The Theory of Everything Xem tại Phim THE THEORY OF EVERYTHING (2014)|Megabox.vn Felicity Jones - bông hồng Anh nở muộn Xinh đẹp và tài năng song chỉ đến cuối năm 2014, người đẹp sinh năm 1983 mới thực sự tỏa sáng đúng như tiềm năng với vai diễn xuất sắc trong “The Theory of Everything”. Năm 2014 là một khoảng thời gian mang tính bước ngoặt đối với Felicity Jones. Từ một diễn viên tiềm năng, người đẹp Anh này bỗng vụt sáng trở thành một ngôi sao. Đầu mùa hè, bom tấn The Amazing Spider-Man 2 giúp Jones được biết tới rộng rãi hơn, dù cô chỉ góp mặt với một vai phụ khiêm tốn. Đến dịp cuối năm, vai diễn xuất sắc trong bộ phim The Theory of Everything khiến Felicity Jones trở thành cái tên không thể thiếu trong mọi giải thưởng điện ảnh. Từ Hiệp hội diễn viên Mỹ SAG, BAFTA, Quả Cầu Vàng cho tới Oscar, người đẹp này đều có tên trong danh sách đề cử “Nữ diễn viên chính xuất sắc”. Một khởi đầu không dễ dàng Nữ diễn viên có gương mặt khả ái này có tên đầy đủ là Felicity Rose Hadley Jones và chào đời năm 1983 tại Birmingham, Anh. Cha mẹ cô không có ai theo đuổi nghiệp diễn xuất, song chính người chú diễn viên Michael Hadley đã khuyến khích Jones đi theo con đường này từ năm 11 tuổi. Trong quãng thời gian trưởng thành, Jones tham gia lồng giọng cho nhân vật Emma Carter trong chương trình The Archers của đài BBC Radio 4. Tuy nhiên, cô vẫn chưa hoàn toàn tập trung vào việc diễn xuất hay lồng tiếng bởi phải xa nhà và muốn dành thời gian cho việc học. Sau khi hoàn thành chương trình A-levels tại trường King Edward VI Handsworth và tốt nghiệp tại trường Wadham thuộc Oxford vào năm 2006, tâm trí và thời gian của Felicity Jones mới thực sự hướng về sự nghiệp. Trong quãng thời gian nghiên cứu Anh văn tại trường đại học, cô đã tham gia vào nhiều vở kịch cổ và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ đây. Felicity Jones xuất hiện chớp nhoáng trong phim "The Amazing Spider-Man 2". Sau những vở kịch Shakespeare thời còn đi học, Jones bắt đầu thử sức với tác phẩm Northhanger Abbey dựa trên truyện của nữ tác giả Jane Austen vào năm 2007. Kể từ đó cho tới năm 2011, người đẹp này xuất hiện đồng thời cả trên sân khấu kịch, điện ảnh lẫn truyền hình. Trong số này, nổi bật nhất là loạt phim truyền hình The Diary of Anne Frank (2009) mà cô vào vai Margot Frank. Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để nắm bắt, Jones được tưởng thưởng vào năm 2011 với bộ phim Like Crazy. Vai diễn nữ chính Anna trong bộ phim của đạo diễn Drake Doremus khiến cô phải đầu tư rất nhiều công sức khi phải tự trang điểm, tự làm tóc và còn tự nghĩ ra nhiều phần thoại. Bù lại, ban giám khảo Liên hoan phim Sundance đã trao cho Jones giải thưởng đặc biệt từ hội đồng nhờ màn hóa thân xuất sắc. Trong năm 2011, Jones còn vào vai chính trong phim tình cảm Chalet Girl - một dự án mà cô mô tả là “đem lại sự thanh thản sau một loạt phim cổ xưa”. Ngoài ra, cô còn được chọn làm gương mặt đại diện cho các thương hiệu Burberry và Dolce & Gabbana. Nhưng đó vẫn chưa phải là bước ngoặt trong sự nghiệp mà Jones hằng tìm kiếm. Cú đột phá đó chỉ đến ba năm sau, với The Theory of Everything. Bay cao trong năm 2014 Ra mắt vào cuối tháng 4/2014, bom tấn The Amazing Spider-Man 2 là một trong những phim ăn khách nhất của năm với doanh thu hơn 700 triệu USD. Tuy nhiên, tập phim này lại không được đánh giá cao về chất lượng và bị đánh giá thuộc hàng thấp nhất từ trước tới nay trong các phim về Người Nhện. Nhân vật Felicia Hardy mà Felicity Jones đảm nhận cũng phần nào gây thất vọng cho người hâm mộ, bởi thời lượng cũng như dấu ấn trên màn ảnh của cô không hề tương xứng với kỳ vọng. Trong truyện tranh, đây là một nhân vật sau này sẽ gây khó dễ ít nhiều cho Người Nhện, song trên phim, Felicia chỉ đơn thuần là trợ lý cho nhân vật Harry Osborn và chỉ có một vài câu thoại trong vài phút ít ỏi góp mặt trên