thiền ca đến ... Hàn Mặc Tử ca. Từ Đạo ca đến .. Tục ca. Vâng, tục ca, loại nhạc mà lời lẽ tục tĩu đến nỗi chỉ một mình Phạm Duy mới dám hát rồi đi xúc miệng ngay. Trong Tục ca, ông mạt sát không thiếu một thứ gì, không kiêng nể một ai. Ông chửi lãnh đạo dân sự và tướng tá quân sự. Ông mạt sát chủ nghĩa tư bản lẫn xã hội. Phẫn nộ về cuộc chiến bi thương trên đất mẹ, ông ..... "đem cả lò chúng mày" ra thóa mạ, từ Tầu đến Tây, từ Nga đến Mỹ. "Người anh em ta""Mấy thằng chúng mình" cũng chịu chung số phận trong "Tục Ca" của Phạm Duy. Và khi tạm hết đối tuợng, ông đem .... cả ông ra châm biếm vì cái tội ... vô tích sự, chỉ gỉỏi mỗi việc hát với hò. Và còn chứng tỏ là mình rất có ... hiếu vì khi bắt đầu tất cả các câu ca, trong "Chửi Đổng", Phạm Duy không bao giờ quên nhắc đến chữ .... "mẹ".!!! Nghe tục ca của ông, tuy miệng cười nhưng mắt rơi lệ.

    Muốn xổ tiếng ... Đức như ông nhưng sao lòng ta lại xót xa trăm nỗi đoạn trường. Và cũng như sự tương đồng giữa nhạc Phượng Hoàng và Rock 'n Roll, "Tục ca" của Phạm Duy và "Ca Khúc Da Vàng" của Trịnh Công Sơn tuy cùng nói lên thương đau về thân phận nhược tiểu của dân tộc nhưng sự tương quan ... dậm chân tại chỗ ngay tại đây. Trịnh Công Sơn nốc hết cốc cà phê, rít hết điếu thuốc lá, ôm đàn than mây, khóc gió, hết "ngàn năm nô lệ giặc tầu" đến "trăm năm nô lệ giặc tây". Rồi lại cà phê và thuốc lá, tay chống cằm nhưng mắt thì dòm chừng xem có cảnh sát đi bắt ... quân dịch không để còn ... chuồn.

    Phạm Duy thì khác. Ông gác chân lên bàn, cạn vài xị, quẳng chai rượu cho tan thành từng mảnh, đập bàn, mở cửa, xách đàn ra chửi đổng rồi khệnh khạng bước ra đường, mặt .... vênh lên (xin đừng ai "xe" với "lai" đấy nha, chết một cửa tứ chứ không đùa đâu). Cứ như thể thách thằng nào dám làm gì .. thằng nào.? Phạm Duy coi cuộc đời chung quanh như con củ ..... khoai ! Tưởng tượng như vậy và, theo bạn, bạn sẽ chọn cho mình thái độ nào.?

    Rồi từ Thiền ca đến .. Nhục (dục) ca. Từ Trường ca, gần hai tiếng đồng hồ, ông chuyển hướng đến ...Vỉa Hè ca với chỉ mỗi một câu: "Sức mấy mà buồn, buồn chi mà!, bỏ đi Tám", như trong bài "Sức Mấy Mà Buồn". Thể ... ca này về giá trị âm nhạc, chắc ông liệt vào hàng ... "caca".

    Sau giai đoạn dịch nhạc ngoại quốc ra tiếng Việt để kiếm tiền mua nhà cho vợ con có chỗ ở, ông phổ thơ vào nhạc và khi qua Mỹ, ông bắt đầu viết Ngục tù ca đến Tị Nạn ca.!! Nếu còn sống, hẳn ta sẽ không ngạc nhiên nếu ông cho ra một loạt Quan ca, Kiều ca và Đại .... ca. Không phải là "quan" trong "Con Đường Cái Quan", không phải "Kiều" trong "Kim Vân Kiều" mà cũng chả phải Đại Cathay trong "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang".! Sáng tác trên 2000 ca khúc nhưng chỉ được cho phép phổ biến tại quê hương chừng trăm bài, nên có lần ông vừa cười vừa mếu mà than: "Nhạc của tôi đi vào lòng người thì dễ nhưng đi vào lòng ông Đỗ Mười sao mà khó thế"

    Sợ hận thù nên bỏ quê cha đất tổ, Phạm Duy và gia đình xuôi Nam, cuối năm 1950. 25 năm sau, cũng vì sợ hận thù, ông lại bỏ nước ra đi một ngày cuối tháng tư, 1975 trên một con tầu .. không máy, kéo ra khơi bởi một con tầu khác cũng không kém phần tàn tật. Lần này ông phải bỏ lại một nửa ...gia tài, toàn bộ số con trai. Nhưng hận thù vẫn chưa thôi ám ảnh ông nên năm 2005, Phạm Duy lại bỏ mảnh đất mới của mình để trở về sống tiếp những ngày cuối đời ở Việt Nam. Ông kể rằng:

    "Điều kinh khủng nhất là nhìn cái chết của Phạm Đình Chương, Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ. Khi bệnh tật, người ta tới thăm chỉ để nói chuyện hận thù. Đến lúc chết, người ta đọc điếu văn cũng đầy hận thù mà khi lấp đất cũng nêu một cái hận thù. Quá khiếp.

    Về Việt Nam, tôi tin chắc rằng giờ phút tôi chết không có ai gây hận thù nữa"

    Phạm Duy đã quyết định đúng và ông đã ra đi trong sự thương tiếc của bao triệu người Việt, ngày 27-1-2013, hưởng dương 93 tuổi, trên môi còn thì thầm: " Việt Nam, câu nói sau cùng khi lìa đời". Hận thù chắc chắn là không nhưng, binh hay ghét thì không thiếu.

    Binh, như nhà sử học Phạm Đắc Tâm khi trả lời phỏng vấn BBC, nhà Huế học này nói:

    "Theo tôi thấy đối với sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy thì ở Việt Nam, trên thế giới tôi không biết thế nào, khó có người giống với Phạm Duy, có thể nói đó là cái đỉnh cao mà những người thấp cũng phải thấp cách xa chứ không thể thấp gần được cái sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy. Đối với tôi tất cả những chuyện về cá nhân rồi nó sẽ đi qua, nếu các tác phẩm còn lại mà nó tồn tại với thời gian...mà cái đó được càng nhiều giá trị nó càng lớn.

    Tôi nghĩ không có lý gì mà không cho (phổ biến) sau khi mà anh Phạm Duy đã mất rồi... Mà không cho là chúng tôi ... đòi."

    Ghét như đào đất đổ đi thì khó ai qua mặt được nhà lý luận Trần Bạch Đằng. Ông này đã từng kêu gọi Phạm Duy hãy "tự sát" vì chỉ khi đó các tác phẩm của ông mới được cho phép diễn ở Việt Nam.!

    Thích xong rồi ghét, ghét chán rồi tha, tha rồi ... ghét tiếp, thì phải kể đến tầng lớp quân nhân chế độ cũ miền Nam . Ngay lúc mà "phù thủy âm nhạc" Phạm Duy đang trên đà "mê hoặc" thính gỉả thì ngài ... xịt ra quả bom tấn "Kỷ Vật Cho Em" , với hậu quả thảm khốc cho ý chí chiến đấu, gấp ngàn lần Trịnh Công Sơn:

    "Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân.

    Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân, bên nguời yêu tật nguyền, chai đá....

    Anh trở về nhìn nhau xa lạ, anh trở về dang dở đời em.

    Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen, cố quên đi một lần chăn gối...

    Anh trở về trên chiếc băng ca, poncho buồn phủ kín đời anh,

    Anh trở về, hòm gỗ cài hoa, trên trực thăng sơn màu tang trắng...."

    Phạm Duy cố ý trình làng bản này trong "mùa hè đỏ lửa 1972", lúc hai bên đang dành nhau từng tấc đất.

    Đúng vậy, từng tấc đất, ở cổ thành Quảng Trị, nơi mà chết bẩy còn ba, chết hai còn một, ròng rã ba tháng trời.

    Lúc ấy, bạn bè gọi ông là "đâm sau lưng chiến sĩ" và đã muốn cho ông nhai ... "kẹo đồng" hay ít ra, nếm mùi ... "đôi nạng gỗ".

    Ghét rồi ... hết ghét thì phải kể đến ông trùm văn nghệ Tố Hữu. Phạm Đắc Xuân được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn mời Phạm Duy ở lại sáng tác, năm 1995, khi ông về lại Việt Nam lần đầu. Nhưng khi đến nơi thì Phạm Duy đã về lại Mỹ.

    Ghét rồi ... cười trừ, huề cả làng thì có Phạm Tuyên, Trọng Bằng và Hồng Đăng. Sau khi công kích Phạm Duy lúc mới về, ít lâu sau, ngỏ lời ... xí xoá.

    "Nghệ sĩ mà, nói cười theo mệnh nước nổi trôi", theo lời ông Xuân.

    Về phần Phạm Duy, chắc ông cũng không để tâm cho lắm. Cuộc đời ông đã trải qua quá nhiều thăng trầm . Phạm Duy sướng đã đủ và khổ cũng nhiều. Ông nghe cũng đầy tai mà hát cũng đã mỏi miệng. Những ngày cuối đời, nghịch cảnh còn đem đến cho ông nỗi buồn "tre khóc măng".! Trong cảnh khổ này, con người thường sợ sống nhiều hơn sợ chết.

    Nhưng không hiểu là với hành trang nặng trĩu của cả đời người, với những hoài vọng cho hầu hết những tác phẩm còn chưa được phép phổ biến, với thị phi dầy đặc đó đây cùng với những ưu tư về quê hương, Phạm Duy đã muốn mang theo những gì trên đường về bên kia thế giới vì lần "ra đi" này, ông sẽ không bao giờ còn cơ hội để có "ngày trở về".?

    Và những gì ông bỏ lại, không mang theo.?

    Mời các bạn,

    Chú thích.

    1.- Vẫn như các phiên bản trước, xin cám ơn Hoài Nam vì nếu không có tư liệu của ông, phiên bản này và phần lớn những phiên bản đã post chắc chắn không bao giờ thấy ánh mặt trời.

    2.- Để các bạn trẻ hiểu thêm khi đọc & nghe:

    Trong "Con Đường Tình Ta Đi":

    - Người tình "Văn Khoa", đại học Văn Khoa, nay là đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đoạn đường Cường Để, nay là đường Đinh Tiên Hoàng.

    - Người tình "Gia Long", "Gia Long" nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, trước là đường Phan Thanh Giản và bây giờ là đường Điện Biên Phủ.

    - Người tình "Trưng Vương" , trước là trường nữ trung học Trưng Vương, vẫn còn tên cũ, vẫn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    3.- Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/FPYH64RBYN5F

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-...an-nhac-viet-nam-pham-duy-phan-2-wav.1118721/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  4. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Tiếp tục là về NS Nguyễn Ánh 9, mong các bác xem qua bài viết của bác teafortwo52 dưới đây

    "Không, không, tôi không còn yêu em nữa". Dòng chữ đầu tiên trong bản nhạc đầu tay của Nguyễn Ánh 9.
    "Tình đầu đâu dễ quên". Dòng chữ cuối cùng trong sáng tác cuối cùng của Nguyễn Ánh 9. Ta vie, c'est une histoire d'amour, Mr. Nguyễn Ánh 9.

    Xin gửi đến những người yêu nhạc: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, phiên bản Nguyễn Ánh 9. Đây là phiên bản mới, có kèm thêm file nhạc không có lời bình của Hoài Nam. Phiên bản này được dựa trên chương trình "70 năm tình ca trong tân nhạc Viet Nam", phát thanh từ Radio SBS, Australia, với lời bìmh luận của Hoài Nam.

    Nguyên bản 22 phút.

    Tracks List:

    Biệt Khúc
    Lối Về
    Cô Đơn

    Phiên Bản Đính kèm: 2 giờ.

    Tracks List:

    Cô Đơn ................................ ... Tấn Minh, Saxophone:Quyền Thiện Đắc
    Ai Đưa Em Về ........................... Nguyễn Ánh 9
    Không ...................................... Elvis Phương
    Ni ( Không ) .............................. Teresa Teng (Đặng Lê Quân)
    Ai Đưa Em Về ........................... Thụy Long
    Một Lời Cuối Cho Em .................. Quỳnh Lan
    Trọn Kiếp Đơn Côi ...................... Ngọc Anh
    Tình Khúc Chiều Mưa .................. Lệ Thu
    Mùa Thu Cánh Nâu ..................... Hồng Hạnh
    Kỷ Niệm .................................... Quỳnh Lan
    Buồn Ơi, Chào Mi ....................... Nguyên Thảo
    Cho Ngưòi Tình Xa ..................... Hoàng Kim
    Tiếng Hát Lạc Loài ..................... Xuân Phú
    Ai Đưa Em Về ......................... Quỳnh Lan
    Biệt Khúc ................................. Trọng Bắc
    Mênh Mông Tình Buồn ................ Nguyên Thảo
    Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm .......... Diệu Hiền
    Bơ Vơ ...................................... Diệu Hiền
    Lối Về ..................................... Trần Thu Hà
    Tình Yêu Đến Trong Giã Từ ........ Hương Giang
    Cô Đơn ................................... Trần Thu Hà

    Tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Phan Rang, Việt Nam Ông là út trong một gia đình khá giả có ba người con. Gia đình Nguyễn Đình Ánh chuyển đến Nha Trang và năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn.

    Nguyễn Đình Ánh theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt, ở nội trú trường Yersin cho đến năm 1958. Ông bỏ nhà đi năm 18 tuổi để theo đuổi con đường âm nhạc. Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, Nguyễn Đình Ánh có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.

    Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.

    Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Osaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. và ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một tiếng đồng hồ.

    Ca khúc "Không" được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của hãng đĩa Tình ca quê hương. Cũng nên biết thêm là, chính tại quê nhà, nữ ca sỹ tài hoa Đặng Lệ Quân, tức Teresa Teng, đã có lúc nổi tiếng với ca khúc Không. Phiên bản tiếng Đài Loan này được đặt cái tên cũng ngắn gọn như bản gốc: Ni (Anh).

    Ca khúc Ni ra đời sau chuyến lưu diễn của nữ danh ca này tại Sài Gòn tháng 7/1973. Trong suốt một tháng lưu lại Việt Nam, Đặng Lệ Quân cảm động bởi tình cảm của người hâm mộ dành cho mình và nàng đã bị chinh phục hoàn toàn bởi ca khúc Không của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Nữ danh ca đã chọn bái hát này để trình diễn và lấy lòng được khán giả hâm mộ Việt Nam. Không dừng lại tại đó, sau khi trở về, Đặng Lệ Quân đã đặt lời tiếng Hoa cho ca khúc, đem biểu diễn khắp các sân khấu tại Nhật Bản và Đài Loan và nhận được sự ủng hộ của khán giả. Ca khúc Ni (Anh) cũng được đưa vào album tưởng nhớ nữ ca sỹ tài hoa bạc mệnh này.

    Ngoài "Ni" được thể hiện dưới giọng hát của ‘họa mi’ Đặng Lệ Quân, ca khúc "Không" còn được dịch sang tiếng quan thoại với hai phiên bản của Dương Tiểu Bình và Ưu Hùng thể hiện.Nội dung tương tự, ca từ khác đi đôi chút song ca khúc "Không" do giọng ca Ưu Hùng thể hiện , Dĩ Anh viết lời kém nổi tiếng hơn.

    Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không lấy làm phiền lòng khi ca khúc của mình bị các ca sỹ đặt lời 'tùy tiện' như vậy, ông chỉ cười hiền từ và nói: 'Đối với tôi, bài hát của mình đến được với đông đảo người nghe, được khán giả yêu thích, đó đã là cái giá được trả lớn nhất rồi.."

    "Không" cũng trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như "Ai đưa em về", "Chia phôi", "Lời cuối cho em",... được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào đầu thập niên 70.

    Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông đã từng đệm dương cầm cho những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thái Thanh. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói ông mê nhất được đệm đàn cho hai danh ca này. Cũng thời gian đó, ông viết thêm một vài nhạc phẩm nổi tiếng khác như "Mùa thu cánh nâu", "Đêm tình yêu".

    Sau tháng 4 năm 1975, thời gian đầu ông có đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm.

    Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như Mảnh Tình Nghiệt Ngã, Mênh mông Tình Buồn. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như "Tình yêu đến trong giã từ", "Mênh mông tình buồn", "Cho người tình xa" và "Cô đơn".

    Với 60 năm với âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay chỉ có giải trí. Ông nói: "Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.

    Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.

    Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.

    Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.

    Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!

    Nhiều ca sỹ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.

    Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.

    Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. "

    Hầu như sáng tác của Nguyễn Ánh 9 đều lấy cảm hứng từ người tình đầu tiên, riêng những ca khúc Cô đơn, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài là dành tặng Khánh Ly. Cô Đơn kết bằng đoạn: “cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài” - cô đơn cho Nguyễn Ánh, bơ vơ chung cho hai người, còn tiếng hát lạc loài là dành Khánh Ly.

    “Khi tôi viết bài Cô đơn, người ngoài hiểu đó là cô đơn trong tình yêu, người trong nghề hiểu đó là sự cô đơn trong nghề nghiệp, khi không còn người chia sẻ với mình. Anh em sống gần nhau, có thể có những tình cảm trên mức bình thường một chút nhưng nhìn nhau là đủ rồi. Sau mấy chục năm gặp lại, cũng chỉ cần cầm tay là có thể hiểu hết những gì muốn nói. Những cái trên tình yêu đã trở thành tri kỷ” - Nguyễn Ánh 9 rưng rưng.

    Vài lời về phiên bàn đính kèm:

    1.- Những lựa chọn trong phiên bản này là đúc kết sau những lần được hân hạnh tiếp chuyện với Nguyễn Ánh 9 và được ông cho biết, rất kín đáo, là những giọng ca ông đắc ý nhất khi trình diễn những bản này.

    2.- Nếu bạn nào muốn thưởng thức sự tuyệt vời, và có đủ máy móc, các bạn không thể bỏ qua mà không download phiên bản " Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm", Vinyl Rip 24bit -192Khz, hình như của Langthangvn33. Đây là một trong 10 CDs phải nghe trước khi chết, theo tôi. Cám ơn Langthangvn33 nha vì nếu chưa có thì tôi vẫn do dự, không hoàn tất được phiên bản này. Khi nghe được, đúng ra là ... không nghe thấy, khoảng cách im lặng, tối đen mà chỉ có analog của Vinyl mới có được, chúng ta mới cảm nhận được bơ vơ và cô đơn của Nguyễn Ánh 9 đến mức nào.

    3. Link đính kèm:

    https://www.fshare.vn/folder/X814BWDSLCMW

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-...g-tan-nhac-viet-nam-nguyen-anh-9-wav.1089048/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  5. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Gửi đến các bạn: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Vũ Thành An

    Tracks List:

    01.- Lời Tình Buồn ................................... Vũ Khanh
    02.- Bài KhôngTên Số 1 ........................... Lệ Quyên
    03.- Đời Đá Vàng .................................... Y Phương
    04.- Tình Khúc Thứ Nhất .......................... Lệ Thu
    05.- Bài Không Tên Cuối Cùng .................. Elvis Phương
    06.- Bài Không Tên Cuối Cùng Trở Lại ....... Tuấn Ngọc
    07.- Bài KhôngTên Số 7 .......................... Hồ Hoàng Yến
    08.- Bài KhôngTên Số 2 .......................... Xuân Phú
    09.- Bài KhôngTên Số 3 ...................... ... Thiên Phượng
    10.- Bài KhôngTên Số 5 .......................... Phương Nghi
    11.-Trong Tay Nhau ............................... Anh Tú
    12.- Bài KhôngTên Số 8 .......................... Nguyên Khang
    13.- Bài KhôngTên Số 4........................... Khánh Hà
    14.- Bài KhôngTên Số 6 .......................... Xuân Phú
    15.- Bài KhôngTên Số 9 .......................... Lệ Quyên
    16.- Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em ...... Thế Sơn
    17.- Đêm Say ....................................... Xuân Phú
    18.- Em Đến Thăm Anh Đêm 30.............. Anh Dũng
    19.- Sầu Khúc....................................... Ngọc Anh
    20.- Đừng Yêu Tôi ................................ Elvis Phương

    Cùng với Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An tạo thành nhóm “ngũ bá” của bầu trời âm nhạc Việt Nam suốt những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Họ là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ viết tình ca bằng cách mài những mảnh vỡ của con tim mình làm ngòi bút, lấy trái ngang và day dứt khôn nguôi của kiếp người làm khung và, nước mắt mình làm mực.

    Sau những triết lý về thân phận của Trịnh Công Sơn, những cuộc tình đầy chất hiện sinh của Từ Công Phụng, sự lãng mạn với những vết thương ngọt lịm cứa vào tim của Ngô Thụy Miên và, nỗi thương đau của một cuộc tình hợp rồi tan, tan rồi hợp của Lê Uyên Phương…, thính giả miền Nam lúc đó và nửa phần kia đất nước. sau này. không khỏi ngỡ ngàng với một loạt những sáng tác "không tên" của Vũ Thành An.

    Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Trong thời kỳ thiếu niên, Vũ Thành An theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy ...vv và, viết ca khúc đầu tiên khi đang học lớp ... 9.! Tuy nhiên, ca khúc đầu tay bị nhạc sĩ Chung Quân hết lời chê bai về từ ngữ. Chung Quân là một thầy dạy nhạc có thực tài, ông học nhạc ở New York, Mỹ, và tốt nghiệp Tiến Sĩ văn chương tại Anh Quốc.

    Các bạn nhớ cho là vào thuở xa xưa đó, đi du học là chuyện không tưởng mà tốt nghiệp Tiến Sĩ Anh Văn ở .. Anh quốc lại không phải chuyện đùa. Vũ Thành An bị thầy Chung Quân chiếu tướng có vẻ .. hơi oan. Nhưng, Bài Không Tên số 2, số 6, số 8…và "vô số" các bản không tên khác vẫn lần lượt ra đời. Lúc đầu ông chỉ viết nhạc chứ chưa đặt lời, chắc là bị hội chứng "kinh cung chi điểu".!

    Đến 1965, Vũ Thành An tạm thời…bỏ quên con đường sáng tác của mình khi vào làm phóng viên tại đài phát thanh Sài Gòn. Nơi đây, hay không bằng hên, ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, người sau này đã giúp ông “mượn hồn thi ca để sáng tạo âm nhạc”.

    "Tình Khúc Thứ Nhất" ra đời, với dấu ấn của Nguyễn Đình Toàn, lần này đã "có tên", và nổi tiếng ngay lập tức sau khi được Lệ Thu trình bày.... Bắt đầu từ đấy, cái tên Vũ Thành An gắn với một loạt những tình khúc "không tên" và ... "có tên".

    Những năm tháng sau đó, Vũ Thành An tiếp tục viết một loạt những bài không tên khác. Cũng chính năm 1965, cuộc tình với người bạn gái đầu tiên chấm dứt sau những tháng ngày đau thương, rạn vỡ. Đau khổ đã giúp cho việc đặt lời của "Bài không tên cuối cùng", bản nhạc tình đến giờ vẫn còn đủ sức lay động đôi tai khán giả.

    "Bài không tên cuối cùng", lần này được trình làng với đầy đủ với ca từ bi thương, ai oán. Đời là thế, cứ mất cái lọ thì nhặt được cái chai. Ca khúc này trở nên phổ biến với rất nhiều khán giả, đặc biệt là giới trẻ Sài Gòn ngày đó. Họ được nghe nó ở bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, từ vũ trường đến quán cóc và, bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong đám cưới và ..... đám ma.!! Chắc là ai cũng có chút tiêc nuối trước khi "theo chàng về dinh" hay "đưa em vào hạ" và nhất là ngận ngùi cho những cuộc tình của mình đã lỡ sau khi ... tay bắt chuồn chuồn thì phải.

    Sau những đớn đau, phần vì mối tình đầu không vẹn và phần lớn vì khi đem nhạc mình đi giới thiệu đến giới thưởng ngoạn mà vòng tối hậu là sự chấp nhận trình bày của các ca sĩ nổi tiếng, Vũ Thành An đã không qua nổi vòng ... gửi xe!. "Bài không tên cuối cùng" nhận được sự ủng hộ nhiệt tình chỉ sau khi Lệ Thu "cho tình yêu gẫy cánh bay đi" với "tình khúc thứ nhất". Vâng, có lần cô ca sĩ danh tiếng này đã buột miệng hát chữ "nuôi" thành "gẫy".

    Sau mỗi cuộc tình buồn, ông lại tiếp tục nếm chia ly của mối tình tới và lúc này "Bài không tên số 2" được viết lời và ra đời, đánh dấu “chữ ký âm nhạc” của Vũ Thành An, người chuyên viết bi ca trên địa hạt âm nhạc Sài Gòn thời đó. Cho đến bây giờ ông đã có đến bài không tên thứ 50. Chắc là quá nhiều "cuộc tình buồn" nên ông không thể nhớ tên. Buồn như vậy thì .. vui thật, đúng là ít lâu phải buồn một tí cho nó vui chứ vui mãi thì cũng .... buồn.!

    Năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt đời độc thân, kết thúc những đoạn "tình buồn" của mình bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập "những bài không tên". Các nhạc phẩm được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào của Thanh Lan trên đài phát thanh và đặc biệt là phong trào du ca Sài Gòn tại quán Văn, cùng thời điểm với cặp song ca đình đám Trịnh Công Sơn & Khánh Ly. Cuộc hội ngộ âm nhạc đó trở thành dấu son sáng ngời trên con đường sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An.

    Và cũng chia buồn với anh Trịnh và "nữ hoàng phì phèo thuốc lá", Khành Ly,vì sau khi nhạc họ Vũ, họ Từ và họ Ngô được biết đến thì "ca khúc da vàng" bắt đầu lâm bịnh... vàng da. Văn, sau đó, cho cặp này .... văng. Nhất là khi cặp song ca Lê Uyên và Phương .. đứng bên nhau với những lời như "yêu nhau giữa đám rong rêu" thì những tâm hồn trẻ chỉ còn sức tưởng tượng đến lúc họ ... nằm bên nhau. Lúc đó, "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây" đã tạm thời lùi vào dĩ vãng, mất cả chỗ .. ngồi.

    Nhưng sẽ nói thêm về thời gian bi hài này của họ Trịnh vào phần sau. Chúng ta trờ lại với những trớ trêu của họ Vũ cái đã. Định mệnh oái oăm lại một lần nữa đưa đẩy Vũ Thành An vào một ngã rẽ mới. 30 tháng 4, 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc10 giờ 30 sáng và, khổ nạn chỉ mới bắt đầu.! Vì là quân nhân, sau đó, Vũ Thành An bóc gần .... 10 cuốn lịch trong trại cải tạo (1975-1985). Thời gian này, Vũ Thành An trở nên nhạy cảm và, người chung quanh, đặc biệt là các bạn tù, cũng trở nên ..... nhạy cảm với ông. Thực hư không rõ, chuyện lửa trước với khói sau bỏ qua một bên nhưng dầu sao ông cũng đã bị mang tiếng là có liên quan đến những việc đâm đồng đội sau lưng và dẫn đến việc tự tử của Đại Tá Sơn Dương, một chỉ huy cao cấp của quân đội miền Nam cũ, trong trại cải tạo. Người binh thì hỏi tại sao ông vẫn phải lãnh đủ 10 năm cải tạo nếu là .... ăng ten.? Kẻ ghét thì bảo là không những sau lưng mà còn đâm cả .. trước mặt.! Miệng đời mà. Thương thì Siu Black còn gầy mà ghét thì Hà Trần vẫn béo.!

    Rồi từ một người chuyên sáng tác "bi tình ca", Vũ Thành An chuyển sang viết thánh ca và tuyên bố không bao giờ viết nhạc tình nữa. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác thánh ca, nhân bản ca từ năm 1981. Đối với nhiều người yêu mến âm nhạc của ông, đây là một sự đổi thay mang nhiều tiếc nuối. Biến cố quan trọng giai đoạn này của Vũ Thành An là được rửa tội và trở thành giáo dân Thiên Chúa giáo. Sau khi được trả tự do, ông lập lại gia đình lần hai và di cư sang Mỹ, không thông qua chương trình H.O. như các bạn sĩ quan cũ mà theo một cách khác. Và để "giữ" lời thề không bao giờ viết "nhạc" tình nữa, ông bắt đầu viết "lời" thứ hai cho các bản "không tên" cũ. Kể ra dùng tựa " không tên" cho các ca khúc nhiều khi cũng có có lợi nhỉ? Đến "Tình Xưa Gái Huế" thì ông viết cả "nhạc" lẫn "lời".!

    Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Thạc sĩ Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon. Năm 2000, Vũ Thành An được bổ nhiệm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. ... Giữa khói lửa chiến tranh lúc đó, nhạc tình của Vũ Thành An là nơi ẩn trú cho những tâm hồn mệt mỏi, cô đơn. Cuộc đời thật bất an, ngắn ngủi giữa chốn đạn lạc tên bay và, khi người lính ngả lưng nằm nghỉ bên đồi, bật lên làn sóng radio tình cờ, thì nhạc của ông lúc đó đã làm thoáng mây bay giữa trời gợi lên hình ảnh người bạn gái năm xưa. Thật nhạt, thật mờ nhưng đủ để làm cay khóe mắt.


    Thập niên 1960 cũng là thập niên kỳ dị nhất của âm nhạc Việt Nam. Phạm Duy và một số nhạc sĩ đồng vai vế vẫn sáng tác mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, giới nhạc sĩ cũng xuất hiện thêm nhiều tài năng lớn, và mỗi người với một sự độc đáo riêng. Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng .. vv.. và dĩ nhiên, Vũ Thành An. Những thử nghiệm âm nhạc cũng được đẩy xa hơn, như với phong trào nhạc trẻ của ban nhạc Phượng Hoàng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và Elvis Phương.

    Đau thương, chiến tranh, chết chóc hẳn đã khiến các nhạc sĩ phải đi tìm một thế giới riêng của mơ mộng. Những đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc dồn vào tâm khảm đến rã rời và đã trở thành dấu ấn lãng mạn của thời nhạc "vàng", cách gọi sau này. Tên tuổi của Vũ Thành An đã gắn liền với những khoảng đời của tuổi trẻ Việt Nam. Những dòng thơ của Nguyễn Đình Toàn, trong "Tình khúc thứ nhất" và "Em đến thăm anh đêm ba mươi" vẫn lơ lửng, phảng phất trong đầu của những người một thời ngồi các quán cà phê bên đường Sài Gòn và tập hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời, những năm 60 xa xưa ấy.

    Nhưng Vũ Thành An không chỉ đã viết nhạc tình. Nghe "20 năm làm tuổi trẻ" của ông, ta thấy cũng đượm chất " thân phận da vàng" của họ Trịnh ra phết. Ôi, dĩ vãng của một thời tuổi trẻ Việt Nam, đau thương nhưng cũng đầy mật ngọt.

    Ôn cựu, nghinh tân, thế đủ rồi. Bây giờ mời các bạn bước vào thế giới thương đau của nhạc tình Vũ Thành An.

