Le Silence de la mer (2004) Im lặng của biển cả (Phụ đề Việt) Trên mạng có rất nhiều bài viết nói về Le Silence de la mer, bằng tiếng Việt và bằng rất nhiều thứ tiếng khác. Mình chọn ra đây một bài, gần như là bài đầu tiên của trang tìm kiếm. Đoạn cuối của Le Silence de la mer – Im lặng của biển cả. (Tống Mai) Im lặng lại rơi xuống một lần nữa. Một lần nữa, nhưng lần này – tăm tối và ngột ngạt vô cùng ! Hiển nhiên, sự im lặng trước kia, ẩn dưới mặt nước hiền hòa, là những con thú vùng vẫy – là sức sống mãnh liệt, là khao khát, là ý tưởng được phóng thích không kềm chế. Nhưng dưới sự im lặng của ngay giây phút này, ah! là cả một sự che đậy khủng khiếp … - Tôi đã đạt được những gì mình yêu cầu, anh ta nói tự nhiên. Tôi xin thuyên chuyển ra chiến tuyến và đã được chấp thuận, ngày mai tôi sẽ lên đường. Tôi ngở trên môi anh thấp thoáng một nụ cười khi anh nói tiếp: - Để vào địa ngục. Anh chỉ tay về phía Đông, hướng những cánh đồng mênh mông nơi mùa ngô kế tiếp sẽ được phân bón bằng xác người. Tôi nghĩ, “Thì ra hắn ta đành cam chịu, hắn chỉ biết có chừng ấy thôi sao, họ đầu hàng hết, ngay cả người đàn ông này cũng thế ….” Lúc đó, sắc mặt của cháu tôi làm tôi đau nhói, sắc mặt xanh xao màu mặt trăng, môi tái tê như vành miệng của một chiếc bình ngọc bích trắng đục bị bể, méo mó không khác gì những nét vẽ bi thương trên chiếc mặt nạ Hy Lạp. Và tôi thấy, trên nếp trán và chân tóc, không phải rỉ ra, mà là nẩy ra – vâng, nẩy ra – những hạt mồ hôi. Tôi không biết Werner von Ebrennac có thấy không. Mắt cô, đôi mắt trẻ, như thuyền neo bờ bằng một sợi dây rất căng, rất cứng, đến nổi không ai dám di chuyển ngón tay giữa cặp mắt đó. Ebrennac, một tay nắm đấm cửa, một tay bám khung cửa, mắt chăm chăm không nhúc nhích, từ từ kéo cánh của về phía mình. Anh nói – giọng trống rỗng một cách kỳ lạ: - Chúc ngủ ngon Tôi nghĩ anh ấy sẽ đóng cửa và rời đi. Nhưng không. Anh nhìn cháu tôi. Anh nhìn cô. Anh nói – giọng thì thầm: - Tạm biệt. Không nhúc nhích. Anh vẫn đứng yên gần như bất động, khuôn mặt bất động và căng thẳng, ánh mắt càng bất động và căng thẳng hơn gắn vào đôi mắt mở lớn tái tê của cháu tôi. Lâu lắm, lâu lắm – không biết bao lâu nữa? – lê thê cho đến cuối cùng cô mấp máy đôi môi. Mắt Werner sáng lên. Và tôi nghe: - Tạm biệt. Phải chăm chú lắm mới nghe được mấy tiếng này, nhưng cuối cùng tôi nghe được. Von Ebrennac cũng nghe được, anh thẳng người lên, cả khuôn mặt và cơ thể như đang lịm vào giấc ngủ bình yên. Rồi anh mỉm miệng, để lại cho tôi hình ảnh cuối cùng của một nụ cười. Rồi cánh cửa khép lại và bước chân xa dần đến cuối nhà. Hôm sau khi tôi xuống dùng sữa buổi sáng thì anh đã ra đi. Cháu tôi chuẩn bị điểm tâm như mọi ngày. Nó dọn thức ăn cho tôi trong im lặng. Hai ông cháu ăn trong im lặng. Ngoài kia ánh mặt trời chiếu yếu ớt qua màn sương. Dường