KR Audio Kronzilla DXL – tinh hoa ampli đèn lai bán dẫn

Thảo luận trong 'Nguyễn Audio' bắt đầu bởi thanhhuynh1904, 25/5/17.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. thanhhuynh1904

    thanhhuynh1904 Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    26/12/15
    Bài viết:
    999
    Đã được cảm ơn:
    211
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    TP HỒ CHÍ MINH
    Kronzilla DXL là thiết bị khuếch đại có công suất lớn nhất của KR Audio và cũng là một trong những poweramp monoblock chạy bóng đèn điện tử mạnh nhất trên thị trường hiện nay.

    [​IMG]

    Với năng lượng 140W ở mỗi khối mono, mạch máy của Kronzilla DXL được “đo ni đóng giày” một cách chi li nhất để có thể khai thác hết cả về phần lực lẫn phần chất của bộ 4 bóng công suất T-1610, thiết kế bóng 3 cực được chế tạo bởi chính KR Audio.
    Thiết kế và kết cấu kỹ thuật
    Kiểu dáng là một lợi thế lớn của bộ ampli hybrid monoblock Kronzilla DXL. Hai bóng đèn khổng lồ án ngữ mặt trước khối chassis cùng các biến thế nguồn, xuất âm được bố trí theo phương dọc của Kronzilla DXL đã tạo nên hình ảnh ấn tượng. Khác với những mô-típ ampli đèn hoài cổ quen thuộc với vỏ gỗ và da, KR Audio thiên về những đường nét mạnh mẽ tạo ấn tượng về hình khối.
    Điểm hút mắt đầu tiên là cặp bóng công suất T-1610 ngoại cỡ với đường kính lên đến 85mm và cao 310mm trông như một tòa tháp đôi trong suốt. Phía sau cặp bóng công suất là hai khối biến thế nguồn và xuất âm có hình khối vuông và chữ nhật. Trong đó, vỏ của khối nguồn có các cánh tản nhiệt bên trên tương tự nắp tản nhiệt của xi-lanh xe gắn máy. Biến thế xuất âm hình chữ nhật cũng là kiểu “hàng hiếm”. Phần đế chassis của Kronzilla DXL có mặt trên làm từ thép không gỉ, xung quanh được sơn mờ với hai bộ cánh tản nhiệt hai bên, riêng mặt trước được tối giản chỉ với một đèn LED, nút nguồn, tem thương hiệu và model sản phẩm.

    Những người đã sử dụng power đèn rất dễ phát hiện 2 điểm khác biệt của ampli Kronzilla DXL là phần hông của chassis được gắn cánh tản nhiệt trong khi toàn bộ đèn và biến thế đã lộ trần nhưng thiếu các bóng đèn input/driver, đèn nắn. Sự "bất thường" này đến từ thiết kế mạch hybrid của máy, trong đó KR Audio sử dụng mạch transistor cho tầng input nên các bóng đèn lái và nắn nguồn đã được loại bỏ. Ngoài ra, cặp cánh tản nhiệt ở hai bên thân máy giúp làm mát các bóng bán dẫn khuếch đại đầu vào.