    Chú Thích:

    1.- Như thường lệ, xin cảm tạ Hoài Nam và SBS Radio, Australia về những tư liệu dùng trong phiên bản này.
    2. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/AIFC5GLAEVWM

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-a-70-nam-tinh-ca-trong-tan-nhac-viet-nam-vu-thanh-an-wav.1107470/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  6. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Giới thiệu đến các bạn yêu nhạc xưa: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Phạm Đình Chương

    Tracks list:

    01- Hội Trùng Dương..................Thiên Hương & Như Quỳnh
    02- Sáng Rừng (Pre 75............... Ban Thăng Long
    03- Ngựa Phi Đường Xa...............Cao Minh
    04- Ly Rượu Mừng......................Hợp Ca PBN
    05- Tiếng Dân Chài.....................BanThăng Long
    06- Thưở Ban Đầu.......................Duy Trác
    07- Mộng Dưới Hoa ....................Julie
    08- Đôi Mắt Người Sơn Tây..........Hồng Vân & Duy Trác
    09- Xóm Đêm............................Quỳnh Hoa
    10- Đêm Cuối Cùng....................Tuấn Ngọc
    11- Đợi Chờ...............................Tuấn Ngọc
    12- Anh Đi Chiến Dịch.................Hoàng Oanh
    13- Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội......Huyền Châu
    14- Mắt Buồn............................Vũ Khanh
    15- Màu Kỷ Niệm ......................Elvis Phương
    16- Khi Cuộc Tình Đã Chết..........Vũ Khanh
    17- Người Đi Qua Đời Tôi............Ngọc Hạ
    18- Dạ Tâm Khúc......................Vũ Khanh
    19- Nửa Hồn Thương Đau...........Lệ Quyên
    20- Đêm Màu Hồng...................Vũ Khanh
    21- Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn.......Vũ Khanh

    Khi còn ở phía đông Thái Bình Dương, mỗi chiều thứ sáu, khi xong việc, tôi và vài người bạn cùng leo lên xe, trực chỉ ... Las Vegas. Trên xe, lùa vội miếng hamburger, sườn gà chiên hay pizza, uống vội ly coke cho tiêu .. mỡ, chúng tôi đến Las Vegas khoảng nửa đêm.

    Không, chúng tôi đến đây không phải để thử thời vận, cũng không phải để xem show mà để nghe nhạc. Chúng tôi không đến nghe những bản rock cuồng loạn hay những musical show vĩ đại. Chúng tôi tìm đến cuối strip, nơi có những bar vắng vẻ, tù mù, dầy đặc khói thuốc là và hơi rượu whisky, để nghe những ca sĩ già, hết thời, hát blues, hát một mình. Những giọng hát chất chứa một dĩ vãng đau thương hay vang bóng một thời và, khổ đau chất chồng cũng không thiếu. Những giọng hát nửa như một đốm lửa đã lụi tàn nhưng đang được cố khơi lên từ khói thuốc lá, nửa kia đang bị dập tắt bằng hơi rượu.

    Và chúng tôi nhớ đến giọng hát của ... Phạm Đình Chương ngày nào, ở một quán rượu nào đó lúc nửa khuya hay những phút cuối của một buổi tối ở Đêm Màu Hồng. Ôi! .... Sài Gòn của những năm xưa. Nhưng nghe blues rồi nghe lại nhạc Việt, chúng ta có lúc phải giật mình vì hình như chúng giống nhau ở chỗ .. quá buồn. Blues khởi đầu từ những ca sĩ, nhạc sĩ da đen sống ở tận cùng phía nam nước Mỹ, nơi mà tổ tiên những người này bị mang đến để làm nô lệ nên nhạc của họ phải buồn.

    Còn ta thì sao.? Không biết có phải những ngã rẽ đoạn trường mà dân tộc ta chọn để đi đã tạo ra một nền âm nhạc như thế chăng.? Chúng ta cũng có nhạc vui mà.! Nhạc Hoàng Quý vui nhưng chỉ là cái vui nhất thời của một lần họp mặt của hướng đạo sinh (boy scouts). Nhạc Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát cũng vui nhưng nếu nghe kỹ, ta sẽ nhận ra sự ám ảnh của một nỗi buồn, buồn như màn đêm đang chực chờ để dõi bước một ngày nắng đẹp.

    Và phải đến Phạm Đình Chương, nhạc vui Việt Nam mới có được những ca từ, những nốt nhạc đầy sức sống. Nhưng các bạn đợi một tí nha, phải nói về ông trước đã.

    Phạm Đình Chương ra đời năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội và mất năm 1991 tại California, Mỹ. Lúc sinh tiền, khi soạn nhạc ông ký bút hiệu Phạm Đình Chương, còn đi hát, chỉ trong ban hợp ca Thăng Long, ông là ca sĩ Hoài Bắc. Ông là con trai của cụ ông Phạm Ðình Phụng, nổi tiếng hào hoa với nhiều ngón đàn và người vợ thứ hai, cụ bà Ðinh Thị Ngọ, người có giọng hát và tài ngâm thơ.

    Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng, sinh được hai người con trai, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, con gái của hai người là ca sĩ Mai Hương và, Phạm Đình Viêm sau này là ca sĩ Hoài Trung, giọng ca tenor cao vút, của ban hợp ca Thăng Long.

    Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng, tức mẹ ruột Phạm Đình Chương, sinh ra 3 người con. Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Các con của Thái Hằng và Phạm Duy là Duy Quang, Thái Hiền và Thái Thảo. Con trai thứ là Phạm Đình Chương.

    Và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh, tức nữ ca sĩ Thái Thanh. Hai cô con gái của Thái Thanh và chồng, nam tài tử nổi danh Lê Quỳnh, là Ý Lan và Quỳnh Hương. Nhưng từ đâu mà chúng ta có một "royal music family" như thế.? Câu trả lời rất giản di là "genetics," một may mắn ngẫu nhiên, không kém phần .. xếp đặt của thượng đế nếu bạn tin vào duyên số. “Genetics” không chỉ giải mã cho chúng ta, sự truyền giống, bệnh hoạn mà còn giải thích được phần nào về những thiên tài của nhân loại. Ít nhất cũng là trong lãnh vực nghệ thuật, văn học và trường hợp Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương nói riêng, các anh, chị, em, cháu chắt của ông nói chung, là điển hình cụ thể cho những yếu tố di truyền.

    Năm 1945, khi mới 16 tuổi, Phạm Đình Chương, như phần lớn các nghệ sỹ miền Bắc lúc đó, đã gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến lưu động thuộc liên khu 3 và liên khu 4. Ông đem tiếng hát cùng dáng dấp nghệ sĩ của mình đi cùng khắp các dải đất thuộc hai liên khu này. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

    Năm 1949, khi chiến tranh lan tràn tới vùng Chợ Ðại, gia đình ông phải di chuyển về liên khu 4, do ông tướng nổi tiếng quý trọng văn nghệ sĩ là Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh. Đám cưới người chị ông, ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra, do sự tác hợp và, chủ trì của ông tướng ... văn nghệ này.

    Năm 1951, ông cùng đại gia đình, trong đó có gia đình Phạm Duy, như đã kể trong một tiêu đề trước, rời kháng chiến trở về Hà Nội rồi, vào Nam. Tại Saigon, vùng đất mới, với nghệ danh Hoài Bắc, ông đã cùng với anh là ca sĩ Hoài Trung, chị là ca sĩ Thái Hằng và, em gái là ca sĩ Thái Thanh, thành lập Ban Hợp Ca Thăng Long. Được biết, ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” để nhớ thời gian gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội. Tại Chợ Ðại, Việt Bắc, gia đình ông mở một quán nhỏ lấy tên là quán “Thăng Long”, nơi dừng chân của hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến. Từ đó hai chữ “Thăng Long” đã trở thành một tên gọi, một biểu tượng đẹp đẽ, được coi là gắn liền với thời đầu trong sáng, ý nghĩa nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

    Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, người từng hát chung với Ban Thăng Long từ Nam ra Bắc thì, khi Ban Thăng Long ra đời tại Saigon, ban này đã như một cơn lốc lớn rung chuyển nhiều sân khấu miền Nam. “Quái Kiệt" Trần Văn Trạch, em của nhạc sỹ Trần Văn Khê, vẫn nhớ sự phối hợp rất duyên dáng, sinh động của ban Hợp Ca Thăng Long khi trình diễn những bài ca như “Ngựa Phi Ðường Xa,” “Sáng Rừng,” “Tiếng Dân Chài,” “Ðược Mùa,” hay “Hò Leo Núi” v.v…

    Mỗi lần xuất hiện của ban Thăng Long, là một "cơn sốt’ đối với bà con khán giả miền Nam lúc đó. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”

    Nhạc như thế, lòng người như thế, tuổi xuân như thế, sự tin tưởng về tương lai dân tộc như thế, phải được hát lên, không phải bằng một người, một giọng, mà cần có nhiều người, nhiều giọng. Ban Thăng Long đã làm trọn vẹn điều ấy.

    Năm 1952, Ban Thăng Long đã được mời đi trình diễn khắp nơi và năm 1954, ban Thăng Long trình diễn lần đầu tiên, nhưng cũng là lần cuối cùng, giữa thủ đô Hà Nội. Sau đó, Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt và, Thăng Long, đã sớm biến thành một Thăng Long khác! Sau này, ban Thăng Long còn có thêm tiếng hát và tài diễn xuất của nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Đình Chương.

    Tấm bi hài kịch của cuộc đời Phạm Đình Chương đã bắt đầu gieo mầm. Rồi trong gần gũi đã phảng phất tiếng chia lìa và trong yêu thương đã ươm niềm oán hận. Lý do rất dễ hiểu, Phạm Đình Chương đam mê rượu chè và bạn bè và Khánh Ngọc là một diễn viên điện ảnh, nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… Khán giả ngày hôm nay chắc chắn không biết đến cô, nhưng trong ký ức những khán giả miền Nam tuổi 70 trở lên thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn.

    Ngoài giọng ca truyền cảm, một sắc đẹp .. sát thủ, cô còn sở hữu một "bộ ngực núi lửa". Hồi ấy, thường sau khi hết câu đầu : “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…”, Khánh Ngọc mắt nhắm, tay đè lên ... cái chỗ có con tim ấy, khẽ thở dài… Hết đoạn giao tấu, cô mới mở mắt liếc nhìn suốt dọc khán gỉả với một nụ cười quyến rũ và, đến khi ấy "khán" thính giả mới .. tạm lén lút rời mắt khỏi .. vòng 1 của cô, bừng tỉnh giấc mộng vàng ngắn ngủi mà bùng lên tiếng vỗ tay…

    Và rồi, không hiểu từ lúc nào, cô ca sĩ có "vòng 1 số 1" này đã dan díu với Phạm Duy, ông nhạc sĩ "hư hỏng số 1" của làng tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ để "một đêm không ... trăng sao," Phạm Đình Chương, với mật báo của bạn bè, chứng kiến cảnh .. trăng gió của vợ mình với ông .. anh rể.

    Cho dù Khánh Ngọc và Phạm Duy đã cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng bài điều tra, phóng sự nhưng lại càng như đổ “thêm dầu vào lửa” và, Sài Gòn đã loạn lên vì biến cố của đại gia đình nổi tiếng về nghệ thuật này. Dù vẫn còn yêu vợ và thực lòng muốn thứ tha nhưng trước dư luận sục sôi, Phạm Đình Chương đành nộp đơn ly dị lên toà án và nhận quyền nuôi các con thơ. Từ đó, Phạm Đình Chương trở thành một con người mới, quấn áo xốc xếch, say sưa tối ngày, râu ria lởm chởm và, không màng nhân thế.

    Tuy nhiên, nỗi bất hạnh mà thượng đế đã nỡ tâm giáng xuống cuộc đời ông lại trở thành niềm may mắn cho cả chúng ta.! Ít ra cũng về mặt nghệ thuật. Từ những tột cùng của đau thương, Phạm Đình Chương bắt đầu viết nhạc tình và nhờ thế, chúng ta mới có những bản tình ca bất hủ ra đời trong nước mắt và hoài niệm xót xa như : “Nửa hồn thương đau”, “Đêm cuối cùng”, “Người đi qua đời tôi”, “Khi cuộc tình đã chết”, “Thuở ban đầu”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”…

    Đúng ra thì tình ca trong nhạc Việt thì rất nhiều nhưng nếu nghe cho kỹ, nghe từng chữ, thấm từng câu, ta sẽ nhận ra là có vẻ như "người ta nói về tình nhiều hơn là ..... tình nói". Phạm Đình Chương đã bước qua được sự cách biệt này. Chỉ khi nào người ta yêu người tình, thật sự yêu chứ không phải yêu cuộc tình thì mới có thể viết lên những gì nồng nàn, thiết tha đến thế. Tôi sẽ không đem bất cứ ca từ nào để làm thí dụ vì thứ nhất, chưa đủ trình độ để bình phẩm, chưa đủ kiến thức để hiểu trọn và cuối cùng, để các bạn tự cảm nhận.

    Như Phạm Duy, Phạm Đình Chương cũng phổ nhạc từ thơ nhưng khác với Phạm Duy. Phạm Duy đem chất thơ vào nhạc còn Phạm Đình Chương thì đem chất nhạc vào thơ. Nghe những bản nhạc Phạm Duy phổ từ thơ, chúng ta sẽ dễ dàng quên mất nội dung bài thơ. Lỗi không phải từ bài thơ mà từ tài phổ nhạc "phù thủy" của Phạm Duy. Sau khi nghe Phạm Duy, chúng ta không còn nhớ nguyên bản thơ của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Hoàng Anh Tuấn hay cả Appolinaire ra sao nữa vì Phạm Duy đã thổi một hơi thở mới vào đấy. Nhưng khi nghe Phạm Đình Chương phổ "Người Đi Qua Đời Tôi" của Trần Dạ Từ, "Khi Cuộc Tình Đã Chết" của Du Tử Lê, "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng,"Nửa hồn thương đau" của Thanh Tâm Tuyền hay "Mộng dưới hoa", của Đinh Hùng thì ta sẽ thấy Phạm Đình Chương đã làm những lời thơ .. thẩn trở thành thực hơn, đằm thắm hơn, tuyệt vời hơn dù đó không phải là những ngợi ca hạnh phúc.

    Nhưng Phạm Đình Chương không phải chỉ là nhạc sĩ mà còn là một ca sĩ với chất giọng hàng đầu nữa. Ban Thăng Long, khi thiếu Hoài Bắc thì chỉ còn xác, không còn hồn nữa dẫu là khi hát nhạc .. vui. Và, khi có dịp nghe Phạm Đình Chương hát một mình, trong một quán về khuya với ly rượu trong tay thì ta mới cảm nhận được cái hay trong giọng hát của ông. Và cũng bởi vậy, lũ chúng tôi lái xe băng đèo, vượt núi mỗi đêm thứ sáu để nhớ lại giọng hát nhừa nhựa nhưng vang đội của Phạm Đình Chương ở ... Las Vegas. Ờ nhỉ.! Chúng ta luôn nghĩ đến việc cám ơn những nhạc sĩ, còn ca sĩ thì sao.?

    Khi nghe được một giọng hát trình bầy được tất cả những ẩn chứa trong một câu hát, phải chăng đó cũng là miền hạnh phúc, một công trình nghệ thuật.? Mỗi ca khúc, mỗi ca sĩ có thể thể hiện một cách khác nhau và, bằng cách ấy, vẫn mở cho ta được một khe hở, tuy nhỏ nhoi, nhưng vẫn đủ cho ta len lỏi, tìm về một khung cảnh nào đó, xa xưa, trong quá khứ để tưởng tượng, để sống lại, để mơ màng, để hứa hẹn với ta những ảo diệu mà chỉ khi đang yêu hay đã giã biệt tình yêu, mới có thể cảm nhận được.

    Có gì buồn bằng một bản tình ca không được hát.? Và có gì buồn hơn một bản tình ca bị hát sai.?