màn ảnh. Nhìn theo một góc độ tích cực thì độ phủ sóng rộng rãi của The Amazing Spider-Man 2 đã giúp nhiều người xem phim biết tới gương mặt của Jones hơn. Nhưng đến giai đoạn cuối năm, bông hồng Anh này đã thực sự sống đúng với kỳ vọng của khán giả và tiềm năng của cô với tác phẩm The Theory of Everything. Được dựa theo cuốn hồi ký Travelling to Infinity: My Life with Stephen của bà Jane Hawking - vợ đầu của Stephen Hawking, The Theory of Everything kể về mối quan hệ của Stephen Hawking và Jane từ khi họ mới quen nhau tại trường Cambridge. Bộ phim đưa khán giả qua những thăng trầm trong cuộc sống của cặp vợ chồng, từ nỗi thất vọng khi Stephen được chẩn đoán mắc bệnh ALS cho tới khi ông tiếp tục chiến đấu với nó nhờ động lực từ Jane... Không quá hấp dẫn và lôi cuốn về mặt nội dung, The Theory of Everything ghi điểm trong lòng khán giả với diễn xuất hoàn hảo của bộ đôi diễn viên chính Eddie Redmayne và Felicity Jones trong vai vợ chồng Hawking. Nếu như Redmayne phải khổ luyện để vào vai thiên tài tàn tật Hawking với phân nửa thời lượng phim ngồi trên xe lăn thì Jones cũng gặp phải những thách thức riêng với nhân vật Jane. Cô chia sẻ sau cảm nghĩ về vai diễn sau khi nhận được đề cử Oscar đầu tay: “Chỉ đến khi vào vai Jane, tôi mới nhận ra rằng bà ấy không chỉ mạnh mẽ về tinh thần mà còn cả thể chất. Khi Jane thu xếp để cả gia đình đi nghỉ, bà ấy đã cho lũ trẻ lên ô tô trước rồi nâng bổng Stephen và đặt lên xe. Khi tôi thử nhấc Eddie để đưa anh ấy lên xe, tôi đã tự hỏi mình: ‘Làm sao mà Jane có thể làm được điều này trong ngần ấy năm?’”. Để có thể làm được những thứ như Jane ngoài đời đã làm, Jones quyết định tới phòng tập thể hình, thứ mà cô thừa nhận mình “vô cùng căm ghét”. Nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn, bởi Jane Hawking còn có một cuộc đời thăng trầm với nhiều cung bậc cảm xúc. Bà gặp Stephen khi ông còn hoàn toàn khỏe mạnh, để rồi tan nát trái tim khi nghe về bệnh tình của ông và lời chẩn đoán “chỉ còn hai năm để sống” từ bác sĩ. Jane không những không từ bỏ tình yêu mà còn thể hiện sự mạnh mẽ, trở thành điểm tựa tinh thần để Stephen có nghị lực chống lại số phận nghiệt ngã. Chính bà đã giúp giáo sư Stephen Hawking vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý ban đầu, cũng như chăm lo cho ông từng ly từng tí khi căn bệnh ALS quái ác khiến nhà khoa học này liệt gần như toàn thân... Để thể hiện cảm xúc của Jane một cách tốt nhất, Felicity Jones đã đọc nhiều tài liệu về hai vợ chồng Hawking và thử đặt mình vào tâm trạng của nhân vật. Cuối cùng, cô quyết định tới gặp trực tiếp Jane và có một trải nghiệm đáng nhớ: “Khi vào vai một người có thật, bản năng của tôi là phải tạo được niềm tin và nhận được cái gật đầu từ người đó. Ban đầu, tôi có cảm giác không thoải mái lắm khi gặp và hỏi bà ấy những câu hỏi riêng tư. Thế rồi dần dần, tôi cố gắng quan sát và hiểu con người thực của bà ấy là như thế nào”. Những đề cử “Nữ diễn viên chính xuất sắc” đến liên tiếp sau khi The Theory of Everything ra mắt là sự thừa nhận chính xác nhất cho những nỗ lực mà Felicity Jones đã bỏ ra cho vai diễn. Không chỉ diễn tả cảm xúc của Jane một cách xuất sắc, Jones còn để lại dấu ấn cho riêng mình với giọng nói đặc trưng của nhân vật. Cô chia sẻ: “Jane có một tông giọng cao và thánh thót như nhạc. Sau khi tôi tập được giọng nói ấy, cánh cửa tới nhân vật đã được mở toang”. Hồi đầu tháng hai năm nay, Felicity Jones chính thức được chọn để vào vai chính trong tập phim spin-off (phụ) của loạt phim khoa học viễn tưởng đình đám Star Wars. Đạo diễn dự án này sẽ là Gareth Edwards, người từng thành công mùa hè 2014 với bom tấn Godzilla. The Theory of Everything đã nâng tầm sự nghiệp của Felicity Jones, nhưng nó không thể đến nếu không có sự nỗ lực và tâm huyết của cô. Một thành công đến muộn, nhưng xứng đáng với người đẹp có đôi mắt biết nói này.