    [​IMG]
    Nói đến thiết kế mạch đặc trưng của ampli KR Audio, chúng tôi muốn nhắc lại một vài thông tin về lịch sử của hãng. Năm 1992, KR Audio, thương hiệu đến từ Prague (Czech) đã bắt đầu ghi tên mình vào bản đồ hi-end thế giới bằng sản phẩm đầu tiên là bóng đèn 3 cực làm bằng tay. Linh kiện này nhanh chóng được giới chơi âm thanh và cả những nhà sản xuất lớn chọn sử dụng nhờ sự cải thiện đáng kể về độ động, chi tiết cũng như sân khấu trình diễn. Sau một thời gian sản xuất bóng đèn, nhà sáng lập KR Audio - Ricardo Kron và vợ Eunice đã quyết định chuyển hướng sang thiết kế ampli riêng dựa trên sơ đồ mạch hybrid ngược, tức là sử dụng bán dẫn ở mạch đầu vào kết hợp với output dùng đèn điện tử. Ricardo không may qua đời vì căn bệnh ung thư, nhưng ông cũng đã kịp đào tạo và truyền lại triết lý tâm huyết của mình cho Marek Gencev, người hiện giờ là Giám đốc Kỹ thuật và cùng bà Eunice Kron điều hành KR Audio.
    Trong tổng số 13 mẫu bóng đèn hiện được KR chế tạo, bóng công suất T-1610 là thiết kế đặc biệt và nổi tiếng nhất của hãng. Khác với một số bóng đèn công suất lớn ban đầu được thiết kế với mục đích phát sóng, KR T-1610 là bóng đèn 3 cực chuyên dùng để khuếch đại âm thanh có công suất đầu ra lớn nhất hiện nay với mức tối đa lên đến 45W Class A. Bóng công suất T-1610 có vỏ làm từ thuỷ tinh borosilicate có đặc tính chịu nhiệt cao của nhà cung cấp nổi tiếng Simax (CH Séc), giúp tăng độ bền so với các loại bóng đèn điện tử thông thường. Ngoài ra, phiến đèn T-1610 sử dụng chất liệu ribbon được mạ oxit đặc biệt giúp giảm nhiệt so với các phiến đèn Tungsten kết hợp đất hiếm thông thường. Những yếu tố này đã giúp KR T-1610 có tuổi thọ hoạt động lên đến 10.000 giờ và ổn định trong suốt 50 năm.
    Xét về ngoại hình, không thể phân biệt được giữa Kronzilla DXL và power-amp single-ended DX, điểm khác là cách thiết kế mạch bên trong, dẫn đến sự thay đổi về công suất. Kronzilla DX sử dụng mạng single-ended cho công suất 100W/kênh, trong khi DXL có cấu trúc push-pull giúp tăng thêm 40% công suất. Theo giám đốc thiết kế của KR Audio, Kronzilla DXL sử dụng mạch push-pull cho lợi thế về công suất và quản lý tốt hơn dải trầm, giúp tương thích với những dòng loa có độ nhạy thấp và đòi hỏi dòng lớn. Tất nhiên, ưu thế chính của KR Audio là những mẫu ampli chạy mạch single-ended, nhưng đội ngũ thiết kế của hãng đã tối ưu mạch đẩy kéo của Kronzilla DXL để có thể tăng năng lượng nhưng vẫn bảo toàn tối đa hài âm, tương tự như thiết kế single-ended trong từng watt công suất.
    [​IMG]
    Kronzilla DXL sử dụng mạch hybrid “ngược” với hầu hết các ampli hybird thông thường có tầng vào dùng bóng đèn điện tử và phần công suất chạy trên mạch transistor. Nhà sáng lập Ricardo Kron đã từng lý giải về việc sử dụng mạch hybrid “ngược” này. Trong quá trình nghiên cứu và thiết kế rất nhiều mạch máy, ông nhận thấy những bóng đèn nhỏ chạy ở tầng vào có độ nhiễu noise khá lớn cũng như những chi tiết ở tầng micro còn thiếu khá nhiều khi so với một mạch input chạy bán dẫn. Trong khi các bóng công suất ở mạch output đều là linh kiện do chính KR Audio chế tạo chuyên dành cho thiết bị hi-fi nên chúng đương nhiên đảm bảo được yêu cầu về tuổi thọ và ít nhiễu để tạo nên loại ampli hybrid “ngược” mạnh mẽ.