    Thưa các bạn, đây cũng là lý do tại sao đến bây giờ tôi vẫn không chắc là mình có nên post tiêu đề này hay không. Một trong những tác phẩm để đời của Phạm Đình Chương là "Mộng Dưới Hoa", phổ thơ Đinh Hùng. Trong đó có những câu như:

    " ........Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
    Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
    Âu yếm nhìn tôi không nói năng"
    "Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
    Mây ngàn gió núi đọng trên mi
    Áo bay mở khép niềm tâm sự
    Hò hẹn lâu rồi - em nói đi...
    Vớt cánh rong vàng bên suối
    Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu
    Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
    Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
    Và nguyện muôn chiều ta có nhau..
    Hy vọng thơm như má chớm đào
    Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
    Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
    Hòa lệ ân tình nuôi khát khao
    Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề
    Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
    Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng
    Và mộng em cười như giấc mê"


    Cho đến ngày hôm nay, từ Duy Trác đến Tuấn Ngọc, từ Vũ Khanh đến Xuân Phú, từ Thanh Hà đến Julie, ai cũng hát câu "mắt xanh lả bóng dừa hoang dại" thành "mắt xanh .... bóng dừa hoang dại," rồi "áo bay mở khép niềm tâm sự" thành "áo bay .... mờ khép niềm tâm sự". Có lần, lấy hết can đảm, hỏi tại sao, thì được các ông bà ca sĩ, dẫu gạo cội hay mới ra ràng, trả lời rằng nốt ấy khó hát nên dấu hỏi mới nghe ra dấu .. huyền. Nhưng tôi đố các bạn nghe được, cũng những người đó, hát chữ "gửi" trong "gió ơi, gửi gió lời tâm niệm" thành .... "gừi" hay "dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng" thành.... "tường" .?

    Giản dị là các bác không thèm đọc lyric nên ngỡ là "... mờ khép niềm tâm sự" và ".... là bóng dừa hoang dại". Thế thôi, người Việt ta có cái tật đáng yêu là quên hay không biết thì ... cương. Phạm Đình Chương cũng khổ tâm không ít về điều này. Mỗi khi ông hát đến đoạn này, ông dừng lại bất chợt, mặc ban nhạc đang tiếp tục dòng nhạc, khẩn khoản nhắc nhở thính giả rằng: " lả bóng chứ không phải .. là bóng, mở khép chứ không phải ... mờ khép, các bạn à. Hát sai làm lời thơ mất hay đi" Rồi ông nhắm mắt, mơ màng hát tiếp, làm như chưa có chuyện gì xảy ra. Và từ sau lần đầu, ban nhạc của Đêm Màu Hồng lại tiếp tục chơi tiếp khi ông dừng ngang xương, cứ như thể đây là một "highlight" của chương trình. 50 năm qua rồi nhưng vẫn chưa ca sĩ nào chịu thấm lời của tác giả.

    Cũng như bản "Ly Rượu Mừng". Tôi chọn ban hợp ca Asia cho bản này vì ban nhạc chơi rất được. Đến lúc nghe kỹ lại thì như giai... ngồi phải gai. Câu "người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no" thì các trự lại hát là "người .. nông nhân ấm no"??? Đây là một bản hợp ca, có nghĩa là lời nhạc đã được in sẵn để mọi người cùng hát nhưng văn học Việt Nam thì tìm đâu ra chữ .. nông nhân. Hỡi toàn thể ca sĩ, các bạn nói tiếng Việt đến đâu để khi hát chữ .. nông nhân mà không gióng lên câu hỏi. Ca như vậy thì không được có chữ sĩ vì nếu sĩ thì đã không ca như vậy. Hay là văn hóa "dạ thưa anh, bẩm thưa chị" đã vượt Thái Bình Dương để qua đến đất Mỹ nên in sao, hát vậy.? Đành chọn ban hợp ca PBN!

    Đến lúc chọn "Hội trùng dương," đang mơ màng nghe "Tiếng sông Hồng," đến lúc chuyển qua "Tiếng sông Hương," chưa kịp khen thầm Như Quỳnh vào mấy câu tiếng Huế ngọt lịm, cô này gốc Huế thì, bỗng lạnh người như gái .. ngồi phải cọc. Câu "em sinh em bé tên là Hương Giang," cô lại hát như " em .. xinh em bé". Ơ hay,! em "sinh em bé chứ đâu phải là " em bé ..xinh". Đổi qua hợp ca Asia thì cũng rứa. Anh Bằng và Trúc Hồ là hai giám đốc "nghệ thuật" của trung tâm này và các ông ở đâu khi để cho ca sĩ hát như vậy.

    Có gì buồn bằng một bản tình ca không được hát.? Và có gì buồn hơn một bản tình ca bị hát sai.?

    Mồ ma bác Chương nhà mình có linh thiêng thì tối nay nhờ về gãi chân các ông bà này để nhắc thêm chuyện này nhá. Còn nhiều, còn rất nhiều, nhưng lầu bầu cho lắm thi cũng chả thay đổi được một li ông cụ nào, ta stop ở đây nha.? Mời các bạn thưởng thức dòng nhạc của Hoài Bắc Phạm Đình Chương.

    Chú thích:
    1.- Như thường lệ, cám ơn hai đại, đại ca Hoài Nam và Nguyễn Đình Toàn về những tư liệu dùng trong tiêu đề này.
    2. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/CN1SQYCKLWJQ

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-...n-nhac-viet-nam-pham-dinh-chuong-wav.1129328/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  7. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Giới thiệu đến các bạn yêu nhạc phiên bản: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Ngô Thụy Miên, phần 1.

    Tracks List:
    01 - Một Đời Quên Lãng .... Khánh Hà
    02 - Chiều Nay Không Có Em .... Sĩ Phú
    03.- Mùa Thu Cho Em .... Phạm Thu Hà
    04.- Nỗi Đau Muộn Màng .... Tuấn Ngọc
    05.- Giọt Nước Mắt Ngà ... Diệu Hiền
    06.- Tình Khúc Mùa Xuân ... Khánh Hà & Thúy Anh
    07.- Niệm Khúc Cuối ... Thiên Kim
    08.- Bản Tình Cuối ..... Thái Hòa
    09.- Dấu Tình Sầu ..... Khánh Hà
    10.- Riêng Một Góc Trời .... Tuấn Ngọc
    11.- Mắt Biếc .... Lệ Quyên

    Trong số các nhạc sĩ sáng tác từ đầu thập niên 70 đến nay, Ngô Thụy Miên là người viết đều đặn nhất và ngay từ những tác phẩm đầu tay cho đến bây giờ, ông không viết gì ngoài tình ca. Hình như ông sinh ra đời chỉ để viết tình ca và phần lớn những đứa con tinh thần để trình làng của ông, Áo Lụa Hà Đông hay Tuổi 13, đều phổ từ thơ Nguyên Sa.

    Phạm Duy, dẫu với một số lượng tác phẩm đồ sộ, đã có lần tỏ ý hối tiếc là đã không dành thêm thời gian cho nhạc tình.! Ngô Thụy Miên thì không có điều gì phải luyến tiếc về điều này. Có chăng, chỉ đơn thuần là ông đã quá thờ ơ với thời cuộc khi bắt đầu sáng tác. Nhưng giả sử là ông không thể hay không muốn viết gì ngoài nhạc tình thì sao nhỉ.? Làm sao ép được một cây hồng nở một cành lan!

    Điều đáng đề cập là liệu Ngô Thụy Miên, bằng nhạc của mình, có nói lên được tâm tư của những người đồng trang lứa với ông hay không.? Quan trọng hơn là giới trẻ sau này còn tìm thấy sự đồng điệu với tình ca của Ngô Thụy Miên hay không.? Nhạc tình của Đức Huy có gần với tuổi trẻ hơn những tình ca của Ngô Thụy Miên không.? Chúng ta chỉ biết rằng, non nửa thế kỷ qua, nhạc của Ngô Thụy Miên vẫn được chuộng trong nước và hải ngoại và điều này đã chứng tỏ được sự bền vững của giá trị, với thời gian và cảm nhận, với tình ca của ông. Có cà phê nhạc sống nào, có phòng trà nào, có vũ trường nào mà nhạc Ngô Thụy Miên không được hát lên hàng đêm?

    Điều này làm tôi bắt đầu thấy sợ. Tại sao nhạc Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An , Lam Phương vẫn được hát đi, hát lại ở mọi nơi.? Vì đó là chứng minh cụ thể của sự cạn kiệt.. Chúng ta không có cái gì thêm để nghe hay không muốn nghe thêm cái gì khác. Cái hay lẫn cái dở đều chất chứa bao nỗi bi hài. Có phải chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà cái mới thì không hay và cái hay thì không mới.?

    Tôi muốn nói gì thì nói, bạn muốn nghĩ gì thì nghĩ và thiên hạ muốn làm gì thì làm. Cùng một lúc, điều này cũng bao gồm những người không muốn, không thể hoặc không thích: nói, nghĩ hay làm gì cả. Thôi thì tự an ủi rồi tuổi trẻ sẽ qua mau. Nhưng tuổi già e sẽ qua mau hơn đấy.!

    Nói đến Ngô Thụy Miên, không thể không nói đến Nguyên Sa. Nguyên Sa ngoài đời trông không có vẻ thanh nhã. Nghe ông giảng môn triết học ta càng thấy ông khô hơn củi nhưng thơ tình thì tuyệt diệu, lãng mạn và ướt át. Hẳn là bao tinh hoa ông đã lỡ trút hết vào thơ tình.

    Nhưng một thi sĩ thì ngoại hình bắt buộc phải như thế nào nhỉ.? Chỉ biết là thơ Nguyên Sa đã như một làn gió mát thổi vào thi ca và tuổi trẻ một thời. Từ ý tưởng đến ngôn từ, Nguyên Sa đã góp phần không nhỏ làm cho thơ tình Việt Nam trẻ ra, nồng nàn hơn trong giai đoạn chiến tranh trở nên khốc liệt . Đọc thơ Nguyên Sa, tuổi trẻ Việt Nam, thời kỳ một ngàn chín trăm ... hồi đó, như vừa có một khuôn mặt mới, một phong cách yêu đương mới. Qua thơ Nguyên Sa và Hoàng Anh Tuấn, tuổi trẻ dường như có thêm một cách khác để bầy tỏ tình yêu, khác nhiều với Xuân Diệu, khác xa với Huy Cận.

    Cũng nên biết là thơ phổ nhạc thường đem đến một mất mát đáng tiếc. Thêm được một ca khúc thì mất đi một bài thơ bởi vì những bài thơ đã được phổ nhạc sẽ không còn được hình dung ra với sự nguyên vẹn nữa. Không chỉ biến dạng thành lời ca của bài hát ấy mà vĩnh viễn sẽ còn không thể tách ra được. Thế độc lập của bài thơ đã bị bài nhạc tước đoạt.!

    Thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên thì sao.? Nhạc họ Ngô có làm tuổi trẻ quên đi nguyên bản thơ họ Trần ( Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan).? Không đâu!, Kosma phổ nhạc nhiều thơ của Prevert nhưng Kosma vẫn là Kosma và Prevert cứ là Prevert. Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ của Huy Cận nhưng Huy Cận vẫn mãi là Huy Cận. Phạm Đình Chương phổ nhiều thơ của Thanh Tâm Tuyền nhưng thi sĩ này vẫn giữ chỗ đứng bất khả di trong tâm hồn người yêu thơ.

    Thêm một giả dụ khác. Hay là thơ Nguyên Sa đã giới hạn nhạc Ngô Thụy Miên.? Không hẳn vậy, vì trong những ca khúc mà họ Ngô viết cả nhạc lẫn lời, ông đã cho ta thấy những cánh cửa khác được mở ra tronb thế giới riêng của ông. Tiếc thay, nhạc sĩ này chỉ phổ nhạc thơ có vần, có điệu của Nguyên Sa, nếu không chúng ta đã có thể có thêm một số ca khúc được phổ từ thơ tự do, thơ như văn xuôi của Nguyên Sa..

    Chưa đủ can đảm, thiếu thốn tài năng, thời giờ hạn hẹp hay phổ thơ Nguyên Sa chỉ là một giai đoạn trong tiến trình sáng tác của Ngô Thụy Miên.? Ai giỏi thì cứ nắm áo ông ấy mà hỏi.! Phần chúng ta, hai chân gác lên bàn, một tay điếu thuốc, một tay ly cà phê thơm ngát, hai mắt nhắm nghiền, thả hồn vào thế giới tình ca của Ngô Thụy Miên với lời bình của Hoài Nam.

    Làm ngay đi. Tuổi già e sẽ đến mau đấy.!

    Gửi tiếp đến các bạn phần 2 của "70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên"

    Tracks List:
    12.- Cần Thiết ......................... Ngọc Quỳnh
    13.- Từ Giọng Hát Em. .............. Phương Linh
    14.- Giọt Nắng Hồng ................. Mai Khôi
    15.- Miên Khúc ........................ Khánh Hà
    16.- Dốc Mơ ............................ Khánh Ly
    17.- Ở Nơi Nào Em Có Nhớ ........ Tuấn Ngọc
    18.- Dáng Ngọc ....................... Thái Thảo
    19,- Tuổi 13 ............................ Bích Vân
    20.- Paris Có Gì Lạ Không Em .... Ngọc Hạ
    21.- Áo Lụa Hà Đông ............... Thái Hòa
    22.- Bản Tình Ca Cho Em ........ Tuấn Ngọc
    23.- Em Còn Nhớ Mùa Xuân .... Y Phương

    Thêm vài lời về Ngô Thụy Miên,

    Ngô Thụy Miên tốt nghiệp năm 1965 tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp nhưng đã bắt đầu viết nhạc từ năm 1963. Tình khúc đầu tiên Ngô Thụy Miên hoàn tất , "Chiều Nay Không Có Em" (1965), đã được giới sinh viên tại các giảng đường đại học hưởng ứng rất nồng nhiệt.

    Vài năm sau đó, ông đã cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa đề là Tình Khúc Đông Quân do nhà in Khắc Hạnh phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân là bút hiệu đầu tiên của ông trước khi ông đổi qua bút hiệu mới là Ngô Thụy Miên. Trong tuyển tập Tình Khúc Đông Quân mà ông đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu của tuyển tập là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản tình ca: Dáng Ngọc, Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi là Mùa Thu Cho Em), Gọi Nắng (sau đổi là Giọt Nắng Hồng), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi là Dấu Tình Sầu), Cho Những Mùa Thu (sau đổi là Thu Trong Mắt Em), Tình Khúc Tháng 6, Nhạt Tình (sau đổi là Dấu Vết Tình Yêu), Mây Hồng (sau đổi là Tuổi Mây Hồng), Gọi Tên Em, Ái Xuân, Mùa Thu Về Trong Mắt Em (sau đổi là Mắt Thu) và Ngày Mai Em Đi. Xin đừng lẫn lộn với " Một Mai Em Đi" của Trường Sa.

    Không chịu "ngủ mãi" (thụy miên)!, năm 1971 ông đã cho xuất bản một tuyển tập tình ca thứ nhì, với tựa đề "Một Ngày Cho Tình Yêu." Trong tuyển tập nầy có sự góp mặt của các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Trần Tú, Vũ Thành An và Vũ Đức Sao Biển, và tập nhạc do Bạn Trẻ xuất bản với phụ bản của họa sĩ Nguyên Khai, in tại nhà in Hiếu Trung Sài Gòn. Trong tuyển tập nầy, gồm tất cả là 15 nhạc khúc của 5 nhạc sĩ. Ngô Thụy Miên với 5 ca khúc đóng góp trong tuyển tập là Tình Khúc Tháng Sáu, Mùa Thu Cho Em, Tình Khúc Mùa Xuân, Chiều Nay Không Có Em và Mắt Biếc.

    Cuối năm 1974, ông cùng với một số thân hữu thực hiện cuốn băng nhạc đầu tiên với chủ đề Tình Ca Ngô Thụy Miên, Thúy Nga phát hành, gồm 17 tình khúc đã được sáng tác trong suốt khoảng thời gian từ 1965-1972, và ông đã ra mắt cuốn băng nầy trong đêm tình ca Ngô Thụy Miên, với chủ đề Nhạc Tình Khúc tại Sài Gòn ngày 7.12.1974, do các nam nữ ca sĩ nổi danh trình bày như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Duy Quang, Duy Trác, Thanh Lan, Sơn Ca, Xuân Sơn, Châu Hà, Kim Tuấn, với phần hòa âm của nhạc sĩ Văn Phụng. Ông vượt biên vào cuối năm 1978 và đến Mã Lai. Tại trại tị nạn Pulau Bidong ở Mã Lai ông đã chính thức trình làng tác phẩm mà ông đã miệt mài viết từ năm 1975 và đã hoàn tất vào năm 1978, bản Em Còn Nhớ Mùa Xuân riêng gởi tặng cho người yêu Đoàn Thanh Vân lúc đó đang định cư tại Mỹ Quốc. Năm 1979 ông sang Montreal, Gia Nã Đại và tại đây ông đã lập gia đình với Thanh Vân vào cuối năm 1979. Vào khoảng đầu năm 1980, ông di dân sang Mỹ và định cư tại California. Ông đã tốt nghiệp kỹ sư điện toán và hiện đang làm chuyên viên cố vấn trong ngành điện toán tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.

