Bài viết nói về xóa logo, không liên quan phụ đề. Nếu mod thấy có box phù hợp thì chuyển qua dùm. Cảm ơn mod. Logo phim truyền hình và phim sạch Khi xem một bộ phim trên truyền hình, lúc nào bạn cũng thấy có logo ở một góc màn hình. Logo này là logo của kênh truyền hình đang trình chiếu bộ phim. Nó xuất hiện từ đầu, che mất một phần hình ảnh của bộ phim và có thể gây mất tập trung, làm cho trải nghiệm xem phim của bạn bị kém đi. Khi một kênh truyền hình mua bản quyền của nhà sản xuất phim, họ sẽ được cấp một bộ phim không có logo để họ có thể đặt logo của mình lên trước khi trình chiếu. Bản phim không logo đó gọi là "Phim sạch". Phim sạch được các đài truyền hình giữ rất kỹ. Đối với những bộ phim cũ, việc tìm được bản phim sạch là rất khó khăn. Chính vì vậy, có những công cụ được phát triển để làm việc loại bỏ logo phim truyền hình. Mục đích cuối cùng cũng là để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người xem phim. Hiện nay có 2 cách thường được sử dụng để loại bỏ logo. Các trang web trên mạng thường gọi quá trình này là "deLogo". Cách thứ nhất là dùng các chương trình xóa logo. Các chương trình này sau khi xóa logo, tạo ra khoảng trống hình ảnh, nó sẽ dùng thuật toán để "vẽ" lại phần hình ảnh bị mất, làm đầy khoảng trống đó. Phần mềm InpaintDeLogo là công cụ thường được sử dụng. Ngoài ra còn có nhiều trang web sử dụng "Trí tuệ nhân tạo" AI để xóa logo. Các công cụ xóa logo này có điểm yếu là cho dù thuật toán mạnh mẽ tới đâu, nó cũng không thể vẽ lại hình ảnh bị mất một cách hoàn hảo. Vì vậy mới có cách làm thứ hai, cũng là cách mà tôi sẽ hướng dẫn bạn trong bài viết này. Dùng một bản phim có logo ở vị trí khác để xóa logo. Các đài truyền hình khác nhau cùng trình chiếu một bộ phim thì logo của họ cũng có vị trí khác nhau. Nếu bạn tìm được hai bản phim có logo không giao nhau thì bạn có thể nghĩ đến chuyện xóa logo. Nhưng vẫn còn một yếu tố nữa cần xét tới. Đó là thông số FPS, số khung hình trong 1 giây. Để kiểm tra thông số FPS, bạn có thể mở phim đó bằng chương trình VLC Media Player. Sau đó vào menu "Tools- Codec Information". Hai bản phim có FPS bằng nhau thì có thể kết hợp để xóa logo vì các khung hình của chúng trùng khớp với nhau khi phát song song. Thường các bản phim trên mạng có thông số FPS là 25. Bước chuẩn bị. 1- Cài đặt phần mềm "Adobe Premiere Pro". Bạn có thể tìm trên Internet. Đây là phần mềm rất phổ biến. 2- Tìm ra 2 bản phim đạt yêu cầu về vị trí logo và FPS. Trong bài viết này tôi dùng hai bản phim "Bắt lấy thiên thần" của kênh One31 Thái Lan có logo như hình bên dưới. Thông số FPS là 25. Một bản phim có logo one31 góc trên bên phải, có độ phân giải 1080p, tôi gọi là "bản đẹp", tôi sẽ xóa logo của bản phim này. Bản phim còn lại có logo góc dưới bên phải, có độ phân giải 720p, tôi gọi là "miếng vá" Chất lượng của bản phim deLogo cuối cùng phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng miếng vá và tay nghề của bạn. Nếu bạn xóa logo của một phim 1080p thì miếng vá 720p là đủ dùng rồi. Các bước thực hiện. Mở chương trình Premiere Pro. Ở màn hình đầu tiên, bạn sẽ được yêu cầu tạo một project. Click vào "New project". Đặt một cái tên ở "Project name" rồi nhấn nút "Create". Màn hình tiếp theo sẽ hiển thị các cửa sổ để làm việc. Những cái bạn cần là: Program: Để hiển thị hình ảnh của video clip đó. Timeline: Khung cửa sổ rộng nhất nằm phía dưới để xử lý các clip video theo thời gian. Project: Chứa các video clip mà bạn sử dụng. Effect Controls: Chỉnh kích thước và vị trí khung hình, tạo mask che logo. History: Dùng để quay lại nếu bạn làm sai một thao tác nào đó. Lumentri Color: Chỉnh màu sắc và ánh sáng của miếng vá cho khớp với bản đẹp. Toolbar: Nằm ở góc dưới bên trái. Chứa các công cụ cần thiết. Ở đây bạn chỉ sử dụng 2 công cụ là "pick tool" dùng để chọn clip xử lý và công cụ "cutter" hình dao lam để cắt clip. Nếu cửa sổ nào chưa hiển thị thì bạn vào menu "Window" để mở nó. Import các clip vào cửa sổ project. Chọn cửa sổ "Project", nhấn phải chuột rồi chọn "Import". Chọn bản đẹp rồi nhấn open để import nó. Kéo bản đẹp từ cửa sổ project vào cửa sổ timeline rồi thả ra. Bạn sẽ có 2 clip trong cửa sổ timeline. 1 video clip phía trên và 1 audio clip phía dưới. Kích thước hình ảnh của bản phim delogo cuối cùng sẽ được định hình ở bước này. Bản đẹp này có khung hình 1920x1080 nên bản phim cuối cùng cũng có kích thước hình ảnh như vậy. Nếu bạn muốn sửa lại kích thước này, có thể vào menu "Sequence- Sequence Settings" để chỉnh sửa lại kích thước khung hình của bản phim cuối cùng. Tiếp tục import míếng vá vào cửa sổ project rồi kéo nó vào timeline. Đặt video clip của miếng vá nằm phía trên bản đẹp. Sau khi xong bước này, project của bạn sẽ như hình bên dưới. Chỉnh sửa kích thước và vị trí khung hình của miếng vá. Miếng vá lúc này có khung hình nhỏ hơn vì chỉ là 720p. Bạn click vào video clip của miếng vá trong cửa sổ timeline. Khi một clip được chọn thì sẽ có một viền màu trắng bao lấy clip đó. Chọn cửa sổ "Effect Controls". Cửa sổ này sẽ hiển thị các thông số của clip được chọn. Bạn đưa trỏ chuột vào thông số "Scale" rồi drag chuột về bên phải để thay đổi thông số này từ "100" thành "150". Lúc này kích thước khung hình của miếng vá sẽ hoàn toàn trùng khớp với bản đẹp. Trường hợp miếng vá của bạn bị cắt mất đầu đuôi khiến cho khung hình không đầy đủ thì cũng không sao. Chỉ cần phần hình ảnh ở vị trí logo bản đẹp còn nguyên vẹn là được. Trường hợp miếng vá có khung hình bị kéo dãn theo chiều ngang hay chiều dọc làm cho hình ảnh bị méo thì bạn uncheck "Uniform scale" rồi chỉnh lại "Scale width" và "Scale heigth" là được. Chỉnh vị trí khung hình bằng cách thay đổi thông số "Anchor Point". Dùng trong trường hợp hình ảnh của miếng vá không trùng tâm với bản đẹp. Xem hình ảnh bên dưới. Khi làm xong bước này bạn có thể vào menu "File-Save" để lưu lại những thay đổi. Chỉnh màu sắc của miếng vá cho khớp với bản đẹp. Ở bước này, bạn kéo clip miếng vá cho nó nằm trên cùng một hàng với bản đẹp, cách nhau một khoảng ngắn. Trong cửa sổ "Lumentri Color", bạn chọn "Color Wheels & Match". Bây giờ click để chọn clip miếng vá, kéo con trỏ timeline vào một vị trí trên miếng vá, nhấn nút "Comparison View" để hiển thị 2 khung hình bản đẹp và miếng và cùng lúc. Bạn kéo con trỏ trên bản đẹp cho khung hình của nó gần giống với hình ảnh đang hiển thị ở miếng vá, sau đó nhấn nút "Apply Match". Lúc này màu sắc của clip được chọn (miếng vá) sẽ được cân chỉnh cho giống với màu sắc của bản đẹp. Giống nhau khoảng 80%. Xem hình bên dưới. Nhấn nút "Comparison View" một lần nữa để trở lại chế độ hiển thị bình thường. Phóng to (Zoom) vào timeline và canh vị trí khung hình đầu tiên. Nắm kéo video clip của miếng vá cho