    Các nhà sản xuất ampli hybrid có cách nhìn nhận và đánh giá ưu nhược điểm của “transistor” và “tube” cũng rất khác nhau. Một trường hợp sử dụng mạch hybrid “ngược” tương tự mà chúng tôi đã có dịp trải nghiệm trực tiếp đó là thiết kế poweramp model 300p của Nagra. Poweramp này cũng sử dụng mạch output Class A không hồi tiếp, kết hợp bóng 300B ở tầng công suất và có mạch input bán dẫn.
    Thiết kế poweramp Kronzilla DXL sử dụng một cặp bóng T-1610 ở mạch output theo thiết kế mạch đẩy kéo, cho công suất đầu ra 140W Class A, không dùng hồi tiếp và được hiệu chỉnh bias tự động. Mạch input sử dụng kết hợp các sò Mosfet và JFET để tạo nên tầng vào sạch nhiễu tối đa, đặc biệt thể hiện rõ qua chỉ số S/N. Một lợi thế rõ ràng của ampli hybird có mạch output dùng đèn điện tử là khả năng kiểm soát chất lượng của bóng công suất đầu ra và thao tác thay thế một cách dễ dàng, đảm bảo ampli duy trì được chất lượng trình diễn với độ suy hao không đáng kể trong suốt quá trình sử dụng, có khi lên đến vài chục năm làm việc.
    [​IMG]
    Trình diễn
    Với tính năng auto-bias chúng tôi gần như chỉ việc khui thùng, cẩn thận gắn bộ 4 bóng công suất T-1610 vào chân socket trên 2 khối monoblock là có thể bấm nút nguồn khởi động Kronzilla DXL mà không cần qua công đoạn cân chỉnh bias như những ampli đèn thông thường. Trên thực tế, Kronzilla DXL đã phối ghép thành công với những đôi loa cột lớn và khó kéo như Wilson Audio Alexadria X-2, YG Sonja (88dB/4ohm) hay MBL 101E MK II (81dB/4ohm) hay Focal Grand Utopia. Hệ thống phối ghép trình diễn tại phòng nghe của chúng tôi bao gồm preamp MastersounD Spettro, hệ thống loa Gryphon Audio Pantheon (các nguồn phát có trong danh sách thiết bị phối ghép đính kèm bài viết). Kronzilla DXL đòi hỏi 200 giờ chạy rà để có thể đạt đến mức trình diễn ổn định và tối ưu. Lợi thế của mạch hybird với input transistor là không mất quá nhiều thời gian để “hâm nóng” ampli DXL sau khi bật công tắc nguồn.
    Tuy có thiết kế mạch push-pull nhưng Kronzilla DXL vẫn giữ được hầu hết đặc tính của một ampli đèn single-ended, bao gồm sự uyển chuyển trong xử lý từng nốt nhạc, tái tạo trung âm đẹp, có độ mở và mượt kết hợp với dải cao chi tiết, đầy đặn có hài âm tự nhiên. Sự khác biệt rõ ràng nhất là cách tái tạo dải bass, những tiếng trầm được Kronzilla DXL xử lý thiên về tốc độ, âm chắc và dứt thành từng cú đầy uy lực, khác với kiểu bass nở, sâu, mềm của ampli single-ended.
    Có thể thấy rõ cách đặc tả dải trầm của Kronzilla DXL qua track thử His hands trong album Breaking Silence. Bản thử này có tiếng bass đặc thù khá nhẹ, những hệ thống khuếch đại đèn thường làm tiếng trống kick bị mềm và hơi nhoè. Dù Kronzilla DXL cũng chạy đèn, nhưng chúng tôi có cảm nhận khác hẳn, tiếng trống tuy nhẹ nhưng có độ dứt và tạo thành từng “cú” rất rõ nét, mang đến tâm lý muốn kéo thêm volume, rất phấn khích. Có thể nói, ampli push-pull chạy 4 bóng T-1610 này đã tạo được uy lực dải trầm tương tự như các khối ampli bán dẫn mono Class A thuần. Về tốc độ, Kronzilla DXL kiểm soát khá tốt đoạn cao trào của bản Breaking Silence trong cùng album. Tuy chưa thể so với power Gryphon Colosseum Stereo cũng đang có mặt tại Lab, nhưng bù lại, thiết kế ampli push-pull của KR Audio thể hiện độ nổi mặt trống tốt hơn.
    [​IMG]