    Vài lời bàn thêm:

    1.- Có một điều phải tỏ cho minh bạch là ca khúc "Giáng Ngọc" chính tựa là "Dáng Ngọc". Ta chỉ có "giáng tiên", tiên bị đày xuống trần, "giáng mi", làn mi cong và dài xuống đuôi mắt hay "giáng hương", hương của hoa thơm tỏa xuống từ cây. Giáng có nghĩa là xuống, nên "ngọc" mà "giáng", rơi xuống thì ... xong phim.! "Dáng ngọc" đây là dáng dấp ngọc, ngà của người yêu.!

    2.- Với các bạn có óc tò mò , nghe lời bình của Hoài Nam mà chưa rõ, đường "Duy Tân cây dài, bóng mát" bây giờ là đường Phạm Ngọc Thạch. Đường Lê Văn Duyệt là Võ Thị Sáu bây giờ, đoạn từ Đinh Tiên Hoàng & Trần Quang Khải, đến Phan Đăng Lưu. "Lăng Ông" trên đường này là lăng Đức Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt. Sau bao năm,người ta mới vỡ lẽ ra là không phải ai làm quan dưới triều Nguyễn cũng là phường phản dân, hại nước. Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã có công rất lớn khai phá miền Nam. Nếu không có ngài, ta không có được một miền Nam trù phú như bây giờ. Năm 2014, UBND TPHCM đã ký sắc lệnh đổi lại tên đoạn đường này như cũ.

    3.- Phiên bản kế tiếp này đã không thể hoàn thành được nếu không dựa vào biên khảo của Hoài Nam trong "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam".

    Giới thiệu đến các bạn, đã "lỡ dại" nghe hai phần đầu, phiên bản cuối của " 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên".

    Tracks List:
    24.- Tình Khúc Buồn ................. Thái Hòa
    25.- Biết Bao Giờ Trở Lại ......... Trần Thái Hòa
    26.- Mùa Thu Xa Em ................. Khánh Ly
    27.- Nắng Paris, Nắng SàiGòn... Thái Hiền
    28.- Tình Cuối Chân Mây ..... Don Hồ
    29.- Tháng Giêng Và Anh ........ Ý Lan
    30.- Tháng Sáu Trời Mưa ......... Đức Tuấn
    31.- Thu Khóc Trên Ngàn ........ Lê Dung
    32.- Nỗi Đau Từ Đây ................Trần Thái Hòa
    33.- Em Về Mùa Thu ............... Ái Vân
    34.- Thu SàiGòn ...................... Duy Quang
    35.- Mắt Thu ........................... Trần Thái Hòa & Hương Giang
    36.- Một Cõi Tình Phai ........... Khánh Hà
    37.- Biển Và Em ..................... Thiên Kim
    38.- Mây Bốn Phương Trời ..... Don Hồ
    39.- Gọi Tên Anh .................... Ý Lan
    40.- Từ Giọng Hát Em .......... Thiên Tôn
    41.- Riêng Một Góc Trời ........ Tuấn Ngọc

    Bất cứ ai, có chủ tâm đi tìm những nét đặc thù của 20 năm tân nhạc miền Nam, cũng sẽ nhận ra rằng, giữa thi ca và nền tân nhạc, nhất là dòng nhạc mà chúng ta quen gọi là tình ca, là một gắn bó tuyệt vời. Tựa như đó là những cuộc hôn phối không thể lý tưởng, đẹp đẽ hơn. Vì tính lãng mạn của thơ tình Việt Nam mà một nhạc sĩ, trong đời họ, có thể "kết hôn" với thơ của nhiều nhà thơ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số nhạc sĩ chỉ mặn mà và chỉ thành công với thơ của một hai thi sĩ mà thôi. Ðiển hình cho trường hợp này là Ngô Thụy Miên với thơ Nguyên Sa. Nhưng trước khi bước sâu vào mối tương tác giữa thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên, chúng ta cũng nên nhìn lại nguồn gốc đưa tới sự giầu có của tình ca miền Nam 1955 đến 1975.

    Đúng ra thì tân nhạc Việt Nam đã nở rộ từ những năm đầu thập niên 1940. Nhưng kể từ Hiệp Ðịnh Geneva chia đôi đất nước, miền Nam sau một thời gian ngắn được sống trong yên bình thì, chiến tranh đã gióng lên những hồi chuông oan nghiệt đầu tiên.

    Theo bước chân thời gian, chiến tranh, tang tóc ở miền Nam như nấm gặp những cơn mưa triền miên của bom đạn. Tuổi trẻ miền Nam ngơ ngác, thất thần trước một tương lai bất định. Họ, những người trẻ miền Nam giống như bị trần truồng trước tương lai ngõ cụt, tai họa của cái chết kề cận, tựa như họ có thể chạm tay, chạm mặt với thần chết! Trong tình cảnh tuyệt vọng này, phản ứng tự nhiên của những con thú cùng đường là chống trả hay lẩn trốn trong những căn hầm trú ẩn hư ảo. Phản ứng này, thể hiện rất rõ nét qua văn chương và âm nhạc. Vì thế, không mấy ai ngạc nhiên khi nhìn lại 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người ta thấy có ba khuynh hướng chính, như ba phản ứng chống trả hoặc trốn chạy tùy theo cảm nhận riêng của mỗi cá nhân là:
    1. Chống chiến tranh.
    2. Ðắm mình trong tính dục. (Khuynh hướng này thường chỉ xảy ra trong lãnh vực văn chương, không nhiều trong lãnh vực âm nhạc).
    3. Trú ẩn trong những cánh rừng hay những núi, đồi của ảo tưởng lãng mạn.

    Nói chung, với ba khuynh hướng chính này thì chỗ thanh thiếu niên miền Nam tìm tới đông đảo nhất là những cánh rừng hay những núi, đồi lãng mạn. May mắn thay miền Nam thời đó có được tự do đủ, để các khuynh hướng trên phát triển.

    Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại của một dân tộc, luôn có riêng một thứ ngôn ngữ. Ngôn ngữ ấy phản ảnh được tâm trạng đời sống của đa số. Bởi thế, miền Nam, ở những thập niên 1960, 1970, tuy người ta vẫn còn đọc thơ tình của những thi sĩ tiền chiến như Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận hay, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư v.v... Và, một số người vẫn còn nghe, hát những tình khúc của Tô Vũ, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Khánh, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, Hoàng Giác, Tử Phác hay Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý v.v... Nhưng đại đa số, nhất là giới trẻ ngày càng xa lạ với những ca khúc như:

    Em lo gì trời gió
    Em lo gì trời mưa
    Em tiếc gì mùa hè
    Em tiếc gì mùa thu


    Ta cứ yêu đời đi
    Như lúc ta còn thơ
    Rồi để anh làm thơ
    Rồi để em dệt tơ...


    ("Thoi Tơ," thơ Nguyễn Bính, nhạc Ðức Quỳnh)

    Phải nói là hình ảnh "anh làm thơ, em dệt lụa" là hình ảnh lãng mạn, tượng trưng cho một tình yêu đẹp, rất lý tưởng... Nhưng dù đẹp hoặc lý tưởng tới đâu thì nó cũng đã thuộc về quá khứ! Ðời sống thực của thanh thiếu niên miền Nam, trong chiến tranh, dù họ có chọn mơ mộng, có lãng mạn như một ẩn náu cần thiết thì cũng chẳng có bao người, biết được mặt mũi cái khung cửi nó méo tròn như thế nào...

    Bối cảnh đời sống của thanh thiếu niên miền Nam ở những năm 1960, 1970 không hề có cảnh "em ngồi trong song cửa - anh đứng tựa tường hoa". Có lãng mạn, lý tưởng nhẹ nhàng nhất thì cũng phải phảng phất tí mùi chiến tranh:

    Anh về qua xóm nhỏ
    Em chờ dưới bóng dừa
    Nắng chiều lên mái tóc
    Tình quê hương đơn sơ


    Quê em nghèo, cát trắng
    Tóc em lúa vừa xanh
    Anh là người lính chiến
    Áo bạc màu đấu tranh...


    ("Tình Quê Hương" thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Ðan Thọ)

    Hoặc "đô thị" hơn thì ít nhất cũng phải là:

    Em đến thăm anh đêm ba mươi
    Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
    Anh nói với người phu quét đường
    Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em


    Tay em lạnh để cho tình mình ấm
    Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
    Sau giao thừa xanh trong đôi mắt ngọc
    Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?


    ("Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi" lời Nguyễn Ðình Toàn, nhạc Vũ Thành An)

    Ở tình khúc của Ðan Thọ, từ những năm giữa thập niên 1950, con gái không còn bận tâm"ngồi trong song cửa" cho mất thì giờ "vàng son" nữa. Nàng, cô con gái thời "hậu tiền chiến" đã bước ra khỏi nhà, đi tìm một gốc cây, chờ người tình của mình, không "lo trời gió" mà cũng chả "ngại trời mưa".

    Qua đến Vũ Thành An, bây giờ nàng đã không còn ngồi quay... tơ cho chàng làm... thơ mà cũng chả mất công ngồi chờ. Nàng đã chủ động đi... thăm chàng. Hơn thế, nàng còn chọn thời điểm quan trọng nhất của một năm là đêm 30 Tết, thay vì phải ở nhà để cùng cha mẹ chờ cúng giao thừa thì nàng chọn làm "đồ cúng" cho chàng.! Và chúng ta, kẻ ngoại cuộc, sung sướng được làm nhân chứng cho bằng chứng tình yêu của chàng là "người phu quét đường," là "chiếc lá vàng"...

    Hai hình ảnh lãng mạn không thể hiện thực hơn trong tình khúc vừa kể, chỉ là một trong hàng ngàn hình ảnh, biểu tượng cho tính chất lãng mạn đầy tích cực của thời kỳ thơ/nhạc miền Nam 20 năm, trước đây. Trước nhu cầu cấp bách của thanh thiếu niên miền Nam về những cảm thức lãng mạn mới, như những cánh rừng hoặc, những núi, đồi cho họ ẩn trú dù chỉ là ảo tưởng, năm 1957, về phương diện thi ca, thi phẩm "Thơ Nguyên Sa" in lần thứ nhất ra đời. Trong tình cảnh bơ vơ, thất lạc kia, năm 1965, về phương diện tình ca, hai tình khúc mang tên Ngô Thụy Miên ra đời, "Chiều Nay Không Có Em" và "Mùa Thu Cho Em." Hai ca khúc này là hai dự báo mạnh mẽ sự thành tựu rực rỡ của họ Ngô.

    Ở thời điểm từ 1955 tới 1965 thì thơ Nguyên Sa là một hiện tượng mang tính lãng mạn mới. Như thể thơ Nguyên Sa đã mang lại cho buồng phổi thanh thiếu niên miền Nam những lượng khí trời mới. Trong bối cảnh đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn là những nỗ lực ý thức, năm 1969, bốn năm sau hai tình khúc đầu tay, Ngô Thụy Miên thẩm nhập cõi giới thi ca Nguyên Sa - Ðể cùng với thơ của tác giả này, họ Ngô làm thành một hợp hôn tuyệt vời.

    Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/NG2LLU89EW6S

    Link bài viết gốc:
    Phần 1: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...-tan-nhac-viet-nam-ngo-thuy-mien-wav.1093706/
    Phần 2: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...ac-viet-nam-ngo-thuy-mien-phan-2-wav.1094602/
    Phần 3: http://www.hdvietnam.com/threads/v-...viet-nam-ngo-thuy-mien-phan-cuoi-wav.1095894/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  8. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Giới thiệu đến các bạn " 70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương"
    Xin cám ơn những biên khảo của Hoài Nam, SBS Radio, Australia và Nguyễn Đình Toàn đã được dùng trong phiên bản này.
    Tất cả những ca khúc trong phiên bản này đều do chính Lê Uyên và Phương trình bày.
    Ngu mỗ vừa mới nghiệm ra rằng không phải bạn nào cũng chỉ nghe lossless từ computer mà còn muốn nghe từ CD nên phải làm phiên bản mới cho hài lòng cả nhà.
    Tracks List:
    Đá Xanh
    Buồn Đến Bao Giờ
    Tình Khúc Cho Em
    Hãy Ngồi Xuống Đây
    Ngồi Lại Trên Đồi
    Uống Nước Bên Bờ Suối
    Chiều Phi Trường
    Dạ Khúc Cho Tình Nhân
    Đưa Người Tuyệt Vọng
    Vũng Lầy Của Chúng Ta
    Một Ngày Vui Mùa Đông
    Lời Gọi Chân Mây
    Cho Lần Cuối
    Không Nhìn Nhau Lần Cuối
    Hãy Ngồi Xuống Đây
    Cho Lần Cuối

    Lê Uyên Phương sinh ngày 2/7/1941, tại Đà Lạt, bắt đầu sáng tác năm 1960 với ca khúc "Buồn Đến Bao Giờ."

    Nhạc của Lê Uyên Phương là chứng tích cuộc tình của ông và ca sĩ Lê Uyên, nhưng đó là chuyện riêng của hai người. Chúng ta hãy nghe nhạc của ông như những tác phầm thuần túy
    Ngay từ khi Lê Uyên Phương và một nửa không thể thiếu của ông từ Đà Lạt "xuống núi" về Sài Gòn, trình diễn đêm nhạc đầu tiên và sau khi chương trình NHẠC CHỦ ĐỀ của đài phát thanh Sài Gòn giới thiệu với thính giả, nhạc của ông đã được yêu mến ngay. Cũng trong thời gian ấy chúng ta đã có một lớp nhạc sĩ trẻ, nay đã thành danh như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên.
    Trong nhạc tình và thơ tình, người ta khó phân biệt khi nào sự thật hóa thân từ tưởng tượng, khi nào khổ đau chen chân vào hạnh phúc. Tình sầu ai oán lắm khi lại trở thành " phía bên kia của hạnh phúc ", nhưng cái vui buồn trong những tình khúc của Lê Uyên Phương có vẻ gần gũi với thực tế hơn, đời thường hơn, da thịt hơn:

    Theo em xuống phố trưa nay
    Đang còn nhức mỏi đôi vai


    Âm điệu như được rút ra từ những khắc khoải hiện tại mà hiện tại là cuộc tình. Và cuộc tình là những gì đang trải nghiệm trong cuộc sống, đang cảm nhận từng giây phút, đang vây quanh từng hơi thở. Trong nhạc tình, ngoài những đau thương có thật, đôi khi chúng ta còn cảm tưởng con người còn đau nỗi đau sắp sửa, buồn cái buồn chưa đến.

    Vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối,
    Còn tình anh, sớm muộn gì, cũng đưa vào tăm tối

    ( Từ Công Phụng )

    Nếu về sau em có qua cầu,
    Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu mà nói chuyện quên nhau?

    ( Phạm Duy )

    Lê Uyên Phương thì khác, nhưng đúng ra thì ông cũng chẳng nói gì khác !
    Ông ôm lấy hiện tại, đau thương cùng hạnh phúc nhưng đôi tay quá ngắn nên ông phải tháp bằng âm nhạc.

    Hạnh phúc mong manh như tơ nên phải vây bọc bằng thơ, nâng niu bằng nhạc, phải hát lên, hát to lên, hát đến khi lạc giọng, hát đến lúc cạn hơi, hát như không sợ có ai nghe, hát để nhắc nhở rằng những điều có thật trong chính cuộc đời ta, đừng để nó biến mất. (đoạn này tặng riêng cho Việt Linh )

    Những ca khúc của Lê Uyên Phương bài nào cũng được bắt đầu bằng những dây đàn căng thẳng và kết thúc bằng một tiếng thở dài. Khi tơ đã chùng, lòng đã mỏi, ông phải se lại, phải so lại, phải dỗ dành, phải bắt đầu lại; và bắt đầu lại, không phải từ lúc khởi đầu mà từ lúc dở dang. Trong những tác phẩm của ông, ta vẫn nghe ra một cơn đau bất tận.