nó nằm bên dưới bản đẹp trong cửa sổ timeline. Trong cửa sổ timeline, nắm một đầu của thanh slide bar theo phương ngang rồi kéo để thu nhỏ nó lại. Khi bạn càng thu nhỏ nó thì bạn càng phóng to (zoom) vào trong timeline tới mức milisecond trên cây thước của timeline. Khi thu nhỏ hết mức slide bar thì mỗi vạch trên timeline sẽ có độ dài 1 khung hình. Lúc này, nếu bạn nhấn vào nút "Step Forward 1 frame (Right)" trên cửa sổ hiển thị hình ảnh, con trỏ timeline sẽ nhảy tới 1 vạch trên thước, 1 khung hình tiếp theo sẽ được play. Nếu bạn nắm con trỏ timeline để kéo, bạn có thể lướt qua từng khung hình một. Bây giờ, bạn hãy tìm khung hình đầu tiên có xuất hiện logo trên bản đẹp rồi dừng con trỏ timeline ở vị trí đó. Bạn dùng công cụ dao lam cắt 1 vạch trên bản đẹp ngay con trỏ timeline để đánh dấu. Công cụ này nằm trên thanh toolbar. Công cụ con mắt (Toogle track output) để tắt mở hình ảnh của một clip. Khi bạn click một cái vào con mắt của clip phía trên (bản đẹp) thì hình ảnh của nó sẽ bị tắt đi. Lúc này, hình ảnh của clip phía dưới (miếng vá) sẽ được hiển thị. Nếu click thêm một lần nữa vào con mắt, clip phía trên sẽ hiện ra còn clip phía dưới sẽ tạm thời bị che mất. Con mắt có thể được bật tắt hàng trăm, hàng ngàn lần khi bạn dò khung hình trên 2 clip. Bây giờ bạn hãy tắt clip bản đẹp rồi xem thử hình ảnh của miếng vá có trùng với hình ảnh của bản đẹp hay chưa. Nếu chưa trùng nhau thì bạn nắm con trỏ timeline rồi dò tìm khung hình trên miếng vá giống với khung hình mà bạn đã đánh dấu trên bản đẹp. Khi tìm thấy, bạn chọn công cụ dao lam rồi click vào vị trí khung hình đó trên miếng vá để cắt ngay vị trí đó. Lúc này miếng vá được chia làm 2 phần. Bạn chuyển qua công cụ picktool, click chọn phần bên trái của miếng vá rồi nhấn delete để xóa nó đi. Bây giờ bạn kéo toàn bộ phần còn lại của miếng vá để chỗ cắt trên miếng vá nằm ngang với chỗ đã dánh dấu trên bản đẹp. Khi kết thúc việc dò tìm thì con trỏ timeline sẽ chỉ ngay khung hình có logo đầu tiên của bản đẹp , và cũng chỉ ngay chính xác khung hình đó trên miếng vá. Nếu các bước chỉnh màu sắc, kích thước khung hình, vị trí khung hình và tìm đúng khung hình trên miếng và diễn ra hoàn hảo, thì lúc này, khi bạn bật tắt con mắt của bản đẹp, bạn sẽ không thấy sự thay đổi hình ảnh trên cửa sổ program. Hình ảnh 2 clip trên dưới là giống nhau. Nếu bạn mới dò khung hình lần đầu thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Khi quen rồi thì mất khoảng 5 phút thôi. Sau khi tìm được khung hình đầu tiên này, bạn có thể di chuyển con trỏ timeline về bên phải vài khung hình rồi bật tắt con mắt để kiểm tra xem hình ảnh trên dưới còn khớp nhau không. Nếu các khung hình đều giống nhau thì chuyển qua bước tiếp theo. Dùng mask (mặt nạ) để che logo của bản đẹp. Mask (mặt nạ) là một vùng hình ảnh đặt biệt. Nếu bạn ép mask lên 1 đoạn clip thì hình ảnh trên clip đó sẽ bị "thủng" một lỗ ngay vị trí mask để hiển thị hình ảnh của clip bên dưới ngay cùng vị trí. Nếu bạn xóa mask đi thì lỗ thủng đó cũng biến mất. Bây giờ bạn hãy click vào clip bản đẹp trên timeline để chọn nó. Chuyển đến cửa sổ "Effect Controls" và click vào biểu tượng hình chữ nhật "Create 4 point polygon mask" trong mục "Opacity" để tạo mask. Lúc này trên khung hình của bản đẹp sẽ xuất hiện 1 cái mask. Bạn cần kéo nó đến vị trí logo góc trên bên phải rồi chỉnh lại kích thước mask cho nó vừa đủ bao trọn lấy logo mà bạn muốn che đi. Tiếp theo, bạn click vào "Inverted" trên cửa sổ "Effect Controls". Lúc này, bản đẹp sẽ bị thủng một lỗ ngay vị trí mask, và hình ảnh của miếng vá bên dưới sẽ hiện ngay vị trí đó. Chỉnh lại thông số "Mask Feather": đây là thông số làm mờ pixel vùng ảnh xung quanh mask. Trong cửa sổ "Effect Controls", chỉnh thông số này thành "0". Vùng ảnh xung quanh mask sẽ hoàn toàn sắc nét. Bây giờ bạn click chọn miếng vá trong cửa sổ timeline. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, lúc này bạn sẽ có một khung hình hoàn hảo của bản đẹp, hoàn toàn không có logo nữa. Nhưng thông thường, bạn sẽ thấy một khung chữ nhật sắc cạnh ở vị trí logo. Đó là vì màu sắc của miếng vá và bản đẹp chưa hoàn toàn giống nhau. Tinh chỉnh màu sắc của miếng vá. Lúc này miếng vá đang được chọn trên timeline. Bạn chuyển qua cửa sổ "Lumentri Color- Basic Correction" để chỉnh màu cho miếng vá. Mỗi lần có một đoạn clip được chọn thì khi bạn chỉnh màu, toàn bộ khung hình trong clip đó sẽ được chỉnh màu với cùng một thông số. Color: Temperature dùng chỉnh nhiệt độ màu, Tint: Chỉnh màu da, Saturattion chỉnh độ đậm nhạt. Light: Exposure: Chỉnh độ sáng (cái này thường dùng nhất), Contrast chỉnh độ tương phản, Whites: tăng giảm màu trắng, Black: tăng giảm màu đen. Theo kinh nghiệm của tôi, các thông số màu và ánh sáng bạn chỉnh tăng hoặc giảm một chút thôi. Nếu bạn chỉnh tăng giảm hàng mấy chục đơn vị thì cần phải coi lại, vì có thể đã sai rồi. Đây là bước khó nhất, ảnh hưởng nhiều nhất tới chất lượng bản phim cuối cùng của bạn. Bạn phải chỉnh màu miếng vá cho nó hòa nhập vào nền của bản đẹp. Nếu chỉnh đúng thì không thấy viền hình chữ nhật ngay cái mask nữa. Dò khung hình khi hình ảnh miếng vá ở vị trí logo không khớp với bản đẹp. Sau khoảng vài phút phim thì khung hình 2 clip trên dưới sẽ có sự khác biệt vì hai bản phim này là khác nhau. Bạn cứ kéo con trỏ timeline về bên phải và quan sát hình ảnh ngay mask. Khi phát hiện có sự khác biệt về hình ảnh thì dừng lại. Lúc này bạn quan sát khung hình trên bản đẹp, click vào con mắt để tắt nó đi, quan sát hình ảnh trên miếng vá. Bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ. Bạn tiếp nắm con trỏ timeline kéo về bên trái, tắt mở con mắt và so sánh hình ảnh 2 clip. Đến một lúc, bạn sẽ thấy hình ảnh 2 clip giống nhau trở lại. Lúc này bạn hãy dùng công cụ dao lam cắt vào miếng vá ngay vị trí đầu tiên mà 2 clip có sự khác biệt về hình ảnh. Vị trí đó là vị trí mà miếng vá bị lỗi. Lúc này sẽ có các trường hợp như sau để xử lý miếng vá bị lỗi: Trường hợp miếng vá dài hơn bản đẹp, có vài khung hình dư ra. Bạn phải kéo con trỏ timeline, quan sát khung hình trên hai clip và xác định khung hình nào mà bản đẹp không có. Dùng công cụ dao lam cắt bỏ những khung hình đó, đôi khi chỉ 1 khung hình thôi. Lúc này sẽ có 1 khoảng trống ở miếng vá, tạo thành một cái lỗ tại vị trí logo. Bạn nắm phần bên phải của miếng vá kéo về bên trái để làm mất khoảng trống đó. Nếu bạn làm đúng, lúc này khung hình 2 clip sẽ khớp với nhau trở lại. Trường hợp miếng vá ngắn hơn bản đẹp, nó thiếu vài khung hình nên ở vị trí khung hình khác nhau đầu tiên, khi bạn kéo miếng vá về bên phải, nó sẽ tạo ra lỗ trống và bạn phải tìm cách làm đầy lỗ trống đó. Lúc này sẽ có 2 trường hợp. - Nếu hình ảnh khu vực bị mất (chỗ logo