Bộ Sưu Tập Phim của Củng Lợi Gong Li's Movies Colletions 1080p BluRay DTS-HD MA5.1 x265 10Bit-BeiTai Phụ Đề Việt ngữ Củng Lợi, năm nay đã bước vào tuổi 58, vẫn đẹp không tì vết và vẫn là ngôi sao Hoa ngữ được Cannes ưu ái cưng chiều nhất suốt 3 thập niên qua. Bắt đầu được phương Tây chú ý khi tỏa sáng với bộ phim đầu tay Cao lương đỏ thắng giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 1987, cả Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi sau một đêm thành ngôi sao quốc tế, đặc biệt là khi họ mang tới một thứ điện ảnh đậm chất exotic vừa bí ẩn vừa đầy nhục cảm của một đất nước có nền văn hóa vĩ đại nhưng cũng tăm tối trong suốt thời đại phong kiến kéo dài sang giai đoạn Cách mạng Văn hóa và đóng cửa với bên ngoài. Nhưng phải đến năm 1990, khi Trương và Củng Lợi xuất hiện chính thức tại Cannes và tranh giải Cành cọ vàng với Cúc Đậu (Ju Dou), họ mới thực sự là hiện tượng lớn. Cúc Đậu qua diễn xuất của Củng Lợi thực sự là một cuộc cách mạng về hình ảnh người phụ nữ Trung Hoa thời phong kiến. Không chịu cảnh bị ức hiếp trước một lão chồng già là địa chủ của xưởng nhuộm vải vừa liệt dương vừa tàn bạo (đánh chết hai cô vợ trước vì họ không đẻ được con trai), Cúc Đậu đã tư tình cháu họ của lão (Lý Bảo Điền đóng cũng rất hay), một kẻ đi ở đợ cả đời và sống trong tủi nhục, nhưng luôn tôn trọng và coi cô như một con người chứ không phải là một đối tượng tình dục như chú của anh ta. Bộ phim có nhiều cảnh tình dục được dựng táo bạo bên trong xưởng nhuộm vải với sắc đỏ bao trùm, color palette ưa chuộng nhất của Trương, khơi gợi một thứ cảm giác vừa bí ẩn vừa mê hoặc. Phim bị giới kiểm duyệt Trung Quốc cấm phát hành tại đại lục, nhưng tỏa sáng rực rỡ khắp các diễn đàn phim nghệ thuật thế giới. Đó cũng là lần đầu tiên điện ảnh Trung Quốc được đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Năm tiếp theo, Trương, Củng chuyển sang LHP Venice và gặt hái được thành tựu lớn khi lần lượt thắng giải Sư tử bạc cho Đèn Lồng Đỏ Treo Cao, một phim “thê thiếp” nặng mùi nhục cảm và phản kháng khác với phong cách kể chuyện đậm đặc hơn. Cũng với phim này, Trung Quốc được đề cử Oscar lần thứ 2 cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Và năm tiếp theo nữa, với Thu Cúc Đi Kiện (The Story of Qiu Ju), Trương chiến thắng giải cao nhất - Sư tử vàng trong khi Củng Lợi thắng giải Volpi Cup Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Venice. Tên tuổi cả hai vang danh bốn cõi. Năm 1993, Củng Lợi tạm chia tay Trương Nghệ Mưu để hợp tác với Trần Khải Ca, một tài năng vừa là bạn vừa là đối thủ của Trương với kiệt tác để đời Bá Vương Biệt Cơ (Farewell My Concubine) chiến thắng giải Cành cọ vàng năm đó. Điện ảnh Trung Quốc trở thành ngôi sao sáng nhất tại Cannes. Chỉ một năm sau, Củng Lợi quay trở lại với Trương Nghệ Mưu để làm nên một kiệt tác bi thương khác về thân phận con người trong thời Cách mạng văn hóa Trung Quốc: Phải Sống (To Live). Phim thắng giải Grand Prix (tức giải Nhì sau Cành cọ vàng) và giải Nam chính xuất sắc cho Cát Ưu. Những thành tựu liên tục và giòn giã ấy mãi mãi là một vết son đỏ của điện ảnh Trung Quốc mà chắc là họ khó có cơ hội lặp lại lần thứ 2. Ngay cả điện ảnh Nhật Bản, vốn đã được phương Tây tán thưởng từ lâu và Iran, Hàn Quốc tỏa sáng sau đó, với nhận định của tôi, chưa bao giờ có một giai đoạn thăng hoa ngoạn mục như thế trong gần một thập niên đó của điện ảnh Trung Quốc. Và không phải Trương Nghệ Mưu hay Trần Khải Ca, hai đạo diễn lớn nhất của Thế hệ thứ 5, Củng Lợi mới là ngôi sao lớn nhất, là đại diện của điện ảnh Trung Quốc. Cuộc chia tay ồn ào sau đó và có lẽ là cũng đã khai thác hết năng lượng của nhau, Trương - Củng đến Cannes lần cuối năm 1995 với Hội Tam Hoàng Thượng Hải (Shanghai Triad), một bộ phim không tệ, và Củng Lợi chưa bao giờ đẹp rực rỡ (lẫn tàn úa) đến thế với vai một cô ca sĩ phòng trà sau trở thành tình nhân của tay trùm hội Tam Hoàng. Thời đó xem phim này, tôi hay so sánh hình ảnh của Củng Lợi với Sharon Stone trong Casino của Martin Scorsese, ở cả cái vẻ quyến rũ lẫn bi thương của phận đàn bà khi được những gã đàn ông say mê yêu chiều lẫn khi bị thất sủng ấy. Cả hai đều là những cô đào nóng bỏng nhất hiếm khi vắng mặt tại Cannes. Mấy năm sau, Củng Lợi quay lại hợp tác với Trần Khải Ca, đến Cannes tranh giải Cành cọ vàng 2 lần nữa với Temptress Moon (Phong Nguyệt) đóng chung với Trương Quốc Vinh và The Emperor and the Assassin (Hoàng Đế và Thích Khách) - phim dã sử có kinh phí cao nhất ở Trung Quốc lúc đó. Cả hai đều hấp dẫn về mặt giải trí, đặc biệt là Phong Nguyệt mới đây tôi xem lại thấy hay hơn nhiều. Có dịp sẽ review phim này sau. Làn sóng điện ảnh Trung Hoa tạm lắng xuống trong những năm sau đó, chuẩn bị chào đón những tài năng thế hệ thứ 6 với phong cách làm phim độc lập có lối kể chuyện trực diện hơn vào hiện thực Trung Hoa. Và chắc suốt cả một thập niên không năm nào vắng mặt tại Cannes, Venice, Berlin, Củng Lợi cũng không còn quá tha thiết khi không còn tìm thấy vai diễn hay nên cô không xuất hiện nữa. Phải 6 năm sau, Củng Lợi mới tái xuất Cannes cho hai bộ phim mới đều của một đạo diễn tác giả Hoa ngữ lừng danh khác: Vương Gia Vệ. Trong 2046 và phim ngắn The Hand trong bộ ba Eros, Củng Lợi xuất hiện với hình ảnh khác biệt: sang trọng hơn, kiêu hãnh và bí ẩn hơn, nhưng cũng chỉ để che giấu một trái tim tan vỡ của người đàn bà đã về chiều và suốt đời bị đàn ông ruồng bỏ. Ai có thể quên được nụ hôn cuồng nhiệt giữa Củng Lợi và Lương Triều Vỹ đến mức nhoè cả vệt son môi, rồi nước mắt nhòe mi đứng lặng người nhìn gã đàn ông bạc tình bước đi không hẹn ngày tái ngộ trong 2046? Hình ảnh đó, với tôi cũng khép lại gần 2 thập niên hoàng kim của Củng Lợi trên màn ảnh với một loạt vai diễn mà bất cứ diễn viên tài năng nào cũng ao ước được thể hiện và được hợp tác với 3 trong những đạo diễn Hoa ngữ có phong cách cá nhân sáng tạo bậc nhất: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca và Vương Gia Vệ. Gần 2 thập niên trở lại đây, Củng Lợi cũng thường xuyên có mặt ở Cannes, không phải có phim dự thi mà là một khách mời đặc biệt của Cannes như một biểu tượng, một ngôi sao đậm khí chất Trung Hoa làm sang cho thảm đỏ của Cannes. Nhưng tôi vẫn mong Củng Lợi trở lại một lần nữa, tỏa sáng một lần nữa với những bộ phim nghệ thuật mà ở đó, cô mới thực sự là chính mình trong những thân phận đàn bà, dù sang hay hèn, dù kiêu hãnh hay tàn úa vẫn gợi lên được vẻ đẹp đậm khí chất của một người đàn bà Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung. Một vẻ đẹp mà với tôi, không ai khác ngoài Củng Lợi biến nó thành biểu tượng trên màn bạc và có lẽ sẽ mãi mãi ở đó. -------------------------------------------------- Bài viết của Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm. Danh sách phim: 2046 - Căn Phòng 2046 (2004) A Soul Haunted by Painting - Họa Hồn (1994) Chinese Box - Hộp Đêm Trung Hoa (1997) Coming Home - Trở Về (2014) Curse of the Golden Flower - Hoàng Kim Giáp (2006) Farewell My Concubine - Bá Vương Biệt Cơ (1993) Memoirs of a Geisha - Hồi ức của Một Geisha (2005) Ju Dou - Cúc Đậu (1990) Raise the Red Lantern - Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991) Red Sorghum - Cao Lương Đỏ (1988) Shanghai Triad - Hội Tam Hoàng Thượng Hải (1995) Temptress Moon - Phong Nguyệt (1996) The Story of Qiu Ju - Thu Cúc Đi Kiện (1992) To Live - Phải Sống (1994) What Women Want - Điều Nàng Muốn (2011) Link Tải Trọn Bộ Nhấn nút Cảm ơn (dưới chân bài) để thấy link!