    Huyền thoại Lê Uyên và Phương bắt đầu năm 1969 khi Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh chính thức chung sống và nhanh chóng trở thành đôi song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh không muốn lấy tên thật của mình nên Lê Uyên Phương cắt chữ "Lê Uyên" tặng cho người bạn đời và mình chỉ giữ lại chữ "Phương".
    Và đôi song ca "Lê Uyên và Phương" được biết đến từ đó và vì vậy, "Lê Uyên Phương" trở thành hai tên chứ không phải một, nhưng một mà hai, chắc nhiều người cũng đã biết.
    Lê Uyên và Lê Uyên Phương có với nhau hai người con gái, Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Năm 1979 họ rời Việt Nam sang định cư tại California.
    Sau gần 15 năm chung sống, hai người chia tay nhau năm 1984. Nhiều người cho rằng phần lỗi thuộc về Lê Uyên. Thực, hư thế nào không rõ, nhưng chắc chắn ngay sau đó, Lê Uyên đã có thời gian sống với một người đàn ông khác. Mối quan hệ đầy tai tiếng này chắc hẳn không như ý Lê Uyên nên sau đó cô đã quay về với Phương và tái kết hợp trong lĩnh vực ca hát.
    Vẫn tiếp tục sáng tác sau khi ra hải ngoại rồi đến năm 1999, Phương qua đời ở tuổi 58, vì ung thư phổi, không liên quan gì đến " ung thư ở ngón tay ".

    Nhưng buồn thay, biến cố 1975 không những chỉ ảnh hưởng Lê Uyên Phương trong những sáng tác của ông sau này, mà hình như nó biến đổi cả chúng ta, ít ra với những người đã trưởng thành vào thời điểm ấy, thành những người khác. Khác với ta lúc trước, khác với người về sau, khác từ suy nghĩ, khác với nhân sinh quan, khác đến cách sống.

    Thời gian sẽ tiếp tục có những thay đổi, những đòi hỏi. Không biết chúng ta nên quên đi hay nhớ kỹ mọi chuyện để có thể sống được với nhau nhỉ?

    P.S.
    1.- Sở dĩ kẻ này không dùng bất cứ ai ngoại trừ Lê Uyên & Phương trong phiên bản này vì một lý do dễ hiểu: Không ai ngoài đôi song ca huyền thoại này kể được chuyện tình của chính họ.

    2 - 45 năm trước ...... họ hát hay hơn, nhưng nếu post lên thì các bác nghe xong sẽ ... phê, mắt nổ đom đóm, tay bắt chuồn chuồn, hai tai lùng bùng vì hồi đó âm thanh quá tệ. Nghe không biết là lời ca, nhạc đệm hay tiếng ồn và nếu, theo tôi biết, các bạn biết được họ thâu âm ở đâu thì tôi cá là các bạn tối nay khỏi .... dám ăn tối.
    3. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/9S1FQ9PH2JCQ

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-...e-uyen-phuong-wav-cho-computer-va-cd.1091495/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  9. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Để tưởng nhớ hai nhạc sĩ tiên phong trong việc khởi đầu nền nhạc trẻ với những sáng tác lời Việt, nhạc Việt cho giới trẻ Việt, giới thiệu đến các bạn:
    70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng.

    Tracks List:

    01. Hợp Khúc 1: Sống Cho Qua Hôm Nay - Phiên Khúc Mùa Đông - Kho Tàng Của Chúng Ta.
    02. Bước Tình Hồng.
    03. Hợp Khúc 2: Tôi Muốn - Yêu Người Yêu Đời - Thương Nhau Ngày Mưa.
    04. Tôi Muốn
    05. Nguyện Cầu.
    06. Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ.
    07. Đêm Dài
    08. Huyền Thoại Người Con Gái.
    09. Hát Về Cuộc Sống Hôm Nay Và Ngày Mai.
    10. Lời Người Điên.
    11. Proud Mary (CCR).
    12. Hãy Nhìn Xuống Chân.
    13. Xin Một Bóng Mát Bên Đường
    14. Đôi Khi Ta Muốn Khóc.
    15. Một Giấc Mơ.
    16. Tình Như Sương Khói.
    17. Tình Nhân Loại, Thú Thiên Nhiên.
    18. Hãy Vui Lên Bạn Ơi.
    19. Yêu Em.
    20. Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời.
    21. Mặt Trời Đen.
    22. Còn Nhìn Nhau Hôm Nay.
    23. Dạ Khúc.
    24. Còn Yêu Em Mãi.
    25. Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào.
    26. Vào Hạ.

    Theo chân đạo quân viễn chinh, sự xâm nhập của văn hóa Mỹ càng ngày càng hiện rõ trong những năm cuối của thập niên 1960.
    Thời gian đầu, để thể hiện sự phản đối, giới trẻ miền Nam nhất định không chịu chia tay với nhạc ... Pháp.!!!
    Nhưng cãi số trời còn dễ hơn đứng yên một chỗ mà không lắc lư theo Rock 'n Roll, các bạn cũng có kinh nghiệm rồi đấy.

    Thế là trong những năm cuối của thập niên 60's, vừa để kiếm đô la .. đỏ trong lúc chơi nhạc ở những club Mỹ, vừa để thỏa mãn chiều hướng nghệ thuật .. mới, hàng loạt ban nhạc Việt ra đời lấy, hoặc đổi thành, tên tiếng Anh như: The Enterprise, CBC, The Soul, The Music Makers, The Blue Jets, vv.. và vv.

    Vâng! đô la .. đỏ chứ không phải xanh. Nước Mỹ không dại gì mà trả lương cho lính Mỹ bằng đô la "thật" để giúp đỡ, bằng cách tiêu pha, tại một nuớc nghèo như Việt Nam cả. Đồng đô la đỏ, tên thật là M.P.C. (Military Post Certificate), chỉ có giá trị thương mại tại các P.X. (Post Exchange), trong căn cứ quân sự Mỹ và không có giá trị hối đoái. Và chỉ áp dụng ở Việt Nam.!

    Bom đạn thì xài thả giàn.

    Buồn nhỉ.!

    Trở lại với "nhạc trẻ" Việt Nam. Những "tiền bối" hiện giờ như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Trung Hành, Trung Nghĩa, Elvis Phương, vv và vv.., đều đã bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật từ ... những club của Mỹ. Những ban nhạc này chơi .... lại những ca khúc đương thời của các ban nhạc đang làm mưa làm gió trên thế giới như Cream, Santana, Jefferson Airplane (chưa đổi thành Starship vì chưa phi đủ cần sa !), Black Sabbath, Stepphenwolf, Deep Purple....

    Nhưng các ban nhạc Mỹ này thì đang ở đâu?

    Thưa các bạn, một là đang đi lính, trốn qua Canada hay, bận ... phản đối chiến tranh. Lính Mỹ ở Việt Nam đành thiếu chó thì lấy mèo ăn .. !#@$%^.!

    Rồi tóc ngắn, quần ống túm, áo .. nhốt gió đã nhường chỗ cho tóc dài, quần ống .. voi, áo nhốt .. kiến. Dân Việt ta vốn đã "cao to, da dẻ trắng ngần", nay với quần áo hoa hòe "xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng", thêm vào khăn foulard quấn quanh cổ, headband quấn quanh đầu, Indian beads lòng thòng quanh ngực, giầy mọi không vớ nên mồ hôi từ đầu đến ...mông, giới trẻ lúc đó, trông giống những con rối làm từ thợ vụng.

    Nhưng hình như .. lịch sử lại tái diễn nếu ta nhìn ngoài đường bây giờ thì phải. Chỉ cần thay chữ "US Hippy" bằng "Korean Gangnam".

    Chán nhỉ.!

    Nhưng may thay, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và ... "Elvis" Phương xuất hiện, cứu lấy nền nhạc trẻ Việt Nam đang tuột dốc không phanh từ nhạc Pháp đến nhạc Mỹ.

    Ơ hay, mà có dốc đâu để tuột ?

    Phượng Hoàng, ban nhạc trẻ độc nhất hát nhạc Việt thời bấy giờ, ra đời và đảo lộn mẫu số chung của nhạc trẻ Việt Nam.

    Gây nên một cơn sốt trong giới sinh viên, học sinh Sài Gòn trong những năm trước 75, Phượng Hoàng cho ra đời nhạc Việt, lời Việt, cho giới trẻ Việt. Với những giai điệu phóng khoáng, ca từ trẻ trung, sôi nổi, không than khóc tình xưa, không vay mượn âm giai ngoại quốc (sẽ nói sau về việc này).

    Và Phượng Hoàng cất cánh.

    Rồi đất nước chìm sâu vào vòng chiến chinh thảm khốc, vài năm sau, Phượng Hoàng cũng rã đám theo cơn quốc biến, kẻ ở lại thành phố làm công chức nhà nước, người ra đi trấn thủ lưu đồn.

    Từ đó đến nay thấm thoát đã quá nửa thế kỷ, những tác phẩm của Phượng Hoàng thỉnh thoảng được đưa vào các chương trình đại nhạc hội ở hải ngoại chỉ để khuấy động không khí giữa dòng nhạc yêu đương, rên rỉ, nhão nhoẹt, thảm sầu mà thôi.

    Thành viên chính của Phượng Hoàng là Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, và giọng hát sống động của Elvis Phương. Nhạc Phượng Hoàng có giai điệu, tiết tấu hiện đại của nhạc trẻ Anh, Mỹ nhưng mang đậm ngôn từ rất "Việt".

    Những tác phẩm này đều được sáng tác với bố cục vững vàng và phong phú.

    Đúng ra thì Thanh Mai được mời là ca sĩ chính nhưng cô từ chối vì đang để ý lãnh vực điện ảnh.

    Elvis Phương được mời sau nhưng Phượng Hoàng và giới trẻ đã không bao giờ phải hối tiếc về sự lựa chọn này. Qua tiếng hát của Elvis Phương, những tác phẩm này đã được chuyển đạt thật xuất sắc đến tâm cảm người nghe. Giọng ca của anh thật trầm bổng, không cầu kỳ chải chuốt nhưng rõ ràng một giọng ca "trẻ", đầy sức sống.

    Nói đến các tác phẩm của Phượng Hoàng, trước tiên phải nói đến đến “Phiên Khúc Mùa Đông”.
    Ngay từ câu intro, bài hát đã kích thích thính giác của người nghe bằng 9 nốt nhạc, rải một cách chậm rãi, xa vắng, nghe ra được sự ngọt ngào của Gibson electric guitar và Fender Quad-Reverb amp, không lẫn đi đâu được.

    Phượng Hoàng dùng 9 nốt nhạc đầu tiên một cách sáng tạo và tài tình, trải đều qua hợp âm G, F, C và đổi sang Dm thật nhịp nhàng.

    Bác Phạm Duy hồi đó chắc đã có lần ngồi rung đùi sung sướng vì có .. hậu duệ âm nhạc, viết tình ca với một thể loại mới, đỡ buồn cảnh hổ phụ sinh .. khuyển tử.!

    Phạm Đình Chương, khi sáng tác "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", thì cũng chỉ chuyển hợp âm, trong một trường canh, nhiều đến thế.

    Câu solo tiếp tục 3 lần, êm dịu, làm nguồn cảm hứng cho tiếng hát Elvis Phương cất lên, giải tỏa tâm trạng ray rứt băn khoăn lúc đầu.

    "Nước mắt ấy đã lau khô rồi,
    Đôi môi ấy đã quen tiếng cười,
    Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
    Nguời tình cũ đã xa ta rồi"


    Nhẹ nhàng, buông thả, không gặm nhấm nỗi buồn, không oán hận cố nhân.
    Tuồi trẻ phải thế mới được chứ?.
    Tiếp theo, trống Pearl căng cứng, dằn mạnh nhưng cymbal thì lại vẳng lên từ một cõi xa, dẫn đầu cho điệp khúc.

    "..trong quan tài buồn, hồn nghe như trống vắng,
    tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân.....”


    Diễn tả âm nhạc bằng ngôn từ thì hơi bị khó đấy, các bạn phải nghe thì mới hiểu được.
    Đến đây thì chữ ký trong âm nhạc Phượng Hoàng bắt đầu hiện rõ. Chữ nào ra chữ ấy, nốt nào ra nốt ấy.
    Chỉ cần vài sáng tạo, dòng nhạc tình ca cũ kỹ, cứng ngắc đúng sách vở, đã được khoác thêm một chiếc áo mới.

    Tuyệt nhỉ.!

    Không dừng ở chủ đề tình yêu, “Hãy nhìn xuống chân" của Phượng Hoàng lại làm thính giả suy nghĩ về những quan niệm đơn giản về triết lý xã hội và cách làm người.
    Xếp xó "Đắc Nhân Tâm" của Carnegie.!
    Khổng Tử đi chỗ khác chơi giùm.!
    Chỉ cần thấm được vài câu của Phượng Hoàng thì cũng đã đủ .. khổ một đời rồi.

    “Hãy nhìn xuống chân, biết bao nhiêu người khốn cùng, sống đời tối tăm như loài giun...
    Hãy nhìn xuống chân để thấy bao người ngã gục, chết để chúng ta thêm lợi danh.
    Hãy nhìn xuống chân, dế giun cười con người, miếng mồi đỉnh chung mãi dành nhau"


    Rồi âm điệu trầm buồn của Em với tiếng guitar bass vuốt lên, xoáy mạnh vào những lời kêu gọi tha thiết nhẹ nhàng về sự nhận diện ở chính tâm hồn người nghe:

    " Hãy nhìn xuống chân, những gông xiềng từ muôn kiếp,
    Hãy nhìn xuống chân, thấy ước mơ đang chết dần"


    Hay trong "Lời Người Điên":

    " Em hãy yêu người không yêu em....
    ... Em hãy cho một người không quen, một phút hay một ngày nhớ tên...."


    Bây giờ, nếu hai nhạc sĩ này mà còn sống và viết lên những câu này thì khối kẻ sẽ rủa thầm là .....
    Điên nhỉ.!

    Sao tuổi trẻ và cuộc đời với cái nhìn của Phượng Hoàng lại cao thượng đáng yêu đến thế.
    Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng ca từ vẫn chỉ mang niềm hy vọng.

    Buồn nhỉ.!

    Hai bản không thể thiếu được khi đề cập tới Phượng Hoàng, được trình bày qua hình thức liên khúc: "Tôi Muốn" và "Yêu Người Và Yêu Đời".

    " Bạn thân ơi, hãy gắng yêu thương đời dù đời không yêu ta ...
    .. dù đời chỉ yêu gian dối, dù đời cay đắng như vôi".


    Không thể can đảm hơn thế. Không thể bi tráng hơn thế.

    Phượng Hoàng lại tiến xa bước nữa khi đưa Swing, rất khó khi đưa vào nhạc Việt, khó nhưng vẫn không cản nổi sự khai phá mãnh liệt của Phượng Hoàng.
    Trong dòng nhạc tiền chiến, "Ghen" của Trọng Khương là một ngoại lệ thích thú.

    Phượng Hoàng đem Swing vào nhạc trẻ Việt Nam một cách thú vị, qua 2 tác phẩm “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời” và “Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ”.

    "Đừng vùi tương lai dưới xa hoa, đừng vùi tin yêu trong e ngại...
    Đừng nhìn tương lai với nỗi lo sợ, đừng nhìn tha nhân với nỗi nghi ngờ...
    Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên, ca ngợi quê hương của chúng ta.
    Hỡi những người còn tuổi trẻ".


    "Tha nhân" thì được chứ "ngoại nhân" thì phải để ý đấy.!
    Hơn nửa thế kỷ đã qua, bao nhiêu bài học bi hài đã được hay ... bị học, nhưng ......,
    Lo nhỉ.!

    Và dĩ nhiên, ballad cũng không thể thoát khỏi .. móng vuốt của Phượng Hoàng. “Thương Nhau Ngày Mưa” và “Yêu Em” là thí dụ điển hình.