như lạnh lắm. **** Đó là đoạn cuối của cuốn sách Le Silence de la mer của Vercors (Jean Bruller). Phải mất một hồi tôi mới dịch xong , tiếng Pháp của tôi đã rĩ sét. Nhưng sao chỉ dịch đoạn cuối của một cuốn truyện thương đến nằm lòng, đọc không biết bao nhiêu lần? Bởi vì đoạn này ám ảnh tôi nhất, cả một sự mãnh liệt cô đọng trong khung cảnh cuối cùng này, phơi bày mối tình câm lặng khi người con gái chỉ thốt ra được một tiếng duy nhất, đầu tiên và cuối cùng cho người mình yêu: Adieu. Thế rồi người đàn ông quay đi, và truyện chấm dứt với ánh mặt trời xanh xao yếu ớt qua màn sương mỏng lạnh lòng người ở lại … bỏ tôi sững sờ treo tức tưởi trên một trái tim tan nát. Tôi nhớ có người hỏi có cuốn sách, hay cuốn phim nào hay nhất để mách cho đọc hay xem không. Tôi rất muốn nói đến Le Silence de la mer nhưng ai mà chẳng đọc rồi cuốn sách cổ điển đã từng là kinh điển của phong trào Resistance của Pháp thời Đức quốc xã này. Trong đống sách Pháp cũ xưa của mình, thì Le Silence de la mer được tôi đọc đi đọc lại nhiều nhất cùng với La Porte étroite đến thuộc lòng. Vercors viết Le Silence tuyệt vời, viết như thơ. Nơi đây tôi sẽ không màng gì đến lý tưởng, ý thức hệ quốc gia, dân tộc gì cả, tôi chỉ muốn nói đến một thứ tình yêu bạc mệnh giữa hai người vì lý tưởng tổ quốc mà hy sinh điều làm con người trở nên người nhất: tình yêu. Người đàn ông trong truyện là một sĩ quan Đức đến ngụ tại nhà của một người Pháp lớn tuổi đang sống với cháu gái của mình ở vùng phụ cận Paris thời Đức quốc xã chiếm đóng Pháp trong thế chiến thứ hai. Để phản đối sự “xâm lăng” này, hai ông cháu đáp lại bằng thái độ im lặng hoàn toàn đến bất nhẫn đối với Werner, viên sĩ quan Đức. Suốt sáu tháng sống trong nhà, Werner von Ebrennac thường xuống phòng khách của hai ông cháu để làm thân. Im lặng, một tình trạng vắng âm thanh, một sự cảm thông giữa những tâm tư không thoát ra được bằng lời …. Và như thế, đêm đêm, người sĩ quan xuống phòng khách, đến bên lò sưởi hơ tay và … độc thoại, có khi chỉ về thời tiết, có khi về thời thơ ấu của mình, có khi về văn chương, sách nhạc, chính trị. Nhưng hai ông cháu vẫn ngồi lặng thinh, không một lời đáp lại. Ngày lại ngày, những buổi tối bên lò sưởi, người đàn ông già đọc sách, người con gái ngồi may hay đan áo, người sĩ quan khẻ khàng bước xuống phòng, cất tiếng chào rồi bắt đầu cuộc độc thoại của mình, rồi rút về phòng sau khi chúc hai ông cháu ngủ ngon. Ta biết được chàng là một nhạc sĩ dương cầm, soạn nhạc, đọc nhiều sách Pháp, yêu nước Pháp, mơ đến ngày thái hòa giữa hai quốc gia Đức Pháp. Có một lần sau bao đêm độc thoại mà không nhận được mảy may một lời hay một cử chỉ đáp lại của hai ông cháu, người sĩ quan bộc lộ tình cảm khao khát của mình đối với cô gái qua câu chuyện La Belle et la bête Người Đẹp và Ác Thú. Đó là truyện trong sách, suốt