bị thủng) là hình tĩnh, không có sự chuyển động thì bạn chỉ cần copy một khung hình trên miếng vá, sát chỗ bị thủng rồi dán nhiều lần vào chỗ trống để che lỗ thủng. Quan sát ảnh bên dưới. - Nếu hình ảnh khu vực logo bị thủng có sự chuyển động, bạn không thể dùng một khung hình giống nhau để lấp lỗ trống. Bạn có thể cắt bỏ luôn phần hình ảnh của bản đẹp ngay khoảng trống đó, rồi nắm clip bản đẹp kéo về bên trái để làm mất khoảng trống đi. Bản đẹp sẽ ngắn lại một chút, vừa với độ dài miếng vá. Trường hợp miếng vá bị ngắn là trường hợp khó, có nhiều cách để xoay sở, không cần phải cắt ngắn bản đẹp. Nó sẽ được giải quyết nhờ vào tay nghề và tài ứng biến của bạn. Nếu bạn làm nhiều sẽ có thêm kinh nghiệm để giải quyết chỗ này. Bây giờ nếu bạn lại gặp lỗi ở chỗ logo sau vài phút phim nữa thì bạn lặp lại các thao tác ở trên cho đến khi không còn lỗi nào từ đầu đến cuối phim. Mỗi lần xử lý lỗi xong, bạn nhớ save lại. Trường hợp bản đẹp có một đoạn không có logo. Lúc này bạn không cần dùng mask để che logo đoạn đó. Bạn dò xem chỗ khung hình nào logo bắt đầu bị mất và trước khi logo xuất hiện lại, dùng dao lam cắt đoạn đó ra để tạo 1 clip. Chọn clip đó rồi vào cửa sổ "Effect Controls", click phải chuột vào tên mask rồi chọn "Clear" để xóa mask trên đoạn clip đó. Khi đã hết lỗi rồi, bạn làm bước cuối cùng là render để xuất ra 1 phim hoàn chỉnh. Bạn chọn tab "Export" để xuất phim. Các thông số trong đó bạn có thể để mặc định. Chỉ chỉnh lại thông số bitrate để xuất file có dung lượng phù hợp. Bitrate này chỉ cần lớn hơn một chút so với bitrate của file gốc. Quan sát hình bên dưới. Vậy là xong, bây giờ bạn có thể thưởng thức bộ phim yêu thích trên tivi, không còn bị cái logo làm phiền nữa. Xem phim không logo sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm mới, xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Việc xóa logo là việc cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn trọng. Ở lần đầu bạn làm việc này, bạn sẽ bỏ sót nhiều lỗi. Nhưng làm vài lần thì tốc độ sẽ tăng lên và ít lỗi hơn. Chất lượng của phim deLogo trong trường hợp tối ưu là hoàn toàn giống bản phim sạch, không có sự khác biệt. Thông thường nó đạt khoảng 95% so với phim sạch. Nếu bạn muốn biết một tập phim xóa logo xong sẽ trông như thế nào, bạn có thể click vào link bên dưới để download 1 tập phim đã được tôi xóa logo. Bản đẹp phim này chất lượng 1080p, miếng vá 720p. https://drive.google.com/file/d/1JeRxl1uVvFCDieY23WY6tniZ2CK95F34/view?usp=drive_link Cuối cùng, nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc hết bài viết dài lê thê của tôi tới chỗ này, tôi nghĩ bạn cũng đủ kiên nhẫn để xóa logo bộ phim bạn yêu thích. Chúc bạn thành công.
Hôm nay mình thử xóa hardsub tiếng Trung của một tập phim "Bạch phát vương phi" bản 4k. Kết quả khá tốt nên up lên đây chia sẻ với anh em. Xóa sub hay logo thì cách làm như nhau. Miếng vá mình sử dụng là một tập phim không sub độ phân giải 1080p. Mình tạo một mask có chiều rộng toàn khung hình còn chiều cao khoảng 1/8 khung hình để che hardsub. Anh em nào muốn làm thử thì có thể tham khảo chất lượng phim được xóa sub ở link bên dưới. https://drive.google.com/file/d/1NiAbcrwBMzqp9uA88ngLSRnFfCBpMpG3/view?usp=sharing Còn bản phim 4k có sub thì mình lấy ở đây: https://www.hdvietnam.xyz/threads/b...019-4k-hevc-long-tieng.1896189/#post-11100627