    “Như mưa ngày nào thấm ướt vai em như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm”.

    Tuy là điệp khúc, nhưng Phượng Hoàng đưa ngay vào phần nhập đề của bài hát và sau này, vô số các ca sĩ đã rập khuôn cung cách này. Dm A đã thay phiên nhau đóng vai trò chủ yếu trong phần phiên khúc và điệp khúc, tạo thêm nét trữ tình cho bài hát.

    “Yêu Em” thì lại mang một sáng tạo mới. Bắt đầu bằng acoustic guitar, không ca từ trong phần điệp khúc nhưng thay vào đó là tiếng electric guitar êm dịu, tiếng trống bập bùng cùng Hohner bass ngọt lịm qua King's amp.
    D là chủ âm, nhưng tác phẩm này lại dầy đặc những nốt nhạc gợi cảm, tao nhã với tiết tấu đều đặn của Slow Rock.
    Gợi cảm? Đúng vậy, Các bạn nghe " Yêu Em" thì sẽ hiểu.
    Lời nhạc thì lại táo bạo:

    “Yêu em vì ta ghét buồn, yêu em vì ta chán đời, yêu em vì ta không màng lời khen chê thế gian.
    ...Yêu em vì ta khinh khi dối gian.
    ..... ta không thèm mái tóc huyền, ta không cần đôi mắt đẹp”


    Bây giờ, ai "không thèm mái tóc huyền, không cần đôi mắt đẹp"?
    Có chăng, đơn giản chỉ vì không đủ tiền tài, chức tước để .. thèm.
    Nhớ thủa trước, đại công tử đẹp giai, con nhà giầu, học gỉỏi, đàn hay ,cỡ Đoàn Chuẩn mà còn phải gạt nước mắt mà ... gửi người em gái xuôi Nam.
    Thời này thì .....,

    Đau nhỉ.!

    Nhiều người không hiểu rõ sự khác biệt nên cho rằng Phượng Hoàng "có công trong việc Việt hóa nhạc rock của Âu Mỹ" hay "chơi nhạc rock tiếng Việt êm dịu". Thật không có gì sai lầm hơn.
    Cũng là bánh trung thu nhưng bánh nướng là của Tầu và bánh dẻo là của riêng Việt Nam.
    Cũng 7 nốt từ C đến B nhưng nhạc Phượng Hoàng là nhạc Việt Nam và rock là ... rock. Chấm hết.!

    Ngày nào chúng ta còn phải dựa dẫm vào những gì của ngoại quốc để biện minh cho những gì riêng của ta, ngày đó chúng ta vẫn còn phải cúi đầu mà đi.
    Mất mát của người Tầu là chỉ biết đến bánh nướng và thiệt thòi của lớp trẻ phương Tây là chưa biết đến Phượng Hoàng,!

    Tuy thuần Việt, nhưng kỹ thuật sáng tác của Phượng Hoàng lại bài bản, quy ước chuyên nghiệp quốc tế. Hòa âm được biên soạn kỹ lưỡng, đầy đủ và chặt chẽ từ intro, điệp khúc cho đến đoạn kết. Bởi thế, khi trình tấu các tác phẩm của Phượng Hoàng, hay nhạc của các ban nhạc nổi danh của ngoại quốc, các ban nhạc khác bắt buộc phải tuân theo bố cục này, không thể nào tùy tiện thay đổi, nhất là phần intro và điệp khúc.
    Có ai dám chơi khác Eagles khi trình tấu "Hotel California" hay Santana's "Black Magic Woman" không.?
    Hoà âm của Phượng Hoàng cũng vậy. Kinh điển!

    Hơn thế nữa, nhạc Phượng Hoàng không thể trình diễn theo đúng nghĩa của nó trong vũ trường hay phòng trà được. Trình diễn trước một số đông hạn chế hay với lứa tuổi đã mang những "trái tim sỏi đá" cũng không xong. Nhạc Phượng Hoàng phải được trình tấu trước một đám đông cả ngàn người, cả vài mươi ngàn người trẻ, những người còn mang những con tim đầy nhiệt huyết, tin yêu và tha thứ vì "ngày ....nay, ta cũng cần có nhau".!
    Và Phượng Hoàng đã có lần trình diễn nhạc của mình trước 70,000 bạn trẻ.

    Hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, 2 con Phượng Hoàng đầu đàn Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang đã gẫy cánh, vĩnh viễn ra đi mang theo nhiều sự tiếc nuối của giới yêu nhạc trẻ một thời.
    Một câu hỏi khó có câu trả lời: bao giờ chúng ta lại có được một ban nhạc như Phượng Hoàng.?
    Và một câu hỏi cũng không kém băn khoăn: bao giờ chúng ta lại có những ca từ cho giới trẻ, vì giới trẻ và từ giới trẻ như nhạc Phượng Hoàng.?
    Khó nhỉ.!

    Còn một điều cần phải nói đến để "nhắc nhở" các ca sĩ bây giờ, khi hát "Còn Yêu Em Mãi".
    Giữa chốn rừng sâu hiu quạnh, trong trại cải tạo từ sau 1975, Nguyễn Trung Cang vẫn còn ‘biên đầy trang thư’ gởi về cho vợ những tình cảm ấm nồng của thuở nào. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng nên giấc mơ tương phùng của Nguyễn Trung Cang mãi mãi không thành. Ông ra đi mà chưa có giây phút "tương phùng" để được nghe vợ "khóc cho niềm vui vì hạnh phúc".!

    "Yêu em như thưở nào
    Tình yêu còn biên đầy trang giấy
    Yêu em như thưở nào
    Tình yêu còn đong đầy trang sách
    ... Dù có cách xa mỏi mòn
    Mà những dấu yêu mãi còn
    Sưởi ấm xác thân héo gầy
    ....Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng,
    em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc....
    Riêng ta nơi núi rừng
    Về đêm càng nghe hồn băng giá
    Câu ca hay khúc nhạc
    Càng thêm sầu cho tình tan nát
    Dù biết cách xa với đời
    Dù biết thủy chung chẳng rời
    Mà vẫn xót xa tháng ngày
    Chờ ta chi nữa em ơi
    Còn đâu giây phút tuyệt vời."


    Thương nhỉ.!

    Nhiều nữ ca sĩ không hiểu, hay không muốn hiểu ca từ có ý nghĩa gì hay sự ra đời của bản này trong hoàn cảnh nào nên tự tiện hoán chuyển "anh" với "em" cho hợp giới tính của "mình".
    Các cô cứ việc vào trại cải tạo giữa rừng mà ở với ... khỉ, mặc tình mà õng ẹo "yêu anh như thuở nào" nhá.!
    Lại còn đa số nam ca sĩ, khi trình diễn bản này, lại chọn điệu bò-leo-rào, người đong đưa, mắt nhắm tít, tay khư khư ôm chặt micro.
    Các bác đang tán gái đấy hở.!

    Về Nguyễn Trung Cang, năm sinh và năm mất của ông, chưa có một nguồn tham khảo nào đáng tin cậy. Theo những gì được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, sống chưa đầy 40 năm! Cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại.
    Theo những gì được thuật lại thì sau khi được trả tự do từ trại cải tạo quân nhân chế độ cũ, giam giữ tiếp trong ... trại cai nghiện, ông đã chết trong cùng cực và bệnh tật như mẹ ông nghẹn ngào tâm sự. Trong trại cải tạo mà cũng nghiện ma túy được.?
    Lạ nhỉ.!

    Khác với Nguyễn Trung Cang với cái chết dần mòn trong nghèo khó và bệnh hoạn, Lê Hựu Hà đột ngột qua đời ngày 11/5/2003 tại Sài Gòn.
    Sinh tại Sài Gòn, năm 1946. Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ 1965 với ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ ở trường Taberd. Đến đầu thập niên 1970 Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và Elvis Phương thành lập ban nhạc Phượng Hoàng.

    Sau khi Phượng Hoàng tan rã, anh thành lập ban Mây Trắng và sau năm 1975, ban Hy Vọng.
    Phiêu Bồng là ban nhạc cuối cùng của anh.

    Cho đến lúc mất, Lê Hụu Hựu Hà vẫn im lặng và chấp nhận số phận âm nhạc của mình vì những rào cản, khó khăn về "nhân thân", "tư tưởng thể hiện ca khúc". Vẫn không có một album nào của anh được phép thực hiện, ngoài bản cassette duy nhất mang tên Đồng Xanh do chính anh và Bảo Thu làm.

    Tiếc nhỉ.!

    Còn Elvis Phương ?
    Tuy không có được kiến thức âm nhạc trường lớp, học hát bằng cách nghe đĩa nhạc, và còn từ chối lời khuyên của thân phụ khi được học bổng đi Pháp du học. Năm 1962, lúc 17 tuổi, anh bắt đầu "sự nghiệp" ca hát của mình tại một trường trung học Pháp ở Sài Gòn.
    Tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 và lấy tên nghệ nhân là Elvis Phương theo tên thần tượng Elvis Presley.
    Một vợ, Phan Lệ Hoa, và một đam mê duy nhất trong đời là âm nhạc, Elvis Phương vẫn tiếp tục ca hát cho đến bây giờ.
    Đã quá .... bẩy bó nhưng anh vẫn là ca sĩ làm nóng bỏng sân khấu, nhất là khi không khí đã bắt đầu tẻ nhạt với những bản tình ca thê lương, thảm sầu.
    Kudo, Elvis Phương và Long Live The King.!
    Giỏi nhỉ.!

    Bây giờ, mời các bạn thử đem mình về thời gian của hơn nửa thế kỷ trước, chiêm nghiệm dòng nhạc trẻ... chết trẻ, của Việt Nam một thời.

    Chú Thích:
    1. Như thường lệ, cám ơn Hoài Nam của SBS Radio, Australia về những lời bình luận dùng trong phiên bản này.
    2. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/P6FC7OLM26FA

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-...ng-le-huu-ha-elvis-phuong-va-ban-nha.1116201/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  10. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: 70 năm trong tình ca Việt Nam - Từ Công Phụng

    Đây là món quà cho những ai yêu thích chương trình " 70 năm tình ca trong tân nhạcViệt Nam" nhưng cảm thấy chưa thỏa mãn vể thời gian và nội dung.
    Phần này riêng nói về Từ Công Phụng, một nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn những năm xưa.

    Tracks list:

    01 Nhu Chiec Que Diem ...................Y Lan
    02 Tinh Tu Mua Xuan .......................Tuan Ngoc
    03 Giot Le Cho Ngan Sau ................ Mai Huong
    04 Tren Thang Ngay Da Qua........... Tu Cong Phung
    05 Bay Gio Thang May .................... Si Phu
    06 Nhu Ngon Buon Roi .................... Tuan Ngoc
    07 Bay Gio Thang May 2 ................. Tu Cong Phung
    08 Loi Cua Thanh Pho ..................... Tu Cong Phung
    09 Bai Cho Em ................................. Tu Cong Phung
    10 Mua Thu May Ngan ..................... Tuan Ngoc&Thai Hien
    11 Ngoi Ben Nhau ............................ Tu Cong Phung
    12 Mua Tren Ngay Thang Do ........... Thanh Ha
    13 Tu Khuc ..................................... Tu Cong Phung
    14 Kiep Da Trang ............................. Duy Quang
    15 Mua Xuan Tren Dinh Binh Yen ...... Tuan Ngoc
    16 May Hong ................................... Tu Cong Phung
    17 Am Tham Mua ............................. Mai Huong
    19 Doi Bong Phu Du ........................ Tu Cong Phung
    20 Loi Cuoi ...................................... Khanh Ha
    21 Tren Ngon Tinh Sau ................... Le Dung
    22 Nguoi Ve Tren May .................... Tu Cong Phung
    23 Mat Le Cho Nguoi ...................... Tuan Ngoc
    24 Xu Tham Tram ........................... Tu Cong Phung
    25 On Em ........................................ Tuan Ngoc
    26 Tren Ngon Tinh Sau ....................Tran Thai Hoa
    27 Tren Ngon Tinh Sau.....................Tu Cong Phung

    Chương trình này do Hoài Nam, SBS Radio Úc Châu biên soạn và phát thanh.

    Được biết là nội dung phần lớn dựa trên tuyển tập " Bông Hồng Tạ Ơn " của Nguyễn Đình Toàn, một văn sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ kỳ cựu của Sài Gòn những năm xưa, cùng với tư liệu riêng của Hoài Nam và những buổi phỏng vấn của SBS Radio.

    “Bông Hồng Tạ Ơn” của Nguyễn Ðình Toàn bao gồm các bài viết về 111 nhạc sĩ, 109 tác giả văn và thơ, 10 ca sĩ và 7 nghệ sĩ, tổng cộng 237 người. Tuyển tập gồm hai cuốn, tổng cộng hơn 1,300 trang, không kể bìa, nói về 237 tác giả, những người làm văn học, nghệ thuật. Sao vậy? Vì nói về quê hương, xét cho kỹ, không phải là nói về đất đai, cảnh trí, mà là con người. Chính con người làm nên quê hương, tình quê hương,” , một nhà phê bình đã nói.

    Ông Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Ðây không phải là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật. Mục đích của người viết nhằm chia sẻ chút hiểu biết, những gì còn nhớ về tác phẩm, tác giả mình yêu thích, với những người có cùng cảm nghĩ, như một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm ra được cho đất nước, nhờ đó, mọi người đã được thừa hưởng.”

    “Phần khác, để các bạn trẻ sinh trưởng ở trong, ngoài nước, không biết nhiều về Việt Nam, một lúc nào đó, muốn quay về tìm hiểu các tác giả trong nước, có thêm một chút dấu vết, tài liệu...” Tác giả kết luận.

    Về Từ Công Phụng, một trong những người sống để làm nghệ thuật chứ không làm nghệ thuật để sống.

    Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, là nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng giai đoạn 1950 - 1975 tại miền Nam. Ông có thể hình to lớn, nhưng phong thái lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, dễ gây thiện cảm với mọi người.Là người dân tộc Chăm, được chính quyền Sài Gòn ưu đãi theo chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Vì thế, chưa tốt nghiệp tú tài, Từ Công Phụng đã được ưu tiên vào học trường đại học quốc gia Hành chính. Tuy nhiên, chỉ học được hơn một năm thì ông bỏ học, đi làm biên tập viên cho một đài phát thanh. Không như nhiều bài báo trong và ngoài nước cho rằng Từ Công Phụng đã tốt nghiệp cử nhân Luật tại Sài Gòn.

    Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tâm hồn nhạy cảm, Từ Công Phụng tự học để trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sáng tác. Năm 1960, ông ra mắt ca khúc đầu tay Bây giờ tháng mấy khi vừa tròn 18 tuổi và ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Có thời gian Từ Công Phụng sống tại Đà Lạt và cùng Lê Uyên Phương thành lập nhóm nhạc Ngàn Thông, biểu diễn hàng tuần trên đài phát thanh Đà Lạt. Không dữ dội như Lê Uyên Phương, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng. Ông còn có khả năng phổ nhạc cho thơ, đặc biệt là thơ của Du Tử Lê. Tiêu biểu như những bài Trên Ngọn tình sầu, Ơn em…

    Vài lời nói về phiên bản " Từ Công Phụng" này:

    1.- Vì là nhạc sĩ kiêm ca sĩ và kiêm luôn cả phần soạn hòa âm nên có nhiều bản phải nghe chính tác giả trình bày mới cảm nhận được những gì tác giả muốn truyền đạt đến người thưởng thức.
    2. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/QAWHD5CZQGPW

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-a-70-nam-trong-tinh-ca-viet-nam-tu-cong-phung-wav.1087760/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
  11. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    teafortwo52: Với chủ đề: Sự khác biệt khi đánh giá "tác giả" và "tác phẩm", giới thiệu đển các bạn: "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Trúc Hồ."