    Chúng tôi tiếp tục kiểm tra khả năng xử lý độ động và sân khấu đa tầng của Kronzilla DXL với một số track trong album Tutti! quen thuộc. Bộ monoblock chia các lớp sân khấu rất tốt, điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn hết là thế mạnh kiểm soát và đáp ứng độ động tuyệt vời của hệ thống ampli đèn này. Đôi loa Gryphon Pantheon gần như có đủ năng lượng và được kiểm soát tốt nên đã phô diễn được sân khấu với không gian lớn và tiếng bass sâu, sức mạnh và nội lực thể hiện rõ nhất ở track Rocky Point Holiday.
    Ampli đèn, nhất là loại sử dụng bóng 3 cực, luôn có ưu thế về khả năng tái tạo hài âm, độ dịu ngọt và không gian trình diễn, tuy nhiên, những tính chất đặc biệt này lại chính là đề tài tranh cãi không có hồi kết. Đôi khi ưu điểm này trở thành nhiễu âm nếu bị lạm dụng. Kronzilla DXL có cấu trúc mạch với tầng input bán dẫn đã tạo nên một màu âm phát huy được lợi thế của đèn điện tử nhưng vẫn kiểm soát nhiễu âm ở mức tối ưu và cân bằng.
    Nhạc phẩm My Foolish Heart trong album After Dark được thể hiện bởi Halie Loren - giọng jazz nữ đến từ bang Alaska (Mỹ) là một track mang đậm chất tự sự, ngẫu hứng với vocal nổi trội. Giọng hát của Halie được Kronzilla DXL chuyển tải tốt với độ mở không gian, uyển chuyển trong cách luyến âm đồng thời thể hiện đủ chi tiết ở vĩ thanh. Đặc biệt là độ khàn, gai, dù rất nhẹ nhưng vẫn nổi rõ ở khoảng không gian giữa hai loa. Cách biểu đạt trung âm của Kronzilla DXL như một sự kết hợp đặc biệt nằm ở giữa hai công nghệ đèn và bán dẫn. Kronzilla DXL sẽ không phải là lựa chọn của người thích vocal có vị ngọt, thiên ấm, mà thuộc về những audiophiles muốn có một sân khấu với vocal trung thực, hài âm đẹp, độ bung tiếng tốt. Cũng trong track thử này, chúng tôi thấy rõ ưu điểm xử lý nền âm “sạch”, tạo nên hiệu ứng piano sâu và âm trầm rất vững vàng, mặc dù đây là một trong những track có dải trầm rất dễ bị rung nhòe, ngay cả những ampli bán dẫn công suất lớn cũng khó mà làm chủ được những cú thả bass rất khó chịu của nó.
    [​IMG]
    Kết luận
    Ngoài lợi thế về kiểu dáng, KR Audio Kronzilla DXL với mạch hybrid đặc trưng kết hợp tầng vào bán dẫn và tầng công suất push-pull chạy đèn đã khai thác rất hợp lý những lợi điểm âm thanh giữa hai công nghệ khuếch đại truyền thống. Đây là một trong những ampli đèn tái tạo được dải cao và trung âm tuyệt đẹp, cân bằng, trong khi vẫn đáp ứng được dải trầm uy lực, tốc độ. KR Audio Kronzilla DXL còn tạo được một nền âm rất vững vàng và có lợi thế lớn về công suất, đủ mạnh để "xử" những đôi loa thuộc hàng nặng kéo nhất.

    Bách Cương ( Nghe Nhìn Việt Nam )

    KR Audio Kronzilla DXL Giá tham khảo : 814.220.000 VNĐ (Ghi chú: Giá áp dụng cho 1 cặp)

    ..........................................................................................................................................................................

    [​IMG]

    Mr Thành 0902 91 93 94
    Showroom
    : 8 B Lý Thường Kiệt , P 12 , Q 5 , TPHCM
    .........................................................................................................................................................................
    Raidho Acoustics, Aurender, Chord Electronics, Triangle, Paradigm, Zu Audio, JL Audio, KR Audio, Diapasion, Manger Audio, Purist Audio, Van Den Hul ...
     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này