cuốn sách là một phòng khách, có người đàn ông ngồi trên ghế bành bên lò sưởi, đối diện là người cháu gái có gương mặt nghiêm nghị, thinh lặng, lạnh lẽo bất động, mãi mê may vá hay đan len, không một lời. Thế rồi, một buổi tối, người sĩ quan xuất hiện như thường lệ, nhưng lần này để vĩnh biệt sau khi báo tin mình sẽ thuyên chuyển đến vùng chiến tuyến mà chàng nghĩ đó là địa ngục, do thất vọng khi biết rằng mục đích xâm chiếm Pháp của Đức là để tiêu diệt chứ không phải xây dựng. Và cô gái, mầu nhiệm thay, đau đớn vì tin sét đánh đến đổi thốt lên tiếng vĩnh biệt, adieu, tiếng nói đầu tiên và cuối cùng cô dành cho người sĩ quan sau bao lâu che dấu mối tình mãnh liệt dưới bề mặt lặng lẽ. Le silence de la mer ! Biển có im lặng bao giờ ! Thế còn cuốn phim? Tôi muốn nói đến bản nguyên thủy của nó, phim đen trắng do Jean-Pierre Melville đạo diễn năm 1946, hai năm sau khi cuốn truyện được xuất bản lén lút thời Nazi chiếm đóng Pháp. Tôi không thích lắm dù phim rất trung thành với sách, từng chi tiết một không bỏ sót. Nhưng sự thất bại của phim theo tôi nghĩ là do diễn xuất cứng ngắt của những nhân vật trong phim. Thế nhưng có những cảnh làm tôi đau lòng, nhất là cảnh người sĩ quan gục đầu lên tay mình trên khung sưởi, cô độc và buồn thảm, ánh sáng từ lò sưởi yếu ớt chỉ đủ để hắc lên bờ vai đang gục xuống; một cảnh khác nữa là cảnh cuối khi người cháu gái ngồi trong phòng ăn buổi sáng sau khi người sĩ quan Đức đã ra đi, ta thấy trên tấm khăn quàng màu trắng vắt ngang bờ vai của cô có vẽ hai bàn tay vợi nhau nhưng không chạm được nhau. Cuốn phim thứ hai – Cuốn phim dành cho truyền hình của Belgique ra đời năm 2004 do Pierre Boutron đạo diễn thì tuyệt vời, chính version này đã làm tôi mê mệt không biết bao lần. Tôi không phải dông dài về version này, hãy tin rằng nó đẹp lắm, đẹp cả diễn viên, diễn xuất lẫn bối cảnh và cinematography. Ai đã hỏi phim nào hay nhất, tôi phải nói ngay rằng đây là phim ảnh hưởng tôi nhiều nhất, sâu xa nhất. A work of art ! Le Silence de la mer ! Một cuộc độc thoại: Bonsoir. Đêm nay trời gió quá, biển đang giận dữ ngoài kia. Nhưng trong này thì ấm lắm, sống gần biển thật may mắn. Điều mà tôi yêu nhất ở biển là sự im lặng của nó, không tôi không nói đến sóng biển đâu mà nói đến những gì ẩn khuất bên dưới, những gì ta cảm nhận được. Biển im lặng thật nhưng ta phải biết lắng nghe. Tôi thấy hạnh phúc biết bao khi tìm được nơi đây một người đàn ông chân thành và một cô gái im lặng. Độc thoại xong, người sĩ quan Đức đứng dậy, rời lò sưởi và tiến về phía cửa sau khi quay lại chúc hai ông cháu ngủ ngon. Tống Mai Virginia – May 26, 2017 Còn đây là link cho phim và phụ đề: https://www.fshare.vn/folder/54UQTMDQAVDY Cám ơn bạn Nguyễn Phương Trang đã làm phụ đề. Nhiệm vụ của tôi chỉ là ngồi gõ lại, sửa sang đôi chút và up lên tặng các bạn.