    Tracks List:

    01. Một Lần Nữa Thôi Lâm Nhật Tiến
    02. Dòng Sông Kỷ Niệm Lâm Thúy Vân
    03. Bên Kia Bờ Đại Dương Lâm Nhật Tiến
    04. Giữa Hai Mùa Mưa Nắng Lâm Nhật Tiến
    05. Một Cõi Vô Vọng Nguyễn Hồng Nhung & Nguyên Khang
    06. Một Nửa Đời Em Ý Lan
    07. Mãi Yêu Người Thôi Lâm Nhật Tiến
    08. Trái Tim Mùa Đông Thùy Dương
    09. Trong Cuộc Tình Ân Hận Bảo Yến
    10. Lời Dối Gian Chân Thành Lâm Nhật Tiến
    11. Làm Thơ Tình Em Đọc Lâm Nhật Tiến
    12. Điệp Khúc Buồn Ý Lan
    13. Mưa Tình Cuối Đông Thiên Kim
    14. Cơn Mưa Hạ Don Hồ
    15. Chỉ Là Phù Du Thôi Lâm Nhật Tiến
    16. Cho Đến Cuối Cuộc Đời Quốc Khanh & Hồ Hoàng Yến

    Trúc Hồ là một kỳ tài.!
    Anh có nhiều tài về âm nhạc lẫn kinh doanh nhưng về những việc khác, anh hành xử hơi ... kỳ?

    Qua chuyến bay suốt đêm đen, một buổi sáng đẹp trời anh xuất hiện trước cổng tòa Bạch Ốc, đòi hỏi Tổng Thống nước Mỹ phải can thiệp vào việc "Việt Khang". Dĩ nhiên ông trời Obama còn khối chuyện để lo nên hơi đâu mà tiếp một anh Mít đặc đang la lối trước cổng. Thế là sau một cuộc tiếp chuyện, của một nhân viên cấp .. dế ốc tiêu, cho đúng thủ tục dân chủ đối với một "dân chửi", một mật vụ nhỏ nhẹ vỗ vai anh và nhắn là đừng đứng đây nữa, mất công mà kẻo còn mất luôn cái ... chỗ để ngồi.
    Thế là tân Đông Phương Cầu Bại lại lếch thếch leo tàu bay về lại California.
    Đêm hôm đó, anh lại leo lên Radio SBTN, hô hào gọi người Việt "không nên" lật đổ chính quyền Việt Nam. Lần này thì anh lại tưởng mình là tân Tạ Tốn, vận thần công sư tử hống, hô lên một tiếng thì chính quyền nước người ta... đổ.
    Mấy hôm sau, chàng lại chọc vào ổ kiến lửa "Ngô Kỷ" bằng cách trả lời một cuộc phỏng vấn về những cuộc biểu tình tại Bolsa, California rằng:

    “Ba mươi mấy năm qua chúng ta đã thấy gì? Chúng ta không thấy gì hết! Chúng ta chỉ thấy chúng ta biểu tình và chúng ta đi về”.

    Cổ nhân đã nói rằng "Đánh đ.. chín phương còn phải để lại một phương mà lấy chồng".
    Trúc Hồ nhà ta tìm luôn phương thứ 11 mà đánh!
    Ơ hay, chuyện chính trị thì liên quan gì đến anh mà đấu tranh kiểu này .. tránh đâu thất bại.

    Thật không hổ cái biệt danh mà người thích lẫn kẻ ghét ở cả hai bờ Đông Tây nước Mỹ, hai bờ Tây Đông Thái Bình Dương và vô số các trung tâm video và băng nhạc kiểu "trâu buộc ghét trâu ăn" gán cho anh.
    ..... Người ta gọi anh là Trúc Hồ.. đồ.
    Đúng là oan .. Thị Mầu.!

    Tên thật là Trương Anh Hùng, sinh năm 1964 tại Saigon. Thân phụ anh, nhạc sĩ Trúc Giang, là một nhạc sĩ, phục vụ trong ban quân nhạc nên nhà chả bao giờ vắng tiếng trống kèn. Bốn tuổi đã biết chơi trống; sáu tuổi đã đánh keyboard, guitar và sinh nhật thứ bảy đã được bố mua cho chiếc organ.
    Một ngày nọ, cậu cả nhà ta lại được cha dẫn vào tiến cử với ông trưởng ban quân nhạc để xin thụ giáo piano. Thấy thằng bé có vẻ thông minh, ông nhận lời và, sau đó anh còn thêm cơ hội để học nhạc với rất nhiều bạn hữu của cha và bắt đầu biết chơi nhạc cổ điển.
    Từ mười tuổi,Trúc Hồ đã mải mê chơi nhạc, từ phong cầm, đổi ý sang violin, bỏ sang guitar, piano, organ, bỏ bê chuyện học hành.

    Vượt biên bằng đường bộ, một mình băng ngang đất Miên, tới Thái Lan và định cư tại Nam California, Hoa Kỳ, năm 1981.
    Thời gian đầu, Trúc Hồ học piano và sáng tác tại đại học Goldenwest và Long Beach. Nhạc phẩm đầu tay của là bài hát “Dòng Sông Kỷ Niệm” sáng tác năm 1981, viết cho người yêu đầu đời, một cô bạn học từ năm lên tám tuổi. Lúc ấy anh 16 tuổi.

    Năm sau, ghi danh chuyên khoa.... toán, nhưng mới học xong một lục cá nguyệt, Hồ, nhất định không chịu nhận cái biệt danh "hồ đồ", tiếp tục "lập trường vững chắc" là ... bỏ học rồi đi học lại piano, mỗi tuần ... một tiếng đồng hồ. Để có tiền trả học phí, Hồ đi chùi bàn bida, đi bỏ quảng cáo và cả những nghề linh tinh khác.

    Sau 3 năm rưỡi học hành một cách ... bỏ bê, anh lại giữ vững "lạp xường" ... bỏ học. Hồ đàn cho Trung Nghĩa, thu băng cho Anh Bằng, hoà âm cho Anh Tài...
    Trung tâm băng nhạc nào có thu băng là Hồ xách đờn tới.
    Trong thế giới âm nhạc Nam California thời khai sinh ấy, tuần chay nào cũng có nước mắt Trúc Hồ.!

    Để dành được một số tiền và vay mượn bạn bè, Hồ chung vốn với hai cha con Anh Bằng tạo nên trung tâm Asia.

    Thành công!

    Asia đã đào tạo nên những ca sĩ tên tuổi như Như Quỳnh, Mạnh Đình, Lâm Thúy Vân, Lâm Nhật Tiến, Trish Thùy Trang, Thiên Kim.... Còn Hồ thì vẫn bá nghệ: hoà âm, sáng tác, xử dụng nhạc khí, vv và vv...
    Làm giám đốc trung tâm Asia nhưng thiếu người thì anh cũng phụ khiêng thùng, thiếu nhạc công thì anh vào thay chỗ. Cả trung tâm khi khách khứa đang nâng ly mừng sinh nhật đầu tiên của SBTN thì anh leo lên lầu lo ...máy phát sóng.!!
    May mắn là chỉ .........một vợ và, trớ trêu thay, một giáo sư .. toán, kiêm M.C., kiêm hoạt động từ thiện, kiêm kỹ sư computer, kiêm cánh tay phải cho chàng và kiêm luôn người vợ có bàn tay sắt bọc nhung.! Dân Công giáo gốc nhưng lại có tên rất "ni cô" là .. Diệu Quyên.!
    Cô này chắc là phải cao tay ấn, cô ta được Hạ viện tiểu bang California vinh danh và trao giải thưởng "Phụ Nữ Xuất Sắc Nhất Năm 2009".

    Bỏ học nhiều lần, chữ nghĩa thánh hiền không quen đọc nên không thuộc được câu "bá nghệ, bá tri vị chi .... bá láp" nên sau đó, Trúc Hồ và vợ chồng con gái Anh Bằng thừa thắng xông lên, chuyển bại thành .... xụi.
    Hùn tiền làm phim, cuốn “Cơn Mưa Hạ”. nhưng cuối cùng lỗ vốn, hết sạch tiền và lại bắt đầu từ số không, xây dựng sự thành công của trung tâm Asia với tôn chỉ:

    "Căn bản là cơ sở và nhân sự, giảm chi tối đa."

    Nhạc tình của Trúc Hồ được mọi người hoan nghênh, đặc biệt là giới trẻ vì anh:

    "Viết lời Việt giản dị theo .. lối Mỹ"

    "Em đi về áo mỏng
    Quyện mùa xuân theo sau
    Hồn tôi chim én mỏng
    Âm thầm bay theo em

    Làm thơ tình em giữ
    Cô học trò trường tôi
    Yêu em không hề chán
    Tiếc tôi có một đời'
    Làm thơ tình em chuộng
    Như màu đời áo em
    Chỉ một điều tôi muốn
    Em hiểu một điều thôi
    Hỡi người môi tím đỏ
    Như tình tôi biết không?
    Hỡi người môi tím đỏ
    Như tình tôi biết không?"


    Nhưng,
    Xét cho kỹ ta sẽ thấy anh hành động có suy nghĩ, chủ trương đấy. Những "hoạt động chính trị" của anh thật ra không đao to búa lớn cho lắm, Anh làm cho có lệ, tạo scandal để lôi kéo khán thính giả cho trung tâm truyền thông của anh trong lúc bị cạnh tranh bởi vô số các đài truyền thanh, truyền hình đang mọc như nấm gặp mưa ở California.
    Doanh thu của Asia cũng đang bị đe dọa bởi Thúy Nga Paris, Vân Sơn, vv và vv.

    Anh hành động nửa vời, anh phát biểu hai hàng và khi bị dồn đến chân tường, anh hát bài "tình lờ".
    Anh hồ đồ rất .... hiệu quả.
    Xì -căng-đan để giữ lớp người lớn tuổi cho trung tâm SBTN, lớp người đã "lão hóa", không ... ngửi được loại nhạc mới.
    Âm nhạc để phục vụ cho giới trẻ, lớp người sinh sau, đẻ muộn, chẳng cần thắc mắc gì đến .. quốc hay cộng.
    Lưỡng cử, lưỡng tiện.
    Anh "huề" vài "trận chiến" nhưng thắng lớn "cuộc chiến".!
    Đỉnh cao của nghệ thuật PR đấy.!

    Bắt đầu từ hai bài tay trắng, không kiến thức trường lớp, không hậu thuẫn, không kinh nghiệm kinh doanh mà tạo dựng được Asia và đài truyền hình, truyền thanh SBTN lớn nhất của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thì không phải chuyện đùa.
    Ai gọi anh là Trúc ... hồ đồ cứ việc gọi, tôi thì ngả mũ chào thua.

    Nhưng mà ta đang bàn về tình ca nên chuyện chính chị, chính em của cái anh .. hồ đồ, một cách rất có chính sách, này chẳng ăn nhậu gì tới những gi chúng ta sắp thưởng thức cả.
    Chúng ta phải biết phân biệt "tác giả" và "tác phẩm".
    Về phương diện này, Trúc Hồ là thí dụ điển hình nhưng còn lâu mới theo kịp ... Phạm Duy.!
    Biết tí cho vui thôi và cũng để bớt thiên kiến về nhạc của Trúc Hồ.

    Mời các bạn.

    1.- Như thường lệ, chân thành cám ơn SBS Radio và Hoài Nam về lời bình luận.
    2. Link download:

    https://www.fshare.vn/folder/B5K5PW5QYBET

    Link bài viết gốc:
    http://www.hdvietnam.com/threads/v-a-70-nam-tinh-ca-trong-tan-nhac-viet-nam-truc-ho-wav.1110892/
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/17
    LAN1956, ph291, Chu Duc Hai and 7 others like this.
  12. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Em không có khiếu viết, và cũng không có nhiều kiến thức để viết về âm nhạc. Nhưng em lại có mong muốn là sẽ từ những file mp3 của bác langthangvn33 đã chia sẽ, em convert lại thành wav, cố gắng giữ những bài hát gốc của file và chỉ thay thế những bài hát thật sự có chất lượng âm thanh kém quá thôi.

    Hiện tại em đã thử làm phần đầu tiên, đó là phần Lời giới thiệu của chủ đề "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam". Chủ để này có khoãng trên 90 phần nhỏ, mỗi phần cơ bản là sẽ giới thiệu về một ca sĩ, nhóm nhạc hay 1 giai đoạn lịch sử trong âm nhạc Việt Nam từ 1930-2000.

    Mong mọi người nghe qua và cho em ý kiến để em khắc phục từ từ nhé, vì trước khi làm việc này, em hầu như chưa biết gì đến các phần mềm cắt nối, convert nhạc cả.

    Link download đây ạ: https://www.fshare.vn/file/NNYN38KUBPEK
     
  13. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Chỉnh sửa cuối: 8/4/17
    hieuhieu_2010, LAN1956, vinny and 2 others like this.
  14. lenhhoxung

    lenhhoxung Active Member

    Tham gia ngày:
    8/1/09
    Bài viết:
    388
    Đã được cảm ơn:
    176
    Thanks bạn.

    Đánh dấu lại đọc từ từ
     
    nguyenlb1977 and phammanhhung65 like this.
  15. langthangvn33

    langthangvn33 Uploader

    Tham gia ngày:
    16/12/08
    Bài viết:
    6,298
    Đã được cảm ơn:
    158,320
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Cắm Rút Audio
    Nơi ở:
    Vũng Sình
    em rất ủng hộ bác cũng như bác teafortwo52 , những gì chúng ta làm cũng vì niềm đam mê âm nhạc
    phần mp3 của em là may mắn do 1 người bạn tại Úc gửi ,chứ không kho tư liệu âm nhạc này đã bị mất rồi ,vì đài Úc Châu họ xóa rồi ...

    em đắn đo mãi sau đó 4 năm em mới up lên diễn đàn ...

    nay có bác và bác teafortwo tuyển chọn được những bài hát có chất lượng hơn ,và tổng kết lại để dễ thưởng thức hơn ... đó là điều rất quý ...

    cảm ơn bác rất nhiều , chúc bác sức khỏe và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng người yêu nhạc.
     
  16. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Em thay link phần 2: Hoàng Quý - Lê Thương, vì âm thanh file này lúc đầu em làm không được đều lắm, đã chỉnh lại cho đều hơn
     
    hieuhieu_2010 and HuanQuy Le like this.
  17. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
    Vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc xử lý âm thanh sao cho hay nhất có thể, vì thế em vẫn chưa hài lòng lắm với chất lượng âm thanh của phần 3-4 này ( Em gom các tác phẩm của Văn Cao lại thành 1).
    Với em thì việc nghe những chia sẽ của bác Hoài Nam là điều quan trọng nhất, vì qua đó giúp chúng ta hiểu thêm về các Nhạc sĩ. Vì thế em giữ nguyên phần đọc của Hoài Nam, chỉ thay hoặc thêm vào những bài hát để làm phong phú hơn cho nội dung. Rất mong mọi người có cùng đam mê như em nghe qua và cho em ý kiến. Tất nhiên, theo như một bác mà em rất tôn trọng và thường xin ý kiến mỗi khi làm việc này thì: Việc đóng góp ý kiến theo quan điểm cá nhân là rất khó, vì mỗi người cảm nhận một kiểu khác nhau.....(em chỉ viết đại khái nội dung cùa bác đó), nhưng em vẫn mong mọi người giúp em có thêm kinh nghiệm để tiếp tục hoàn tất việc này. Trước tiên, đó là giúp em có được một kho nhạc cho riêng mình, theo ý mình, và sau đó có thể chia sẽ cho những người có cùng đam mê. Xin cảm ơn

    Link phần 03-04 Văn Cao: https://www.fshare.vn/file/DW82DDHZBBDM
     
    hieuhieu_2010, LAN1956, ph291 and 5 others like this.
  18. vodafone1919

    vodafone1919 Active Member

    Tham gia ngày:
    22/1/11
    Bài viết:
    140
    Đã được cảm ơn:
    36
    thank bác chủ
    bao giờ down về thôi
     
    nguyenlb1977 cảm ơn bài này.
  19. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam
  20. nguyenlb1977

    nguyenlb1977 Banned

    Tham gia ngày:
    19/12/10
    Bài viết:
    287
    Đã được cảm ơn:
    420
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    nhân viên văn phòng
    Nơi ở:
    việt nam

Chia sẻ trang này