Nồi súp đã hoàn thành. Cám ơn sự quan tâm của các bác. https://subscene.com/subtitles/the-layover/vietnamese/1824082
[Bài review của em về bộ phim] The Layover thuộc thể loại hài (pha tục). Chưa cần xét đến yếu tố hay dở, chỉ cần sự có mặt của 2 sao nữ đang rất hot là Kate Upton và Alexandra Daddario cũng đã đủ tạo ra sức hút nhất định cho bộ phim. Thoạt nhìn, 2 sao này có sự chênh lệch về thâm niên điện ảnh. Người đẹp 8x Alexandra Daddario đã khẳng định được tên tuổi của mình và là biểu tượng gợi cảm mới của Hollywood. Trong khi người đẹp 9x Kate Upton, xuất thân từ siêu mẫu và có danh hiệu người phụ nữ gợi cảm nhất hành tinh, lại chưa thành công lắm trong nghiệp diễn. Tuy nhiên, khi diễn chung với nhau ở The Layover, sự chênh lệch trên đã được xóa nhòa. Cả 2 nữ diễn viên đã hòa nhập tốt với nhau trong vai 2 cô bạn chơi thân từ thời thơ ấu. Kate Upton đã nhập vai Meg rất đạt trong ít nhất 2 phân đoạn: - Cảnh ăn uống rất phàm phu tục tử ở sân bay, thể hiện được sự tham lam tự mãn đên vô duyên của Meg. - Cảnh diễn biến tâm trạng ở trên xe ôtô, khi bị Kate xoáy vào nỗi đau thời đi học. Nét mặt sững sờ và đanh lại của Meg chính là một bước chuyển tâm lý phù hợp. Nếu không, việc 2 người bạn gái đang thân thiết bỗng trở mặt với nhau và gây ra vụ trả thù "nặng mùi" trong nhà vệ sinh, sẽ trở thành khiên cưỡng. Alexandra Daddario nhập vai Kate với bản tính có phần nhút nhát, nụ cười ngây ngô, đôi khi còn phảng phất nét của người bệnh Down! Không phải ngôi sao chuyên nghiệp thì không dễ gì nhập vai dạng này. Hơn nữa, cô còn chịu trách nhiệm đóng những cảnh nóng nhất trong phim, đồng nghĩa với việc cô đã nhận lãnh vai trò đáng kể trong việc làm cho bộ phim có hấp dẫn phái mày râu hay không. Về mặt kịch bản, The Layover đã tránh được nhược điểm cố hữu của các bộ phim hài tục nói chung là đôi khi rất thiếu logic. Xem phim hài dễ gặp cảnh rất nhảm để thực hiện mục tiêu tạo tiếng cười. The Layover không lạm dụng điều này. Diễn biến từ đầu đến cuối là rõ ràng và tương đối hợp lý: Hai cô gái đang bị hoang mang trong cuộc sống, họ quyết định có một chuyến đi đột xuất đi Florida để giải tỏa căng thẳng (mà trong phim gọi là chuyến đi của con gái). Trên đường đi, máy bay họ phải đổi hướng hạ cánh ở St. Louis vì một cơn bão cấp 4/5 xuất hiện ở Floria. Và đó chính là bối cảnh để họ gặp được anh chàng đẹp trai Ryan, từ đó hình thành nên mạch phim. Các tình tiết diễn ra tương đối hợp lý và có thể chấp nhận được. Kịch bản The Layover còn có ưu điểm là cô đọng. Xem phim không có cảm giác lê thê đến sốt ruột thường thấy ở các phim dạng này. Đôi khi, cô đọng đến mức vắn tắt và dễ bị bỏ sót. Chẳng hạn, chỉ một câu nói của anh chàng lạ mặt trần như nhộng, là đã hàm chứa được việc sau khi Meg bị cẩu xe về đồn thì cô trở về nhà bằng cách nào: cô nàng đi nhờ xe taxi, sau đó trả bằng tình. Một đoạn bị cô đọng đến 50% là việc Ryan sex với cả Meg lẫn Kate, nhưng đạo diễn chỉ cho khán giả xem một nàng, còn nàng kia thì khán giả tự hiểu lấy! Cũng đồng nghĩa chỉ có Alexandra Daddario là phải "hy sinh vì nghệ thuật", còn Kate Upton thì không. Hạn chế lớn nhất của bộ phim là ở dàn diễn viên phụ. Muốn mang lại những tràng cười nghiêng ngả cho khán giả thì phải có toàn cảnh bố cục tốt, trong đó vai trò của tất cả diễn viên đều cần thiết. Không phải ngẫu nhiên ở những bộ phim lớn, có những diễn viên đã có tên tuổi nhưng chỉ được diễn vài cảnh thoáng qua; và không phải ngẫu nghiên mà Oscar lại có giải dành cho diễn viên phụ xuất sắc. Điểm IMDB của bộ phim không cao, có lẽ cũng ở hạn chế này. Có cảm giác như nhà sản xuất The Layover sau khi cast được 2 nàng sao nữ hot thì đã hết ngân sách cho dàn diễn viên phụ. Họ diễn không thật xuất sắc, đôi chỗ còn gượng gạo. Cụ thể là phân cảnh đám đàn ông thả dê ở hộp đêm và ngoài hồ bơi còn thô vụng. Diễn biến bộ phim từ thời điểm 2 cô nàng quyết định không trả thù anh chàng Ryan nữa, thì chuyển sang hơi hướm của một bộ phim tâm lý xã hội. Hai cô nàng thở phào, ngồi phịch xuống ghế khi tự mình giải thoát khỏi nghiệp chướng ái tình. Quyết định này của họ thật ra không quá đột ngột, khi mà họ đã thấy sự quan tâm của những người thân Ryan dành cho đám cưới này. Và nhất là khi họ thấy Genevieve đã thật sự quản được anh chàng đa tình Ryan. Đó cũng là cái kết nhân văn. Sau đó, cảnh chia tay của 2 cô bạn thân ở sân bay mang lại một thoáng bùi ngùi. Nếu là bộ phim tâm lý xã hội thì hoàn toàn có thể kết thúc ở phân cảnh này. Đạo diễn đã cho kéo dài thêm ít phút để bộ phim hài có cái kết tròn trịa. The Layover không phải là bộ phim xuất sắc với những tràng cười ngặt nghẽo. Thật ra ngày nay khán giả đã trở nên am tường các tác phẩm điện ảnh, muốn chọc cười khán giả cũng không phải là dễ. Ngay cả những bộ phim hài một thời vang bóng, giờ xem lại nhiều khi cảm xúc cứ đơ ra, giống như dây thần kinh cười của mình đã bị ai đó cắt đứt hết rồi! Nhưng xét tổng thể, The Layover vẫn có kịch bản tạm ổn, có diễn viên đẹp, có thể lưu lại để dành (nhưng phải ở xa tầm tay trẻ em).
P/S: Xin nói thêm một chút về khía cạnh dịch thuật, The Layover có từ ngữ trau chuốt và có hàm ý không thua gì các phim thể loại khác. Nhiều câu mang theo cả văn hóa, sinh hoạt bản địa nên khi chuyển qua tiếng Việt rất khó chuyển tải hết ý của nguyên bản. Có thể dẫn ra một số trường hợp: - Shot of Turkey: Anh chàng Craig nói cụm từ này với cô nhân viên phục vụ. Ý anh ta là chỉ đứng đây một chút thôi, cô không phải tiến lại hỏi "Quý khách cần gì". Shot of Turkey có lẽ đến từ cảnh đi săn gà tây, người ta phải phân tán đàn gà ra, rồi sau đó chớp thời cơ để tỉa những chú gà nào lọt vào tầm ngắm. - Salt of the Earth: Từ này có nguồn gốc từ sự tích Chúa Jesus nói với những người đi theo mình "You are the salt of the Earth". Đây là những người dân đánh cá và những người có lối sống giản dị. Chuyển qua tiếng Việt, có lẽ hình ảnh người nông dân với tính từ "chất phác" là có thể thay thế được. - Panty Dropper: Từ này ám chỉ một anh chàng rất hấp dẫn (do đẹp trai, tài năng, hoặc đơn giản là lắm tiền) và làm cho chị em phải điên đảo. Dịch là "soái ca sát gái" có thể nói lên được cả 2 đặc tính đó, nhưng cái chất táo tợn của ý nghĩa "hấp dẫn đến mức chị em muốn tuột cái panties ra" thì vẫn chưa thể hiện được! - Big-girl pants: Đây là lời suồng sã chỉ nên nói với người thân thiết. Ý nói bạn còn non lắm, vừa mới trưởng thành, vừa mới chuyển qua mặc quần người lớn. Trong tiếng Việt có những lời chê tương tự, như: lớn rồi còn bú bình, còn sờ ti mẹ, còn mặc tã. Nếu dịch "Big-girl pants" là "Thôi mặc tã" thì sẽ chuyển tải được tính chất suồng sã của câu nói, nhưng lại bị rơi vào tình ngay lý gian: pants là quần dài, sao lại gọi là tã! - Go Falcons!: Câu này đến từ hình ảnh đi săn bằng chim ưng. Khi gặp con mồi thì ra khẩu lệnh rồi tung con chim bay lên. Trong ngữ cảnh phim, dễ thấy Go Falcons mang tất cả tính chất của go ahead, go on, great, yeah... nhưng dịch thế nào để mang được tính falcon thì không ổn. Cách dùng từ thỉnh thoảng mang tính vùng miền. Khi chuyển ngữ tiếng Việt là "Tới luôn bác tài!" thì chắc hợp ở một số nơi, nhưng với nơi khác thì không hợp lắm (falcon thì có liên quan gì đến driver). Trong phim cũng sử dụng rất nhiều thành ngữ hoặc tiếng lóng như: at the Y, girl's trip, to put sth on my tab, to the beat of my own drum... Nói tóm lại là bộ phim này có chăm chút trong việc viết lời cho kịch bản.